16/05/2023
994
Bài giảng Chúa Nhật VII Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

 
Lm Trầm Phúc

Thánh Luca, trong đoạn mở đầu sách Tông Đồ Công Vụ của Ngài đã tường thuật khá tỉ mỉ việc Chúa Giêsu thăng thiên, đang lúc thánh Matthêu chỉ nói vắn tắt về những lời sau cùng Chúa nói với các môn đệ khi Ngài sắp thăng thiên.

Biến cố Chúa thăng thiên là một biến cố quyết định. Từ nay Ngài không còn hiện diện một cách trực tiếp với các môn đệ nữa mà Ngài sẽ hiện diện bằng một phương cách khác như Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài sẽ hiện diện với các ông bằng Thánh Thần mà Ngài đã nhiều lần nói đến: Anh em sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần…Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em”. Nhận lấy Thánh Thần, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu vì Ngài luôn liên kết với Thánh Thần. Ngài xuống thai trong lòng Trinh Nữ Maria do Thánh Thần. Khi chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu. Ngài tuyển chọn các môn đệ nhờ Thánh Thần. Và trước khi lên trời, Ngài ban Thánh Thần cho các môn đệ. Để làm gì? Để trở thành nhân chứng cho Ngài. Ngài trao tất cả công trình của Ngài cho các môn đệ và các ông có nhiệm vụ tiếp tục công việc của Ngài là làm cho mọi người trở thành môn đệ, cho đến tận thế.

Chúng ta là môn đệ của Ngài. Chúng ta đã chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi. Chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa. Chúng ta phải là nhân chứng cho Chúa cho đến tận thế. Sứ mệnh của các môn đệ Chúa đã được Chúa trao một cách rõ ràng và long trọng trước khi Ngài lên trời. Chúng ta có cảm thấy rằng chúng ta là môn đệ của Ngài không? Hay chúng ta cứ tưởng rằng đó là nhiệm vụ của những người có chức thánh, những tu sĩ, còn giáo dân thì chỉ lo giữ đạo thôi? Đó là một sai lầm lớn của rất nhiều người.

Giáo Hội là gia đình của Chúa, và trong gia đình đó, mỗi người một nhiệm vụ như thánh Phaolô đã nói, nhưng có một nhiệm vụ chúng cho mọi người đó là làm nhân chứng cho Chúa. Mỗi kitô hữu phải là một nhân chứng cho Chúa, không trừ ai. Chúa không bảo chúng ta phải rao giảng như Phaolô hay như các tông đồ, nhưng chúng ta phải rao giảng Tin Mừng bằng cả cuộc sống, bằng những hành động cụ thể. Một lời nói bác ái, một cử chỉ trợ giúp một người cần cũng là một bằng chứng. Là nhân chứng tức là rao giảng bằng chính cuộc sống. Các kitô hữu đầu tiên đã rao giảng bằng cuộc sống bác ái của họ, bằng cách sống bác ái của họ, và nhờ đó, Tin Mừng được lan truyền một cách nhan chóng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đố kỵ với Tin Mừng, một thế giới mà lợi nhuận là trên hết. Những người thấp cổ bé miệng là những người bị khai thác triệt để, bị đè bẹp, bị bỏ rơi. Quanh chúng ta, biết bao nhiêu người chưa biết Chúa. Những kitô hữu gần như lạc lõng giữa một thế giới vô đạo. Người ta chỉ biết lợi nhuận và hưởng thụ mà thôi. Nhiều kytô hữu cũng bị cuốn vào làn sóng vật chất đó và bỏ quên Chúa. Theo một thống kê mới đây, ở nước Đức, có bốn mươi ngàn nhà thờ Công giáo và Tin Lành bị bỏ hoang hay biến thành những trung tâm văn hoá, vì không còn giáo dân. Vì sao? Vì không có nhân chứng đáng tin.

Đức Phaolô VI đã nói một câu bất hủ: “Con người hôm nay chỉ tin vào nhân chứng. Nếu họ tin vào những giáo sư, thì những giáo sư đó phải là nhân chứng”. Nếu một tỷ người công giáo trở thành nhân chứng thì thế giới này đã khác rồi. Nhưng tiếc thay, người công giáo chỉ biết giữ đạo, nghĩa là chỉ biết làm những việc theo luật dạy là xưng tội, chịu lễ, đọc kinh mà đời sống không biết bác ái là gì, họ không thành những nhân chứng! Họ không nhớ rằng khi anh em làm một điều gì cho một người nhỏ bé nhất trong những anh em Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.

Chúa Giêsu mong ước biết bao thấy chúng ta trở thành nhân chứng cho Ngài! Ngài là nhân chứng đầu tiên và muốn chúng ta theo Ngài, sống như Ngài để mang Tin Mừng cho mọi người. Ngài dám trở thành một tấm bánh để chúng ta ăn để sống trong chúng ta, biến chúng ta thành những nhân chứng sống động cho Ngài. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã ăn lấy Ngài, trở thành xương thịt của Ngài, nhưng chúng ta đã làm gì cho Ngài? Cuộc sống của chúng ta có thành những bằng chứng sống động của Ngài chưa? Ngài không đòi hỏi gì nơi chúng ta, Ngài chỉ mong chúng ta yêu thương nhau như Ngài. Đó là bằng chứng sống động nhất Ngài đang cần. Chúng ta dám không?




Lm. Thái Nguyên

Khi xưa, Chúa Giêsu nhập thể thì được diễn tả là “giáng trần” hay “xuống thế”. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu “thăng thiên” hay “lên trời”, nghĩa là Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha. “Lên trời” không phải là một chuyển động trong không gian, cũng không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái sống vinh hiển, biểu hiện sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là sự sống viên mãn, không còn bị hao hụt hay giảm thiểu bởi đau khổ, bệnh tật, đói khát. Lên trời là thay đổi sự sống từ hữu hạn đến vô hạn, từ tạm thời đến vĩnh viễn, từ tương đối đến tuyệt đối, cũng là khát vọng thâm sâu của con người.

Chúa Giêsu lên trời là vì Ngài đã làm người, đã hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha giao phó, đã dâng hiến chính mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, và đã trở nên mô mẫu yêu thương tuyệt hảo cho đời sống con người. Chúa về trời nhưng Ngài không bỏ mặc thế giới, hay rời xa Giáo Hội mà Ngài đã thành lập. Ngài không đi vào cõi vinh quang riêng mình, mà đi vào một hiện hữu mới, để hiện diện một cách mầu nhiệm và sâu sát trong lòng Giáo Hội, trong lòng người, như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện cách hữu hình để chúng ta trông thấy, nhưng Ngài vẫn là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Phải tập nhận ra Ngài bằng đôi mắt đức tin, trong anh em và trong mọi biến cố đời thường. Chúa Giêsu lên trời mở ra một lối thoát tuyệt vời cho con người, vì họ không còn bị trói chặt vào số kiếp này, không còn bị giới hạn vào thân phận hư hèn hay số mệnh nghiệt ngã. Trên trời, khát vọng sâu thẳm của con người được lấp đầy, mơ ước siêu vượt của con người được mãn nguyện, sự sống và hạnh phúc của con người đạt tới vô biên, vì được tham dự trọn vẹn vào thần tính của Thiên Chúa.

Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào con người vâng theo ý Cha, chỗ đó là trời. Trái tim của chúng ta sẽ trở thành trời, nếu đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa, nghĩa là để cho Chúa ngự trị và làm chủ cuộc đời mình. Chúa ở đâu thì trời ở đấy. Nếu có Chúa ở với ta, thì trời là vương quốc Thiên Chúa đã ở quanh ta và ở trong ta (x. Lc 17, 19). Để từ đó, ta biết đặt mình ở trong Ngài và trở nên sự hiện diện của Ngài.

Chúa về trời cho biết quê hương đích thực của chúng ta ở trên Trời. Đó không chỉ là niềm hy vọng nhưng còn là một bảo đảm chắc chắn cho tất cả những ai tin tưởng vào Thiên Chúa và sống theo đường lối Người. Ta sẽ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu ta thực sự sống sâu sát với Chúa từ đời này. Thiên đàng đã chớm nở từ hôm nay cho tất cả những ai dám xả thân xây dựng Nước Trời, dám vì công lý mà phải chịu “thiệt thân” như Chúa Giêsu, để đẩy lùi bao bất công, bạo lực, nghèo đói, và mọi thứ làm tha hóa đời sống con người.  

Đó chính là sứ mạng mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Vì thế, bổn phận Kitô hữu là xây dựng trời cao từ nơi đất thấp: là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống con người, để mọi người dần dần nhận biết Thiên Chúa, và qui tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Điều đó phải được minh chứng qua đời sống Kitô hữu: là những người xả thân phục vụ cho sự sống và hạnh phúc của người khác, không ngừng cống hiến, cho đi, chia sẻ tất cả những gì mình có, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, càng không chùn bước trước cái chết hay đau khổ.

Như vậy, trời hay thiên đàng là một thực tại đã manh nha từ cuộc sống này, phát xuất từ vinh quang Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người và vạn vật, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng như người ta tưởng. Chính vì người ta muốn làm nên một thiên đàng trần gian như người ta tưởng, một thiên đàng không có Thiên Chúa, nên nó đã suy sụp thê thảm như chúng ta đã thấy trong lịch sử. Thiên đàng là một ân ban của lòng Chúa thương xót, nhưng vì người ta muốn loại trừ Thiên Chúa nên thiên đàng đã trở thành địa ngục.

Ai cũng đang đang mơ ước một tương lai xán lạn cho đời mình, nhưng chắc đó không phải là một tương lai chấm dứt với cuộc đời này, mà phải là một tương lai bền vững đến muôn đời, như Chúa đã dự định và chuẩn bị cho chúng ta (x. Ga 14, 3). Là những người xây dựng lý tưởng linh thiêng cho đời mình, chúng ta hãy bắt đầu xây dựng những thiên đàng nho nhỏ ở quanh mình, nơi gia đình, nơi bạn bè, nơi khu xóm, trong giáo xứ, trong hội đoàn, để minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa đang nhẹ nhàng lan tỏa trên đời sống của con người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã về trời,
nhưng vẫn còn lại đây Thánh Thể Ngài,
là nguồn sống ân ban cho nhân loại,
là thần lương trên con đường lữ thứ,
là bằng chứng của lòng Chúa nhân từ,
để đời con viết nên trang lịch sử.

Chúa về trời nhưng còn lại Lời Ngài,
Lời chỉ đường và dẫn bước con đi,
Lời quyền năng Lời ân ban sáng tạo,
Lời đưa con lên vinh phúc trời cao,
với một tình yêu mến biết dâng trao,
để làm cho cuộc sống thêm dồi dào.

Chúa về trời từ nay cuộc sống này,
sáng bừng lên trong ơn của Thánh Thần,
để con biết hành động trong sự thật,
đem an bình ích lợi cho thế nhân,
đem niềm vui lẽ sống cho cuộc trần,
nối kết nhau trong nghĩa thiết tình thân.

Chúa về trời nhưng hiện diện mọi nơi,
qua mọi người mọi biến cố nhỏ to,
nhất là qua những con người nghèo khó,
để con luôn biết ý thức chăm lo,
theo Ngài gọi đi vào lòng thế giới,
gieo Tin Mừng đến với mọi tha nhân.

Chúa về trời cho cuộc sống sáng tươi,
không còn nữa những ngày đời tăm tối,
vì từ đây Chúa soi đường mở lối,
cho đức tin và tình mến lên ngôi,
Chúa về trời mở ra sự sống mới,
là muôn đời hạnh phúc chẳng hề vơi.

Xin cho con vững một lòng tin cậy,
để hăng say xây dựng cuộc sống này,
và chờ ngày Chúa sẽ đến vinh quang,
cho đoàn con được hưởng phúc thiên đàng. Amen.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Hôm nay, Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên (Lên Trời). Chữ “Lên Trời” ở đây không phải chỉ hiểu theo nghĩa đen là “Bay lên trên 9 tầng mây”, mà phải hiểu theo nghĩa của Thánh Kinh. Tức là, khi nói Chúa lên trời là Ngài trở về với Chúa Cha. Ngài được tôn vinh như Chúa Cha, sau khi Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ cứu độ nhân loại ở trần gian bằng cái chết khổ nhục trên thập giá và sự Phục sinh vinh quang của Ngài.

Có thể nói rằng nhiệm vụ của Chúa tạm xong, nhưng các môn đệ của Ngài vẫn còn phải tiếp tục sứ mạng của Ngài để lại, là loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế gian. Bởi vì, trước khi về trời, Chúa đã truyền lệnh cho các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15).

Hơn nữa, dưới góc nhìn trách nhiệm liên đới với sứ mệnh Chúa trao, ta còn thấy việc loan báo Tin Mừng không chỉ là nhiệm vụ của các Tông đồ ngày xưa, mà còn là trách nhiệm của mỗi người Công giáo chúng ta đang sống trong thời đại hôm nay nữa.

Vấn đề ở đây là mỗi người chúng ta có ý thức được việc truyền giáo là công việc chung của chúng ta hay không? Nếu ý thức việc truyền giáo là chuyện của Giáo hội, cũng là nhiệm vụ của chúng ta, thì chắc chắn, ta sẽ cảm nhận được Lời tiên tri Isaia đã báo như 1 sự thúc bách cần thiết: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.”

Ngày xưa, Thánh Thần Thiên Chúa đã sai tiên tri Isaia Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó thế nào, thì ngày hôm nay, chính Thánh Thần ấy, cũng muốn sai từng người chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng cho Chúa bằng chính đời sống chứng nhân của mình. Vậy thì, thử hỏi ta đã và đang sống chứng nhân cho Chúa như thế nào? Cách sống của ta có phần nào giống với cách sống của một chàng trai trẻ sắp được Giáo Hội phong thánh không?

Mời mọi người cùng nghe câu chuyện và cùng suy gẫm về cách sống đạo. Vào ngày 6/5/2020, ĐGH Phanxicô đã phê chuẩn Án Phong thánh cho 5 Vị có đời sống tốt lành, cả 5 vị này đều là người Ý. Trong đó có 3 linh mục lớn tuổi, 1 thiếu nữ 21 tuổi qua đời đã lâu (khoảng giữa TK 20). Nhưng ở đây tôi muốn nói tới Vị thứ 5 là một nhân vật khá đặc biệt. Đó là cậu Matthêu Fa-ri-na (sinh năm 1990 và chết năm 2009, mới có 19 tuổi).

Thông thường, các Vị được phong Thánh phải trải qua một quá trình lâu dài: có nhân chứng, đủ hồ sơ và phép lạ được công nhận sau khi chết...v.v... Nói chung là đủ điều kiện mới phong Thánh. Thế sao cậu Fa-ti-na lại là nhân vật đặc biệt?

Theo chứng nhân cho biết: Từ nhỏ, cậu Matthêu Fa-ri-na rất tôn kính Thánh Phanxicô và Thánh Piô. Khi lên 8 tuổi, cậu xưng tội và rước lễ thường xuyên. Và khi lên 9 tuổi, cậu thích đọc và suy niệm Tin Mừng Thánh Mát-thêu cũng như lần chuỗi Mân côi mỗi ngày. Cũng năm 9 tuổi, cậu có một giấc mơ lạ rằng là: Cậu nghe thấy Thánh Piô nói với cậu rằng “Người mà không có tội thì rất hạnh phúc, cho nên con phải giúp mọi người hiểu điều này để tất cả chúng ta có thể cùng nhau hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Và kể từ đó, trong lòng của cậu Fa-ri-na luôn cảm thấy khao khát truyền giáo, đặc biệt, truyền giáo cho các bạn đồng trang lứa với mình.

Trong cuốn nhật ký, cậu viết như thế này: “Tôi hy vọng sẽ thành công trong sứ mạng của tôi để ‘thu hútcác bạn trẻ, nói với họ về Thiên Chúa. Tôi đi vào giữa họ như một loại virus thầm lặng và tiêm nhiễm họ bằng một “căn bệnh yêu”!” Hiểu nghĩa tích cực: Đưa tình yêu thương vào cuộc sống của các bạn trẻ.

Thế nhưng, cuộc đời không như là mơ: Vào tháng 9/2003, cậu cảm thấy bị đau đầu. Khi đi khám bịnh, bác sĩ chẩn đoán là bị khối u não. Sáu năm tiếp theo đó, cậu đã trải qua đến mấy lần phẫu thuật và tiêm hoá chất với các biện pháp trị liệu khác nữa. Mỗi lần đau đầu, cậu đã dâng nỗi đau đó lên cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, để trở nên mạnh mẽ hơn trong niềm tin. Giữa các lần nhập viện, cậu tiếp tục sống cuộc sống bình thường: Vẫn đến trường học, vẫn hẹn hò với bạn bè, vẫn hình thành một nhóm bạn thân thiết, và rồi, vẫn yêu một cô bé tên là Se-re-na, một tình yêu theo cậu gọi là một mối tình trong sáng trong suốt 2 năm đời mình, là “món quà quý giá nhất” mà Thiên Chúa có thể ban tặng.

Còn về tình bạn, cậu có một nhận định sâu sắc khi nói rằng “Tôi thích được liên hệ với các bạn đồng trang lứa với tôi, mà không bị buộc phải bắt chước các bạn ấy trong việc phạm những lỗi lầm (theo kiểu gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Nói ngắn gọn: sống thánh giữa đời.

Không may, sau lần phẫu thuật thứ ba, tay chân cậu bị bại liệt. Mặc dầu vậy, ý chí của cậu rất mạnh mẽ. Cậu vẫn thường lặp đi lặp lại rằng: “Chúng ta phải sống mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng, nhưng không phải trong sự buồn phiền vì cái chết, mà thay vào đó là niềm vui của việc sẵn sàng gặp gỡ Chúa. Cậu Fa-ri-na đã qua đời vào ngày 24/4/2009.

Một cuộc sống ngắn ngủi, đơn sơ, nhưng sâu sắc và ý nghĩa tột bậc. Chính vì thế, Giáo hội chuẩn bị thủ tục Phong Thánh cho ngài.

Ước gì mỗi người chúng ta biết tìm cho mình một phương châm để sống giữa đời tạm này: giản dị nhưng đầy tình người, giống như bài thơ “Còn gặp nhau” của nhà thờ Tôn Nữ Hỷ Khương diễn tả: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời.

Vâng! “Chỉ có tình thương để lại đời.” Xin chúc cho tất cả anh chị em biết để lại cho đời một chút hương thơm tỏa sáng của tình yêu, để mọi người cùng hướng tâm trí lên trời cao, mà Tôn vinh Thiên Chúa là Tình yêu bất diệt  và vĩnh cữu. Amen.




Lm. Tôma-Thiện Hưng

Chúa Giêsu lên trời – Niềm hy vọng của người Kitô hữu

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội thánh, chúng ta mừng Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là gì? Anh chị em có thể đặt câu hỏi Chúa Giêsu phục sinh: Sau khi Chúa phục sinh thì Chúa ở đâu? Câu trả lời được tìm thấy trong Bài đọc I, trích Sách Tông đồ công vụ: Sau phục sinh, Chúa Giêsu vẫn sống và hiện ra với các tông đồ để nói với các ông về nước Thiên Chúa trong 40 ngày, sau đó được cất lên trời; 10 ngày sau Ngài ban Thánh thần mà Hội thánh sẽ mừng vào lễ Hiện xuống. Cho nên, lẽ ra thứ năm vừa rồi, chúng ta đã mừng lễ Chúa lên trời, và tuần sau là đúng 10 ngày, Hội thánh mừng lễ Chúa Thánh thần hiện xuống. Vì thứ năm là ngày thường, anh chị em khó tham dự thánh lễ cách đầy đủ nên Hội thánh dời vào ngày Chủ nhật hôm nay. Giáo lý của Hội thánh dạy chúng ta: Chúa Giêsu về trời là Chúa Giêsu đi vào vinh quang của Thiên Chúa cho nên các tông đồ và những người khác không còn gặp thấy Ngài nữa như chúng ta gặp thấy nhau. Chính vì lý do này mà khi viết lại, các thánh sử luôn dùng động từ ở thể thụ động để nói về cuộc hiện ra của Đấng phục sinh: các tông đồ được nhìn thấy ngài, những chứng nhân được nhìn thấy Đấng phục sinh; Chúa Giêsu đi từ con người xác thịt mặc lấy thân xác vinh hiển của Thiên Chúa. Điều này hướng lòng trí chúng ta về cuộc sống sau cái chết của những người tin vào Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết và lên trời. Đó là niềm hy vọng và niềm vui của chúng ta vì Chúa Giêsu nói: Thầy đi và dọn chỗ cho các con, Thầy sẽ trở lại đón các con ở với Thầy. Vì Thầy ở đâu các con cũng ở đó. Do đó, những người kitô hữu như chúng ta sẽ biết chắc chắn được sau cái chết chúng ta sẽ đi về đâu, tới đâu và Ai là người sẽ chào đón chúng ta. Điều này không làm giảm đi việc chúng ta dấn thân trong thế giới, hay làm cho chúng ta chỉ đứng đó nhìn trời rồi chờ ngày Chúa Giêsu đến rước chúng ta cách thụ động mà quên rằng chúng ta phải sống và làm chứng cho Chúa trong từng hoạt động của ngày sống bình thường. Bài Tin mừng cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, chết, sống lại và đi vào vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta là những người tin – các con là những chứng nhân của thầy. Anh chị em có thể hỏi: Chúa lên trời Ngài làm gì cho chúng ta? Hay khi lên trời Ngài cắt đứt mọi mối liên hệ với chúng ta? Thưa không như thế. Chúa lên trên không phải lìa xa, và cắt đứt mối liên hệ giữa ta với Ngài. Không, Ngài là thủ lãnh, là đầu của thân thể, chúng ta là phần chi thể, đầu không thể tách lìa khỏi thân thể. Thân thể luôn luôn phải có đầu để sống. Chúa Giêsu lên trời đó nhưng Ngài vẫn còn đau khổ nơi các anh chị em của chúng ta, nơi chính chúng ta khi chúng ta đau khổ, hay chịu bách hại như là Đấng phục sinh nói với Phaolô khi Ngài bách hại những người tin vào Chúa: Saul sao ngươi lại bắt bớ Ta? Anh chị em thấy đó, Chúa Giêsu lúc đó đã lên trời rồi. Chúa Giêsu giải thích cho Phaolô: chính khi ngươi bắt bớ những người tin vào Ta, là bắt bớ chính Ta vậy. Chúng ta đọc Tin mừng Mt 25, ngày phán xét, Chúa xét xử chúng ta về tình yêu dành cho anh chị em nhất là những người rách rưới, đói khổ, tù đày, bệnh nhân, người bị bách hại. Chúa vẫn tiếp tục đói nơi những người đói, khát nơi người khát, trần truồng nơi những người đau khổ đang ở bên cạnh chúng ta. Khi chúng ta làm cho những anh chị em này trong những hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt là làm cho chính Chúa. Để rồi khi chúng ta hiện diện trước tòa xét xử của Chúa, chúng ta sẽ được nghe Chúa nói với từng người rằng: khi Ta đói các ngươi đã cho ăn, khát cho uống;… như thế, Chúa Giêsu dầu đã lên trời nhưng không xa lìa chúng ta; Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha để làm Chúa kẻ sống và chết; để chuyển cầu cho chúng ta. Điều này có liên quan gì tới chúng ta không? Anh chị em hiểu tin vào Chúa Giêsu nghĩa là gì? Là chọn Ngài làm lẽ sống của tôi. Lẽ sống của người Kitô hữu, người Công giáo là không ai sống cho mình và chết cho mình; chúng ta sống là sống cho Chúa và chết cho Chúa. Cách biểu lộ lẽ sống của chúng ta là gì nếu ko phải là sống các mối phúc; các con hãy tha thứ bảy mươi lần bảy, hãy yêu thương như Thầy yêu thương, khi nhớ lại lời trối của Chúa trên thập giá như xin Cha tha cho họ vì họ ko biết việc họ làm; hôm nay con sẽ được ở trên thiên đàng với Ta. Chính Chúa Thánh thần giúp chúng ta nhớ lại lời Chúa và củng cố, thêm sức để sống Lời Chúa, trở nên nhân chứng của Chúa. Chứng nhân đời sống, chứng tá cuộc đời là nền tảng của đời sống Kitô hữu và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Anh chị em loan báo Tin mừng bằng cách kể lại việc Chúa đã làm cho tôi, cho anh chị em của tôi. Chúng ta kể lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong thờ phượng và sống lời Chúa của cá nhân cho người khác để nâng đỡ đức tin của họ, để loan truyền Lòng thương xót và cảm nghiệm sức mạnh của Lời trong con người yếu đuối của tôi. Chính khi tôi yếu đuối, tôi cần lãnh nhận, cảm nhận thật lòng về Lòng thương xót trên cuộc đời của tôi, để đến lượt tôi, tôi phân phát và nâng đỡ anh chị em của tôi cũng chính bằng Lòng thương xót đã lãnh nhận ấy. Đó là cách Loan báo Tin mừng phù hợp với anh chị em. Đừng quên điều này!

Hôm nay cũng là Chủ nhật trong tháng 5, tháng hoa, chúng ta chiêm ngắm Mẹ là người đã sống như Chúa Giêsu: qua thập giá tới vinh quang. Chúa Giêsu con Mẹ lên trời, Ngài cũng đem Mẹ của Ngài lên trời cả hồn lẫn xác, mà Hội thánh cử hành ngày 15/8 mỗi năm. Mẹ được lên trời, được chia sẻ vinh quang với Chúa nhưng Mẹ vẫn luôn cầu bầu cho chúng ta; Mẹ vẫn khóc với người khóc. Những nơi mẹ hiện ra Mẹ nâng đỡ những người yếu đuối, đau khổ; Mẹ khóc cho tội lỗi, cho thái độ thờ ơ, chểnh mảng, lơ là, vô tâm, vô ơn đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Hôm nay Hội thánh cử hành ngày Truyền thông thế giới. Mục đích của truyền thông đó là làm sao để truyền cho thông. Để làm được việc này, điều cốt yếu chính là thái độ lắng nghe nhau, lắng nghe Chúa; những lục đục trong gia đình, trong tương quan với nhau đều bắt đầu với việc thiếu lắng nghe. Lắng nghe luôn đưa đến sự hiểu biết, thông cảm và  giải quyết những xung đột bằng đối thoại chân thành; sự hiệp hành của Hội thánh cũng bắt đầu với việc lắng nghe, lắng nghe của con tim, lắng nghe như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, nếu chúng ta mong muốn Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta thì Thiên Chúa cũng mong muốn chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe Chúa để Lời Chúa ở lại trong chúng ta và chúng ta ở lại trong tình yêu và Lời của Chúa.

Lạy Mẹ Maria là người đã biết lắng nghe lời Chúa và lắng nghe lời của tha nhân, xin Mẹ cầu bầu an ủi họ và cả chúng con nữa. Xin Mẹ cũng giúp chúng con càng ngày càng biết lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe với tất cả sự tôn trọng phẩm giá của nhau vì chúng con đều là con của Chúa và của Mẹ.




Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay cho thấy trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Đọc kỹ lại lời của Chúa Giêsu chúng ta thấy có hai ý:

Thứ nhất là Chúa Giêsu muốn các môn đệ kế thừa sứ vụ của Chúa ở trần gian, mà cụ thể đó là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền dạy cho anh em.”

Nhưng sứ vụ đi giảng dạy muôn dân này là rất khó. Chúng ta hãy nhớ lại có lần khi Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,1-3).

Sau đó Chúa dặn các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,4-11).

Còn trong Tin mừng theo thánh Matthêu thì Chúa nói với các môn đệ: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).

Chúng ta thấy, đây là một sứ vụ khó đi như đi vào giữa bầy sói, và trong lời dặn kèm theo của Chúa Giêsu Matthêu và Luca thuật lại, Chúa muốn con người phải tự nỗ lực, nghĩa là phần của con người.

Thế nhưng, trong Tin mừng hôm nay, ở ý thứ hai, trong lệnh truyền  thi hành sứ vụ truyền giáo, Chúa muốn các môn đệ không chỉ biết nỗ lực dựa vào sức của mình: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Mà còn muốn các ông hãy tin vào Chúa, cậy dựa vào Ngài: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Và chúng ta thấy các môn đệ đã thật sự cậy dựa vào Chúa khi thi hành sứ vụ. Chẳng hạn như thánh Phêrô, khi chữa lành cho anh què từ lúc lọt lòng mẹ, thánh nhân đã nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh” (Cv 3, 6-10).

Hay khi thánh Phêrô bị cấm rao giảng về danh Chúa Giêsu, ngài đã mạnh dạng tuyền xưng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Chúng ta thấy khi các môn đệ cậy dựa vào Chúa, tin tưởng vào Chúa, các ông đã mạnh dạn rao giảng cũng như đã thành công trên hành trình truyền giáo.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được sứ vụ truyền giáo của mình, cũng như ý thức được sự hiện diện của Chúa để tin tưởng vào Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ thi hành được nhiệm vụ mà Chúa trao phó cho mỗi người chúng ta. Amen.