
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XXVI TN - NĂM A
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Nói và Làm - cặp đôi hoàn hảo
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có lần vợ của Thầy Tăng Tử chuẩn bị đi chợ nấu ăn trưa cho gia đình, thì đứa con nhỏ khóc đòi đi theo. Bà không cho, nhanh miệng hứa với con rằng: “Con ở nhà ngoan, mẹ đi chợ về, mẹ sẽ mần thịt con heo cho con ăn nhé!” Nghe vậy, thằng bé liền nín khóc rồi chịu ở nhà.
Đến lúc đi chợ về, vừa bước vào nhà, bà vợ hoảng hốt, khi thấy ông chồng đang cậm cụi thọc huyết heo, bà hét lên: “Ối dời ơi, ông ơi là ông, tôi chỉ nói đùa với con thôi mà, sao ông mần thiệt vậy!”
Thầy Tăng Tử bảo: “Đùa là đùa thế nào. Bà đừng có nghĩ là con nó không biết gì nha, cha mẹ làm gì, nó sẽ bắt chước làm theo đó. Hôm nay, mình nói dối nó, chẳng khác gì mình đang dạy nó nói dối đó, bà hiểu chưa?” Nói xong, Thầy Tăng Tử tiếp tục “xử” con heo, làm thịt cho con ăn.
Thưa anh chị em,
Qua câu chuyện, ít nhiều gì cũng dạy cho ta một bài học: “lời nói và việc làm” cần phải luôn đi đôi với nhau. Bởi vì điều đó sẽ tạo nên “giá trị và uy tín” của một con người. Và đây cũng là bài học mà Phúc âm Mátthêu nhắc tới.
Phúc âm kể: Một người cha có hai người con trai. Một hôm, ông nói với đứa con thứ nhất rằng: “Hôm nay, con đi làm vườn nho cho cha nhé!” Người thứ nhất trả lời thẳng thắn rằng:“Không, con không đi.” Thế là người cha cảm thấy “nhói đau” trong lòng, vì thằng con không biết vâng lời. Thế nên, với tâm trạng buồn đó, ông lại tiếp tục gọi đứa con thứ hai đi làm vườn nho. Người con thứ hai tỏ vẻ hiếu thảo, trả lời ngay mà không cần suy nghĩ gì: “Dạ vâng, con đi liền ạ!”
Theo dõi tiếp, ta thấy nội dung của câu chuyện lại đưa ra kết cục thay đổi hoàn toàn. Người nói “không đi”, sau đó, vì hối hận lại đi làm vườn nho cho cha; còn kẻ bảo là “con sẽ làm”, nhưng lại trốn tránh trách nhiệm không chịu đi.
Nếu phân tích hai nhân vật trong câu chuyện, ta nhận thấy cả hai người con, không có người nào đem lại niềm vui “trọn vẹn” cho người cha của mình. Bởi vì, người thứ nhất trả lời “không” ngay từ đầu, ít nhiều gì cũng đã làm cho người cha buồn, như bị tổn thương. Còn người thứ hai nói: “vâng”, con đi ngay ạ, nhưng lại không đi, đã làm cho người cha mừng hụt, để rồi cuối cùng người cha mang thêm cái cảm giác buồn và thất vọng.
Phải chi một trong hai người con “thưa vâng”, rồi đi làm vườn nho cho cha, thì hay biết mấy. Nếu được như thế, chắc là người cha sẽ hài lòng và vui lắm!
Nói đến đây, nếu được phép đưa ra một sự “so sánh nhẹ” giữa hai người con, thì rõ ràng rằng là người thứ nhất hay hơn người thứ hai “một chút”, bởi vì cuối cùng, anh cũng đã “làm” theo ý của cha mình.
Trong cuộc sống, đôi khi ta cũng gặp những trường hợp éo le tương tự như vậy: Có người “nói nhiều hơn làm”, như lời bài hát: “hứa thật nhiều, rồi cũng thất hứa thật nhiều.” Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng từng chứng kiến: có người “làm nhiều hơn nói.” Nghĩa là không cần phải ba hoa, khoác lác, họ làm những việc tốt lành một cách âm thầm, kín đáo như Lời Chúa dạy: “Tay phải làm, không cần cho tay trái biết” (Mt 6,3). Thật lòng mà nói, đa phần ai trong chúng ta cũng quý những con người như thế, vì họ sống rất chân thành, lấy hành động để thay thế lời nói.
Nhân dịp nhắc đến chuyện “Nói và làm”, tôi đọc được một mẫu chuyện: Sau biến cố 1975, có một nhà báo viết nhiều bài báo nói về chuyện: “Đổi mới tư duy” (thay đổi). Phía cuối các bài viết đó, tác giả đều ký tên ba chữ viết tắt: N-V-L. Nhiều người nghĩ rằng ba chữ “N-V-L” là viết tắt họ và tên của tác giả. Nhưng đến khi được hỏi, thì tác giả giải thích rằng: đấy không phải là họ và tên của tôi, mà là viết tắt của ba chữ: “Nói Và Làm”.
Qua các bài viết của ông, không biết có “đổi mới tư duy” được chút gì hay không, nhưng ít ra, nó phản ánh đúng một phần thực tế của cuộc sống lúc bấy giờ: Một xã hội “Nói nhiều, làm ít”, thậm chí “Nói mà không làm”, và còn hơn thế nữa, “nói một đàng, làm một nẻo.” Thế nên, sau đó, có người bình luận như thế này: “Nói nhiều làm ít” là một sự phóng đại, phô trương, mà người thời nay quen gọi là “Nổ”. Còn “Nói mà không làm” là nói dốc, nói xạo. Còn “Nói một đàng, làm một nẻo” là thái độ gian dối, lừa bịp.
Trở lại thời Chúa Giêsu, ta cũng sẽ thấy những Luật Sĩ và Biệt Phái đã từng bị Chúa Giêsu lên án vì cách sống giả hình của họ: bên ngoài, xem ra họ đạo đức tốt lành, nhưng bên trong tâm hồn họ toàn chứa những ý định đen tối, tội lỗi. Họ nói rất hay, nhưng lại chẳng làm gì. Họ chỉ thích đặt gánh nặng lên vai người khác, chứ không muốn chạm tay vào.
Ngày nay, thi thoảng ta vẫn thấy đâu đó những hình ảnh tương tự như vậy. Có khi cha mẹ lớn tiếng kêu con cái phải đi xem lễ Chúa Nhật, nhưng chính bản thân lại không giữ đạo. Có trường hợp tôi biết, tôi hỏi thăm và khuyên đi nhà thờ trở lại, thì tôi nhận được một câu trả lời khá bất ngờ rằng là: “Con không có bỏ Chúa, con không đến nhà thờ, nhưng con giữ đạo tại tâm, chỉ cần sống không mích lòng ai là được.”
Xét ra, tôi cảm thấy “sống đạo” như thế có lẽ chưa ổn lắm, bởi vì đó chỉ là kiểu sống tốt ở cấp độ “nhân bản” giữa người với người thôi. Chưa đủ!
Bởi vì, khi nói “sống đạo” là phải sống theo những điều đạo Chúa dạy, nghĩa là không những tâm hồn biết kính Chúa và yêu người, mà còn cần phải thể hiện việc “kính Chúa, yêu người” bằng những việc làm cụ thể, tỉ dụ như dự lễ, đọc kinh và làm việc lành phúc đức, thì mới có giá trị, như lời của Thánh Giacôbê Tông đồ khẳng định: “Đức tin mà không có việc làm, là đức tin chết, không có giá trị” (Gc 2,17). Hơn nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã dạy: “Anh em hãy trở nên “muối” ướp mặn đời, và trở nên “ánh sáng” cho trần gian” (Mt 5,13-14).
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết sẵn sàng đi làm vườn nho cho Chúa, với những hy sinh thời giờ và công sức, qua những công việc tốt đẹp hằng ngày để mở mang Nước Chúa và để Danh Chúa được cả sáng. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Có một bài viết mang tên Tiền Công Do Chuyên Môn được chia sẻ như thế này:
Động cơ của một con tàu khổng lồ bị hỏng và không ai có thể sửa chữa nó, vì vậy họ đã thuê một kỹ sư cơ khí với hơn 40 năm kinh nghiệm.
Anh kiểm tra động cơ rất kỹ lưỡng, từ trên xuống dưới. Sau khi nhìn thấy mọi thứ, người kỹ sư dỡ túi và rút ra một chiếc búa nhỏ.
Anh nhẹ nhàng gõ một cái gì đó. Chẳng bao lâu, động cơ đã hoạt động trở lại. Động cơ đã được sửa chữa!
7 ngày sau, kỹ sư đề cập rằng tổng chi phí sửa chữa con tàu khổng lồ là 20.000 đô la cho chủ tàu.
- Chủ sở hữu: “Cái quái gì? Anh hầu như không làm gì cả. Hãy cho chúng tôi một hóa đơn chi tiết.”
- Đơn giản: “Gõ bằng búa: $ 2. Biết gõ ở đâu và gõ như thế nào: $ 19.998.”
Trở về với ngày lễ Đức Mẹ mân côi hôm nay, chúng ta thử đặt câu hỏi chúng ta lần chuỗi Mân Côi vì lý do gì? Có phải vì kinh mân côi như là vũ khí chiến đấu, rồi chúng ta đọc kinh mân côi để qua lời kinh chúng ta đọc Mẹ ban ơn cho mình?
Nếu chúng ta suy nghĩ như vậy thì giá trị của kinh Mân Côi chẳng là gì cả, giống như một người không có chuyên môn, không có kinh nghiệm.
Nhưng chúng ta cần hiểu là chúng ta lần chuỗi mân côi để qua chuỗi mân côi đó chúng ta hướng về Chúa, hướng về Đức Mẹ, liên đới với anh chị em của mình, điều này mới làm nên giá trị của kinh Mân côi.
Trong công thức làm phép chuỗi mân côi linh mục đọc: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, vì yêu thương chúng con, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Người đã chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết để cứu chúng con khỏi quyền lực ma quỷ. Xin Chúa nhân từ làm phép và thánh hóa chuỗi Mân Côi này, để khi chúng con siêng năng đọc kinh Mân Côi, chúng con suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô và tôn kính Mẹ Thánh Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”
Như vậy, theo kinh nghiệm của Giáo Hội dạy, chúng ta đọc kinh Mân côi là để suy niệm các mầu nhiệm của Chúa, để tôn kính Đức Mẹ, chúng ta cứ thực hành với ý hướng như vậy chắc chắn việc đạo đức của chúng ta ngày càng thăng tiến, ngày càng có giá trị trước mặt Chúa.
Mở rộng ra trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày, chúng ta được mời gọi phải sống theo kinh nghiệm của Giáo Hội dạy mình, nói như vậy không phải là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta không có giá trị, nhưng sở dĩ kinh nghiệm của chúng ta có giá trị là vì nó được rút ra từ kinh nghiệm của Giáo hội sau hơn hai ngàn năm nay.
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong ngày hội thảo về gia đình ở giáo xứ Suối Cát ngày 20.05.2023, có kể câu chuyện về Đức Hồng Y Martini như thế này: Có lần Đức hồng Y đi thuyết trình về một đại hội về gia đình, có một phóng viên đặt câu hỏi với ngài là Đức Hồng y đi tu đâu có gia đình, đâu có vợ con gì đâu, vậy thì Đức Hồng y biết gì về gia đình, để có thể nói với chúng tôi về gia đình. Đức Hồng y trả lời, đúng tôi không có kinh nghiệm riêng về đời sống hôn nhân gia đình, nhưng tôi đến đây không phải để nói với anh chị em kinh nghiệm riêng của tôi, mà tôi đến đây để nói với anh chị em về kinh nghiệm của Hội thánh.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng được các tín hữu Công giáo yêu mến và cả thế giới kính phục. Ngày lễ an táng ngài, người ta ví quảng trường Thánh Phêrô là thế giới thu nhỏ vì hầu như tất cả các nguyên thủ quốc gia đều có mặt ở đó. Ngày ngài qua đời, người ta nghe vang lên ở quảng trường thánh Phêrô nhiều tiếng hô “santo subito” (phong thánh ngay). Nhiều người còn đề nghị gọi ngài là Gioan Phaolô Cả, nghĩa là “vĩ đại”, vì ảnh hưởng quá lớn của ngài trên thế giới.
Nhưng đằng sau những hào quang rực rỡ đó là Đức Gioan Phaolo 2 khi còn nhỏ phải đối diện với nhiều thử thách và mất mát: Mẹ qua đời khi Karol mới lên 9 tuổi; hai năm sau, người anh duy nhất của Karol cũng qua đời, chỉ còn hai cha con; khi Karol đến tuổi thanh niên thì cha cũng qua đời! Trong hoàn cảnh đó, người cha là tấm gương tuyệt vời cho Karol về đức tin, tình yêu thương, sự kiên nhẫn. Mất vợ, mất con sớm như thế, chắc chắn là nỗi đau rất lớn với người chồng người cha trong gia đình, nhưng ông không chán nản và buông xuôi, trái lại ông giữ vững niềm tin vào Chúa và hết lòng dạy dỗ đứa con còn lại nên người. Sau này, khi làm Giáo hoàng, chính Thánh Gioan Phaolô II kể lại: có những đêm, tôi chợt thức giấc, thấy cha tôi quỳ gối bên giường cầu nguyện. Và khi ngài viết thông điệp về Chúa Thánh Thần, ngài nói một trong những lý do thúc đẩy là vì ngài nhớ lại lời kinh cha ngài dạy từ khi còn nhỏ để cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Đó là một trong những kinh nghiệm của Hội Thánh mà chúng ta cần bắt chước.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống kinh nghiệm của Hội Thánh trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày của mỗi người chúng ta, cụ thể đó là siêng năng lần hạt Mân côi như là phương thế để chúng ta hướng về Chúa, và hướng về Mẹ, cũng như để qua đó liên đới với anh chị em của mình. Amen.