26/08/2020
475
Suy niệm Chúa Nhật 22 thường niên - Năm A_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 16,21-27

 

Sau khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa mới tỏ cho các ông biết số phận tương lai của Ngài là sẽ bị các đầu mục và thương tế Do thái bách hại và bị giết. Làm sao có thể có chuyện đó được? Phêrô lồng lộn và kéo Thầy ra riêng rồi nói: “Xin Chúa đừng để Thầy như thế”. Chúa phản ứng ngay: “Xatan, hãy lui ra khỏi Thầy, anh cản trở Thầy!”

Ở đây, chúng ta thấy lộ ra nhiều điều tương phản: Chúa Giêsu vừa gọi Phêrô là Tảng đá trên đó Ngài sẽ xây Giáo Hội của Ngài, và sau đó, Ngài gọi ông là Satan, có nghĩa là chướng ngại. Sự việc này giúp chúng ta nhìn thấy sự yếu đuối của con người đứng trước cuộc sống. Con người có thể thay đổi bất cứ lúc nào, có thể quay một trăm tám mươi độ trong giây lát. Vì thế thánh Phaolô dạy chúng ta: “Ai đứng vững thì coi chừng kẻo ngã”. Chúng ta không thể tin vào sự khôn khéo của mình.

Tương phản thứ hai: Chúa Giêsu vừa được Phêrô tuyên xưng là Con Thiên Chúa hằng sống, thì Ngài lại nói đến cái chết và đau khổ. Con Thiên Chúa hằng sống mà lại phải chết và chết một cách đau thương không thể tưởng được. Đức Hồng y Fulton Sheen đã viết một quyển sách về cuộc đời Chúa Giêsu, trong tựa đề ngài nói: “Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để chết”. Và đúng thế, Ngài chết để chúng ta được sống. Ngài không sống lâu nơi trần gian. Ngài chỉ sống để làm trọn ý Cha Ngài là mang lại sự sống mới cho chúng ta.

Tương phản thứ ba: Chúa nói rằng Ngài sẽ bị hành hạ rồi giết chết, thế nhưng Ngài lại báo trước là sẽ sống lại. Có ai chết mà sống lại? Vì thế, các môn đệ không để ý đến điều đó cho đến khi Chúa sống lại thật mới tin và cũng không dễ dàng tin. Chúng ta tin vì chúng ta đã được nghe biết rõ ràng, còn các ngài thì không. Điều này chứng tỏ chương trình của Chúa không giống như những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Phêrô đã nghĩ như ông tưởng và đã trở thành chướng ngại cho Chúa: Tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Chúng ta cần theo ý Chúa chứ không bắt Chúa phải theo ý chúng ta. Rất nhiều người cầu nguyện như muốn buộc Chúa theo ý mình và nếu không được như ý thì buồn nản, thất vọng. Chúa Giêsu hoàn toàn theo ý Cha Ngài, vì thế chúng ta thấy Ngài phản ứng rất mạnh khi Phêrô cản trở Ngài.

Sau đó Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi: “Ai muốn theo Thầy phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Khi mời gọi theo mình, người ta thường hứa hẹn những điều tốt đẹp, những quyền lợi hấp dẫn. Nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại. Vậy ai sẽ theo Ngài? Ai dám theo Ngài? Các tông đồ, khi theo Ngài cũng đã tưởng lầm rằng sẽ được hưởng lợi lộc, sẽ được ngồi bên hữu bên tả Thầy, nhưng dần dần Chúa hướng dẫn các ông từ bỏ tất cả và dám dấn thân với Ngài, nhưng phải đợi đến lúc Ngài sống lại mới hiểu được theo Ngài là gì.

Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta hôm nay là: chúng ta có theo Chúa thật không? Chúng ta dám theo Chúa không? Các môn đệ, ngày nào hăng hái theo Thầy vì thấy những phép lạ ngoạn mục của Thầy, thấy dân chúng nô nức hoan hô Thầy, nhưng khi Thầy bị bắt, họ đã ở đâu?

Chúng ta đang ở trong một thời khó khăn gần như về mọi mặt. Thế giới hôm nay tìm hết mọi cách để loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống. Vấn đề kinh tế được đưa lên hàng đầu, những cám dỗ không thiếu trong mọi lãnh vực. Cuộc sống hưởng thụ lấn át mọi hoạt động của con người. Lời Chúa mời gọi gần như chìm mất trong hỗn loạn của cuộc sống đầy lo âu của chúng ta. Chúng ta còn dám tin Chúa nữa không? Chúng ta đang đứng trước một lựa chọn cam go: Chúa hay thế gian. Chúa trao trong tay chúng ta tương lai của Ngài. Ngài tôn trọng tự do của chúng ta đến nỗi không buộc chúng ta theo Ngài. Ngài chỉ mời gọi. Ai lắng nghe tiếng Ngài, dám chọn con đường từ bỏ, dám theo ý Ngài trong mọi sự, mới tìm thấy Ngài. Đây là lúc chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta đi tới, hướng về tương lai chứ không khư khư trong những lo âu vật chất của chúng ta. Lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta mới thấy được tương lai của chúng ta không ở trong những lợi lộc trần gian mà chỉ tìm thấy hạnh phúc trong Chúa mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi sự, từ bỏ chính mình, chúng ta mới biết được tự do là gì, chúng ta mới vui mừng bước đi giữa mọi cam go thử thách, chúng ta mới thấy liều mạng cho Chúa là một niềm vui mà thế gian không thể biết.

Trước khi chúng ta dám liều mạng cho Chúa, thì chính Chúa Giêsu đã liều mạng cho chúng ta trước. Ngài dám chết cho chúng ta và hôm nay, mỗi ngày, Ngài vẫn liều mạng cho chúng ta khi ban cho chúng ta tất cả thịt máu Ngài làm của ăn. Đó phải chăng là một sự liều lĩnh tuyệt vời không? Đó chính là sự liều lĩnh của tình yêu. Đó là tiếng gọi mãnh liệt nhất: “Hãy theo Thầy”.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho