26/08/2022
1476
Bài giảng Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm C - Giáo phận Mỹ Tho

















 

TÂM TÌNH ĐỌC TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C

Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

Lc 14,1.7-14

KHIÊM NHƯỜNG

 

Chúa Giêsu quan sát và nhận thấy: Khách đi dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi…

Tại sao những người đi dự tiệc lại chọn chỗ nhất mà ngồi? Ngay cả chúng ta cũng có khuynh hướng chọn chỗ tốt để ngồi mỗi khi có dịp tham dự một bữa tiệc.

Bởi vì chỗ nhất, chỗ tốt trong đám tiệc thì được nhiều người nhìn thấy, quan tâm, lưu ý, phục vụ, chăm sóc… Cách chu đáo và đặc biệt hơn.

Chỗ nhất trong buổi tiệc được gọi là chỗ VIP, và chắc chắn cách đón tiếp, phục vụ, món ăn cũng tương xứng với chữ VIP.

Nhìn vào những người đang ngồi ở chỗ nhất, mặc dù chưa biết thân thế, gia cảnh, địa vị của họ như thế nào, nhưng mặc nhiên họ luôn được gắn mác nhãn là những người có vị thế chức quyền địa vị.

Trong một buổi tiệc, vị trí được gọi là tốt nhất thường gắn với yếu tố an toàn: Cửa thoát hiểm, được bảo vệ, tầm quan sát bao quát, thuận lợi cho việc di chuyển… Và có khả năng giúp người khác dễ chú ý tập trung vào mình, mỗi khi cần phát biểu hoặc điều phối một điều gì đó.

Thời đại công nghệ thông tin truyền thông ngày nay, cũng chi phối đến vị trí chỗ nhất nơi đám đông, hoặc trong buổi tiệc. Chỗ nhất đó là: Dễ được ghi hình, quay phim, nhiều góc độ khác nhau đều nhìn thấy đối tượng xuất hiện.

Những vinh hoa, phú quý, danh dự… Được nêu ra bên trên góp phần hấp dẫn nhiều người thích ngồi vào chỗ nhất, thích xuất hiện chỗ nhất nơi đám đông, buổi tiệc, hoặc nơi có đông người tập trung.

Có thể nói: Chỗ nhất là nơi được tôn vinh, là nơi dành để tôn vinh, tô điểm cho một ai hay nhiều đối tượng nào đó. Từ sự vinh hoa phàm tục này, Chúa Giêsu hướng lòng trí người nghe đến sự khiêm nhường và vinh hoa lợi lộc của Nước Trời: Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Vinh hoa và phần thưởng Nước Trời chỉ dành cho người có lòng khiêm nhường. Khiêm nhường không chỉ là tự hạ mình xuống, nhưng còn là giúp đỡ người khác mà không cầu mong đền ơn đáp nghĩa: Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.

Khiêm nhường cũng là biết khước từ vinh hoa lợi lộc mà người khác ban tặng: Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.

Đến đây có thể nhận thấy cốt lõi của khiêm nhường là:

Biết tự nguyện hạ mình xuống, mà đáng lý bản thân không cần đến mức phải như vậy.

Biết khước từ vinh hoa, danh dự, lợi lộc, mà đáng lý bản thân xứng đáng được hưởng những điều đó.

Biết từ chối cách khôn ngoan sự đền ơn đáp nghĩa của người khác dành cho mình, mà đáng lý bản thân xứng đáng đón nhận những điều như vậy.




 

Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường Niên

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

 

Chúa nhật này, khi chúng ta đọc kỹ các đoạn văn Lời Chúa, sẽ ngạc nhiên về đường lối đào tạo của Thiên Chúa. Người ở rất gần chúng ta và dùng nhiều phương thế đào tạo chúng  ta nên con người hoàn thiện. Một trong những bài học cần thực hành là nhân đức khiêm nhường. Đó là điều kiện cần để được Thiên Chúa và tha nhân yêu mến. Một người sống đức khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha nhân gần gũi. Tha nhân có khi cho chúng ta những bài học quí giá trong cuộc đời, khiêm hạ sẽ giúp chúng ta nhu hòa dễ được lòng người, nhờ đó học được nhiều điều hay. Thánh Phao-lô dạy các tín hữu phải luôn có thái độ kính sợ Thiên Chúa và sống tâm tình của  Đức Ki-tô. Nhờ Đức Ki-tô, con người tội lỗi có  thể đến gần Thiên Chúa; nhờ thập giá Đức Ki-tô, con người được thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa, và nhờ khiêm hạ như Chúa Ki-tô, ai nấy có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Nổi bật nhất là Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy các môn đệ luôn có thái độ khiêm nhường trong cách cư xử và phục vụ, vì Thiên Chúa yêu thích và ban ơn cho những người như thế.

1. BÀI ĐỌC 1: Hc 3,17-18.28-29

Kiêu ngạo là một trở ngại rất lớn đối với người Ki-tô hữu. Đặc biệt là những người tu trì, giάc ngộ cao và cό học vấn. Các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta nhìn thấy rõ: cho dù cό hiểu biết, đắc đạo cao thâm đến mức nào mà có tính kiêu ngạo, tự cao, tất nhiên sẽ mất đi cơ hội tiếp xúc với Đức Khôn Ngoan, mất đi vị trí trong Nước Thiên Chúa. Người kiêu căng, ngạo mạn thường cho rằng bản thân đã thông suốt những lу́ luận đạo đời, đã giỏi lắm rồi, không cần phải tu tâm dưỡng tánh nữa; cό những người làm được vài việc thiện liền xem thường những người khác; Người Tạng cό một câu nόi: “Trên ngọn nύi cὐa sự kiêu ngạo không cό dὸng suối của  công đức.” Những người kiêu ngạo cũng rất khό cό được lὸng từ bi với tha nhân và môi sinh, trong tâm cũng  không màng tίch lũy công đức.

“Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm nhu, thì con sẽ được mến yêu hơn những người rộng lượng cho đi. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” Trái ngược với kẻ kiêu ngạo, người khiêm nhường biết con người thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Đây là điểm trọng yếu xuyên suốt đời sống đức tin Ki-tô hữu. Khi chúng ta biết Thiên Chúa chính là chủ thể của mọi công trình sáng tạo, là tác giả của ân sủng, tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập sự biết ơn. Chính bởi vì họ biết dầu cho họ có khôn ngoan đến mực nào, có vượt lên trên các thụ tạo khác thì cũng không thể nào so sánh với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan, không thể sánh được với uy quyền Thiên Chúa. Nhất là, Đức Khôn Ngoan dạy cho chúng ta biết là Thiên Chúa hoàn toàn có thể lấy đi trí thông minh, uy quyền và mạng sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Trong đoạn sách Đức Huấn Ca hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy luôn vâng lời và giữ cẩn thận những điều Thiên Chúa truyền dạy, biết đặt mình đúng vị trí mà Thiên Chúa muốn trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Đức Huấn Ca tin tưởng người khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa quí yêu, chúc lành, và bảo vệ trong suốt cuộc đời.

Vì vậy, muốn được khôn ngoan, cần phải đặt cái tôi cὐa mὶnh xuống, như vậy cảnh giới tiếp xúc với Thiên Chúa mới cao, trί tuệ và lὸng từ bi trong tâm mới được Thiên Chúa ban phát rộng rãi. Để tiết chế tίnh kiêu ngạo, chúng ta cό thể thông qua việc bồi đắp lὸng kίnh cẩn trong tâm; từ việc luôn nhớ tới công ơn của Thiên Chúa để tạo niềm vui, để loại bὀ những hổ thẹn trong lὸng, tiết chế tίnh ngạo mạn, và nhὶn thấy sự ngạo mạn của chίnh mὶnh là thứ làm vấy bẩn lương tri. Trước Thiên Chúa, hãy thử ngẫm nghῖ xem bản thân mὶnh đã hoàn toàn hiểu hết về Ngài hay chưa? Cό cὸn gὶ đáng để ta kiêu ngạo nữa hay không? Những tổ phụ, các thánh của Thiên Chúa đã qua giác ngộ về đức khiêm nhường đều có lòng từ tâm, khiêm tốn, vậy ta dựa vào điều gὶ để mà ngạo mạn?

Một ví dụ, Ông Mô-sê không kiêu ngạo khi được giao quyền hành. Thường thì khi nhận được chút ít quyền hành, tính khiêm nhường hay là kiêu ngạo của một người được thấy rõ. Tác giả Robert G. Ingersoll, sống vào thế kỷ 19, viết: “Ða số người ta chịu đựng được nghịch cảnh. Nhưng để biết một người thật sự là thế nào, hãy cho người đó quyền lực.” Mô-sê đã nhận quyền hành rất lớn, vì Ðức Chúa đã giao cho ông trách nhiệm lãnh đạo dân Israel. Nhưng quyền ấy không bao giờ khiến Mô-sê kiêu ngạo. Chẳng hạn, hãy xem ông khiêm nhường thế nào khi giải đáp một câu hỏi phức tạp về quyền thừa kế sản nghiệp (x. Ds 27,1-11). Câu hỏi này rất quan trọng vì phán quyết sẽ trở thành tiền lệ pháp lý cho các thế hệ sau.

Đọc lại, thấy Mô-sê phản ứng thế nào? Ông có thể lý luận rằng vì tôi là người lãnh đạo dân Israel nên tôi hội đủ điều kiện đưa ra phán quyết chung cuộc, hoàn toàn có thể vịn vào khả năng, kinh nghiệm hoặc sự hiểu biết sâu sắc của mình về lối suy nghĩ của Ðức Chúa qua những lần thần hiện để quyết đoán. Có lẽ một người kiêu ngạo sẽ làm thế. Nhưng Mô-sê thì không. Kinh Thánh cho biết: “Ông Mô-sê trình lên Ðức Chúa trường hợp của họ.” (x. Ds 27,5). Hãy nghĩ xem, dù lãnh đạo dân Israel đã 40 năm, Mô-sê không nương cậy chính mình, nhưng nương cậy nơi Ðức Chúa, đây là căn bản của Đức Khiêm Nhường. Rõ ràng, Mô-sê là người rất khiêm nhường.

Ở những câu chuyện khác, Mô-sê cũng không nghĩ rằng ông nên là người duy nhất nắm quyền. Ông vui mừng khi Ðức Chúa cho phép những người Israel  khác cũng làm nhà tiên tri (x.Ds 11,24-29). Khi cha vợ gợi ý rằng Mô-sê nên chọn một số người để san sẻ công việc, ông đã khiêm nhường làm theo (x. Xh 18,13-24). Gần cuối đời, dù vẫn còn khỏe mạnh nhưng Mô-sê xin Ðức Chúa  chỉ định người kế nhiệm mình. Khi Ðức Chúa chọn Giô-suê, Mô-sê hết lòng hỗ trợ và khuyên dân Israel theo sự lãnh đạo của Giô-suê để vào Ðất Hứa (x.Ds 27,15-18; Đnl 31,3-6; 34,7). Chắc chắn, Mô-sê  xem việc lãnh đạo dân Israel với lòng tôn kính của dân là một đặc ân. Nhưng ông không đặt quyền hành của mình trên hạnh phúc của người khác. Đó là khiêm hạ đích thực hướng về tha nhân. Hãy nhớ rằng: Ðể được Ðức Chúa  dùng, tính khiêm nhường của chúng ta luôn quan trọng hơn khả năng (1Sm 15,17). Khi thật sự khiêm nhường, chúng ta sẽ cố gắng áp dụng lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh: “Hãy hết lòng tin cậy Ðức Chúa chớ ỷ lại vào sự thông-sáng của con” (x.Cn 3,5.6). “Ðức Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường” (1Pr 5,5).

2. BÀI ĐỌC 2: Dt 12,18-19.22-24a

Thánh Phao-lô nhắc lại cuộc thần hiện của Thiên Chúa trên núi Si-nai, với mục đích nhắc nhở cho các tín hữu nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người, phải biết kính sợ Thiên Chúa.

Đoạn sách Xuất Hành 19,10-25 giải thích cảm giác như thế nào khi dân Israel đến Núi Si-nai - Chúa phán: “Hãy xuống cảnh cáo dân đừng kéo nhau lên để xem Đức Chúa, kẻo nhiều người phải lăn ra chết. Ngay các tư tế đến gần Đức Chúa cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị Đức Chúa đánh phạt.” Ông Mô-sê thưa với Đức Chúa: “Dân không thể lên núi Si-nai được, vì chính Ngài đã cảnh cáo chúng con rằng: Hãy vạch rõ ranh giới của núi và tuyên bố đó là núi thánh.” “Nhưng anh em đã đến Núi Si-on.” Thánh Phao-lô cố gắng diễn tả về một nơi khác hơn là địa danh ngọn núi ngày xưa ở đất mà Mô-sê vào chiếm hữu. Bởi lẽ, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không được mô phỏng theo kinh nghiệm của Israel trên Núi Si-nai. Chúng ta đến ngọn núi khác của Thiên Chúa: núi Si-on, tên ngọn núi mà Giê-ru-sa-lem ngự trên đó. Lề Luật đến Si-nai qua trung gian Mô-sê; Ơn Cứu Độ đến từ Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập tự giá trên đỉnh Si-on. Những gì Đức Chúa ban tại Núi Si-nai chủ yếu là cho Israel; những gì Đức Chúa ban tại Núi Si-on là dành cho tất cả mọi người và ơn cứu độ xuyên suốt dòng thời gian, cho cả Hội thánh và cộng đoàn vô số những người được cứu chuộc, tất cả hợp nhất cùng nhau trên ngọn núi Si-on. Công trình cứu độ của Chúa Giê-su đã làm trên núi Si-on thỏa mãn công lý của Đức Chúa, khiến tinh thần của những người công chính trở nên hoàn hảo. Với thánh Phao-lô, tất cả mọi người có thể đến với Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, qua trung gian của Đức Ki-tô: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.” Đức Ki-tô đã hòa giải con người với Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho con người, từ đó, con người không còn phải sợ hãi Thiên Chúa nữa; nhưng có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên, con người vẫn phải có tâm tình của Đức Ki-tô, hết lòng yêu mến và sống thánh ý Chúa Cha. Những con người tháp nhập vào Đức Kitô, được mời gọi tới dự tiệc vui trên núi Si-on, nơi Thiên Chúa ngự trị, và thành Giê-ru-sa-lem mới trên trời.

3. TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14

Khi đọc Tin Mừng, chúng ta có thể suy diễn là những vấn đề xã hội này được mô tả từ thế giới Tân Ước vào thế kỷ thứ nhất, khác hẳn với vấn đề trong môi trường sống hiện đại của chúng ta, trong Hội Thánh, đặc biệt là những Giáo hội bén rễ trong lòng xã hội dân chủ, phương Tây. Tuy nhiên, sự phân biệt xã hội, tưởng chỉ có trong thời cổ đại, thì vẫn thường xuyên xảy ra trong các cộng đồng chúng ta, vì những người có ít đặc ân hơn sẽ dễ dàng chứng thực điều này. Những gì khá rõ ràng trong thế giới cổ đại có thể tự thể hiện theo kiểu ẩn ý hơn trong bối cảnh của chúng ta.

Trong phân đoạn Tin Mừng Lc 14,1.7-14 hôm nay, ma trận xã hội của cuộc sống thế kỷ thứ nhất được hiển thị, và chúng ta nghe Chúa Giê-su nói vào ma trận này với cả sự khôn ngoan và lời khuyên bất ngờ, thậm chí đáng kinh ngạc. Bối cảnh của câu chuyện trong phân đoạn 14, 1 là ngày Sa-bát, và Chúa Giê-su được mời dùng bữa tại nhà của một người Pha-ri-sêu vị vọng. Sau phần mở đầu, trong đó Lu-ca thuật lại việc Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người và biện luận quanh việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Thánh Lu-ca tập trung vào cảnh bữa ăn, một bối cảnh mà ngài sử dụng cách uyển chuyển khôn khéo trong Tin Mừng của mình (x. Lc 5,29; 7,36; 11,37; cf. 7,34; 15,1-2).

Trong bữa ăn, Chúa Giê-su quan sát “thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi” (x.Lc14, 7). Theo Tin Mừng Lu-ca, phản ứng của Người có hai góc độ. Đầu tiên, Người kể một câu chuyện ngụ ngôn. Mục đích của câu chuyện là không khuyến khích người nghe của mình tìm kiếm một chỗ ngồi uy tín nhất trong bàn để tránh tình huống bẽ mặt bị thay thế bởi một người nổi tiếng hơn (x. Lc 14,8). Thay vào đó, họ phải tìm vị trí thấp nhất để có thể được chủ nhà nâng lên một chiếc ghế danh giá hơn (x. Lc 14,10). Lời luận bàn tóm tắt của Chúa Giê-su cho dụ ngôn là câu cách ngôn nổi tiếng: “Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, kẻ hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (x. Lc 14,11).

Làm sao hiểu được phản ứng đầu tiên này của Chúa Giê-su đối với việc thể hiện thứ hạng xã hội rất rõ ràng trong bữa ăn? Có thể lưu ý rằng xếp hạng xã hội như vậy là phổ biến trong xã hội Hy-lạp và La-mã. Trên thực tế, bữa ăn là tình huống đặc biệt làm nổi bật sự chênh lệch xã hội trong thế kỷ thứ nhất. Có một kho lời khuyên được đưa ra về cách hành động trong những bữa ăn như vậy. Một cuốn sách khôn ngoan của người Do-thái, cuốn Si-rach mà chúng ta đọc là sách Đức Huấn Ca, cảnh báo về sự tham lam và khuyên ta nên tôn trọng những bữa ăn như vậy (x. Hc 31,12-18). Mặc dù lời khuyên này phù hợp với giọng điệu lời nhận xét của Chúa Giê-su trong Lu-ca, nhưng Chúa Giê-su còn đi xa hơn trong việc cảnh báo không nên tìm kiếm những chỗ ngồi danh giá nhất. Lời khuyên của Người là hãy sống trong sự khiêm tốn, một khái niệm có ý nghĩa quan trọng. Sự khiêm tốn rất hiếm khi được coi là một đức tính trong diễn ngôn đạo đức Hy-La. Tuy nhiên, sự khiêm nhường là để diễn tả cung cách sống của những người theo Chúa Giê-su, dẫn chứng trong Tân Ước (x. Lc 1,48, 52; 18,14; Pl 2,3; Cô-lô-xê 3,12; Gc 3,13; 1Pr 5,5).

Tuy nhiên, khi đọc Lc 14,12-14, chúng ta nghe thấy một thông điệp phản truyền thống xã hội – một thông điệp xem ra đảo cấu trúc danh dự và địa vị của thế giới cổ đại. Chúa Giê-su, không dùng dụ ngôn, nói trực tiếp với chủ nhà - người nắm quyền kiểm soát đối với ‘tập quán’ cho bữa ăn cụ thể này. Lời khuyên của Chúa Giê-su cho nhân vật quyền lực này trong câu chuyện có tác dụng phá hoại chính hệ thống đề cao sự khác biệt về địa vị trong bữa ăn. Chúa Giê-su khuyên chủ nhà đừng mời bạn bè, gia đình hoặc người giàu đến dùng bữa, vì họ có thể trả ơn bằng một lời mời tương ứng. Sự ‘tương hỗ xã hội’ như vậy là ‘xương sống’ của nếp sống văn minh thế kỷ thứ nhất.

Thay vào đó, Chúa Giê-su kêu gọi hãy mời những người không thể đáp trả lễ: “người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù” (x.Lc 14,13). Nhóm người này ở trong sứ mệnh của Chúa Giê-su giống như của Isaia và được nói từ Lc 4,18, những người nghèo và người mù được đề cập rõ ràng. Đối với Lu-ca, Chúa Giê-su đánh đổ kỳ vọng rằng việc trả ơn và trả nợ trong giao hoán xã hội sẽ chi phối cuộc sống trong cộng đồng vương quốc của Đức Chúa. Lời hứa của Người là Thiên Chúa sẽ đền đáp lòng hiếu khách đó khi “người công chính sống lại” (x. Lc 14,14). Kiểu đảo ngược kỳ vọng và trạng thái này là chủ đề hệ trọng trong Lu-ca (x. 1,52; 6,20-26; 18,14). Trên thực tế, trong phân đoạn tiếp theo, câu chuyện bữa ăn tiếp tục với việc Chúa Giê-su nhấn mạnh lại ý niệm mời người nghèo, người tàn tật, què và người mù (Lc 14,21), lần này trong một dụ ngôn đại diện cho bữa tiệc cánh chung của Thiên Chúa sẽ chỉ bao gồm những người bị thiệt thòi như vậy, vì những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của Thiên Chúa (x.14,24).

Nền tảng cho đoạn văn Tin Mừng hôm nay mang sứ điệp rất hữu hình: khi dân của Thiên Chúa hạ mình xuống và tìm cách sống theo một hệ thống xã hội khác được đánh dấu bằng sự hòa nhập triệt để với người thấp bé nhất trong xã hội, họ có thể tin cậy Thiên Chúa trung thành ban thưởng cho những cách thức hành xử đúng đắn của họ. Vương quốc Chúa Giê-su khai mạc đã lật đổ các hệ thống xã hội loài người vốn thường thưởng công cho những người “có địa vị” và gây bất lợi hơn nữa cho những “người không có địa vị.” Khi các Ki-tô hữu hiện nay đang tìm cách sống theo giá trị Tin Mừng, họ hòa nhập cuộc sống với những người bị thiệt thòi nhất, hành động của họ phản ánh chương trình nghị sự về vương quốc đang tới của chính Chúa Giê-su, nhờ đó mang những người anh chị em về đầy nhà của Thiên Chúa và dâng bữa tiệc cánh chung đó cho tất cả mọi người (x.Lc 14,21-23).

GỢI Ý SUY NGHĨ THÊM

Chúa Giê-su là tấm gương khiêm nhường toàn hảo gần gũi với chúng ta mỗi ngày, nhưng không ai có thể thoát được bản tính tự tôn cố hữu trong mỗi con người. Với lời giảng dạy thật sâu sắc về tính khiêm nhường và gương sống thật khiêm nhu nhún nhường của Chúa Cứu Thế Giê-su, chúng ta còn cần một điều gì thật quan trọng nữa, mới có thể thoát được bản tính tự cao để trở nên khiêm nhường thật sự?

Mỗi chúng ta chẳng có thể tự giải thoát mình ra khỏi cái bẫy kiêu ngạo đầy tinh quái, đang ẩn núp thật khéo léo dưới mọi hình thức thật tinh vi. Do vậy, mỗi chúng ta đều cần Chúa Giê-su mới thực sự được giải thoát khỏi vòng trói buộc của tội lỗi, mà trong đó có tội kiêu ngạo đi đầu.

Người khiêm nhường sẽ dễ dàng sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, sẽ gặt hái được rất nhiều kết quả cả đời này và đời sau trong bình an và trong Nước Thiên Chúa hiển trị.

 



 

Suy niệm Chúa Nhật XXII Thường Niên

Lm. Tôma Lê Duy Khang

 

Bài 1

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đi dự tiệc tại nhà một người biệt phái và Người quan sát thấy người ta tranh dành nhau chỗ nhất, nên đã dùng dụ ngôn để dạy bài học về sự khiêm nhường.

Chúa Giêsu đi từ một nhận xét cụ thể: nhiều người khi đi ăn cưới thường thích ngồi chỗ cao nhất để khiến người khác chú ý tới. Nhưng nếu chủ nhà xếp đặt chỗ ngồi, ông có thể đến mời những người đó nhường chỗ cho những người có địa vị cao hơn. Lúc đó chúng ta sẽ thấy như thế nào? Thưa xấu hổ và mắc cỡ.

Và Chúa Giêsu đưa ra một kết luận: Cứ ngồi ở chỗ cuối, chủ nhà sẽ đến mời lên trên và như vậy sẽ được vinh dự hơn. Ngài khẳng định: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Khi nghe Chúa Giêsu dạy điều này, tôi lấy làm lạ, và tự đặt câu hỏi phải chăng Chúa Giêsu có ý dạy một tiểu xảo, một mánh lới? Giả vờ hạ mình xuống để được tôn lên? Giả vờ ngồi chỗ cuối, chỗ dưới để được mời lên trên?

Chúng ta có thể trả lời ngay: chắc chắn là không, Chúa Giêsu không có ý dạy chúng ta một tiểu xảo, bởi vì nếu Chúa có ý như vậy thì Người làm ngược lại với chính chủ trương của mình. Người không dạy chúng ta hạ mình xuống với ý hướng là để được cất nhắc lên.

Chúng ta để ý bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu. Người thấy có nhiều người tranh giành chỗ ngồi với nhau, ai cũng muốn giành chỗ nhất trong đám tiệc, nên mới dạy hãy ngồi chỗ cuối. Nếu chúng ta có cái nhìn ngược lại, nếu trong đám tiệc ai cũng tranh giành chỗ cuối, thì có lẽ Chúa sẽ dạy hãy ngồi chỗ nhất.

Nghĩa là sao? Chỗ ngồi chỉ là hình ảnh ẩn dụ mà thôi, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen là ngồi chỗ cuối mới là khiêm nhường, còn ngồi chỗ nhất là kiêu ngạo. Vậy khiêm nhường mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong Tin Mừng hôm nay là không tranh giành, là muốn điều tốt cho anh chị em của mình, là chịu phần thiệt về mình, chứ không phải khiêm nhường để được người khác tôn vinh.

Khi đọc Tin Mừng hôm nay tôi nhớ đến 2 câu chuyện về vua Đavit và thánh Gioan Vianney, cũng là hai mẫu gương của sự khiêm nhường mà chúng ta cần bắt chước: khiêm nhường trước mặt Chúa và khiêm nhường trước mặt người đời.

Đối với vua Đavít, sách Samuen quyển thứ 2 có thuật lại, khi vua rước Hòm bia Thiên Chúa từ Giuda lên Giêrusalem, lúc bấy giờ ông quấn vải gai, nhảy múa hết mình trước nhan Đức Chúa. Khi Hòm bia đã vào thành vua Đavit, bà Mikhan, con gái vua Saun, nhìn qua cửa sổ thấy vua Đavit nháy múa quay cuồng trước nhan Đức Chúa, thì khinh dễ vua trong lòng. Sau đó, khi trở về nhà, bà Mikhan ra đón vua và nói: “vua Israen hôm nay danh giá biết bao, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, hở hang chẳng khác gì một đứa vô danh tiểu tốt.”

Thế nhưng vua Đavit đã nói với bà Mikhan: “Trước nhan Đức Chúa, Đấng đã chọn tôi thay vì cha của bà và cả nhà cha bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân của Đức Chúa là Israen, trước nhan Đức Chúa tôi sẽ vui đùa. Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa, tôi sẽ coi mình là thấp hèn; nhưng đối với các nữ tỳ mà bà nói, đối với chúng, tôi sẽ được danh giá.” Nhờ đó vua Đavit được Chúa chúc phúc, còn bà Mikan thì sao? Bà không có con cho đến ngày chết, vì đã kiêu ngạo phạm thượng (x. 2Sm 6,1-23).

Còn với thánh Gioan Vianney, chúng ta biết lúc còn là chủng sinh, thánh nhân học rất chậm.

Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn, để có thể tiến tới thánh chức linh mục được chăng.

Tuy đã dốc hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu hỏi nào cho trôi chảy.

Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: Anh dốt đặc như con lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì.

Vianney khiêm tốn trả lời: Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm của con lừa, mà đánh bại được 3.000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?

Quả thật, con lừa của Thiên Chúa đó, sau này không chỉ trở thành một cha sở, mà còn được tôn phong làm thánh bổn mạng của các cha sở.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường, khiêm nhường trước mặt Chúa, khiêm nhường trước mặt anh em, chứ không phải trước mặt anh em thì khiêm nhường còn trước mặt Chúa thì không, hoặc ngược lại khiêm nhường trước mặt Chúa, còn đối với anh em thì không. Phải có sự khiêm nhường toàn diện trong cuộc đời của mình, có như thế thì trong giây phút hiện tại hay trong ngày sau hết Chúa sẽ nâng chúng ta lên, Chúa sẽ đưa chúng ta vào chỗ mà ngài đã dành sẵn cho chúng ta. Amen.

 

 

Bài 2

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự khiêm nhường qua hình ảnh khi đi dự tiệc hãy ngồi chỗ cuối. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh này để nói về sự khiêm nhường? Thưa vì trong bữa tiệc có nhiều người giành chỗ nhất mà ngồi, nên Chúa Giêsu dạy hãy ngồi chỗ cuối, để dạy về sự khiêm nhường.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là phải chăng ai chọn ngồi chỗ cuối cũng được gọi là khiêm nhường?

Chẳng hạn khi chúng ta vào nhà thờ ngồi chỗ cuối là khiêm nhường, nên không ai chịu lên trên ngồi hết, vì ngồi trên toàn là kiêu ngạo, các cha ngồi, đứng trên cung thánh còn kiêu ngạo hơn nữa, có phải như vậy không?

Chắc vậy, nên không ai dám lên trên ngồi, thậm chí còn ngồi ở ngoài sân, hay ngồi ở xa xa để xem lễ, nhằm thể hiện sự khiêm nhường của mình, để sống theo Lời Chúa dạy đi dự tiệc hãy ngồi chỗ cuối. Nếu chúng ta hiểu như vậy, và sống như vậy thì thật là sai lầm và nguy hiểm biết bao, bởi vì trong sự khiêm nhường đó, nó hàm ẩn sự kiêu ngạo. Vậy thì chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng?

Như đã nói, bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu là thấy có nhiều người tranh giành chỗ ngồi với nhau, ai cũng muốn giành chỗ nhất trong đám tiệc, nên Chúa mới dạy hãy ngồi chỗ cuối. Nếu chúng ta có cái nhìn ngược lại, đó là nếu trong đám tiệc ai cũng tranh giành chỗ cuối, thì có lẽ Chúa sẽ dạy điều ngược lại là hãy ngồi chỗ nhất. Nghĩa là sao? Nghĩa là chỗ ngồi chỉ là hình ảnh ẩn dụ mà thôi, chứ không phải hiểu theo nghĩa đen là ngồi chỗ cuối mới là khiêm nhường, còn ngồi chỗ nhất là kiêu ngạo. Khiêm nhường mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong Tin Mừng hôm nay là không tranh giành, là muốn điều tốt cho anh chị em của mình, chịu phần thiệt về mình, chứ không phải khiêm nhường để được người khác tôn vinh.

Như vậy, sống khiêm nhường để làm gì?

Thưa là để giống như Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta là môn đệ của Chúa nên phải sống theo Lời Chúa dạy, sống theo gương của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự, chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).

Và chúng ta thấy, sống khiêm nhường là đi con đường hẹp mà Chúa Giêsu đã dạy, con đường đưa đến sự sống, còn đường rộng chính là sự kiêu ngạo, là con đường đưa đến sự chết.

Khiêm nhường để giúp biến đối những tâm hồn kiêu ngạo, nếu người khác hiểu được sự khiêm nhường của chúng ta. Tôi có đọc một bài viết mang tên Người Phục Vụ Xúc Động Sau Khi Đã Đối Xử Lạnh Nhạt Với Một Đứa Bé Mua Kem, được kể như thế này:

Ngày nọ, một cậu bé xem chừng chỉ mới khoảng 10 tuổi ở Mỹ, một mình đi vào một tiệm cà phê rồi ngồi xuống ghế trống. Nữ phục vụ thấy thế thì lẩm bẩm: “Rõ ràng là cậu bé này không có nhiều tiền, thật là lãng phí thời gian của mình mà!” Dù trong lòng rất không muốn phục vụ cậu bé này, nhưng đã đến thì là khách. Thế nên cô cầm một ly nước bước đến và để trên bàn của cậu bé.

“Cô ơi, kem Sundae bao nhiêu tiền ạ?” Cậu bé hồn nhiên thật tình hỏi. Người phục vụ đáp: “50 đồng.” “Ồ!” Cậu bé vừa nói vừa cúi đầu đếm tiền trong tay mình rồi lại hỏi: “Vậy thì cho cháu hỏi kem nguyên vị thì bao nhiêu tiền ạ?” Người phục vụ trả lời một cách không được lịch sự cho lắm: “Một ly kem nguyên vị 35 đồng.”

Cuối cùng, cậu bé gọi một ly kem nguyên vị rồi mỉm cười ngây thơ trả thực đơn lại cho người phục vụ. Vài phút sau, người phục vụ mang kem và hóa đơn đến, chẳng nói chẳng rằng xoay người bỏ đi. Cậu bé lặng lẽ ăn hết kem, ra quầy trả tiền rồi đi.

Nữ phục vụ kia bận tiếp đón khách khác và cũng lười để ý đến cậu bé, sau khi quay lại xem thì bàn của cậu bé đã trống rồi. Cô thở phào một hơi, thầm nghĩ: “May là thằng nhóc này không làm mất quá nhiều thời gian của mình.” Cô vội vàng đi dọn dẹp bàn ghế để tiếp đón vị khách tiếp theo, nhưng khi nhìn thấy thứ để lại trên bàn của cậu bé, lòng cô sững sờ hụt hẫng. Thì ra cậu bé để lại 15 đồng tiền tip cho người phục vụ này.

Thật ra, số tiền mà cậu bé mang theo vừa vặn có thể mua được một ly kem Sundae ngon lành, nhưng bởi vì cậu bé muốn để lại tiền tip cho người phục vụ nên đã chọn kem nguyên vị, dành 15 đồng còn lại cho người phục vụ.

Nhìn thấy 15 đồng này, người phục vụ đứng ngây ra, cô không nói nên lời. Đột nhiên trong lòng cô cảm thấy đầy tội lỗi: “Sao mình lại có thể đối xử với người khác ích kỷ, vô tình như vậy được chứ?”

Cô nhớ lại thái độ nói chuyện vừa rồi của mình với cậu bé ấy, thật ra cậu bé có thể lựa chọn không trả tiền tip, nhưng lại vì số tiền tip cho cô mà hy sinh cơ hội được ăn kem Sundae… Nghĩ đến điều này, cô không kìm được nước mắt.

Bài viết kết luận: 15 đồng tiền tip này rất ít ỏi đối với rất nhiều người – nhưng giá trị thật sự không phải là tiền nhiều hay ít – mà là tấm lòng lương thiện phía sau đó. Nếu như việc gì chúng ta cũng có thể suy nghĩ cho người khác trước bản thân mình thì thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp biết bao.

Cũng vậy, nếu mỗi người chúng ta biết sống khiêm nhường, biết nghĩ đến người khác trước bản thân của mình, nhận phần thua thiệt về mình, thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao.

Chúng ta thấy đó là ích lợi của việc sống khiêm nhường, và còn nhiều ích lợi khác nữa, tùy vào mỗi hoàn cảnh và tùy vào sự cảm nhận của mỗi người chúng ta, chẳng hạn trong tương quan vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, bạn bè lối xóm với nhau…

Để kết thúc, xin chia sẻ một vài ý tưởng mà tôi đọc được để giúp mỗi người chúng ta có được sự khiêm nhường, đó là:

Người nhiều tiền hay ít tiền, ĐỦ ĂN là được rồi. Người xấu hay đẹp, VỪA MẮT là được rồi. Người già hay người trẻ, KHỎE MẠNH là được rồi. Gia đình giàu có hay nghèo túng, HÒA THUẬN là được rồi. Chồng về sớm hay về muộn, CÓ VỀ là được rồi. Người vợ phàn nàn nhiều hay ít, LO VIỆC NHÀ là được rồi. Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ cũng được, an tâm là được rồi. Nhà to hay nhà nhỏ có thể Ở ĐƯỢC là được rồi. Trang phục có thương hiệu hay không, có thể mặc được là được rồi. Ông chủ không tốt, có thể CHỊU ĐƯỢC là được rồi. Hết thảy phiền não, có thể GIẢI ĐƯỢC là được rồi. Cả đời người, BÌNH AN là được rồi. Nghĩa là phải tập có cái nhìn trung dung, không quá cao, cũng không quá thấp, khi đó chúng ta sẽ có được sự khiêm nhường.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được khiêm nhường là như thế nào, và sống sự khiêm nhường trong cuộc đời của mình qua cái nhìn trung dung, qua cái nhìn vừa đủ, để mỗi ngày mỗi giống Chúa hơn, để thế giới này ngày càng được tốt hơn. Amen.




 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lm. Trầm Phúc

Chúa Nhật 22 Thường Niên năm C

Lời Chúa: Lc 14,1.7-14

 

Thánh Luca hay các thánh sử đã tường thuật những bữa tiệc mà Chúa Giêsu được mời tham dự, như ở nhà ông Simon, người Pharisêu, như ở đây, trong nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu. Thánh sử cũng tường thuật những lời nói của Chúa trong những bữa tiệc ấy. Ngài cũng thường dự tiệc trong nhà những người thu thuế và những bữa ăn với các môn đệ.

Hôm nay, thánh Luca muốn cho chúng ta thấy khung cảnh của một bữa tiệc mà nhiều người tranh nhau ngồi vào chỗ danh dự. Ngài lên tiếng. Đối với chúng ta, đến dự tiệc, không ai lên tiếng cả ngoài chủ nhà. Trong xã hội Do Thái, những bậc kỳ lão, những người có thế giá thường lên tiếng dạy bảo một điều gì đó. Chúa Giêsu, nhân cơ hội thấy những khác mới chọn chỗ danh dự, Ngài lên tiếng dạy cho mọi người bài học khiêm nhượng. Và Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Hạ mình xuống ở đây không phải là một cách giả tạo mà là một cử chỉ khiêm tốn thực sự, không phải để được người ta tôn lên, mà nhìn nhận sự nhỏ hèn của mình.

Trong xã hội ngày nay, những người có được một chút thế giá hay giàu sang hơn người, thường tỏ ra kiêu hãnh, khinh khi người khác. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta là một gương mẫu sống động về mọi mặt, nhất là về phương diện khiêm tốn. Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Philipphê, đã vẽ ra cho chúng ta khuôn mặt khiêm nhường của Chúa Kitô: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” Chúng ta đã quen với đoạn Kinh Thánh nầy, hãy khắc ghi những lời quen thuộc nầy và thực thi. Chúng ta dễ theo thói thế gian, chỉ muốn ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ. Chúa chúng ta không làm như thế. Ngài là một Thiên Chúa khiêm nhượng và chỉ có một điều Ngài buộc chúng ta phải học với Ngài là: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Ngài dạy chúng ta bằng chính gương lành của Ngài. Nhập thể làm người, phải chăng là một hành động khiêm nhường tột cùng? Sinh ra làm người, suốt cuộc đời Ngài, Ngài chỉ sống khiêm hạ âm thầm và sau cùng chết nhục nhã trên thập giá. Nhìn Ngài, chúng ta không thấy được sự khiêm tốn của Ngài sao?

Sống khiêm nhường là để phục vụ và ban mạng sống để cứu muôn người. Giữa các môn đệ, Ngài tự nhận mình là kẻ phục vụ.

Ngài vẫn biết mình là ai: “Anh em nói Thầy là Thầy và là Chúa của anh em, nhưng Thầy rửa chân cho anh em…” Đấng thánh nào đã nói: “Ngài chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai có thể dành chỗ đó của Ngài”.

Gương lành của Chúa chúng ta quá rõ, nhưng mấy người trong chúng ta dám bước theo Ngài?

Hơn hết mọi sự, ngay hôm nay và mãi mãi, Ngài còn tỏ ra khiêm nhường thẳm sâu khi biến mình thành một tấm bánh để cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta, sống làm một với chúng ta trong cuộc sống đầy gian khổ của chúng ta, trong thân phận làm người của chúng ta. Hãy ăn lấy Ngài để cùng với Ngài yêu thương như Ngài, yêu thương đến quên mình, Yêu thương đến tận cùng.