19/09/2023
4642
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXV TN - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXV TN - NĂM A

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a

 

Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu hay đưa ra nhiều dụ ngôn về Nước Trời. Hôm nay, Giáo Hội mời chúng ta suy nghĩ về một trong các dụ ngôn đó.

Miền đất Do thái là miền đất trồng nho, vì thế nói về vườn nho thì ai cũng hiểu được. Nước Trời giống như một ông chủ vười nho tìm nhân công để săn sóc vườn nho cho ông. Vườn nho này chắc là to lắm, cần nhiều nhân công. Ông chủ phải ra mướn người là vườn nho ngay từ sáng sớm, đến trưa ông cũng ra thuê một số nhân công nữa, và ông đã thoả thuận với họ là sẽ trả công cho họ là một quan tiền mỗi ngày công. Đến chiều ông lại ra và thấy có những người đứng không và ông cũng đưa họ vào làm vười nho cho ông.

Chúng ta cũng được gọi vào làm vười nho cho Chúa. Chúa gọi tất cả mọi người không trừ ai, cũng không chê ai, vào mọi thời mọi lúc. “Hãy vào làm vườn nho cho Ta”. Chúng ta có sẵn sàng vào làm vườn nho cho Chúa không? Vườn nho của Chúa chính là Giáo Hội mà chúng ta là thành phần. Mỗi người có nhiệm vụ phải xây đắp Giáo Hội.

Giáo Hội là một thân thể gồm nhiều chi thể, tuy khác nhau nhưng cùng một sự sống. Chúng ta là những chi thể sống động của Giáo Hội. Cuộc sống hôm nay của chúng ta là những viên gạch xây dựng Giáo Hội. Không ai là vô ích cả, ngay cả những người nằm liệt giường cũng có thể xây dựng Giáo Hội, bằng những hy sinh của mình. Đa số giáo dân không biết điều này, cứ tưởng mình giữ đạo để được lên thiên đàng mà không biết nhiệm vụ cao cả của mình, không biết giá trị của cuộc sống. Mọi hành vi làm vì Chúa, vì yêu mến Chúa đều hữu ích cho Giáo Hội.

Đến chiều, khi hết giờ làm việc ông gọi công nhân và trả tiền cho họ đúng như đã thoả thuận, là mỗi người một đồng, bắt đầu từ những người đến sau hết. Mấy người này lãnh mỗi người một đồng là tiền công cho một ngày. Mấy người đến trước tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ lãnh được một đồng. Họ lẩm bẩm trách ông chủ sao lại bất công, vì họ đã cực nhọc suốt ngày, còn mấy người kia chỉ làm được một giờ cũng lãnh như họ. Ông chủ trả lời cho họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công đối vơi bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người làm sau hết này cũng được bằng bạn đó. Chẳn lẽ tôi không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”

Câu trả lời rất chính xác. Chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng chủ tể mọi loài. Ngài muốn sao thì sẽ như thế. Ngài nắm chủ quyền trên hết mọi sự và hơn nữa Ngài rộng lượng với mọi người, nhất là với những người nhỏ bé nhất, thiệt thòi nhất. Ngài vừa là toàn năng vừa là nhân hậu. Ngài dùng quyền năng của Ngài để yêu thương. Chúng ta hãy tin vào tình thương của Ngài và noi theo lòng nhân ái của Nài để giúp đỡ anh em chúng ta, những người đang cần bàn tay nâng đỡ. Vườn nho của Ngài luôn cần đến những nhân công cần mẫn, những nhân công đại lượng không đòi hỏi phần thưởng, đem hết tất cả khả năng của mình để phục vụ.

Chúa Giêsu đã đến trong trần gian, làm người như chúng ta, cực khổ với chúng ta và sau cùng, chết cho chúng ta, sống lại để mang lại cho chúng ta sự sống mới, sự sống của Ngài. Ngài trở thành nguồn sống cho chúng ta, hạnh phúc cho chúng ta. Ngài biến trần gian này thành vườn nho của Cha trên trời. Tất cả chúng ta được gọi để làm nhân công cho vườn nho đó, và mọi lao nhọc của chúng ta sẽ được đền bù bằng phần thưởng vô cùng cao quí là hạnh phúc Nước Trời. Hãy hăng hái bước vào làm vườn nho cho Chúa. Chúng ta không cô đơn vì chính Chúa Giêsu đến với chúng ta hằng ngày khi cho chúng ta ăn lấy thịt máu Ngài. Hồng ân này là hồng ân của tình yêu. Chúng ta không bị bỏ rơi, chúng ta không làm việc luống công vì Chúa Giêsu luôn ở trong chúng ta, cực nhọc với chúng ta. Ngài là nguồn sống bất diệt cho chúng ta. “Hãy vào làm vườn nho cho Ta”.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Chúa Phán Xử Công Bằng Và Nhân Hậu

Có câu chuyện kể rằng là: Vào thế kỷ thứ 16, trong triều đình Ấn Độ, có hai ông quan nổi tiếng. Một ông thì có tính “ganh tỵ” đáo để, còn ông kia thì lại “tham lam” hết ý. Một ngày nọ, với sáng kiến độc đáo, nhà vua muốn sửa dạy tật xấu của hai ông quan này, nên vua mời hai vị vào triều đình gấp và báo rằng sẽ thưởng công hậu hĩnh cho hai vị, vì đã phục vụ cho nhà vua được nhiều năm rồi. Thế là tâm trạng của hai quan rất là háo hức, phấn khởi. Khi hai vị vừa xuất hiện trước cung điện, ngay lập tức vua mở miệng hứa rằng: “Hai quan muốn xin gì cứ xin, trẫm cũng sẽ ban cho. Nhưng có điều là: Ai mở miệng xin trước, người đó sẽ nhận được ngay những điều mình muốn, còn người kia sẽ nhận được “gấp đôi” người xin trước.”

Sau đó, không gian im lặng và thời gian cứ trôi đi, mà không quan nào muốn mở miệng nói trước. Ông quan tham nghĩ bụng: “Nếu mình xin trước, thì sẽ được ít hơn tên kia.” Còn quan ganh tỵ thì lại lý luận rằng: “Thà tôi không được gì, còn hơn nói trước, tên kia lại được gấp đôi, ngu gì chịu!”.

Trong lòng nghĩ như thế, nên không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, buộc lòng vua yêu cầu ông quan ganh tỵ nói trước. Do bị bắt buộc nói, nên đành phải nói thôi. Sau khi đắn đo suy nghĩ, ông quan ganh tỵ tuyên bố: “Tôi xin “được bị” chặt một cánh tay”. Nói xong, ông cảm thấy vô cùng sung sướng và cười một cách hả lòng hả dạ, vì nghĩ rằng: tên quan tham kia sẽ phải “được bị” chặt hai cánh tay...!

Thưa anh chị em,

Con người qua mọi thời đại, dường như luôn thích nhìn thấy người khác đau khổ hơn là nhìn thấy họ hạnh phúc. Nếu như thấy ai đó sung sướng hạnh phúc hơn ta, tự dưng lòng ta cảm thấy ganh tỵ và khó chịu đối với họ. Sự khó chịu vì ganh tỵ trong cuộc sống, phải nói rằng là rất thường xảy ra. Ngay cả từ thời Chúa Giêsu ngày xưa cũng đã có rồi. Cụ thể là qua đoạn Phúc âm Thánh Mát-thêu mà chúng ta vừa nghe, cũng đã đề cập đến chuyện “ganh tỵ” ấy.

Tin Mừng kể lại: Người đi làm vườn nho cho ông chủ từ sáng sớm, có thái độ “ganh tỵ” với người chỉ làm có một, hai tiếng đồng hồ vào cuối ngày. Lý do là vì ông chủ trả tiền công cho kẻ làm trước và người làm sau bằng nhau. Nghĩa là ai cũng nhận được một quan tiền (tương đương một ngày công).

Giả như mà ông chủ trả cho người “làm trễ” ít tiền hơn, thì người làm từ sáng sớm, có lẽ sẽ không có thái độ bực mình, khó chịu. Hoặc là giả như ông chủ “tăng” thêm, hoặc “bo” thêm tiền cho người làm từ sáng sớm, có lẽ họ sẽ không có “càm ràm” hay “lèm bèm” gì!

Ở đây Phúc âm nói rất rõ: Ông chủ không hề đối xử bất công với thợ. Bởi vì một ngày công vào thời điểm đó có giá trị bằng một quan tiền như đã thoả thuận với thợ từ sáng sớm (rất công bằng và sòng phẳng).

Còn cái chuyện mà ông chủ trả tiền “hậu hĩnh” cho những người làm muộn (một giờ mà tính một ngày), là do ông chủ tốt bụng, quan tâm đến những người nghèo đang thất nghiệp, chớ không có làm mất quyền lợi của ai. Và đương nhiên ông chủ có quyền làm điều đó mà!

Qua câu chuyện, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Thiên Chúa Cha (Ông chủ) không chỉ là một Thiên Chúa rất công bằng sòng phẳng, mà còn là một người Cha nhân từ, giàu lòng yêu thương đối với hết thảy mọi người.

Vì “tình thương”, nên Thiên Chúa không so đo tính toán theo kiểu của con người, nhưng Ngài thích dựa trên tiêu chuẩn của lòng “nhân từ và hay thương xót” để cư xử với nhân loại chúng ta. Cho nên, những ai biết sống yêu thương, thì mới có thể cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa. Hơn nữa, người đó cũng sẽ không giờ tỏ thái độ “ghen tỵ” với những người khác.

Còn những ai muốn sòng phẳng theo lẽ công bằng “thiếu” tình thương, thì Thiên Chúa cũng sẽ sòng phẳng với họ. Và chắc chắn, người đó sẽ phải chịu thiệt thòi thôi, vì đong bằng đấu nào, Chúa cũng sẽ đong trả lại bằng đấu đó.

Trong một cuốn truyện được dựng thành phim, mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể lại cảnh tưởng tượng: Vào ngày phán xét chung, những “kẻ lành” đang đứng xếp hàng ở “bên phải” cánh cổng thiên đàng, chờ đến lượt được vào bên trong hưởng hạnh phúc Nước trời, vì họ nghĩ rằng họ là những người đã sống tốt ở trần gian.

Bỗng nhiên cả nhóm “bên phải” xôn xao xầm xì với nhau rằng: “Hình như Thiên Chúa đã mở cửa cho mấy người vớ vẫn đứng “bên trái” kia nữa kìa”.

Thế là cả nhóm tỏ vẻ khó chịu, rồi lên tiếng phản đối kịch liệt: “Nếu biết Thiên Chúa rộng lượng (ai cũng có thể lên thiên đàng được), thà tôi ăn chơi cho đã, chớ tội gì phải hy sinh, để được lên thiên đàng “bằng với” những người tội lỗi đứng ở “bên trái” kia”.

Máu ganh tỵ nổi lên, khiến họ trách móc Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ lại bị đẩy vào chốn hỏa ngục đời đời kíp kíp chẳng cùng. Amen.

Cha Louis Evely giải thích: “Đến giờ phán xét, họ đã tự xét xử lấy họ. Nghĩa là họ tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Họ ganh tỵ vì không thích Thiên Chúa yêu thương họ một cách “đại trà”, chung với người khác.”

Họ không chấp nhận việc Ông chủ “thưởng công” cho họ “bằng với” những người ít công trạng hơn. Nhưng họ không biết rằng: Thiên Chúa có cách phán xử riêng của Ngài. Đối với những ai so đo tính toán, Thiên Chúa sẽ xét xử theo luật “Công bằng”; còn với những ai cố gắng tìm kiếm Nước trời, thì Ngài sẽ xét xử theo luật “Nhân từ xót thương”.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Xin cho trái tim chúng con không ganh tỵ, không ích kỷ, chỉ biết yêu thương và phục vụ giống như Chúa, để tất cả đều được Thiên Chúa thưởng công bằng một đồng xu hạnh phúc trên Nước trời mai sau. Amen.




Lm. Thái Nguyên

CÔNG BẰNG VÀ NHÂN HẬU

Suy niệm

Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khuyến khích tội nhân trở về với Ngài, Ngài sẽ tha thứ tất cả, bảo họ đừng suy nghĩ theo kiểu của phàm nhân, vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (55, 6-9). Câu chuyện dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều mà Isaia đã nói, về cách hành xử lạ lùng một Thiên Chúa đối với con người, là Ngài rất công bằng mà cũng thật là nhân hậu.

Đức Giêsu cho thấy Nước Trời giống như ông chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Những người đến từ sáng sớm đã có công ăn việc làm, và được chủ thỏa thuận là một quan tiền cho một ngày công. Thế nhưng lại có những người đến sau, vào những thời điểm khác nhau, đến nỗi có người đến vào giờ chót, chỉ làm có một giờ, lý do là “Vì không ai mướn chúng tôi”.

Động lòng thương, một chủ vườn cho họ việc làm. Tuy giờ làm việc không như nhau, nhưng được trả tiền bằng nhau. Điều đó làm cho những người làm từ sáng sớm bị sốc. Họ tức tối và hậm hực với ông chủ, vì cho rằng làm như thế là cư xử bất công với họ. Họ muốn ông phải trả cho người đến sau thấp hơn, không thể ngang bằng với họ được. Họ tỏ ra thái độ muốn hơn thua, phân biệt cao thấp, chứ không chịu cư xử với tình nghĩa anh em. Vấn đề cũng chỉ vì ghen tị mà ra, nên người ta không thể vui với người vui, vì thấy thành công hay lợi lộc của người kia như gây ra mất mát và thiệt hại cho chính mình.

Người anh cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu cũng nổi giận, không chịu vào nhà, cảm thấy mình bị cha đối xử bất công, vì thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn (x. Lc 15). Thiên Chúa rất công bình nhưng cũng là người cha rất mực yêu thương. Ngài không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào mà không ban thưởng cân xứng, nhưng trên nền tảng là lòng nhân lành và hoàn toàn tự do, Ngài có thể ban tặng cho con người vượt xa mọi công trạng của họ. Có hai bài học lớn ở đây:

- Thứ nhất là mọi việc đối với Chúa đều bằng nhau. Vấn đề không phải ở số lượng cho bằng biết mình được yêu thương. Những người làm công từ sớm theo thỏa thuận mỗi ngày là một quan tiền. Họ làm việc vì đồng lương nên đòi phải rõ ràng. Còn những người đến sau không hề có một giao kèo hay thỏa thuận nào. Họ biết mình được làm việc là điều may mắn rồi, nên sẵn sàng để chủ định đoạt phần lương. Phần thưởng của người môn đệ Đức Giêsu là được làm việc, được phục vụ, đó đã là niềm vui của họ rồi. Kẻ nhắm vào phần thưởng sẽ mất phần thưởng, người nào quên phần thưởng sẽ được phần thưởng. Đó là điều trái ngược mà Chúa Giêsu đã nói lên: những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

- Thứ hai, mọi sự chúng ta có được đều phát xuất từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả những gì Chúa ban cho, không phải để trả công, nhưng là quà tặng; không phải là phần thưởng, nhưng là ân sủng. Nếu ông chủ không kêu gọi những người mà ông gặp từ sớm vào làm vườn, thì họ có thể ngang nhiên lên mặt với những kẻ làm vào giờ cuối không? Đừng đòi Thiên Chúa phải suy nghĩ và hành xử theo lề thói của chúng ta, vì đó là một thứ hành xử công thẳng mà không có tình thương. Nếu Chúa chấp tội, chúng ta có chịu nổi được không? Cần sòng phẳng hay cần lòng nhân từ? Chúng ta phải thay đổi não trạng để sống đạo không bằng sự so đo tính toán, mà bằng cả tấm lòng.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”. (Trịnh Công Sơn). Có làm được gì cho người khác thì cũng hãy để gió cuốn đi, là để biết cho đi chứ không tìm chiếm hữu, là hy sinh mà không mong được đáp đền. Để gió cuốn đi là để cho yêu thương được lan tỏa, là để cho an vui và hạnh phúc đến với mọi người. Thương người như thể thương thân, ta mới cảm nhận hạnh phúc xung quanh mình.

Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta học lấy tâm tình và cung cách hành xử của Thầy mình, nghĩa là quan tâm ưu ái đặc biệt đến những người nghèo hèn, yếu kém, không có cơ hội... Hãy phá bỏ những hàng rào tị hiềm, nhỏ mọn, ghét ghen. Đừng tỏ ra mình hay hơn, tốt hơn, xứng đáng hơn người khác, nhưng hãy nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, ta cần luôn sống yêu thương, khiêm nhường và tận tình với hết mọi người, nhất là những người bất hạnh, không được may mắn như chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con không thể nào là chính mình
với cái nhìn hẹp hòi,
với tư tưởng đóng kín,
với tâm hồn khép chặt.

Con không thể đón nhận sự thật,
khi con chỉ muốn sống an thân,
khi con có thái độ bất cần,
và thiếu một tinh thần rộng mở.

Con không thể nào an vui hạnh phúc,
nếu lòng mình cứ “bế quan tỏa cảng”,
hay còn mang những định kiến ngổn ngang,
không hồn nhiên và tươi sáng chân thành.

Con sẽ thấy cuộc đời thật chí thú,
khi để mình vượt qua lối sống cũ,
những quan niệm hẹp hòi và bảo thủ,
những khuôn khổ và thói quen bám trụ,
hầu tập chú vào những gì đang tới,
là những gì làm tươi mới đời mình.

Xin cho con đừng tự mãn kiêu căng,
đừng dựa vào tài năng hay kiến thức,
nhưng biết sống chân thành và đạo đức,
không ham mê háo hức chuyện hơn thua,
nhưng quan trọng là lòng yêu mến Chúa,
nên không cần phải phân bua biện bạch.

Xin cho con an nhiên trước mọi điều,
biết vui mừng khi anh em được lợi,
đừng nghĩ ngợi tới việc lời hay lỗ,
mà luôn nhằm tiến tới chỗ tình thân.

Xin cho con biết đón nhận tất cả,
chẳng có gì mà đáng phải kêu ca,
con cứ sống chan hòa và buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.



 

Tôma Lê Duy Khang

Nhà tâm lý học Westerners đã từng giảng một ngụ ngôn: Có một đám trẻ con chơi đùa huyên náo suốt ngày trước cửa nhà một ông lão. Mấy ngày qua đi, ông lão không thể chịu đựng nữa. Ông bèn cho mỗi đứa trẻ 10 đồng và nói: “Các cháu đã khiến ở đây thật náo nhiệt, làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại rất nhiều, tiền này ông thưởng cho các cháu.”

Bọn trẻ rất vui, hôm sau lại đến, nhưng lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 5 đồng.

Bọn trẻ vẫn thích thú đến chơi ngày hôm sau, lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 2 đồng. Vậy là bọn trẻ tức giận bảo: “Cả ngày mới được 2 đồng, ông có biết bọn cháu chơi đùa cũng mệt lắm không!” Sau đó thì bọn trẻ không đến nhà ông lão chơi nữa.

Trong câu chuyện này, cách của ông lão rất đơn giản, ông đã biến động cơ bên trong “chơi vì niềm vui của chính mình” từ bọn trẻ trở thành động cơ bên ngoài “chơi vì để được tiền.”

Và khi ông lão thao túng nhân tố bên ngoài này thì cũng đã thao túng được hành vi của bọn trẻ để bọn trẻ không đến quấy rầy ông lão nữa.

Suy tư về hiệu ứng tâm lý học đó, chúng ta trở về trang Ttin mừng hôm nay, chúng ta thấy có phải là ông chủ trong dụ ngôn đang áp dựng hiệu ứng tâm lý này để loại trừ bớt những người thợ làm vườn nho hay không?

Bởi vì Tin mừng thuật lại giờ thứ nhất ra kêu vài người, giờ thứ 3,6,9 kêu vài người, giờ thứ 11 kêu vài người, chúng ta thấy có vấn đề hay không? Bởi theo lẽ thường tình ông chủ vườn nho sẽ biết vườn nho của mình sẽ cần bao nhiêu nhân công để làm, thế mà cứ kêu lắt nhắt như thế. Rồi khi trả tiền công nhật, thì là công khai trả lương cho những người giờ thứ 11 đầu với giá một đồng, nếu là người tế nhị thì sẽ trả cho những người làm giờ đầu tiên trước, để họ ra về mà không chứng kiến được hình ảnh ông chủ trả lương cho người sau hết, tránh được sự xáo trộn ganh tỵ lẫn nhau.

Có thể là ông chủ vườn nho đang dùng hiệu ứng Weterners để những người làm vườn nho giờ đầu tiên bất mãn không đến làm nữa, có thể vì những người này lười biếng, không siêng năng, chúng ta biết nếu ngoài đời thì những ông chủ có thể dùng cách này để thao túng người khác.

Nhưng chúng ta biết ông chủ trong dụ ngôn không phải là ông chủ bình thường mà là hình ảnh của Thiên Chúa, nếu là Thiên Chúa thì làm sao Chúa loại trừ con người được, vì Chúa nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

Nhưng sỡ dĩ Chúa Giêsu kể dụ ngôn đó, và có những hành động trái ngược với lẽ thường tình của con người, để cho chúng ta thấy được tình thương của Chúa dành cho con người, Chúa luôn luôn cho con người cơ hội để được làm việc trong vườn nho của Chúa, qua đó là muốn để cho con người phải biết yêu thương nhau, đừng ganh tỵ với nhau, nói như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đó là “Chúng ta đều là những người ăn mày trước mặt Chúa, ăn mày lòng quảng đại của Ngài”, giàu cũng ăn mày, nghèo cũng ăn mày, có ai trong chúng ta đây nói tôi giàu rồi tôi không cần ơn Chúa? Thưa không?

Còn hiệu ứng Westerners chúng ta cũng thấy rõ trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ thường nói với con cái: “Nếu lần này con thi được 10 điểm thì bố mẹ sẽ thưởng 100 ngàn”, “Nếu con thi đứng trong top 5 thì bố mẹ sẽ thưởng con một món đồ chơi mới” v.v…

Nhưng nếu chúng ta lạm dụng sẽ gây ra nhiều tại hại, chẳng hạn như nếu cơ chế thưởng không thỏa đáng, nó sẽ khiến hứng thú học tập của trẻ dần dần giảm đi, hay con cái đến với cha mẹ không phải vì tình yêu thật sự mà là cái cha mẹ cho nó, niềm vui của nó không phải là cha mẹ là cha mẹ của nó, mà cha mẹ là người đáp ứng nhu cầu của nó, thì đó là một điều nguy hiểm biết bao, những người thợ làm vườn nho giờ thứ nhất cũng mang tâm trạng đó, không nhận ra tình thương của ông chủ dành cho mình, mà trong đầu lúc nào cũng nghĩ là làm việc để được thương tiền.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi cái nhìn đó trong cuộc đời của mình, cũng như trong đời sống đức tin, để chúng ta biết cảm tạ Chúa vì đó là Chúa, chứ không phải cảm tạ Chúa vì những cái Chúa ban cho mình, cũng vậy yêu mến cha mẹ vì đó là cha mẹ chứ không phải vì cha mẹ cho mình điều này điều kia, chúng ta phải hiểu cái điều mà cha mẹ cho chúng ta lớn nhất đó là cuộc sống này, đó là tình thương của cha mẹ dành cho mình, rồi chúng ta yêu mến anh chị em của chúng ta vì đó là anh chị em của mình, chúng ta cùng một cha trên trời, chúng ta phải yêu thương nhau. Amen.