10/07/2020
879
Suy niệm Chúa Nhật 15 thường niên - Năm A_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 15 Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 13,1-23

 

Người gieo giống ra đi gieo giống. Dụ ngôn rất dễ hiểu. Người gieo giống hôm nay chính là Chúa Giêsu. Ngài đã đến trần gian và đã khó nhọc gieo hạt giống lời Ngài, Lời hằng sống. Đã hơn hai mươi thế kỷ rồi, hạt giống vẫn còn nằm trong những luống cày của nhân loại. Nó đã sinh hoa kết quả như thế nào, chúng ta đều biết. Một phần ba nhân loại chưa biết đến Tin Mừng của Chúa. Trong thời hiện tại, thời kỷ thuật số, lời Chúa càng bị chôn vùi nhiều hơn. Những phương tiện truyền thông hôm nay gần như che lấp hết mọi lãnh vực và người ta chỉ lo chăm chú theo dõi những diễn biến của thời sự hơn là tìm hiểu lời Chúa. Khắp nơi, những cuộc bách hại tàn khốc vẫn tiếp diễn. Tội ác vẫn hoành hành và càng ngày càng gia tăng cường độ. Lời Chúa gần như không còn chỗ đứng trong xã hội loài người. Chúng ta, những người tin Chúa nghĩ sao? Chúng ta có bi quan trước sự thất bại gần như quá rõ nét của lời Chúa không?

Không, chúng ta không bi quan, nhưng ngược lại, chúng ta nỗ lực nhiều hơn, hăng say hơn. Chúa đang thúc đẩy chúng ta, đừng thụ động nhưng hãy kiên trì hơn. Chúa vẫn nhẫn nại tiếp tục gieo, dù thời tiết có thuận lợi hay không. Thánh Phaolô cũng đã nói với ông Timôthê, môn đệ của ngài: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện… Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo dục vọng của mình… Phần anh, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng”.

Chúng ta được sai đi, mọi người đã được rửa tội phải là một chiến sĩ Lời Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Đây là một vấn đề mà nhiều người tín hữu không để ý. Cứ tưởng rằng nhưng linh mục hay tu sĩ mới có thể truyền giáo, còn giáo dân thì cứ lo giữ đạo. Giữ đạo không chỉ là dự lễ hay đọc kinh mà là truyền giáo. Lãnh nhận để cho đi. Chúng ta lãnh nhận chính Chúa, chúng ta phải trao ban Chúa cho người khác chứ không giữ riêng cho mình. Trao ban bằng lời nói, việc làm, bằng cả cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hãy nhớ rằng chúng ta là ánh sáng thế gian. Mỗi lời nói hay việc làm tốt đều là ánh sáng. Người ta sẽ nhận thấy Chúa qua những lời nói đầy thông cảm của chúng ta, qua nụ cười, qua mọi hành vi phục vụ của chúng ta. Đó là cách gieo hạt của chúng ta. Một linh mục kể lại câu chuyện nhỏ này: ngày kia, ngồi trên xe chờ xe chạy (câu chuyện này xảy ra vào năm 1978), cha lấy thuốc ra hút, nhưng kề bên cha có một cô gái nên cha quay sang nói: “Xin phép cô cho tôi hút thuốc nhé”. Cô gái vừa cười vừa trả lời: “Xin bác cứ tự nhiên”. Vì cha mặc đồ thường nên không ai biết là linh mục. Khi hút xong điếu thuốc cô ấy quay sang cha và nói: “Thưa bác, bác có phải là một giáo sư hay một linh mục không ạ?” Cha trả lời: “Sao cô hỏi như vậy?” Cô trả lời: “Chưa bao giờ tôi thấy một người xin phép tôi hút thuốc cả. Người mà lễ độ như vậy thì phải là một giáo sư hay là một linh mục.” Cô ấy là người công giáo. Tôi thành thật trả lời: “Đúng như cô nói, tôi là một linh mục”. Cô ấy mừng rỡ quay lại: “Thưa Cha, con ở họ đạo N… Con không biết cha là linh mục”. Và câu chuyện trở nên thân mật vui vẻ. Chỉ cần một lời nói lễ phép thôi, người ta cũng nhận ra ánh sáng nơi chúng ta.

Muốn trở nên ánh sáng, chúng ta cần xem lại bản thân chúng ta. Chúng ta là thửa đất nào, đã tiếp nhận hạt giống lời Chúa như thế nào. Nếu chúng ta chỉ là một bờ đê thì hạt giống sẽ bị cướp đi mất trước khi nó nẩy mầm. Nếu chúng ta chỉ là một thửa đất đầy sỏi đá thì hạt giống cũng không thể sống nổi. Nếu chúng ta là một thửa đất đầy gai góc, thì hạt giống sẽ bị chết ngạt. Chúng ta phải là những thửa đất tốt, màu mỡ, hạt giống lời Chúa mới sinh hoa kết quả. Muốn trở thành một thửa đất tốt, hãy cố lượm những viên đá tham lam, ích kỷ. Phải bứng gốc những bụi gai ham mê vật chất đi thì mới có thể đón nhận hiệu quả lời Chúa. Công việc này ít người muốn làm, nhưng lại là việc cần thiết. Hãy can đảm, vì tình yêu Chúa quí hơn mạng sống.

Chúa Giêsu không chỉ là người gieo giống, Ngài trở thành hạt giống mà Chúa Cha đã gieo vãi vào trần gian. Ngài đã chấp nhận thân phận con người, chìm sâu trong kiếp người của chúng ta, lớn lên trong lao nhọc, và sau cùng, chết treo trên thập giá. “Nếu hạt giống không thối đi thì nó chỉ nằm trơ đó thôi, nhưng khi nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Với Ngài, chúng ta cũng phải trở nên hạt giống tốt Chúa gieo vào giữa cuộc sống. Chúng ta đủ can đảm để tan nát ra, không sống cho mình nửa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta, để cho đi mà không đòi hỏi lại, để phục vụ vô điều kiện như Chúa Giêsu không? Ơn gọi của Kitô hữu là đây.

Chúa Giêsu cũng là hạt giống được gieo vào trong xương thịt mỗi người chúng ta qua tấm bánh nhỏ mà Ngài đã biến nó thành thịt máu Ngài. Ngài muốn lớn lên và sinh hoa kết quả trong chúng ta. Chúng ta sẽ dâng cho Ngài thửa đất như thế nào?

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho