
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
Lm Trầm Phúc
Êm đềm biết bao khi chúng ta nghe chính Chúa nói với chúng ta: “Khi các người làm một điều gì cho một người bé nhỏ nhất của Ta đây là làm cho chính Ta”. Đây là nguồn hạnh phúc của chúng ta mà nhiều người không hay biết hay chỉ nghe rồi bỏ qua. Làm một việc gì cho người anh em là làm cho chính Chúa.
Chúng ta đã làm gì? Gần như chúng ta chưa làm gì cho người anh em cả, có lắm là những việc cần thiết, nhưng chỉ làm vì phải làm thôi.
Nếu mọi người tín hữu đều hiểu được điều này và sống như Chúa nói thì thế giới này đã thay đổi. Nhưng thế giới không thay đổi mà ngày càng chiến tranh, nghèo đói, vũ lực và mọi thứ khốn khổ vẫn đè nặng trên thế giới. Vì chúng ta không sống cho Chúa mà chỉ lo tìm lợi ích cho riêng mình.
Làm một điều gì cho người anh em là làm cho chính Chúa. Mấy ông Pharisêu và ký lục xưa không thể nhìn thấy Chúa và họ đã giết Ngài. Không phải ai cũng có thể nhìn thấy Chúa trong anh em. Trong dụ ngôn, những người lành ngạc nhiên vì Chúa nói: “Xưa Ta đói các nggười đã cho ăn, Ta khát, các người đã cho uống…” Họ ngạc nhiên vì họ không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang ở trong người anh em khốn khổ.
Hãy cố sống lời Chúa đi, chúng ta sẽ thấy ngọt ngào và hăng hái. Chúng ta sẽ không còn sợ mệt mỏi hay buồn chán nữa. Chúng ta sẽ muốn làm thêm nhiều hơn nữa. Nhưng mấy người đã nhìn thấy Chúa nơi những anh em nghèo đói, khốn khổ? Bà thánh Êlisabet Hungari, một hoàng hậu đã làm nhiều việc để giúp đỡ những bệnh nhân, chính tay bà săn sóc các bệnh nhân. Bà đã nhìn thấy Chúa đau khổ trong những người đau khổ. Thánh Vincentê đệ Phaolô cũng lo cho trẻ em mồ côi và đã lập dòng Nữ Tữ Bác Ái để giúp cho mọi người nghèo khổ. Gần chúng ta hơn là Mẹ Têrêxa Calcutta, người đã nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo khổ, đói rách bệnh tật và đã tìm hết mọi cách để giúp đỡ họ. Mẹ làm việc không ngừng nghỉ. Mẹ Têrêxa đã khai sinh ra một hội dòng gọi là dòng Thừa Sai Bác Ái hiện đang làn tràn ra khắp thế giới vì ở đâu cũng có người nghèo khổ bệnh hoạn.
Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cảm. Người giàu cứ lo làm giàu và khai thác người nghèo. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu đang cần những tâm hồn thiện chí, biết nghĩ đến người anh em nghèo đói, và tận tình giúp đỡ.
Nói thì dễ, làm mới thật sự đáng lưu ý. Chúa không đòi hỏi chúng ta đem hết cả gia tài giúp đỡ người khốn khổ. Chúa chỉ muốn chúng ta biết lưu ý đến những người anh em đó. Chúng ta đừng bao giờ từ chối một người anh em khốn khổ, vì đó là Chúa Giêsu khốn khổ hiện nay. Chúng ta không thể làm tất cả những gì cần làm, nhưng ít ra, chúng ta không dửng dưng trước sự thống khổ của anh em chúng ta. Hãy nhớ luôn rằng: tất cả những gì các ngươi làm cho một người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây là làm cho chính Ta”. Người anh em đó có thể không gây một chút cảm tình nào với chúng ta, nhưng đó là một Giêsu đang cần chúng ta nghĩ đến.
Chúa không cần chúng ta ý thức rằng mình làm cho Chúa mà chỉ cần chúng ta giúp đỡ một người anh em mà thôi, vì thế, những người lành mới ngạc nhiên: “có lúc nào con thấy Chúa đói khát mà giúp đâu!” Muốn như thế, chúng ta cần có một tâm hồn bén nhạy và thông cảm, chúng ta mới nhận ra được sự khốn khổ của anh em chúng ta. Nhiều người vẫn vô cảm trước nỗi khổ của người anh em.
Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta nhiều điều mà chúng ta không thấy. Ngài đã xuống thế làm người, sống đời sống con người với tất cả sự lao nhọc của nó và sau cùng dám chết cho chúng ta trên thập giá. Và để nối dài mối liên hệ mật thiết đó, Chúa trở thành của ăn cho chúng ta. Hằng ngày, chúng ta được ăn lấy Chúa, trở nên một xương một thịt với Chúa. Còn ân huệ nào hơn không? Ngài đến sống với chúng ta những ngày cực khổ nhọc nhằn này và dạy chúng ta sống như Ngài, yêu thương như Ngài. Chúng ta đã làm gì?
Xin cho chúng ta biết sống thế nào để tình yêu Chúa không trở nên vô hiệu nơi mỗi người chúng ta.
Truyện cổ nước Nga kể rằng: vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, đang khi dân chúng bên ngoài phải sống trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn đủ điều. Hoàng tử thấu hiểu nổi cơ cực và cảm thương dân chúng. Thế nên, mỗi ngày hoàng tử bỏ ra một ít thời gian để thăm họ, giống như Vua Khang Hy di hành bên Trung Quốc. Mặc dù cố gắng gần gũi với dân chúng, nhưng hoàng tử vẫn không thu phục được lòng họ. Lần nào trở về hoàng cung, hoàng tử cũng cảm thấy buồn rười rượi trong lòng.
Bỗng dưng, một ngày nọ trong khu xóm nghèo xuất hiện một người lạ, ăn bận đơn sơ, tự xưng mình là bác sĩ. Mục đích đến với làng là muốn tự nguyện chăm sóc những người già cả, bệnh tật, khám chữa bịnh và phát thuốc miễn phí cho họ. Dần dần, bác sĩ đó, trở thành người thân, được dân làng yêu mến nể phục. Ngày ngày, ông dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hòa giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống đúng với phẩm giá con người. Cuối cùng, tác giả cho biết: bác sĩ trẻ trong câu chuyện chính là Hoàng tử Alexis, người đã rời bỏ cung điện giàu sang, đến sống với thần dân nghèo và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương và phục vụ họ.
Anh chị em thân mến,
Hình ảnh hoàng tử Alexis, gợi ta nhớ đến hình ảnh Chúa Kitô là Vua. Ngài là Con Thiên Chúa, rất cao sang, quyền quí. Thế nhưng mà Ngài đã tự hạ mình xuống làm người để yêu thương và phục vụ nhân loại như Phúc Âm đã ghi lại: “Ngài đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Cho nên, “Vua Kitô” gắn liền với chữ “phục vụ”. Và điều này, được thấy rõ tại bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ rằng: “Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Hơn nữa, Chúa còn tự hiến mình trên thập giá, để cứu cả nhân loại nữa. Cái chết của Ngài, bị người Do thái coi là một sự ô nhục, còn người dân ngoại cho là một sự điên rồ. Cho nên, khi đóng đinh Ngài vào thập giá, họ đã đặt trên đầu Ngài một tấm bảng ghi dòng chữ đầy mỉa mai: “Giêsu Nagiaret, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19).
Quả thật, Vua Giêsu, không có ngai vàng, chỉ có thập giá. Không đội vương miện, chỉ có vòng gai quấn đầu. Không mặc cẩm bào, chỉ có mình trần nhơ nhuốc. Không có quân lính hầu hạ, chỉ có người qua kẻ lại chế nhiễu, nhục mạ. Một Vị Vua không có một chút quyền lực nào để thống trị, chỉ có “Đức vâng phục” Chúa Cha, thể hiện tình yêu cứu độ đối với nhân loại. Cho nên, hình ảnh Thập Giá Chúa Giêsu rất là đẹp. Đẹp vì chính Chúa Giêsu đã hạ mình xuống tận vực sâu để cứu các linh hồn lên thiên đàng. Chúng ta xác tín điều đó là bởi vì chính Chúa đã hứa “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,3).
Nhìn lên thập giá, ta thấy: Sự khiêm nhường tự hiến của Chúa Giêsu, đã truyền “lửa yêu thương” cho con người. Và những ai biết khiêm nhường và sống yêu thương, thì mới được tham dự vào “Vương quốc tình yêu” của Ngài.
Như câu chuyện kể về Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226). Vào thời ngài đang sống, có những cuộc xung đột rất lớn xãy ra giữa người Công giáo với những người Hồi giáo Islam. Nguyên nhân xung đột là đôi bên tranh giành vùng đất Thánh, nhất là Ngôi Mộ của Chúa Giêsu. Những cuộc tranh giành này, được gọi là “Thập Tự Chinh” hay là “Thánh chiến” (Vào thế kỷ 11 và 12, có tất cả là 8 cuộc chiến Thập Tự Chinh”
Cuộc Thập tự chinh thứ ba (1189-1192) diễn ra, khi Thánh Phanxicô bắt đầu có tuổi khôn (7-10 tuổi), hiểu biết phần nào chuyện thời cuộc, thích nghe các bài ca do những “ca sĩ hát rong”, ca ngợi tinh thần dũng cảm của những hiệp sĩ Thập tự chinh. Bởi vì, Phanxicô vốn là con nhà giàu, háo danh, nên tinh thần sẵn sàng lên đường chiến đấu để trở thành hiệp sĩ ra oai với đời. Có lần, Phanxicô tự tin khẳng định: “Tôi biết, tôi sẽ trở thành một ông vua lớn.” Thế nhưng vào một đêm Mùa Xuân năm 1205, (lúc đó 24 tuổi), trong một giấc mơ, Phanxicô nghe tiếng Chúa Giêsu bảo: “Con hãy trở về Assisi, quê hương của mình đi, rồi bắt đầu thực hiện một cuộc “Thập tự chinh tâm linh.”
“Thập Tự Chinh tâm linh”: không chiến đấu bằng vũ khí chết người, nhưng chiến đấu với bản thân: bỏ tính háo danh và sống vì người khác. Và rồi ngay sau đó, Phanxicô hoàn toàn thay đổi: không còn ham muốn công danh như trước nữa. Trở về Thành phó Assise sống. Phanxicô bắt đầu cuộc “Thập tự chinh” bằng lời nói và gương lành, rồi tìm cách tiếp cận để chinh phục người Hồi giáo, bằng lời rao giảng thay vì bằng đánh nhau. Phanxicô xin Đức Hồng Y Sứ Thần Tòa Thánh Pêlagiô, cho phép đi gặp Vua Hồi giáo Sultan Kamel để thuyết phục. Đức Hồng Y sợ ngài bị giết, nên không cho đi, nhưng mà Phanxicô xin mãi, buộc lòng Đức Hồng Y đồng ý cho đi.
Khi đến trại binh của Hồi giáo, thì bị binh lính chặn lại. Vua Sultan bước ra nói một câu, đầy ẩn ý: “Ngày mai ngươi quay lại, ta sẽ tiếp đón.” Đúng hẹn, ngày hôm sau, Phanxicô đến. Thế nhưng mà Vua Sultan đã cho người đặt để, rất nhiều cây thập giá, trải dài khắp lối đi, từ phía ngoài dẫn vào tới chỗ của vua. Khi gặp mặt, ông vua nói: “Phanxicô, ngươi hãy giẫm lên và bước qua những cây thập giá, đến đây mà nói chuyện”. Quả thật, đây là một cái bẫy. Bước qua Thập giá, đồng nghĩa với việc chối đạo, ông vua đắc thắng, cười khoái chí. Sau khi suy nghĩ, Thánh Phanxicô quyết định, nhanh chân bước lên những cây thập giá đó, đến với vua. Ông vua ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ngươi lại chối đạo, giẫm lên Thập giá Chúa của người” Thánh Phanxicô trả lời: “Ngày xưa ở trên đồi Canvê, chỉ có 1 cây Thánh giá có Chúa Giêsu thôi, những cây còn lại là của những tên trộm cướp thôi”. Một câu trả lời rất hay, thuyết phục được ông vua Hồi giáo.
Lạy Chúa Giêsu là Vua của tình yêu, xin cho chúng con biết dùng tình yêu thương mà thuyết phục lòng người, để cuộc sống của mọi người, không còn chia rẽ nữa, mà luôn hợp nhất với nhau, cùng sống trong tình yêu thương của Chúa, là Vua của toàn thể Vũ Trụ, và là Đấng Hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Lm. Tôma-Thiện Hưng
Anh em rất thân mến,
Chủ nhật hôm nay, toàn thể Hội thánh mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Chủ nhật hôm nay cũng kết thúc năm phụng vụ, năm A. Mở đầu bài Tin mừng thật long trọng với những lời làm mở rộng tầm nhìn của con người: “Khi Con người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước nhan Người” (c.31). Và Người bắt đầu xét xử hết mọi người được sinh ra từ Ađam cho đến ngày tận thế.
Với dụ ngôn ngày Phán xét chung này, Hội thánh giúp chúng ta nhận biết trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô mà năm phụng vụ muốn diễn tả. Đó là: Ngài chính là Alpha và Omega – là khởi nguyên và là cùng tận của lịch sử. Phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến Omega, nghĩa là ngày Phán xét cuối cùng. Giáo lý Công giáo dạy rằng: sau khi chết, linh hồn con người ra trước tòa Chúa để chịu phán xét, chúng ta gọi là phán xét riêng. Dù là phán xét riêng từng cá nhân, thì số phận đời đời của người chết đã được định đoạt rõ ràng và không thể thay đổi: thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục. Dụ ngôn trong bài Tin mừng theo thánh Matthêu hôm nay nói đến việc phán xét chung khi mà mọi kẻ chết được sống lại và được hưởng phước thiên đàng hay bị sa hỏa ngục cả hồn lẫn xác.
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe nằm ở chương 25 theo thánh Matthêu. Chúa Giêsu đang giảng dạy ở Giêrusalem và những Lời của Ngài nói về ngày Chung thẩm rơi vào giai đoạn cuối của cuộc đời dương thế của Ngài. Nơi Ngài là người mà người ta đang tìm cách để loại trừ bằng việc kết án tử hình nhưng thực ra Ngài chính là vị thẩm phán Tối cao với quyền xét xử mọi người, xét xử toàn thể vũ trụ, toàn thể thụ tạo. Chính trong cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu là Chúa của lịch sử, là Vua vũ trụ, là Thẩm phán xét xử mọi người. Có điều là, vị Chúa tể này không mặc áo cẩm bào, không phải là một kẻ độc tài, độc tôn nhưng là một vị mục tử đầy dịu dàng và hay thương xót.
Hình ảnh người mục tử trong dụ ngôn ngày phán xét chung, được báo trước trong bài đọc I trích sách ngôn sứ Edekien. Vị ngôn sứ nói về việc can thiệp của Thiên Chúa dành cho Dân của Người và chống lại các mục tử xấu của nhà Israel (x.Ed 34, 1-10). Các mục tử xấu là những người chỉ biết đến bản thân, khai thác tối đa đàn chiên để phục vụ cho cá nhân mà không lo lắng cho đàn chiên và làm cho đàn chiên của Chúa bị tản mát, đau bệnh, khuyết tật, gầy gò. Chính vì thế, Thiên Chúa hứa sẽ tự mình chăm sóc đàn chiên của Người bằng cách bảo vệ chúng khỏi những lạm dụng và bất công. Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn nơi con người Chúa Giêsu Kitô vị mục tử nhân lành. Chính Ngài đã tự tuyên bố: “Tôi chính là mục tử nhân lành” (Ga 10, 11.14) và “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Hơn thế nữa, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ đồng hóa mình là Vua – Mục tử mà còn với các chiên bị tản lạc nơi những anh chị em đang đói khát, khách lạ, tù đầy, đau yếu, trần truồng. Với việc đồng hóa này, chúng ta có thể nói về căn tính kép của Chúa Giêsu: vừa là Vua Mục tử vừa là con chiên nơi các anh chị em nhỏ bé và hèn mọn nhất. Ngài còn cho chúng ta biết các tiêu chí của việc phán xét: đó là tình yêu cụ thể dành cho hay từ chối đối với những anh chị em này. Vì chính Ngài là vị thẩm phán hiện diện trong mỗi người nghèo đang đói, khát, tù ngục, trần trụi, đau bệnh, bị bỏ rơi, thất vọng, cô đơn… Ngài chính là thẩm phán tối cao và cũng là người nghèo. Ngài ẩn mình nơi những con người bị biến dạng bởi đau khổ, nghiện ngập, tội phạm… Ngài tuyên bố: “Ta nói thật với các ngươi, mỗi lần các người làm hay không làm cho một trong những người nghèo là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Cuộc xét xử dựa trên việc làm cụ thể với tình yêu, lòng trắc ẩn dành cho người nghèo đang sống bên cạnh chúng ta mỗi ngày. Thánh Gioan Thánh giá cũng chia sẻ cùng một ý tưởng: Cuối cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử bởi Tình yêu. Thật thế, chính Thiên Chúa là Tình yêu và Người đã yêu thế gian đến nỗi, yêu đến mức đã ban người Con duy nhất của Người là Chúa Giêsu cho chúng ta. Còn hôm nay, Người vẫn tiếp tục yêu thế gian đến mức Ngài cho tôi trở thành tình yêu của Người, trở thành lòng thương xót của Người, trở thành sự hiện diện của Người. Còn phần Chúa Con, ngài cho chúng ta cơ hội để Ngài dùng chúng ta làm lời lẽ, thành công cụ yêu thương trong tay Ngài để chúng ta sẵn sàng giơ bàn tay ra cho Ngài và hiến dâng trái tim cho Ngài dành cho những anh chị em đang đau khổ dưới nhiều hình thức. Chúa Giêsu hỏi từng người rằng: Con có nhận ra Ta nơi người nghèo, người đau yếu, bệnh tật, cô đơn…không? Con có dám đến gần Ta nơi những người khuyết tật, tâm thần, bị bỏ rơi hôi hám không?
Anh chị em thân mến,
Có một sự thật là: chúng ta dễ dàng nói: con yêu mến Chúa Giêsu trong cầu nguyện, trong việc tôn thờ Thánh thể. Thánh Gioan Kim khẩu đã chỉ cho chúng thấy mối liên hệ quan trọng giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh thể với sự hiện diện của Ngài nơi người nghèo. Ngài nói: “Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Kitô ư? Đừng để Ngài bị khinh rẻ nơi các chi thể Ngài, nghĩa là các người nghèo, không có quần áo che thân. Đừng tôn kính Ngài ở đây, trong Giáo hội, bằng gấm vóc lụa là, trong khi bạn để Ngài ở ngoài trời chịu cảnh giá lạnh vì thiếu quần áo. Có lợi ích gì khi bàn của Đức Kitô đầy những bình bằng vàng, trong khi chính Ngài chết đói nơi người nghèo? Hãy bắt đầu cho người đó ăn, và trang hoàng bàn thờ bằng những gì còn lại. Bạn dâng cho Ngài một chén thánh bằng vàng mà lại không cho Ngài một chén nước lã sao? Và phủ cho bàn của Đức Kitô những tấm vải vàng óng ánh thì có ích gì, nếu bạn không cho Ngài một cái chăn cần thiết cho người anh chị em đang khốn khổ, vì đền thờ đó có giá trị hơn đền thờ kia sao?”
Một sự thật khác là : chúng ta rất dễ yêu thương những người sống ở xa chúng ta, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng để yêu thương những người đang sống bên cạnh mình. Cụ thể như khi Giáo hội xin anh chị em quyên góp để giúp cho những người bị bão, lụt hay các thiên tai, anh chị em rất sẵn lòng và quảng đại. Việc này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chính anh chị em đến những mái ấm, những nơi chăm sóc những người già neo đơn, những em khuyết tật thể lý hay tâm thần. Những người anh chị em này của chúng ta rất cần lòng yêu thương, đụng chạm được tới sự quan tâm chăm sóc cụ thể của chúng ta. Hay nói cách khác, Chúa muốn chúng ta cho đi chính bản thân mình. Khi cho đi chính bản thân mình, là chúng ta đang được Chúa Giêsu mục tử chia sẻ sứ vụ của Ngài dành cho những người đang cần trợ giúp. Việc này minh chứng: đức tin biểu lộ nhờ đức ái và đức ái làm cho đức tin tỏa sáng. Hay nói cách khác, tình yêu như dầu cho đèn được cháy và tỏa sáng; tình yêu như dòng điện làm cho bóng đèn tỏa sáng để chiếu soi thế giới đầy bóng tối này. Những giọt dầu, những nguồn năng lượng này là gì trong ngọn đèn của chúng ta? Chúng ta những điều rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày: một chút lòng thành, đôi lời tử tế, những ý nghĩ tốt cho người khác, cách chúng ta thinh lặng, cách chúng ta nhìn, nói và hành động. Hãy làm một việc nhỏ nhưng đong đầy tình yêu. Đừng tìm kiếm Thiên Chúa ở những nơi quá xa xôi. Ngài không ở đó đâu. Ngài đang ở đây này. Do đó, hãy giữ ngọn đèn đức ái luôn cháy sáng và tôi sẽ nhận ra Ngài. Ngược lại, thái độ dửng dưng, vô tâm với người nghèo, là quay lưng lại với Chúa, khi đó đèn của chúng ta sẽ tắt và bóng tối thêm dầy đặc quanh ta.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn ghi nhớ lời Chúa và đem ra thực hành, xin Mẹ giúp chúng ta hôm nay đừng bao giờ quên lời Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy; và mỗi lần các ngươi không làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Amen.
Lm. Thái Nguyên
PHÁN XÉT
Suy niệm
Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúc mẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã “tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.
Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.
Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác và bị đẩy ra bên lề xã hội.
Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.
Martin Luther King, là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964, ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v… Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?
Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, “là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).
Thánh Tôma cho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa … không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân”. (x. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4)
Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liền với bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.
Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
trong hân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trong bình an hay lo âu của họ,
Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.
Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.
Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.
Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,
giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.
Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lần than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay là trình bày cho chúng ta thấy trình thuật phán xét chung, trong ngày phán xét chung, Chúa sẽ tách biệt mọi người ra, như mục tử tách biệt chiên với dê, chiên thì qua bên trái, còn dê thì qua bên phải.
Nhưng Chúa dựa trên tiêu chuẩn nào để mà phán xét, để tách biệt chiên và dê?
Thưa đó chính là tiêu chuẩn của tình yêu, nhưng tình yêu này đối với ai? Thưa tình yêu này là tình yêu dành cho Chúa, nhưng được cụ thể hóa qua những người anh em của chúng ta, bởi nói như thánh Gioan Tông đồ thì: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20).
Hay trong chính trang tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (hay không làm) như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm (hay không làm) cho chính Ta vậy." Chúa đồng hóa mình với những con người bé nhỏ.
Nhưng đó là việc mà Chúa muốn chúng ta làm, thế thì vấn đề đặt ra đối với mỗi người chúng ta đó là Chúa muốn chúng ta yêu mến Chúa, một cách cụ thể là yêu mến anh chị em của mình, vậy thì Chúa có yêu thương con người hay không? Hay chỉ là đòi buộc người khác, còn mình thì không, giống như Chúa nói: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 2-3), có phải Chúa cũng giống như các kinh sư và người Pharisieu vậy?
Thưa không, bằng chứng là trong bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Edekien là một minh hoạ cho chúng ta, bài đọc 1 Chúa nói với Êdekien: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34, 11-12.15-16).
Hay trong thư do thái cũng có nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2), nghĩa là Thiên Chúa yêu thương con người, luôn luôn đi bước trước đến với con người, để con người được hưởng ơn cứu độ.
Hiểu được như vậy, hôm nay là lễ Chúa Kito, chúng ta thấy, Chúa là vua không như kiểu vua Chúa thế gian, bắt thần dân phải phục vụ, phải ca tụng mình bởi những gì chúng ta ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa.
Nhưng Chúa là vị vua của tình yêu, vua của lòng thương xót, nghĩa là chính Chúa xót thương con người, chính Chúa đi bước trước đến với con người, chứ không phải nói yêu con người trên đầu môi chót lưỡi, bắt con người phải yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em của mình, còn chính mình là lại là người đứng ngoài cuộc, không có chuyện đó.
Như vậy, đó là một động lực cho mỗi người chúng ta, Chúa yêu thương chúng ta, thì chúng ta được mời gọi đáp lại tình thương của Chúa, qua việc yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em của mình, vì đó là hình ảnh của Chúa, vì đó là anh chị em của chúng ta, chứ không vì một lý do gì khác.
Có người hỏi Mẹ Têrêsa Calcutta rằng: Bà làm việc bác ái là để lôi kéo những người đau khổ đó theo Đạo Công giáo phải không? Mẹ Têrêsa đã trả lời rằng: "Tôi coi những NGƯỜI ĐAU KHỔ đó là CHÚA GIÊSU, nên tôi phục vụ họ!"
Chúng ta phải mang tâm tình như thế, nhưng chúng ta thấy như thế này, đó là những người trong câu chuyện ngày phán xét, họ làm việc bác ái đối với anh em của họ vì đó là việc làm bác ái chứ họ không có nghĩ, không biết khi làm như vậy là sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Mỗi người chúng ta may mắn hơn họ là chúng ta biết được khi có lòng yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em của mình, thì trong ngày sau hết chúng ta sẽ được vào thiên đàng, được xếp đứng bên hữu Chúa, nên chúng ta hãy cố gắng sống như Chúa dạy để được vào vương quốc tình yêu vĩnh cữu của Chúa, còn nếu không thì thật vô phúc cho chúng ta, vì chúng ta biết mà không làm. Amen.