17/04/2024
513
Bài giảng Chúa Nhật IV Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18


Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Hôm nay, Chúa nhật thứ tư Phục sinh, được gọi là Chúa nhật “Chúa Chiên Lành”, là ngày lễ đặc biệt giúp ta “nhớ và nghĩ đến” hình ảnh Chúa Giêsu, một Vị Mục Tử Rất Nhân Hậu.

Thưa anh chị em,

Nếu hiểu được ý nghĩa của hai chữ “Mục Tử” theo nghĩa Kinh Thánh, ta sẽ hiểu được “trọn” nội dung của đoạn Phúc âm Thánh Gioan hôm nay, bởi vì trong chữ “Mục tử”, ẩn chứa một nội dung rất ý nghĩa, vì sự “sâu sắc” của nó.

Với nghĩa đen, “Mục tử” được hiểu là người chăn dắt, chăm sóc đàn chiên, sao cho chúng được ăn ngon, được ngủ yên và mau trưởng thành.

Còn theo nghĩa Kinh Thánh (nhà đạo), “Mục tử” không chỉ là người chăm sóc, lo lắng cho “đàn chiên”, mà còn biết hy sinh mạng sống để bảo vệ “đàn chiên” ấy. Bằng mọi cách, người mục tử giúp cho “đàn chiên” an toàn nhất có thể. Cho nên, vai trò trách nhiệm của Vị Mục tử rất là quan trọng. Chính vì thế mà vào thời Cựu Ước, danh hiệu “Mục tử” rất là cao quý, cao quý đến độ mà dân Do Thái chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì, Thiên Chúa không những “cứu dân” khỏi cảnh làm nô lệ bên Ai Cập, mà trải qua thời gian mấy mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa còn cho “manna và chim cút” từ trời rơi xuống, cũng như cho “nước vọt ra” từ tảng đá, để nuôi sống dân. Hơn nữa, Ngài còn dẫn đưa dân vào “miền đất hứa”, một vùng đất tươi tốt, đầy “sữa và mật”, như lời Kinh thánh diễn tả. Điều đó để thấy được rằng Thiên Chúa chăm sóc dân Ngài một cách đặc biệt. Có thể nói Ngài coi mạng sống của dân như thể là mạng sống của chính Ngài.

Hình ảnh gần gũi và thân thiện giữa Thiên Chúa với dân Do Thái thời Cựu Ước, cũng được diễn tả vào thời Tân Ước, giữa Đức Giêsu và “đoàn chiên” của Ngài, như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Ta biết các chiên của Ta và chiên của Ta cũng biết Ta.” (Ga 10,14)

Chữ “Biết” theo nghĩa Kinh Thánh, không phải chỉ biết “hình dáng” bên ngoài hay là biết sơ sơ “tên tuổi” của chúng, mà “sự biết” ở đây là phải “hiểu tường tận” những tâm tư nguyện vọng, cũng như những nhu cầu cần thiết của từng con chiên một. Chẳng hạn như Vị Mục Tử Giêsu biết “đàn chiên” đang bị đọa đầy trong hố sâu tội lỗi, không có khả năng tự cứu. Cho nên, Ngài xả thân, hy sinh mạng sống bằng giá “Máu” đổ ra trên thập giá, để cứu dân khỏi phải chết đời đời, như lời Chúa hứa: “Ai tin Ta, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,47)

Thực sư, Chúa Giêsu không cần biết người mà Ngài muốn cứu là ai hay người đó như thế nào? Có xứng đáng để được cứu chuộc hay không? Nhưng điều duy nhất mà Chúa quan tâm đó là: “yêu thương và cứu chuộc”.

Khi thực hiện “chương trình cứu chuộc” nhân loại, Chúa đã phải trả một cái giá “rất đắc”. Nghĩa là bản thân Ngài phải chịu bao nhiều điều “đau đớn” nơi thân xác và “tủi nhục” trong tâm hồn, với mục đích như lời Chúa đã nói: “Ta đến để chiên có sự sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)

Cho nên, theo nghĩa rộng, ai sống mà biết hy sinh cho người khác, thì người đó được xem như là một “mục tử”, vì giống Chúa Giêsu vị mục tử Nhân lành.

Nói đến đây, xin cộng đoàn cùng nghe câu chuyện của một người phụ nữ Ai cập, tên là Sisa Abu (người đã hy sinh tất cả vì con của mình): Bà Abu mất chồng lúc bà được 25 tuổi. Một mình, bà trải qua những tháng ngày vất vả: mang thai và sinh đứa con đầu lòng, cũng là đứa con gái duy nhất của bà. Nỗi cơ cực và sự cô đơn đã in sâu vào những nếp nhăn trên khuôn mặt không mấy thanh thản của bà.

Để lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, bà Abu đã không ngại làm bất cứ công việc gì, miễn sao có tiền nuôi con là được. Nhưng mà, chúng ta nên biết rằng; Ở Ai cập, công việc chính của người phụ nữ chỉ làm nội trợ, chứ đi ra ngoài xin việc làm thì rất là khó. Chính vì thế, mà bà Abu có một quyết định khá táo bạo rằng là: Bà cắt tóc ngắn, quấn khăn che đầu, ăn bận như một người nam (giả làm đàn ông), để xin việc làm. Rất may, bà lọt qua vòng xét tuyển, làm nghề phụ hồ. Lúc đó, người thân trách móc, hàng xóm dị nghị với những lời chua chát khó nghe. Thế nhưng bà chấp nhận chịu đựng mọi sự sỉ nhục, miễn là con gái bà có cơ hội đến trường.

Sau một thời gian dài phụ hồ, sức khỏe của bà không còn được như trước, vì tuổi đã cao, nên bà chuyển sang công việc đánh giày. Có lần, bà Abu tâm sự: “Tôi không biết đọc, không biết viết vì không được đi học, nên những công việc này là cách duy nhất để tôi có thể kiếm được tiền nuôi con.” Rồi đến khi cô con gái trưởng thành, kết hôn, tưởng chừng cuộc sống của gia đình bà sẽ tốt đẹp, vì có thêm con rể lo cho gia đình. Nào ngờ, con rể lại ngã bịnh, không lao động được nữa. Thế là, “khó khăn chồng chất khó khăn”, một lần nữa bà lại tiếp tục hành trình “giả nam”, để kiếm việc nuôi con nuôi cháu. Có thể nói “số phận” của quá nghiệt ngã! Bà sinh ra, như để gắn chặt với cụm từ hy sinh vì người khác”. Đáng thương hơn, bà luôn sống trong thân phận của một người đàn ông, chứ không được sống thật” với thân phận phụ nữ của mình. Điều đó để thấy rằng sự hy sinh của bà thật vĩ đại.

Chính tình “Mẫu tử” với trái tim phi thường đó, đã giúp cho bà kiên trì và quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Câu chuyện kết rất có hậu là: sau khi biết được hoàn cảnh của bà Abu, ông Ab-del Fat-tah, Tổng thống nước Ai Cập, đã tặng cho bà một “tấm bằng khen”, nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của bà: 45 năm giả làm đàn ông kiếm việc làm, để nuôi con, nuôi cháu. Thật đáng nễ!

Theo nghĩa rộng, ta có thể coi đây là tinh thần “mục tử” của một người mẹ, dành trọn một đời, hy sinh cho con cho cháu.

Hôm nay, Chúa nhật Chúa Chiên Lành, xin cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, luôn nhiệt thành và không ngại hy sinh trong việc phục vụ. Đồng thời, cũng cầu nguyện cho ơn Thiên triệu, xin Chúa soi sáng, mở lòng, mở trí cho các bạn trẻ, biết ý thức về tinh thần phục vụ và dám dấn thân theo ơn gọi tu trì, để phục vụ Chúa và Giáo hội. Amen. 




Lm. Thái Nguyên

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Ítraen, vì dân được tuyển chọn và là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Trong cuộc hành trình này, Thiên Chúa hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng Dân Người. Mục tử và đoàn chiên trong Kinh Thánh là một hình ảnh nói lên một tương quan gần gũi, thân thiết, sống chết cho nhau, chứ không phải là một tương quan bày đàn mang tính sở hữu của người chủ. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Người, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh.

Tuy nhiên sau này, kinh nghiệm của Ítraen về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn, vì gặp những mục tử vô trách nhiệm. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã khiển trách họ bằng những lời lẽ nặng nề, vì họ đã không chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc”, làm cho chúng tán loạn và biến thành mồi ngon cho thú dữ.  (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

Đức Giêsu đã đến và tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”. Như vậy lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá sự chờ đợi của con người, vì Ngài đến không chỉ cho dân Ítraen, mà còn cho toàn thể nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là cái chết cho mọi người và vì mọi người, như lời Ngài đã phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Tiếp nối Đức Giêsu, Hội thánh đã sinh sản ra nhiều mục tử tốt lành. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng... Có một số khá hơn thì lại rơi vào tình trạng “linh mục công chức”, làm việc theo khung giờ và cứng nhắc theo thủ tục, chứ không làm với trái tim. Đó là chưa nói tới Giáo Hội Việt Nam, không thiếu những linh mục sống như “ông vua con”, chễm chệ trong dinh cơ của mình, không còn khả năng “đi ra” để chăm sóc đoàn chiên.   

Tại sao lại có những tình trạng như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời. Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo Hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng... Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành, để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Cũng với ý nghĩa trên mà Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 61 này (21/4/2024) Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình: “Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ, ra khỏi sự thờ ơ, mở những cánh cửa nhà tù mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình lại, để mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và trong thế giới, để trở thành người hành hương hy vọng và là người kiến tạo hòa bình! Chúng ta hãy say mê sự sống và dấn thân vào việc chăm sóc yêu thương những người xung quanh chúng ta và môi trường chúng ta đang sống”.

Với lời kêu gọi trên, sứ điệp năm nay không chỉ nhằm ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhưng là của tất cả các ơn gọi, các bậc sống trong Giáo hội, bao gồm cả ơn gọi hôn nhân gia đình. Vì thế, Đức Thánh Cha cho thấy: “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem bình an hạnh phúc cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
nếu chúng con luôn nghe lời Chúa dạy,
và bước đi trên con đường Chúa dẫn.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không như bao đấng ngồi chễm chệ,
trên ngai tòa để cứu độ sinh linh.

Chúa đã chết cho con đời sống mới,
từ hôm nay và mãi tới muôn đời,
xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn khát mong,
đừng ham mê danh lợi ở đời này,
cũng chỉ là những ảo ảnh cuồng say,
như gió thoảng như mây bay phút chốc.

Xin cho con được một đời như Chúa,
biết hiến thân để phục vụ tha nhân,
biết hướng đến những người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời,
chính là niềm vinh phúc mãi không ngơi. Amen




Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Và Chúa cho chúng ta biết thế nào là mục tử tốt lành so với những kẻ làm thuê, Chúa nói: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao mà Chúa Giêsu lại trở thành mục tử tốt lành? Chúng ta có thể trả lời vì bản chất Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, nhưng nếu nói như vậy thì sẽ khó có thể thuyết phục được người khác. Vậy để có thể thuyết phục được người khác, chúng ta cần phải chứng minh.

Chúng ta biết Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, vì cuộc đời của Chúa luôn hướng về Chúa Cha, để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Khi bị ma quỷ cám dỗ hóa đá thành bánh, Chúa Giêsu đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Hay Chúa nói: “Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”. Hay khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 22-23). Hay trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Nên chúng ta thấy sở dĩ Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, vì cuộc đời của Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha, để thực thi thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời của mình.

Còn người mục tử không tốt lành là người mục tử mà cuộc đời của mình không hướng về Chúa, không hướng về đoàn chiên của Chúa, mà hướng về những điều ở bên ngoài, chẳng hạn như đi theo Chúa vì quyền lợi, vì lợi ích, vì danh vọng, vì địa vị, nên khi gặp những cái danh vọng khác, những lợi ích khác, những địa vị khác, thì tất nhiên nó sẽ lôi kéo chúng ta theo cái đó. Nói như Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng trí anh em ở đó”, hay “Xác ở đâu diều hâu tụ đó”.

Chúng ta thấy Giuda là một ví dụ, tại sao Giuda lại bán Chúa? Thật ra, chúng ta sẽ không biết chắc chắn lý do gì, nhưng cứ theo bản văn Kinh Thánh, chúng ta sẽ phỏng đoán qua một vài giả định như sau:

Thứ nhất, rất nhiều tác giả, cũng như các Tông đồ cho rằng Giuđa bán Thầy là vì tiền. Bởi lẽ, Giuđa là kẻ được Chúa trao cho nhiệm vụ giữ túi tiền… Tin mừng Gioan đã nói: “Y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Tin mừng Luca thì nói: “Satan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông” (Lc 22,3-6).

Thứ hai, Giuđa Ítcariốt là một người thuộc trường phái Zêlốt, đó là những người nhiệt thành về đạo. Nhóm này rất khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Như vậy, có lẽ ngay từ đầu, động cơ đi theo Chúa của Giuđa là vì ông nghĩ Ngài sẽ là Đấng đến để lập lại trật tự xã hội; để giải phóng con người theo nghĩa chính trị, bởi vì, lúc này đất nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma thống trị. Và đây có thể là động cơ phía sau mà Giuđa bán Thầy, vì ông muốn dồn Thầy vào chân tường, để buộc Thầy phải đứng lên khởi nghĩa.

Nhưng chúng ta thấy, dù là lý do gì đi chăng nữa, vì tiền, hay ma quỷ nhập, hay thuộc phái nhiệt thành, thì nếu Giuda có vướng vào những thứ đó, thì chính những thứ đó đã lôi kéo Giuda phạm tội bán Chúa, khi những điều kiện đó hấp dẫn hơn Chúa.

Thánh Phêrô mà sách Công vụ tông đồ trong bài đọc 1 hôm nay đã đề cập đến, chúng ta biết trước kia ông đã chối Chúa, vì cuộc đời của ông chưa có Chúa, chưa yêu mến Chúa một cách thật sự, nhưng sau này, khi đã hối cải, khi đã có lòng yêu mến Chúa thật sự, nên ông đã dám rao giảng về danh Chúa Kitô mặc dầu ông bị người ta cấm không cho rao giảng. Nên chúng ta thấy, để có thể trở thành mục tử tốt lành, thì cuộc đời cần có Chúa, đi theo Chúa vì đó là Chúa chứ không vì quyền lợi, hay những thứ bên ngoài, bởi nếu là những thứ bên ngoài, thì khi có những thứ bên ngoài hấp dẫn hơn, chúng ta sẽ dễ sa ngã.

Nên chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, để biết hướng về Chúa, biết sống đúng bổn phận của mình, mục tử sống đúng tư cách mục tử, con chiên sống đúng tư cách và bổn phận của con chiên. Amen.