13/09/2023
3424
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXIV TN - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXIV TN - NĂM A

Hc 27,33-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35

 

Lm Trầm Phúc

Giáo Hội là một cộng đoàn yêu thương. Giới luật quan trọng nhất vẫn là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thánh Phêrô trong các thư của ngài gửi cho các giáo đoàn vẫn luôn nhắc đi nhắc lại giới luật đó:  Trước hết, anh em hãy hết tình thương yêu nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi”. Thánh Phaolô thì luôn nói đến bác ái trong các thư của Ngài. Xin đan cử một vài ví dụ: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em… vui với người vui, khóc với người khóc…”. “Anh em đừng mắc nợ ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì chu toàn Lề Luật…”

Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của Ngài đã nhấn mạnh đến tình yêu thương phải có giữa anh em: “Chúng ta hãy yêu thương nhau… Chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống là chúng ta yêu thương anh em… Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu… Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước”.  Chúng ta cần đọc đi đọc lại bức thư của thánh Gioan và thi hành.

Nhưng tình yêu bao giờ cũng đi đôi với việc tha thứ. Không ai trọn lành, vì thế, chúng ta dễ đụng chạm với nhau. Nếu chúng ta yêu thương nhau thật, thì việc đầu tiên là phải tha thứ cho nhau. Từ hận thù không bao giờ được chúng ta sử dụng. Chúng ta phải tha thứ cho nhau vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô là phải tha thứ luôn, không kể là mấy lần. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện và Ngài đã dạy chúng ta: Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha…” Nếu chúng ta không tha thứ cho người anh em, làm sao chúng ta có thể xin Cha trên trời tha thứ cho chúng ta?

Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn hết sức mạnh mẽ và rõ ràng, buộc chúng ta tha thứ cho nhau. Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa, một món nợ khổng lồ. Ai trong chúng ta có thể đứng trước mặt Thiên Chúa mà dám quả quyết rằng chúng ta không có tội? Thế mà người anh em chỉ lỗi với chúng ta một việc nhỏ, chúng ta cũng bắt lỗi.

Tha thứ là một điều không dễ. Chúng ta nhiều tự ái. Chúng ta sợ người khác qua mặt chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng người ta có thể dễ ngươi và có thể xúc phạm chúng ta thêm. Người trên dễ tha thứ cho người thấp kém hơn, nhưng với những người đồng trang, cùng chung sống gần nhau thì rất khó. Cần phải can đảm và tự hạ mới có thể tha thứ. Nhưng trên hết, chúng ta cần ơn Chúa để đủ can đảm tha thứ như Chúa đã dạy.

Chúa Giêsu trên thập giá đã xin Chúa Cha tha cho những người đóng đinh mình. Ngài dạy chúng ta bằng chính hành động của Ngài. Ngài là tấm gương sống động giúp chúng ta noi theo. Hãy nhìn Chúa Giêsu đau đớn trên thập giá. Hãy nghe tiếng gọi tha thứ của Ngài để luôn luôn tha thứ.

Nhiều đấng thánh đã biết tha thứ cho kẻ thù như thánh Stêphanô tha thứ cho những người ném đá ngài. Gần chúng ta hơn, thánh Maria Goretti đã tha thứ cho người giết mình và bà mẹ của Goretti là bà Assunta đã thăm nuôi tên sát nhân đó suốt mười lăm năm trong tù vì nhận kẻ sát nhân làm con mình. Một tấm gương tha thứ hết sức đặc biệt! Và lạ lùng thay, ngày phong thánh cho Maria Goretti, chính Alessandrô, kẻ sát nhân là người dâng của lễ!

Chúa Giêsu đi xa hơn khi dạy rằng: “Khi ngươi đến bàn thờ dâng của lễ mà nhớ lại giữa ngươi và một người bạn còn một điều xích mích, thì hãy để của lễ đó, về nhà làm lành với người kia rồi mới đến dâng của lễ”. Như thế, chúng ta thấy Chúa Giêsu lưu ý đến tình yêu như thế nào! Chúa không cần của lễ, vì mọi sự đều là của Ngài. Ngài chỉ muốn tình yêu mà thôi.

Chúa Giêsu chẳng những tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta ăn năn, Ngài còn trao cho chúng ta hồng ân tuyệt vời là Mình Thánh Ngài làm của ăn, để sống làm một với chúng ta, để chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Còn gì mà Ngài không làm cho chúng ta? Hãy theo Ngài trên con đường Ngài đã đi và mang tình thương của Ngài cho mọi anh em chúng ta và yêu thương luôn đi đôi với tha thứ. Hãy tha thứ vì chúng ta luôn được tha thứ.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Tha thứ để tâm hồn được thanh thản

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Bất quá tam” hoặc là: “Quá tam ba bận.” Ý của câu này muốn nói rằng: nếu một sự việc mang tính tiêu cực, mà cứ lặp đi lặp lại hoài, thì không nên để cho nó vượt quá “con số 3.” Nghĩa là phải đặt cho nó một cái giới hạn nhất định. Ngay cả “sự tha thứ lỗi lầm” cho một người, cũng tạm ấn định, nhiều lắm là được ba lần thôi.

Còn theo truyền thống của người Do thái, người vợ nào phạm lỗi, thì chỉ được tha cho một lần duy nhất. Còn đối với những người khác, khi sai phạm lỗi lầm, họ có thể được tha đến năm lần.

Đang khi đó, Tông đồ Phêrô cũng là người Do thái, nhưng mà có lẽ do Phêrô am hiểu về Thánh Kinh, nên trong đầu ngài luôn nghĩ đến con số 7, là con số đẹp, con số hoàn hảo và xuất hiện trong Kinh thánh hơn 700 lần.  

Theo Phúc âm thánh Mát-thêu diễn tả: Vì trong lòng luôn nghĩ về con số 7, với tâm trạng tự tin Phêrô lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu ai đó cứ xúc phạm đến con, con tha cho họ đến 7 lần, chắc là tốt rồi phải không Thầy?” (Mt 18,21). Chúa trả lời: “Không phải là 7 lần, mà là phải tha thứ đến 70 lần 7 cơ.” Có nghĩa là sự tha thứ phải là “tha hoài, tha mãi.” Điều đó cũng làm cho ta ngầm hiểu rằng: một người có lỗi, có tội dù nặng đến mấy đi nữa, mà biết ăn năn sám hối, thì chắn chắn sẽ được “xóa sạch.” Bởi vì lòng bao dung của Chúa luôn lớn hơn tội lỗi của con người gấp bội phần.

Thưa anh chị em,

Tha thứ mãi mãi như lời Chúa dạy, thực sự rất khó. Khó là bởi vì, khi tha thứ cho ai đó một, hai lần, ta cảm thấy đã là “hy sinh lắm” rồi. Còn đàng này, Chúa lại dạy ta cứ phải tiếp tục tha thứ mãi cho một người mắc lỗi, thì quả thật đây là một thử thách.  

Để vượt qua được thử thách này, mỗi người chúng ta nên tập cho mình có “cái tâm hướng thiện.” Nghĩa là luôn muốn sống hòa thuận với những người xung quanh, và rồi sau đó, suy gẫm câu chuyện Phúc âm để rút ra bài học “khi ta tha thứ cho người khác, thì ta mới được Thiên Chúa thứ tha.”  

Chuyện về một ông Vua tính sổ nợ nần với các đầy tớ của mình. (Ông vua ở đây ta hiểu là Thiên Chúa, còn đầy tớ là chúng ta). Món nợ 10 ngàn nén bạc, một con số “lớn” ta nợ Chúa, tượng trưng cho tội lỗi mà ta đã gây ra những phiền hà đối với Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện. Còn món nợ 100 đồng, một con số “nhỏ” người khác nợ ta, tượng trưng cho những lỗi phạm, thiếu sót của người anh em đối với ta.

Khi ta van xin một lời, bao nhiêu nợ nần Chúa xóa sạch, không để lại một dấu vết gì. Đang khi đó, ta giống tên đầy tớ trong Tin Mừng: được tha thứ mà không hề biết tha thứ. Nghĩa là: ta tính toán từng ly, từng tí với người anh em mắc lỗi rất nhỏ với mình. Để rồi, ta lại lãnh hậu quả không mấy tốt đẹp, vì ta đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong trả lại cho ta bằng đấu đó. 

Nói theo kiểu vui vui như ông Gandhy thì ta có thể nói như thế này: “Sống ở trên đời, nếu con người không biết tha thứ cho nhau, cứ giữ mãi cái luật “mắt đền mắt, răng đền răng” như người Do Thái xưa, thì e rằng một ngày nào đó, thế giới sẽ toàn là những con người mù và sún răng thôi.” Vì mắt phải đền mắt và răng phải đền răng mà.

Người Công giáo chúng ta thì không được phép làm như thế. Bởi vì, theo lời Thánh Phaolô khuyên trong thư gửi tín hữu Êphêsô 4,26 rằng: “Anh em đừng để mặt trời lặn mà cơn giận trong lòng vẫn còn.”

Vì hận thù được coi là trạng thái độc ác của sự dữ và cũng là một cử chỉ tiềm ẩn của tội sát nhân, như Thánh Gioan Tông đồ nói: “Ai oán hận, thù ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân.”

Và nhà Tâm lý học người Mỹ, cũng đã nói một câu tương tự như vậy: “Ta trút cơn giận lên một người khác, dù chỉ bằng một lời nói, điều đó cũng diễn tả một ý nghĩ tiềm ẩn rằng là ta muốn giết hại người đó.”

Nói đến đây, ta thử đặt vấn đề: Khi ta bị ai đó nhục mạ, ta phải làm gì? Tìm cách trả thù hay tha thứ cho họ?

Nếu câu trả lời là “Trả Thù” thì dám chắc một điều rằng là: suốt cuộc đời, cái tâm của ta giống như mặt nước ở giữa biển khơi, lúc nào cũng đối mặt với những cơn sóng gió, bão bùng, không thể bình yên được. Chính vì thế mà ta không nên trả thù.

Còn nếu câu trả lời của ta là “Tha thứ” thì ta sẽ thấy câu nói của ông bà ngày xưa rất đúng: “Một sự nhịn sẽ được 9 sự lành.” Bởi vì: “Sự nhịn, sự tha thứ” tự bản của nó có một giá trị cao quý lắm.

Theo nhà Tâm lý người Mỹ nhận định: “Sự bao dung, tha thứ là một giải pháp tốt, có lợi cho đôi bên: tốt cho người tha thứ lẫn người được tha thứ. Là bởi vì sự tha thứ mở ra một năng lực tinh thần, có tác dụng giải thoát tâm lý căng thẳng giữa 2 người, giúp cho họ sống lành mạnh và vui vẻ hơn.”

Chính vì nhận ra được sự cao quý của lòng bao dung tha thứ, cho nên Ban tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), vào năm 1995, họ chọn một ngày, gọi là “Ngày Quốc tế Khoan dung” ngày 16/11 hằng năm. Và hơn nữa, Giáo hội Công giáo chúng ta không phải chỉ có một ngày, mà có đến một tuần lễ (7 ngày), kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất yêu thương, cho mọi dân tộc trên thế giới vào tháng 1 hàng năm.

Điều đó để chứng tỏ rằng: Lòng bao dung và sự tha thứ rất cần trong cuộc sống của con người chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, là Đấng giàu lòng tha thứ, xin giúp chúng con, không những biết tha thứ lỗi lầm cho những người xúc phạm đến con, mà còn giúp chúng con biết yêu thương họ thật lòng trong tình yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Amen.




Tôma Lê Duy Khang

Bài 1: 

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta bài học là hãy biết tha thứ cho anh em mình một cách vô giới hạn, qua câu hỏi của Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là có phải đây chỉ là lời dạy về sự tha thứ một cách đơn thuần?

Thưa không, đây không phải chỉ là lời dạy về sự tha thứ một cách đơn thuần, bởi để có thể tha thứ thì cần phải có lòng thương xót, hay nói đúng hơn là lòng quảng đại.

Dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót cho chúng ta thấy được điều đó, dụ ngôn này trình bày cho chúng ta thấy hai hình ảnh khác nhau, đó là hình ảnh của nhà vua tha cho người đầy tớ một số bạc khổng lồ mặc dầu anh chỉ xin khất nợ, và hình ảnh của người đầy tớ không tha cho người đồng bạn của mình một số nợ nhỏ nhoi, điều đó muốn nói lên lòng dạ hẹp hòi của con người nói chúng và của mỗi người chúng ta nói riêng, dù là nhỏ hay lớn đều muốn quy hướng về mình.

Nên bài học chúng ta cần đó là lòng bao dung, nếu có lòng bao dung thì chúng ta sẽ có thể làm được mọi việc vì người khác, và cho người khác, dù lớn lao, hay dù nhỏ bé, còn nếu không có lòng bao dung thì dù việc nhỏ chúng ta cũng khó có thể làm được.

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày”.

Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.”

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.

Hiểu được như thế, xin cho mỗi người chúng ta có được lòng bao dung, học lòng bao dung nơi những người tốt lành, để đem lại niềm vui cho người khác, cũng như nhờ đó mà mình có niềm vui và hạnh phúc thật sự. Amen.



Bài 2:

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta bài học là hãy biết tha thứ cho anh em mình một cách vô giới hạn, qua câu hỏi của Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."

Nhưng tại sao Phêrô lại hỏi Chúa Giêsu câu hỏi đó? Thưa vì trước đó Chúa Giêsu dạy bài học phải sửa lỗi cho nhau, và sau đó Chúa Giêsu nói thêm: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18, 18). Chính vì thế, mà thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu là phải tha thứ bao nhiêu lần.

Chúng ta hãy nhớ trước khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Giêsu cũng đã nói điều này với các tông đồ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 23), nhưng chúng ta hiểu đó là việc Chúa Giêsu ban năng quyền tha tội.

Như vậy, vấn đề mà chúng ta chia sẻ hôm nay không phải chỉ là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta tha thứ cho nhau ở tòa đời, khi người anh em mình xúc phạm đến mình.

Nhưng đó còn là lời nhắc nhở các linh mục phải có lòng thương xót của Chúa, để thường xuyên ngồi tòa giải tội để ban bí tích giải tội cho hối nhân, khi họ cần đến mình.

Trong một ngôi nhà thờ bên trong tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một thập giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng. Đó là tượng thập giá tha tội, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh có cánh tay phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau:

Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…

Nhưng bên cạnh đó, ngoài việc Chúa Giêsu nói phải tha thứ: “Anh em tháo gỡ điều gì, thì trên trời tháo gỡ như vậy”, thì Chúa Giêsu còn nói: “Anh em cầm giữ điều gì, trên trời cũng sẽ cầm giữ như vậy”, nghĩa là có những trường hợp mà linh mục không thể ban ơn tha tội được chẳng hạn như ly dị tái hôn, sống công khai trong tội, sống công khai trong tội có nghĩa là không có lòng ăn năn dốc lòng chưa, mà nếu không có lòng ăn năn dốc lòng chừa thì không thể lãnh nhận ơn tha tội.

Hay tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha, chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều này: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12,31-32).

Mà tội phạm đến Chúa Thánh Thần đó là tội:

- Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giàu lòng xót thương và tha thứ.

- Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

- Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.

- Không còn nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin được tha thứ.

Nói cách khác, chúng ta có thể hiểu tội xúc phạm đến Thánh Thần là từ khước Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người. Nếu đã không còn tin Chúa để chạy đến xin Người tha thứ tội lỗi thì làm sao lãnh nhận ơn tha thứ.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để sẵn sàng tha thứ cho anh chị em của mình khi họ xúc phạm đến chúng ta, và chúng ta cũng xin Chúa hoán cải tâm hồn của những tội nhân biết ăn năn sám hối, dốc lòng chừa, để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Amen.