13/04/2023
19416
Bài giảng Chúa Nhật II Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
(Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)






Lm Trầm Phúc
 

Ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ đã nhìn thấy ngôi mộ trống và khăn liệm còn nguyên, các ông đã tin, nhưng còn phân vân vì không thấy Thầy. Chiều đến các ông đang tề tựu trong nhà, các cửa nhà đóng kín, Chúa Giêsu hiện ra, đứng giữa các ông và chúc bình an cho các ông. Thánh Gioan ghi rõ:“Các cửa đều đóng kín”. Chúng ta có thể tưởng tượng sự ngỡ ngàng của các môn đệ như thế nào? Điều này chứng tỏ rằng Chúa sống lại không còn lệ thuộc vào những chướng ngại vật chất nữa. Ngài vẫn mang lấy thân xác nhưng đã được biến đổi.

Ngài chúc bình an cho các môn đệ. Đó là điều các ông đang cần, vì sau cái chết thê thảm của Chúa, họ vẫn bị xao động mạnh, mặc dù đã biết Thầy đã sống lại rồi. Chắc chắn các ông vẫn còn bị xao động. Chúa cho họ xem những dấu vết trên thân thể Ngài. Chúng ta tưởng tượng nỗi vui của các môn đệ khi được nhìn thấy Chúa và xem những vết đinh và cạnh sườn Ngài. Nhưng Chúa hiện ra cho các ông không chỉ để cho các ông thấy Ngài, nhưng là để sai đi: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thấy cũng sai anh em”. Nói xong Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Ngài trao cho các ông Thánh Thần, sứ mệnh rao giảng và quyền tha tội. Ngài phục sinh rồi, Ngài sẽ không còn sống với các ông nữa, giờ đây, chính các ông phải thay thế Ngài rao giảng và tha tội, tức là mang ơn cứu rỗi cho mọi người. Hơn hai ngàn năm nay, Giáo Hội luôn trung thành với sứ mệnh cao cả đó.

Chúa Giêsu sống lại, Ngài hoàn tất công việc Chúa Cha đã trao cho Ngài, và đã tuôn tràn ơn cứu rỗi cho mọi người. Hôm nay, ơn cứu rỗi đó vẫn tuôn tràn trên chúng ta. Ngài đã trở nên nguồn sống mới cho chúng ta. Mọi sự đều được khởi sự từ nơi Ngài. Ngài ban Thánh Thần để trợ lực cho Giáo Hội. Thánh Thần sẽ là sinh lực cho Giáo Hội và cho chúng ta.  Hãy trung thành với Thánh Thần và nhờ Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta nên một như những kitô hữu đầu tiên, một lòng một ý để loan truyền tình yêu Chúa cho mọi người.

Khi Chúa hiện ra với các môn đệ, vắng mặt một người là ông Tôma. Khi về đến nhà, Tôma nghe các môn đệ kia thuật lại mọi sự, nhưng ông cho là chuyện bịa đặt, ông không tin. Ông đòi hỏi: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người…thì tôi chẳng tin”.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra. Lần này là để giúp Tôma, chỉ một mình Tôma mà thôi. Tôma quan trọng như thế nào mà Chúa lại phải làm như thế cho ông? Chúa Giêsu không chỉ giúp Tôma tin mà thôi, mà giúp mỗi người chúng ta. Chúng ta tưởng rằng mình đã tin Chúa một cách chắc chắn, không hồ nghi, nhưng hãy nhìn lại bản thân chúng ta. Chúng ta chỉ tin hời hợt thôi. Đức tin không ảnh hưởng gì trên cuộc sống chúng ta cả. Những kinh nguyện của chúng ta chỉ là những lời nói ngoài môi mà thôi, tâm hồn chúng ta vắng mặt. Chúng ta chỉ sống cho mình chứ không sống cho Chúa. Chúng ta là những Tôma của hiện tại. Có bao giờ chúng ta tin như Tôma khi đã được Chúa tỏ mình không? Có bao giờ chúng ta cảm thấy rằng Chúa là Chúa chúng ta không?

Chúng ta ăn lấy Chúa mỗi khi chúng ta dự lễ, chúng ta có cảm thấy rằng Chúa đang ngự trị trong con người chúng ta và chúng ta sống trong Chúa không? Hãy nhìn lại xem đức tin của chúng ta có hơn gì Tôma không?  Đa số người Công giáo chạy theo phép lạ. Chúng ta chỉ muốn nhìn thấy phép lạ mà quên rằng, mỗi ngày là một phép lạ, Thánh Thể là một phép lạ cả thể. Xin thánh Tôma cầu cho chúng ta vững tin như ngài. Và chớ gì chúng ta tin thật đến nỗi chúng ta không thể làm gì mà không làm cho Chúa, yêu thương như Chúa, trong sáng như Chúa.




 Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

DẤU CHỨNG PHỤC SINH

Vào bất cứ thời đại nào, để tin vào một chuyện gì đó, thường thì người ta phải xác minh và kiểm chứng sự việc đó thật cẩn thận, với đầy đủ bằng chứng hẳn hoi, rồi người ta mới tin, bởi vì “Trăm nghe không bằng một thấy.”

Thánh Tôma Tông đồ ngày xưa cũng vậy, mặc dù đã nghe các bạn kể lại rằng: Thầy đã sống lại rồi và hiện ra tại phòng Tiệc ly, vậy mà Tôma vẫn không chịu tin. Bản thân của Tôma muốn kiểm chứng sự việc Phục sinh của Thầy, nên mới thốt lên câu nói độc quyền rằng: “Bao giờ tôi nhìn thấy dấu đinh ở chân tay của Thầy, và khi nào tôi chạm vào vết thương nơi cạnh sườn của Thầy thì tôi mới tin, còn bằng không thì đừng có hòng...” Điều đó chứng tỏ rằng Tôma là một con người rất thực tế. Chỉ cần một lần nhìn thấy Thầy hiện ra, là điều kiện đủ tin hơn là trăm lần nghe ai đó kể lại.

Thực sự mà nói: Tôma có cái lý của riêng mình. Chúa Giêsu biết điều đó, nên Ngài đáp ứng nhu cầu cho Tôma ngay. Tin Mừng Thánh Gioan diễn tả lại sự việc một cách chi tiết: Chúa hiện ra lần thứ hai với các Tông đồ, lần này, chủ yếu là khoe vết thương cho Tôma và sẵn sàng chấp nhận cho Tôma dùng ngón tay ấn vào lỗ đinh nơi chân tay, và đặt bàn tay vào vết giáo đâm thâu, nơi cạnh sườn Ngài, để Tôma tâm phục, khẩu phục.

Vâng, rất khâm phục. Sau khi nhìn thấy vết thương của Chúa, Tôma đã vui mừng thốt lên một câu nói đầy tâm trạng và hết sức mãn nguyện rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con...” Chắc chắn vết thương của Chúa đã thuyết phục được Tôma, và khiến cho Tôma không thể không tin.

Từ khi Tôma đặt tay chạm vào vết thương của Chúa Giêsu, các vết thương ấy biểu lộ ra dấu chỉ của ơn chữa lành. Trước hết là chữa lành cho tâm hồn cứng lòng, nghi ngờ và thiếu niềm tin của Tôma: “thấy rồi tin.”  

Hơn nữa, vết thương của Chúa không những là dấu chỉ của ơn chữa lành, mà còn là một ơn ban cho những tâm hồn thánh thiện đặc biệt nữa. Chẳng hạn như Thánh Phanxicô Assisi. Chúng ta biết là: Vào năm 1224, Thánh Phanxicô đã được in 5 dấu Thánh của Chúa Giêsu nơi chân tay và cạnh sườn với các vết thương luôn rỉ máu kéo dài trong hai năm. Rồi ngài qua đời vào ngày 3/10/1226. Rồi (đúng 2 năm sau) Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh cho ngài vào ngày 16/7/1228.

Và gần chúng ta hơn, ngày 23/9/1968, cha Thánh Piô (dòng Capucinô) cũng được in Năm dấu Thánh của Chúa, và thời gian kéo dài suốt 50 năm trời. Vào những lúc bình thường, tay cha được băng lại trong bao tay màu nâu. Còn mỗi khi dâng lễ, băng tay được tháo ra, vết thương tay cha thường rỉ máu. Và thỉnh thoảng, ngài gồng sức như một người đang vác thập giá (đau đớn và mệt nhọc). Nhưng mà, gương mặt của ngài luôn luôn sáng như một thiên thần. Ai tham d thánh lễ của ngài cũng đều cảm thấy hạnh phúc và bình an. Vì là trường hợp rất đặc biệt, nên cha Piô bị đưa đi khám nghiệm y khoa. Và kết quả được ghi là: “Không giải thích được nguyên nhân các vết thương trên cơ thể của cha. Và cũng không có cách nào điều trị được.”

Đó là ơn đặc biêt dành cho những con người đặc biệt. Còn chúng ta thì sao? Có lẽ ta không phải là người đặc biệt để có thể chạm vào vết thương thật của Chúa Giêsu như Thánh Tôma. Và ta cũng không đủ thánh thiện để Chúa khắc 5 dấu thánh của Ngài vào cơ thể của ta như thánh Phanxicô và Thánh Piô. Tuy nhiên, ta có rất nhiều cơ hội để chạm được những vết thương của Chúa Giêsu qua những con người đau yếu bệnh tật nơi thể xác cũng như tâm hồn. Giống như Thánh Gioan Thiên Chúa, một người hết lòng yêu thương người nghèo:   Gioan Thiên Chúa sinh năm 1495 tại Bồ Đào Nha. Cha mẹ ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái.

Lúc 9 tuổi, với tính ngông cuồng, Gioan đã bỏ nhà đi bụi đời. Khi được 20 tuổi, Gioan đăng ký đi lính. Thời gian trong quân đội, Gioan mất hết niềm tin vào Chúa. Đến khi chiến tranh kết thúc, Gioan trở về nhà, và nghe người cậu ruột cho biết tin rằng mẹ Gioan đã mất sau khi Gioan bỏ nhà đi bụi đời được 3 tuần. Còn cha Gioan thì vừa mới qua đời được ít lâu.

Với những giọt nước mắt ăn năn hối hận trong tâm trạng thật buồn, Gioan quyết sửa đổi tính nết và đền tội bằng cách tự nguyện sang Phi Châu để phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật.

Có bao nhiêu tiền kiếm được, Gioan gom lại thuê một căn nhà cho những người nghèo khổ tới ở. Cứ chiều chiều, Gioan xách giỏ đi xin ăn với lời mời tha thiết rằng: “Alô!Alô, ai muốn làm việc thiện xin tiếp tay với tôi, Alô!Alô.!!” Có lần, ngài đưa một người hấp hối mình đầy thương tích về nhà để chăm sóc. Một ngày nọ, bỗng nhiên, ngài thấy chân tay của bệnh nhân có những lỗ đinh lóe sáng lên. Và lại nghe tiếng Chúa nói: “Hỡi Gioan! mọi việc thiện con đang làm cho những người nghèo khổ là con đang giúp cho chính Ta đó. Ta đang đếm từng bước chân con đi để ân thưởng cho con thật xứng đáng.”

Thánh Gioan Thiên Chúa đã chữa lành các vết thương cho những người đau khổ bằng tình yêu thương giống như Chúa Giêsu. Vậy mà, đến phút cuối đời, ngài vẫn cảm thấy mình bất xứng với những ơn Chúa ban, vì nghĩ rằng mình vẫn chưa trả hết nợ cho những người đau khổ xung quanh.

Nghe xong câu chuyện, để rồi ngẫm nghĩ xét lại mình: Hầu như ta không thể chạm được vết thương thật của Chúa như thánh Tôma. Và dường như tinh thần của ta cũng chưa sẵn sàng muốn đụng chạm vào các vết thương nơi những người bệnh tật, yếu đau để chữa lành họ, để giúp họ vơi đi một ít khốn khó trong cuộc đời tạm này.

      Lạy Chúa Giêsu Giàu lòng thương xót, xin Ngài ban thêm lòng tin và lòng mến cho chúng con, để chúng con dám hy sinh những gì là của mình, hầu có thể chạm và chữa lành các vết thương đau đớn của những người bệnh tật yếu đau như Lòng Chúa vẫn xót thương những người bất hạnh tật nguyền. Amen.




Lm. Tôma-Thiện Hưng

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta tiếp tục nghe hai lời chứng về Chúa Giêsu - Đấng phục sinh đã hiện ra và gặp gỡ các môn đệ của Ngài đang trốn trong phòng Tiệc ly vào buổi tối “ngày thứ nhất trong tuần”. Đó là lần thứ nhất (Ga 20, 19) và lần thứ hai, cũng chính tại nơi này vào “tám ngày sau” (Ga 20, 26). “Ngày thứ nhất trong tuần” chính là ngày Chủ nhật. Và ngày này được các Kitô hữu gọi là ngày của Chúa vì chính trong ngày Chủ nhật, cộng đoàn Hội thánh họp nhau và gặp gỡ Đấng Phục sinh. Đây chính là lý do, Hội thánh hát vang: đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó, Alléluia. Cũng chính vì thế mà Hiến chế về phụng vụ thánh xác định: “Theo truyền thống được truyền lại từ các Tông đồ, bắt nguồn từ ngày Phục sinh của Chúa Kitô, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua mỗi ngày thứ bảy, ngày này cũng được gọi là ngày của Chúa” (SC, số 106).

Bài Tin mừng hôm nay, trong cả hai lần hiện đến với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ thấy những vết thương của cuộc tử nạn của Ngài và cho các môn đệ được chạm đến chúng trên thân xác đã phục sinh vinh hiển của Ngài (x.Ga 20, 20-27). Thân xác vinh hiển này không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Cho nên Ngài vẫn đến và ở giữa các môn đệ khi cửa phòng vẫn đóng kín. Những dấu thánh trên đôi bàn tay, bàn chân và cạnh sườn của Ngài, chính là nguồn tuôn tràn vô tận đức tin, đức cậy và đức mến mà mọi người có thể kín múc cho riêng mình nhất là những tâm hồn khao khát lòng thương xót của Chúa.

Đây chính là kinh nghiệm đức tin về Lòng thương xót của Chúa của thánh nữ Faustina Kawalska – tông đồ của Lòng thương xót Chúa. Chính thánh nữ đã được Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và chỉ cho thấy trái tim của Chúa bị lưỡi đòng đâm thủng, từ đó tuôn trào lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại. Lòng thương xót của Chúa tuôn trào từ thánh tâm Chúa Giêsu với hai luồng sáng đỏ và trắng biểu tượng cho bí tích Thánh thể và bí tích Rửa tội mang sức mạnh thánh hóa và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây ra và kêu gọi mọi người hãy tín thác vào Lòng thương xót vô biên của Chúa. Cũng qua thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu phục sinh đã mong muốn rằng ngày Chủ nhật II sau lễ Phục sinh sẽ được dành riêng để tôn kính Lòng thương xót Chúa. Và chính Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập ngày lễ này trong toàn Giáo hội Công giáo vào ngày 30 tháng 04 năm 2000 – ngày tuyên thánh cho nữ tu Faustina và Chúa quan phòng đã muốn Đức thánh cha Gioan Phaolô II chết đúng vào đêm trước ngày lễ này trong bàn tay của lòng thương xót Chúa, ngày 02/05/2005 tại Vatican. Tạ ơn Chúa. Con tín thác vào Chúa.

Anh chị em thân mến,

Lòng thương xót của Chúa tuôn trào từ các vết thương của cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu. Những vết thương tình yêu này không bao giờ mất đi dù Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Hôm nay, Đấng phục sinh đã hiện ra và cho các môn đệ nhìn thấy và đụng vào những vết thương này, nhất là tông đồ Tôma. Đấng phục sinh bảo Tôma: Hãy đặt ngón tay vào đây, vào hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27). Anh chị em thử nghĩ xem: Tôma và các 10 tông đồ khác có dám sờ vào 5 dấu thánh không? Tại sao không, thưa anh chị em. Việc được thấy và chạm đến các dấu thánh của Đấng phục sinh, lòng tin của các ông được củng cố; sự cứng lòng, nghi ngờ của Tôma được chữa lành. Phần chúng ta thì sao? Chúng ta được hưởng lời hứa: Phúc cho những người không thấy mà tin. Và nhờ tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa mà chúng ta được sống đời đời. Đó chính là ơn cứu độ của chúng ta.

Anh chị em có ai đã từng được đụng đến Lòng thương xót của Chúa chưa? Anh chị em có bao giờ trải nghiệm về Lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời của mình chưa? Lòng thương xót của Chúa đã chữa lành cho anh chị em bao giờ chưa? Anh chị em có bao giờ ca ngợi tán dương Lòng thương xót Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn của mình bao giờ chưa? Anh chị em đã từng kể hay đã được nghe về Lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời mình hay của anh chị em mình chưa? Anh chị em đã từng giới hạn Lòng thương xót Chúa trong suy nghĩ và đã lấy làm tiếc là mình đã từng có suy nghĩ như thế chưa? Cha dám chắc là mọi người có mặt trong nhà thờ này đều đã cảm nghiệm Lòng thương xót của Chúa với nhiều cung bậc khác nhau và tất cả đều có thể trả lời cho những câu hỏi vừa nêu lên. Tại sao vậy? Bởi chúng ta đây đều là những tội nhân được lòng thương xót của Chúa chữa lành, tha thứ và thánh hóa. Thánh nữ Faustina khuyên chúng ta rằng: anh chị em hãy dìm mình vào đại dương thương xót của Chúa dù có thế nào đi nữa. Đừng sợ biết mình là tội nhân. Lòng thương xót của Chúa luôn luôn lớn hơn tội của tôi rất nhiều. Thiên Chúa không mệt mọi tha thứ cho chúng ta chỉ chúng ta sợ không dám chạy đến với Ngài mà thôi. Thánh nữ cũng căn dặn mọi người chuyển cầu cho người khác bằng cách hãy dìm những tội nhân, linh mục tu sĩ, những người dự tòng, những trẻ em, những người tôn kính Lòng thương xót, những người không tin, những người thờ ơ, nguội lạnh và mọi người… vào đại dương của lòng thương xót vô tận của Chúa. Đừng bao giờ quên việc này nhé! Hơn nữa, lời nguyện: “Con tín thác vào Chúa” biểu lộ điều gì nếu không phải là việc thờ phượng nội tâm của một linh hồn cầu nguyện chỉ biết hướng về Thiên Chúa, tập chú hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa như trẻ con nằm ngủ an lành trong vòng tay cha mẹ của nó. Ước gì khi anh chị em cầu nguyện tôn vinh Lòng thương xót Chúa, mỗi người cũng cảm nhận tận linh hồn mình sự an lành trong tình yêu Thiên Chúa như lời thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61, 2).

Giờ đây, chúng ta cùng quì gối và cầu nguyện: Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, linh hồn và thần tính của con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Con tín thác vào Chúa. Amen.




Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay, Chúa nhật thứ 2 Phục Sinh, chúng ta cử hành thánh lễ kính lòng thương xót Chúa, nhưng không thấy nói về lòng thương xót Chúa mà lại nói về Tôma.

Khi nói về thánh Tôma là một cách nào đó chúng ta đang nói về lòng thương xót của Chúa, chúng ta biết Chúa vẽ đường thẳng trên những đường cong, đó là lòng thương xót của Chúa.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của tổ phụ Giuse và gia đình của ông. Giuse được cha là Israel quan tâm và yêu mến hơn các anh em khác, nên các anh em sinh lòng ghen ghét, loại trừ Giuse và tìm cách hãm hại em mình. Khi thấy có thời cơ, các anh đã bán Giuse cho các lái buôn và trở thành nô lệ bên Ai Cập. Nhưng Thiên Chúa luôn quan phòng và phù trợ cho Giuse, nên ông đều vượt qua mọi khó khăn và nguy hiểm. Nhờ sự khôn ngoan và tài giỏi, Giuse được lòng Vua Pharaon, được chọn làm tể tướng nước Ai Cập và đã cứu dân cùng gia đình khỏi nạn đói (x. St 37, 3-4.12-13a.17b-28).

Trong tin Matthêu cũng kể cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền sát nhân, khi Chúa Giêsu kể xong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu hỏi những thượng tế và kỳ lão: “Khi ông chủ về, ông sẽ xử trí bọ họ như thế nào?” họ nói: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó.” Thế rồi ông chủ có thực hiện theo kiểu thường tình của con người không? Thưa không.

Chúng ta thấy, sức mạnh của con người là dùng sức mạnh cơ bắp, gươm giáo, súng đạn để đấu đá (mạnh được yếu thua) và cuối cùng dùng đến việc giết chết để đe dọa. Nhưng Chúa lại dùng đến chính cái chết, cái yếu thua đó để tỏ bày và làm nổi bật vinh quang danh dự, tình yêu thương của Người (x. Mt 21, 33-43.45-46).

Rồi Tin mừng hôm nay nói về thánh Tôma để làm cho đức tin của chúng ta thêm vững mạnh, nhờ Ngài mà những người duy lý, những người duy nghiệm không thể bắt bẻ chúng ta, nhờ ngài mà chúng ta biết được chỉ nơi Chúa mới có chân lý tuyệt đối, qua lời tuyên xưng của ngài.

Tôma là môn đệ duy nhất vắng mặt. Nhưng Chúa đã đợi Tôma. Lòng thương xót không bỏ ai lại đàng sau. Chúng ta cũng được mời gọi như thế, không được bỏ rơi anh chị em của mình.

Có lần, một nhà nhân chủng học mời trẻ em của một bộ lạc châu Phi tham gia trò chơi. Ông đặt một cái giỏ đựng những trái cây ngon gần một cái cây và nói với chúng rằng: “Ai đến cây đầu tiên sẽ nhận được cả cái giỏ.”

Khi ra hiệu bắt đầu cho các em, ông rất ngạc nhiên khi các em cùng nhau đi bộ, nắm tay nhau, cùng nhau đi đến cây và chia đều trái cây cho nhau! Khi ông hỏi tại sao các cháu lại làm điều này, khi mỗi cháu trong số các cháu đều có cơ hội nhận được cả giỏ trái cây!

Bọn trẻ ngạc nhiên trả lời: “Ubuntu.” “Đó là, làm thế nào bạn có thể hạnh phúc trong khi những người khác không hạnh phúc?” Ubuntu trong nền văn minh của họ có nghĩa là: Tôi là vì CHÚNG TÔI là vậy.

Bên cạnh đó, việc chúng ta tìm hiểu, để giải oan cho thánh Tôma, đó như là cách thức, một phương thế, để giúp chúng ta thực thi lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời của mình, mà cụ thể là nơi anh chị em của mình. Nghĩa là trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải tập có cái nhìn toàn diện, không được có cái nhìn phiến diện. Phiến diện là kết án, là chụp mũ ngay, không cần biết lý do là gì.

Xin Chúa cho mỗi người chúng hiểu và biết đón nhận lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời mình, để mình cũng có thể thương xót anh chị em bằng những phương cách mà Chúa đã dành, cũng như đã chỉ cho chúng ta. Amen.