30/07/2022
266
Chúa Nhật XVIII Thường Niên C_Marie Francois Phạm Quỳnh Anh






 

 










CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN C

31.07.2022

 

Hầu hết những khao khát của con người thì rất chính đáng và rất hợp lý xét theo chuẩn mực trần thế. Được sở hữu tài sản, có danh vọng ở đời, đầy thế lực ở đời và chiếm được tình cảm công chúng, mấy điều này ai mà không mơ ước! Tuy nhiên, ước mơ cho nhiều mà thực tế thì ‘mấy ai tròn mộng tròn mơ’? Lời Chúa hôm nay phơi bày thực tế rằng dù sở hữu được tất cả những lợi thế trên đời, ta cũng không thể nắm giữ mãi mãi trong tầm tay của một kiếp nhân sinh quá ngắn ngủi. Đại dịch Covid-19 vừa qua phơi bày hiện trạng cuộc sống mong manh, sự hào nhoáng bên ngoài không giúp ích được gì cho con người trước cuộc ‘tấn công chớp nhoáng’ từ một loài hữu sinh nhỏ hơn con người tỷ tỷ lần.

Giảng Viên cảnh tỉnh những ai lấy sự nghiệp trần gian làm cùng đích sẽ có ngày vỡ lẽ, bẽ bàng khi biết bao cố gắng của họ suốt đời giờ trả lại hư không. Thành tựu vĩnh cửu của đời người không thể đổi bằng quyền lực và tiền tài, Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê nhắc nhở các Ki-tô hữu chúng ta hãy tìm kiếm những sự trên trời, đừng lo những của cải trần thế. Cao điểm là bài đọc Tin Mừng chỉ dẫn hướng đi cho những khát vọng và nỗ lực của con người: giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, của cải chẳng giúp được cho con người trước sự chết. Hãy làm giàu cho đời sống thiêng liêng và tích trữ kho tàng trên Nước Thiên Chúa thì hơn.

1. Bài đọc 1: Gv 1,2; 2,21-23

Hãy tưởng tượng, từ trên ngọn hải đăng xa xa, ta đang chiêm ngưỡng một ngôi biệt thự nằm bên triền đồi ven biển, cấu trúc từ đá cẩm thạch hướng đông xinh đẹp: lối kiến trúc tân tiến độc đáo, cửa sổ, cửa chính bằng kính cường lực chất lượng cao hướng nhìn ra biển đẹp mê hồn, xa xa có những con thuyền lướt trên mấy gợn sóng xanh biếc, đột nhiên có một con sóng dữ từ đáy biển vùng lên tràn qua ngôi biệt thự, tất cả sụp đổ, bị cuốn trôi theo dòng nước giận dữ đục ngầu. Trong một cú sốc, biết bao mất mát to lớn về tiền bạc, vật chất và công sức đầu tư lướt qua tâm trí ta. Chưa hết bàng hoàng, ta tự hỏi tại sao ngôi biệt thự có kết cấu vững chãi như thế lại sụp đổ dễ dàng và yếu ớt như một tổ kiến không hơn! Ta đi tìm câu trả lời, các nhà kiến trúc tài giỏi sớm lý giải rằng kết cấu nền móng không cắm sâu vào sườn núi mà chỉ đục vào một phần sườn núi, kết cấu nền-móng không vững nên ngọn núi không thể níu giữ căn biệt thự trước đợt sóng dâng trào thình lình.

Cuộc sống của chúng ta giống như một tòa nhà. Những thành tựu và tài sản của chúng ta là cấu trúc thượng tầng của các cột trụ, cửa sổ, cửa ra vào, mái nhà, v.v... Niềm tin, hy vọng và tình yêu của chúng ta quyết định sức mạnh cho cấu trúc nền tảng của chúng ta. Nếu đức tin của chúng ta không ở nơi Thiên Chúa Hằng Sống, và hy vọng của chúng ta lại kết nối với mấy thứ an toàn giả tạo là tiền tài, danh vọng, thế lực ở đời, còn tình yêu thì cấu trúc bởi lòng ích kỷ, thì chúng ta đoan chắc mình có một cấu trúc nền tảng yếu. Vậy, tất cả những thành tựu và tài sản của chúng ta sẽ sụp, rồi bị cuốn trôi trong tích tắc như sự thể chúng ta tưởng tượng lúc nãy. Do đó, sách Giảng Viên viết rằng: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2).

Sách Giảng Viên hát một bài ca về sự hư không của loài người qua môi miệng của vua Sa-lô-môn, người đã trải nghiệm tất cả những sự vinh quang mà thế giới này ban tặng. Khi chúng ta đọc những dòng hiện sinh này, hãy xem xét một cách cẩn thận xác quyết của tác giả sách Giảng Viên – rằng ‘mọi thứ chúng ta có được dưới ánh mặt trời đều là hư không’.

Chúng ta cảm nhận sự vô tận của nắng ấm mặt trời, ngọn gió thổi vi vu, dòng suối trong lành chảy ra biển cả bao la. Còn chúng ta? Quá giới hạn, dẫu nỗ lực bao nhiêu, cũng không thể níu kéo gang tấc tuổi đời. Qua bao nhiêu thế hệ, bài toán cộng tuổi đời cho kiếp người vẫn không có gì thay đổi và tiến bộ hơn. Lợi ích gì nếu chúng ta rời bỏ Thiên Chúa để lao theo lợi ích cho riêng mình? Con đường danh – lợi – thú của đời này chỉ là vòng tròn khép kín mấy bước đi bước lại ở cùng một chỗ, và giống như một kẻ lạc mất phương hướng, mất Thiên Chúa, chúng ta đánh mất cơ hội để hoàn thiện đời sống, lẩn quẩn mãi trong toan tính, chấp nhặt tầm thường. Nói cách khác, nếu tình trạng đời sống đức tin của chúng ta cứ giữ nguyên hiện trạng hoặc suy giảm, mà trái lại, điều kiện vật chất của chúng ta phong nhiêu hơn, tầm ảnh hưởng của chúng ta mạnh hơn, hoặc sức ảnh hưởng xã hội của chúng ta sâu rộng hơn thì ta sẽ ích lợi gì hơn khi Thiên Chúa gọi chúng ta ra khỏi trần gian này?

Tác giả sách Giảng Viên ngụ ý cho chúng ta: chính bằng cách xây dựng niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa Hằng Sống, bén rễ sâu nơi Đức Ki-tô, đặt niềm hy vọng vào các kho tàng trên trời, thực hành lòng yêu kính Thiên Chúa, mến yêu người thân cận như Đức Ki-tô đã dạy, chúng ta mới đủ khả năng xây dựng một cơ cấu nền tảng vững chắc cho ơn Cứu Độ của chính mình. Đây là loại cấu trúc nền tảng duy trì vĩnh viễn cấu trúc thượng tầng tuyệt đẹp tương lai cho những thành tựu và tài sản hiện tại của chúng ta.

2. Thánh Vịnh: Tv 94,1-2.6-7.8-9

Người viết Thánh Vịnh 94 từ những câu đầu đề đã nhắc nhở việc bổn phận quan trọng trong cuộc đời tín hữu là tôn vinh Thiên Chúa với cung giọng hân hoan giữa lòng đại hội. Tuy lời ca tiếng nhạc trong đời sống phụng tự  không phải là cách duy nhất để tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đây thực sự là phương thế chính yếu và quan trọng trong các kỳ tế tự long trọng. Ngoài ra, điều quan trọng là chúng ta hãy cất tiếng hát lên - rằng điều này nên được thực hiện long trọng, sống động trong cộng đồng Dân Chúa.

Lời kêu gọi ngợi khen trong Tv 94,1-2, cho thấy một bức tranh nổi bật về bầu khí náo nhiệt vui mừng trong bối cảnh thờ phượng giữa Đền Thánh Chúa. Những tiếng nhạc cụ, những tiếng hò reo khen ngợi, những bài thánh nhạc quyện tiếng đàn vang vọng khắp Đền Thánh. Tác giả Thánh Vịnh nhắc lại cho cộng đoàn, hành động ca hát thể hiện tư tưởng một cách đồng giọng với tâm tình và nhiệt huyết dâng tràn, và bầu khí phụng tự là bầu khí hiệp nhất, sống động và trang trọng. Đặc biệt hơn, ca hát thể hiện niềm vui và tâm tình hướng về chân thiện mỹ, hình ảnh ca hát trong Kinh thánh thường gắn với niềm vui.

Tác giả Thánh Vịnh khuyên trong bài ca: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng” (x. Ds 20,1-13). Tâm tình hướng về Thiên Chúa là niềm vui của sự vâng phục, trung tín với Người. Những tiếng nhạc làm mềm những con tim cứng cỏi. Tiếng Thần Khí Chúa thôi thúc ý chí kết nối với những âm điệu du dương tìm đến tâm tình thờ phượng khiêm nhường đối với Thiên Chúa và nhìn nhận Người là Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa. Nhờ vậy, đào luyện một đôi tai lắng nghe chân lý và một trái tim mềm mại thực hành lòng tín phục Thiên Chúa. Nếu ta chỉ biết có ca hát, chúc tụng Thiên Chúa nơi đầu môi, bằng hình thức mà không vâng phục Người thì chẳng là quá vô ích và sai lầm sao?

3. Bài đọc 2: Cl 3,1-5, 9-11

Trong Thư Cô-lô-xê chương 02, Thánh Phao-lô nói với những tín hữu Cô-lô-xê rằng họ đã được mai táng cùng với Đức Ki-tô trong phép Thánh Tẩy và được cùng Người sống lại từ cõi chết (x.Cl 2,12). Câu này tương đồng với những gì Thánh Phao-lô đã nói trong phân đoạn Thư Rô-ma 6,3-5, vốn miêu tả phép Thánh Tẩy như dìm vào trong sự chết để được phục sinh với Đức Ki-tô việc mai táng con người cũ trong Đức Ki-tô và sự phục sinh của Người để bước vào một đời sống mới.

Trong thư gửi tín hữu Ga-lat, Thánh Phao-lô giải thích chi tiết hơn điều này: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,19-20).

Đó cũng chính là tiền đề cho mọi Ki-tô hữu dấn bước liên tục trên hành trình ‘tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (câu 1b). Hành trình này được thực hiện trong hiện tại và không gián đoạn. Nói cách khác, Thánh Phao-lô đang nói với những Ki-tô hữu Cô-lô-xê hãy tìm kiếm và tiếp tục tìm kiếm những điều đến từ Thiên Chúa. Đó là một nhiệm vụ trọn đời, là hệ quả của đời sống mới trong Đức Ki-tô, các tín hữu cần phải ngước mắt lên trời với đôi chân đang còn dưới đất. Họ cần bỏ lại mối quan tâm của mình với những thứ thuộc về thế gian để họ có thể tập trung mối quan tâm của mình vào “những sự trên trời.” Trên hết, chung cuộc, là nơi Đức Ki-tô hằng sống và hiển trị - chính là Đức Ki-tô mà họ được tháp nhập vào qua phép Thánh Tẩy, Người “ngự bên hữu Thiên Chúa” - nơi vinh dự nhất.

4. Tin Mừng: Lc 12,13-21

Dụ ngôn về gã trọc phú là một trong ba dụ ngôn Chúa Giê-su đã kể, tất cả đều đề cập đến của cải và tài sản cá nhân. Những câu chuyện ngụ ngôn này không phải là những lời dạy duy nhất của Chúa Giê-su về sự giàu có và việc sử dụng hay lạm dụng nó, nhưng đây là những trường hợp khi Chúa Giê-su dùng câu chuyện ngụ ngôn để khuyên dạy về sở hữu của cải. Sau dụ ngôn “Người giàu có khờ dại,” các câu chuyện ngụ ngôn sẽ tiếp theo là “Người giàu và La-za-rô” và “Người quản lý bất lương.”

Tin Mừng Lu-ca chương 12 bắt đầu bằng việc Chúa Giê-su giảng dạy các môn đệ của Người trước cử tọa hàng ngàn người. Tại một thời điểm, một người nào đó kề bên ngỏ lời với Người. Trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, có người trong đám đông thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi..” Nhưng Người nói với anh ta: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? 

Sẽ không có gì lạ nếu ai đó nhờ một ‘Rab-bi’ (thuật ngữ được sử dụng trong Tin Mừng Lu-ca, đồng nghĩa với Giáo sĩ Do-thái) để phân xử một tranh chấp pháp lý chẳng hạn như tranh chấp này. ‘Rab-bi’ là chuyên gia về luật Mô-sê có khả  năng đưa ra các phán quyết pháp lý về những vấn đề như vậy. Trong tình huống này, có lẽ người cha chết không để lại di chúc, bằng văn bản hoặc bằng miệng, dẫn đến tranh chấp giữa hai anh em. Người đàn ông trong câu chuyện kêu cầu Chúa Giê-su rất có thể là em trai, vì cơ nghiệp của người cha, có thể bao gồm đất đai, không thể được chia nếu người anh không đồng ý. Người còn lại, có thể là người anh – ‘quyền huynh thế phụ’ có thể đã ngầm hiểu rằng đất đai, hoặc di sản, được giữ trọn không chia để cả hai anh em cùng sống trên đó, đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, người em trai được cho là dường như không bằng lòng với sự sắp xếp này nên anh ta kiến nghị Chúa Giê-su bảo anh trai mình phải phân chia tài sản thừa kế.

Phản ứng của Chúa Giê-su khá lạnh nhạt nếu không nói là dấu hiệu không hài lòng. “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Người em không yêu cầu sự phân xử công minh, hay nhờ Chúa Giê-su làm trung gian hòa giải giữa anh ta và anh trai mình. Anh ấy không cố gắng mang lại sự hòa giải hoặc phục hồi tình nghĩa giữa mình và anh trai mình. Có vẻ anh ta đang yêu cầu Chúa Giê-su đứng về phía anh ta và bảo anh trai anh ta phân chia cơ nghiệp cho anh ta. Theo một nghĩa nào đó, anh ta đang cố gắng lợi dụng vị trí ảnh hưởng của Chúa Giê-su với tư cách là ‘Rab-bi’ hoặc ‘bậc thầy trong dân’ để gây áp lực với anh trai mình.

Chúa Giê-su tiếp lời để nhắc nhở: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo cho tất cả những người có mặt hãy đề phòng mọi loại tham lam - khao khát cháy bỏng hoặc vô độ muốn chất đầy cuộc sống mình bằng của cải vật chất. Thay vì đề cập đến việc ai đúng hay sai trong tình huống, Người cảnh báo chống lại lòng tham. Giải pháp này mới thật sự mang lại sự chữa lành và phục hồi chứ không phải là phân chia tài sản thừa kế. Chính lòng tham hoặc thái độ phục vụ bản thân trong lòng mới chính là trung tâm xung đột và rạn nứt tình huynh đệ.

Để cho dễ hiểu, Chúa Giê-su tiếp tục kể chuyện ngụ ngôn về người giàu có ngu ngốc. Đất đai của anh ta mang lại sản lượng dồi dào, và anh ta tự nghĩ: “Mình phải làm gì đây, vì mình không có nơi nào để dự trữ hoa màu?” Và anh ta nói, “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi anh ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Để hiểu đầy đủ câu chuyện ngụ ngôn này, ta nên nhớ rằng Kinh Thánh dạy, Thiên Chúa đã tạo ra mọi thứ và cuối cùng tất cả đều thuộc về Người, còn chúng ta chỉ là những người quản lý trong những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta. Theo tư tưởng Kinh thánh, chúng ta là người quản lý tất cả tài sản Thiên Chúa trao phó cho mình và chịu trách nhiệm trước Người về những gì chúng ta hành xử với của cải đó. Đồng thời Tân ước khẳng định tính hợp pháp của tài sản tư nhân. Thánh Phê-rô đã đối đầu với Ananya và Sapphira trong phân đoạn Công Vụ Tông Đồ 5,1-11 vì họ đã khai man rằng đã dâng tài sản của mình cho Thiên Chúa khi thực sự họ không làm như vậy. Tội lỗi của họ là cách hành xử gian xảo của họ, chứ không phải là vấn đề sở hữu tài sản. Mỗi Ki-tô hữu được kêu gọi trở thành những người quản lý khôn ngoan những tài sản riêng tư của họ và của cả trái đất. Dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc là một trong những lời dạy nền tảng của Chúa Giê-su về chủ đề này.

Gợi ý thực hành:

- Của cải cần thiết cho đời sống, nhưng Thiên Chúa không muốn chúng ta bảo đảm đời sống và tính mạng của mình bằng việc thu tích tiền của, vàng bạc.

- Hãy cảnh tỉnh giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì đến một lúc nào đó lòng tham mê của cải khiến chúng ta không còn giờ cho Chúa, không còn nghĩ đến những người xung quanh và quên luôn việc nhìn lại chính mình.

- Phải làm giàu trước mặt Thiên Chúa: dùng của cải đời này để mua tình yêu thương và lòng nhân nghĩa.

Marie Francois Phạm Quỳnh Anh