10/03/2017
1290
Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay A_ Lm Giuse Minh




 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A

St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

“TỪ TABOR ĐẾN GOLGOTHA”

 

Chúa Nhật I Mùa Chay đưa chúng ta vào hoang địa, và nhìn ngắm Chúa Giêsu chiến thắng những cám dỗ của Satan, giúp chúng ta phấn đấu theo gương Người trong suốt mùa chay và trong suốt cả đời sống Kitô hữu. Hôm nay phụng vụ nhắc lại chuyện Chúa biến hình trên núi như là hình ảnh báo trước vinh quang phục sinh đang chờ Người ở bên kia mầu nhiệm thập giá. Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Người, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ để họ can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá.

Bức tranh sau đây của họa sĩ người Ý, Raphael (1483-1520) mang tựa đề “Cuộc biến hình” (Transfiguration) một trong những tác phẩm danh tiếng của ông, đã diễn tả đau khổ và thập giá là sự kiện hiển nhiên. Cuộc sống con người hầu như tiến bước trong đêm tối, và xem ra được hình thành từ nghi ngờ, sợ hãi và nước mắt. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức, không một ai có thể tránh khỏi. Vì thế, con người cần ánh sáng chiếu soi vào bóng tối của cuộc đời mình. Ánh sáng ấy đến từ đâu? Cuộc biến hình của Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời: Muốn vào chốn vinh quang với Ngài, con người phải trải qua thập giá với Người.

Bức tranh vẽ có hai phần. Phần trên diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong sự sáng láng và vinh quang của Ngài, mặt Ngài chiếu sáng, áo Ngài trắng như tuyết, bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài. Ở bên phải là ông Môsê, đại diện cho luật cũ, và bên trái là tiên tri Êlia, đại diện cho các tiên tri của Cựu ước. Ở dưới chân của Chúa Giêsu là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong sự sửng sốt và kinh ngạc khi thấy vinh quang thiên quốc của Ngài.

Trái lại, phần dưới bức tranh tối tăm u buồn. Trong cái u tối đó có một bé trai bị bệnh, đang đau đớn quằn quại trên chiếc giường nhỏ, gia đình qui tụ xung quanh, cùng với chín Tông đồ còn lại. Một Tông đồ đang chỉ tay vào em bé đang bị bệnh, và một Tông đồ khác chỉ tay hướng về Chúa Giêsu trên đường đi xuống núi, các Tông đồ không thể chữa được cơn bệnh ngặt nghèo của em bé, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa được. Em bé trai phải hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài.

Sau khi Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin và Đức Giêsu đã loan báo với các môn đệ về cuộc thương khó sắp đến của Người, thì xảy ra sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật. Đó là cuộc biến hình trên núi của Đức Giêsu để tỏ bày vinh quang phục sinh mà Chúa Cha sẽ dành cho Ngài. Vậy bài Tin Mừng của Thánh Matthêu (17,1-9) trong Thánh lễ hôm nay có liên hệ gì đến Mùa Chay? Và qua bài Tin Mừng chúng ta rút ra được bài học gì?

I. Bài Tin Mừng và Mùa Chay

Mùa Chay là thời gian chuẩn bị mừng và sống sự kiện Đức Giêsu chết và sống lại, để chúng ta cũng biết chết và sống lại theo gương Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay đã nói đến gương ấy. Đức Giêsu biến hình dạng: Vinh quang của Ngài đã sáng chói từ nội tại ra đến y phục bên ngoài, đến nỗi mắt phàm cũng trông thấy. Bấy giờ ông Môsê và ông Êlia xuất hiện. Đây là hai nhân vật Cựu ước đã ra đi và hôm nay, xuất hiện bên tả hữu Đức Giêsu. Thấy Đức Giêsu chói ngời, lại thấy hai nhân vật vĩ đại hiện ra, Thánh Phêrô xin được cất lều cho các Ngài. Cất lều, vì Thầy và hai khách quí cần phải có nơi trú ẩn và cũng có lẽ là vì bấy giờ là nhân dịp Lễ Lều.

Trong quang cảnh uy nghiêm ấy, bất ngờ Chúa Cha lại phán: “Đây là con yêu dấu Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Khi công bố như vậy, Chúa Cha muốn nói hai điều. Một là Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, như Thánh Vịnh 2,7 đã tiên báo. Hai là Đức Giêsu là vị Ngôn sứ vĩ đại mà Thiên Chúa đã hứa ban và dân Chúa phải nghe, như sách Đệ Nhị Luật cho biết (Đnl 18,15).

Như thế, điểm chính yếu mà Chúa Cha muốn nói và Giáo Hội muốn nhắc lại hôm nay là “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” và chúng ta phải tin theo.

Hôm ấy, Thánh Phêrô như muốn ở luôn trên núi, nhưng không được. Sau mấy phút vinh quang, Đức Giêsu xuống núi, đi Giêrusalem để lên núi, lên đồi Gon-gô-tha. Đây mới là núi đưa lên vinh quang vĩnh cửu.

II. Sự biến hình của Kitô hữu:

Đức Giêsu đang tiến đến Giêrusalem đón nhận cái chết theo ý muốn của Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Đáp lại sự vâng phục đầy tình yêu của Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban lại vinh quang, danh dự và quyền năng tối thượng cho Người. Sự kiện biến hình do đó là hình ảnh tiên báo vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu mà Chúa Cha sẽ dành cho Người. Khi nghe Thầy mình tuyên bố về cuộc khổ nạn, các tông đồ mà đại diện là Phêrô đã cảm thấy bất an, lo âu và muốn tháo lui. Các ông đã ngăn cản Người lên Giêrusalem. Cho nên, việc Người biến hình cho các ông thấy trước vinh quang mà Người sẽ nhận được sau khổ nạn là lời động viên các ông hãy can đảm đón nhận những biến cố bi thương sắp xảy đến; cũng là lời khích lệ đức tin để các ông kiên tâm và bền đổ đi theo làm môn đệ của Người.

Qua Bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu cũng được biến hình với Đức Kitô, nghĩa là cũng chiếu tỏa vinh quang của Người cho con người và thế giới hôm nay. Nhưng vinh quang chỉ thực sự tỏ rạng khi băng qua những đau khổ và sự khiêm hạ của thập giá. Cũng như Chúa Giêsu sống vâng phục thánh ý Chúa Cha, người tín hữu hãy tin rằng sau sự vâng phục, sau sự khổ nạn luôn là niềm vui và vinh quang lớn lao. Như Abraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện để can đảm dấn thân lên đường theo Lời Chúa và đã trở nên Cha của những kẻ tin (Bđ 1); Thánh Phaolô khẳng định: Theo Đức Kitô, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Ngày nay mỗi Kitô hữu cần trung thành với đức tin của mình và bền tâm vững chí hy vọng vào lời hứa của Chúa.

Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Đó là lý do tại sao câu chuyện Chúa Giêsu biến hình được sắp xếp cử hành trong Mùa Chay. Giống như em bé trai thống khổ trong bức tranh vẽ của Raphael, chúng ta không bao giờ thất vọng khi nhìn ngắm vào thập giá của Chúa Giêsu, mà phải luôn tìm kiếm Ngài trong vinh quang. Chỉ khi nào chúng ta tin theo Ngài và bước trên con đường thập giá với Ngài, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Ngài. Người môn đệ của Ngài còn phải làm những gì Đức Giêsu dạy bảo, là sống đạo và chu toàn nhiệm vụ Chúa trao cho, dầu đời sống và nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải vác thập giá hằng ngày. Thập giá đây là một cuộc sống lành mạnh và can đảm: Mến Chúa và yêu người thực sự. Mến Chúa là Đấng Sáng Tạo và tha thứ mỗi khi chúng ta sám hối sau khi lỗi lầm. Yêu anh em loài người, dù cho người anh em ấy không cùng quan điểm hoặc không tốt bụng với chúng ta. Đó chính là những thập giá đưa chúng ta đến vinh quang, đến đời sống vĩnh hằng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn can đảm tiến bước trên đường chông gai vạn nẻo với niềm hy vọng biến cố phục sinh của Chúa bừng sáng trong cuộc đời chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang trong nước của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Phạm Minh Thanh

Gp. Mỹ Tho