10/09/2021
610
Suy niệm Chúa Nhật 24 Thường Niên - Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Lời Chúa: Mc 8,27-35

 

Hôm nay chúng ta cùng với Chúa Giêsu bước vào một giai đoạn cực kỳ quan trọng của cuộc đời Ngài. Ngài nhìn vào sứ mệnh của Ngài là đi vào cái chết. Ngài nói đến cái chết của Ngài như một điều phải xảy ra. Ngài đến trong trần gian này không phải để sống mà để chết, Đức Cha Fulton Scheen đã viết như thế khi viết về cuộc đời của Chúa.

Chúa Giêsu không trốn tránh sứ mệnh của Ngài. Gần như Ngài luôn căng thẳng đến ngày Chúa Cha đã định. Sứ mệnh của Ngài là cứu vớt thế gian bằng sự hi sinh tuyệt đỉnh là chịu treo trên thập giá. Ngài biết rõ Ngài phải làm gì. Chúng ta sợ chết, nhưng Ngài thì không. Chết đối với Ngài là một sứ mệnh. Tiên tri Isaia đã vẽ lên khuôn mặt của Ngài trong bài ca của Người Tôi tớ đau khổ của Giavê. Ngài chấp nhận cái chết và một cái chết đau thương nhục nhã như một nhiệm vụ mà Ngài đã nhận trước.

Đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ bị lung lạc, vì thế Ngài chuẩn bị tinh thần cho các ông để các ông không bị xao động. Trước hết, Ngài muốn các ông hiểu về Ngài như thế nào. Ngài hỏi: “Người ta nói thầy là ai?” Họ bảo Thầy là… là… Ngài lại hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi trực tiếp này đòi hỏi một câu trả lời thành thật. Phêrô thay mặt anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Đây là câu trả lời Chúa đang mong đợi. Sau đó Chúa cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài.

Thánh Maccô chỉ chú trọng đến một điều duy nhất này mà thôi mà không tường thuật những gì Chúa nói sau đó như thánh Matthêu đã tường thuật. Ngài chỉ chú trọng đến mối liên hệ sâu đậm giữa các môn đệ với Thầy mình mà thôi.

Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta như thế: “Chúng con quan niệm Thầy là ai?” Nhiều người trong chúng ta nói rằng mình tin Chúa, nhưng niềm tin của chúng ta còn mù mờ không rõ nét. Vì thế, chúng ta không gắn bó với Ngài một cách mạnh mẽ, chỉ mơ hồ. Giữ đạo chính là gắn bó sống chết với Chúa, nhưng mấy người đã gắn bó với Chúa như Chúa mong ước? Đi lễ vẫn đi, rước lễ vẫn rước, nhưng yêu mến Chúa tha thiết thì mấy người? Chúa đã nói qua miệng các tiên tri: “Ta không cần hy lễ, Ta chỉ muốn lòng thành”. Chúa Giêsu cũng nói: “Không phải ai nói lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu!” Hôm nay, Chúa muốn chúng ta xác định Ngài là ai đối với chúng ta. Ngài không là một bóng mờ trong đời sống, Ngài phải là Đấng chúng ta tôn thờ, Ngài là Đấng Kitô, là Đấng đã đến để chết cho chúng ta, đưa chúng ta vào hạnh phúc làm con của Chúa Cha. Ngài phải là người yêu độc nhất của chúng ta. Đạo công giáo không là một mớ lý thuyết, một mớ lễ nghi hay một số lề luật mà là một vị Thiên Chúa làm người, là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi dám chết cho chúng ta. Gắn bó với Ngài là một việc hiển nhiên. Giữ đạo là yêu mến Chúa, hết lòng, hết sức. Chúng ta có yêu mến Ngài như Ngài mong ước không?

Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa Giêsu liền cấm ngặt không cho ai nói gì thêm, và bắt đầu nói rõ về thân phận của Ngài là sẽ bị các thương tế và kinh sư loại bỏ và sẽ bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Maccô lại thêm: “Ngài nói rõ điều đó, không úp mở”. Ngài muốn đưa các ông vào chương trình của Ngài, chuẩn bị các ông đón nhận những bất ngờ trong sứ mệnh của Ngài. Nhưng Phêrô không hiểu và can giáng Ngài. Ông không thể nào chấp nhận được một thất bại thê thảm như thế của Thầy mình. Ông cứ mơ mộng một sự toàn thắng rực rỡ của Thầy mà ông cũng được chia sẻ. Chúa Giêsu phản ứng rất mạnh: “Satan! Hãy lui ra đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” Satan ở đây có nghĩa là chướng ngại. Phản ứng của Ngài cho thấy Ngài gắn bó với chương trình của Chúa Cha như thế nào. Như đã  nói ở trên, Ngài đã nói rõ: Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Từ phải này nói lên điều gì? Phải chăng là một nhiệm vụ không thể bỏ qua, một nhiệm vụ khẩn thiết và quan trọng nhất của một con người. Ngài đến trong trần gian là để chết, để ban mạng sống, để cho đi và cho đi đến cùng. Chúng ta dám cho đi những gì?

Sau cùng, Ngài gọi đám đông và nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính  mình, vác thập giá mình mà theo”.

Chúng ta muốn theo Chúa không? Bỏ mình, vác thập giá. Hai điều kiện không dễ chút nào! Bỏ mình, vác thập giá. Muốn làm được điều này phải nhìn vào Chúa, kết hiệp với Ngài chứ sức riêng của con người không thể làm được. Chúa biết theo Ngài là một điều khó, Ngài sẵn sàng giúp chúng ta bằng cách đến trợ lực cho chúng ta, cho chúng ta ăn lấy Ngài để, một khi làm một với Ngài, chúng ta đủ can đảm để theo Ngài, chúng ta dám bỏ mình, dám liều mạng cho Ngài và cho anh em. Hãy ăn lấy Ngài vì không có Ngài chúng ta chỉ là tro bụi. Đây luôn là một hồng ân quí báu mà nhiều người không muốn hưởng nhờ. Chúng ta hãy đến ăn lấy Ngài vì chính Ngài mới là nguồn bình an và hạnh phúc của chúng ta. Sống với Ngài, chúng ta sẽ dám cho đi tất cả, mất để tìm thấy lại, chết để được sống.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho