26/02/2021
785
Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm B_Lm Trầm Phúc
















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 2 Mùa Chay

Lời Chúa: Mc 9,2-10

 

Chúa Giêsu tỏ mình sáng láng cho các môn đệ. Đây là một hành động bất thường trong cuộc sống của Ngài. Ngài luôn sống bình dị như mọi người. Không ai thấy Ngài tỏ lộ uy quyền của Ngài ngay cả khi làm phép lạ, Ngài cũng không muốn ai biết. Thế nhưng hôm nay, Ngài tỏ ra khác thường trên đỉnh núi trước mặt các môn đệ được chọn lựa. Ngài muốn gì, hay Chúa Cha muốn tỏ cho các môn đệ biết rõ thân thế thần linh của Ngài?

Ngài dẫn ba môn đệ thân tín nhất của Ngài lên đỉnh núi. Và đột nhiên mọi sự đều biến đổi, từ chiếc áo cho đến con người. Y phục của Ngài trở nên ánh sáng rực rỡ. Các môn đệ kinh ngạc khi thấy hai ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Mọi sự xảy ra nhanh đến mức độ Phêrô và các môn đệ kia không kịp phản ứng. Phêrô lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật tuyệt! Xin Thầy cho chúng con dựng ba lều, một cho Thầy và cho các ông Môsê và Êlia”. Thánh sử ghi lại: “Ông Phêrô không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.

Sự xuất hiện của hai ông Môsê và Êlia là đại diện cho Cựu Ước chứng tỏ rằng Chúa Giêsu tiếp nối chương trình của Chúa đã được loan báo trong Cựu Ước. Ngài kiện toàn những gì mà Cựu Ước chỉ báo trước mà thôi. Thánh sử cũng không nói hai ông Môsê và Êlia đã nói với Chúa Giêsu những gì, nhưng nếu chúng ta đọc tường thuật của thánh Luca thì thánh nhân nói rằng hai ông đã nói về cuộc xuất hành mà Chúa Giêsu phải hoàn thành tại Giêrusalem. Nhưng những gì xảy ra sau đó mới quan trọng. Một đám mây bao phủ các ngài và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Trong Cựu Ước, thời Môsê, Thiên Chúa luôn ngự trong áng mây. Các tiên tri như Isaia hay tiên tri Êdêkien cũng nói đến việc Chúa ngự xuống trong áng mây.

Đây là lần thứ hai Chúa Cha công nhận Chúa Giêsu là Con yêu quí của Ngài. Lần trước là ở bờ sông Giođan khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, và hôm nay một lần nữa Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, mặc dù mang lấy thân xác con người như chúng ta, vẫn là Con của Chúa Cha, là Thiên Chúa. Và Chúa Cha đòi hỏi chúng ta: Hãy nghe lời Con của Ngài. Qua Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy tình yêu của Chúa Cha. Ngài đã yêu thương chúng ta và đã ban Người Con Một, để đưa chúng ta về với Ngài.

Không mấy người trong chúng ta đã nhận ra tình yêu của Chúa. Nhận ra tình yêu của Chúa, chúng ta mới cảm thấy cần phải đền đáp. Rất nhiều người chỉ biết đọc kinh mà không bao giờ yêu mến Chúa. Nhiều người chỉ giữ một thứ đạo ngoài da chứ không thật lòng gắn bó với Chúa. Họ chỉ thích những gì đẹp ý họ như Phêrô ở trên núi muốn dựng ba lều để ở lại với Chúa vì ông thích quá. Giữ đạo không phải là dừng lại ở một giai đoạn nào đó vừa ý mình mà là vâng phục ý Chúa Cha như Chúa Giêsu. Giữ đạo là dám theo Chúa dù phải bỏ mình, vác thập giá, dù phải chết treo trên thập giá. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Ta, người ấy giữ lời Ta”. Chúa Cha từ trong áng mây cũng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài”. Chúa Giêsu cũng đã nói: “Không phải ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa mà vào được Nước Trời, nhưng là nghe và tuân giữ lời Chúa”. Con đường hạnh phúc của chúng ta là tuân giữ lời Chúa. Không thể có con đường nào khác. Mọi thứ giả tạo chỉ là chóng qua, phù phiếm.

Vấn đề của chúng ta là có tuân giữ lời Chúa không? Chúng ta dễ xem lời Chúa như một sự ràng buộc, nhưng chỉ có lời Chúa mới giải thoát chúng ta. Hãy như tiên tri Giêrêmia đã nói: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành hoan lạc của lòng con”.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, lời Chúa không chỉ là một tiếng nói, một âm thanh mà là Ngôi Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy”. Tiếp nhận lời Chúa là tiếp nhận chính Ngôi Lời Thiên Chúa. Lời Chúa sẽ thấm nhập vào chúng ta và sẽ hướng dẫn mọi hành vi cử chỉ của chúng ta đúng theo ý muốn của Cha trên trời. Vậy nghe và tuân giữ lời Chúa chính là đón nhận Ngôi Lời hằng sống. Chúa Cha muốn như thế. Và ai đón nhận Chúa Con thì cũng đón nhận Chúa Cha. Nhưng bao nhiêu đó cũng chưa đủ, Chúa Giêsu muốn đi xa hơn. Ngài muốn đến tận trong chúng ta, trong con người chúng ta, trong xương thịt chúng ta, chia sẻ cuộc sống khổ đau của chúng ta, giúp chúng ta bền vững trong tình yêu Ngài. Ngài tự biến mình thành một tấm bánh để chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta. Có điều gì lạ lùng hơn không? Điều đó chứng tỏ tình yêu của Ngài đã đi đến tột đỉnh. Chúng ta sẽ làm gì? Đón tiếp Ngài với tất cả tấm lòng thành và yêu mến Ngài như Ngài ước mong. Đó phải chăng là hạnh phúc tuyệt diệu không?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho