23/12/2021
645
Suy niệm  Lễ Thánh Gia Thất - Năm C_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lễ Thánh Gia Thất - Năm C

Lời Chúa: Lc 2,41-52

 

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia Thất và cầu nguyện cho việc thánh hóa các gia đình. Thánh gia xem như mẫu gương của các gia đình. Nhưng lạ thay, gia đình này không giống như các gia đình của chúng ta. Trước mặt xã hội, Giuse đã thực sự là chủ gia đình, là chồng của Maria, nhưng trong thực tế Giuse chỉ là một chủ gia đình theo pháp luật mà thôi.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Giuse có yêu Maria không? Chắc chắn có. Giuse là một thanh niên ngoan đạo và cũng muốn lập gia đình như mọi người. Theo luật Do Thái, không có vấn đề tự do chọn lựa mà do quyết định của gia tộc. Các bô lão trong gia tộc họp nhau và xét việc lập gia đình cho các thanh niên nam nữ trong gia tộc. Giuse là người có quyền ưu tiên cưới Maria theo thể thống bà con thân tộc. Người Do Thái chỉ cưới lấy nhau trong dòng tộc mà thôi. Giuse được đính hôn với Maria và thời kỳ đính hôn là một năm. Trong thời gian đính hôn, đôi trẻ được gặp nhau, thân mật với nhau và có quyền sống như vợ chồng. Tuy nhiên người Do Thái không dễ chấp nhận điều đó. Chúng ta đã biết trong thời gian đó, Maria đã đi thăm bà Êlisabet ba tháng, sau đó về nhà và Giuse đã biết được Maria đã mang thai và định âm thầm rời bỏ nàng. Nhưng chúng ta đã biết Chúa đã can thiệp và đến thời đã định Giuse đã rước Maria về nhà.

Còn Maria thì sao? Chắc chắn nàng là một thiếu nữ đoan trang thầm lặng và đạo đức. Nàng phải theo luật chung là được đính hôn khi đến tuổi. Nàng được đính hôn với Giuse và cũng chờ ngày về nhà chồng. Nhưng có một điều lạ là Maria đã nguyền giữ mình đồng trinh như lời nàng đã nói với thiên thần: Việc ấy xảy ra thế nào vì tôi không biêt đến việc vợ chồng?” Và chúng ta đã biết những gì đã xảy ra.

Giuse đã đón Maria về nhà mình. Và Chúa Giêsu đã đến.

Gia đình Nadaret là một gia đình biệt hạng. Giuse là chủ gia đình. Ông phải lo mọi sự để nuôi sống gia đình, nhưng lạ một điều là Giuse và Maria không bao giờ là “một xương một thịt” như  Kinh Thánh đã nói. Hàng xóm vẫn xem như Giêsu là con của bác thợ Giuse và của bà Maria.

Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta suy nghĩ về việc Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ mà cha mẹ không hay biết. Các ngài phải đau đớn tìm con suốt ba ngày mới gặp con trong Đền thờ, ngồi giữa các bậc tiến sĩ, hỏi và trả lời những câu hỏi của các vị. Đáng lẽ Giuse lên tiếng, nhưng ông nhường cho Maria lên tiếng. Quyền trong gia đình Do Thái là do người cha, nhưng ở đây, chúng ta thấy Giuse im lặng, vì ông biết ông chỉ là người bảo trợ mà thôi.

Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ vì Ngài cần phải làm những gì Cha trên trời đòi buộc: Cha mẹ không biết rằng con có bổn phận ở nhà của cha con sao?”

Gia đình Nadaret được nên như mẫu gương của mọi gia đình tín hữu vì trong gia đình đó, mỗi người đều sống cho Chúa bằng những công việc hằng ngày của mình. Mọi người đều sống cho nhau. Giêsu cùng với cha mẹ trở về Nadaret và thánh sử nói rõ: Chúa Giêsu vâng phục các ngài… Còn Giêsu thì ngày càng lớn thêm khôn ngoan… và thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người”. Và Maria hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”.

Nếu mỗi gia đình chúng ta, mỗi người đều sống như thánh thất thì tốt đẹp biết bao! Nếu như thế thì làm sao có những bi kịch xảy ra?

Chúng ta nhìn thấy chung quanh chúng ta bao nhiêu là thảm kịch xảy ra hằng ngày trong các gia đình. Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội vô đạo, nạn phá thai, nạn ly dị đang tàn phá các gia đình một cách khủng khiếp. Những phương tiện truyền thông trình cho chúng ta biết bao nhiêu cảnh tượng dâm ô, đồi trụy. Chúng ta hãy bảo vệ gia đình chúng ta bằng việc cầu nguyện, bảo vệ con cháu chúng ta khỏi những cám dỗ hằng ngày bằng đời sống thân mật với Chúa, bằng một tình yêu không sứt mẻ. Chớ gì mỗi gia đình chúng ta thành một gia đình Nadaret, âm thầm nhưng thánh thiện, đặt Chúa vào giữa gia đình, giúp nhau hằng ngày yêu mến Chúa.

Chúa Giêsu đã sống giữa chúng ta, đã kinh nghiệm tất cả những gì các gia đình phải trải qua, Ngài luôn bênh đỡ yêu thương chúng ta và vẫn đến với chúng ta hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, trở nên của ăn cho mọi người. Chúng ta cảm thấy gì khi Chúa chúng ta trở thành của ăn cho chúng ta? Phúc cho gia đình nào luôn có Chúa ở giữa gia đình và phục vụ Chúa như Thánh Thất. Hãy cầu xin cho mọi gia đình được luôn cố gắng sống theo gương Thánh Thất, yêu thương và phục vụ lẫn nhau và đồng thời phục vụ những người bất hạnh hơn chúng ta.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho