10/03/2023
630
Bài giảng Chúa Nhật III MC - Giáo phận Mỹ Tho











 



GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT III MC

(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)



Lm Trầm Phúc
 

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có hai cuộc đối thoại đáng lưu ý nhất, đó là cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô và cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari. Hôm nay, chúng ta chỉ chú ý đến một vài điểm trong những vấn đề được nêu ra trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari.

Chúa Giêsu làm người như chúng ta, Ngài cũng mang gánh nặng của thân xác như chúng ta. Sau một hành trình dài từ Giuđê đến Samari, Chúa Giêsu chỉ đi bộ, thấm mệt và ngồi ở bờ giếng Giacob. Ngài nghỉ mệt, nhưng cũng cố ý đợi một người, đợi người phụ nữ Samari, vì Ngài biết nàng sẽ đến kín nước. Nhưng Ngài cũng đợi mỗi người chúng ta. Ngài muốn gặp gỡ chúng ta để khơi lên trong chúng ta những gì chúng ta đang ấp ủ, để mang lại cho chúng ta nước hằng sống mà chúng ta đang cần. Ngài phải đi một hành trình dài mấy chục năm từ Nadaret đến đỉnh đồi Gôngôtha. Chúng ta hãy đến gặp Ngài để tâm hồn chúng ta tìm được nước hằng sống.

Hôm nay, Ngài vẫn chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu. Ngài mong chúng ta đến mang Ngài vào trong chúng ta để sống với chúng ta, chia sẻ cuộc sống lao nhọc cực khổ của chúng ta. Tình yêu của Ngài luôn sẵn sàng đón tiếp chúng ta, chúng ta có mong đến với Ngài không? Ngài khát khao, đợi chờ chúng ta nhưng chúng ta không sốt sắng đáp lại sự chờ mong của Ngài. Chúng ta thích uống nước thế gian hơn tình yêu của Ngài. Tình yêu luôn là một chờ đợi đáp trả. Chúng ta vẫn lơ là.

“Xin cho tôi uống chút nước”. Đây chỉ là một cách để giao tiếp. Một người Do thái! xin một người Samari uống nước! Ông này không biết rằng từ xưa, người Do thái khinh thị người Samari sao? Người phụ nữ Samari ngạc nhiên. Ông này tự hạ như thế sao? Ông không biết mình là người Do thái sao? Nàng ngạc nhiên trước sự hạ mình của ông.

Nàng lấy nước và đưa cho Chúa uống. Nước giếng này chỉ xoa dịu cơn khát phần xác, nhưng còn một cơn khát trầm trọng hơn đang dày vò tâm hồn Ngài. Ngài đang khao khát tâm hồn của con chiên lạc bầy. Ngài đến không phải cho Ngài mà để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Chúa Giêsu đang tìm chúng ta, những con người xem ra công chính, nhưng chưa chắc đã là công chính. Hãy thành thật nhìn lại lòng mình. Chúng ta yêu thế gian hay yêu mến Chúa? Chúng ta có thật sự hoàn hảo như Cha trên trời chưa? Hãy đến tìm Chúa, chúng ta sẽ được no thoả.

Trước sự ngạc nhiên của người phụ nữ, Chúa càng làm cho nàng ngạc nhiên hơn khi nói với nàng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi xin chút nước, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Lần này Chúa nói rõ Ngài là người ban nước hằng sống…”Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Người phụ nữ vẫn chưa hiểu lời Ngài nói, nàng chỉ nghĩ đến nước uống bình thường và nàng lại xin Ngài: “Xin ông cho tôi nước đó”. Và Ngài đã cho nàng thứ nước trường sinh. Nàng đã nhìn thấy và tin vào Đấng Mêsia. Nàng mới biết được rằng, việc thờ phượng không phải trên núi này hay tại Giêrusalem mà trong tinh thần và sự thật. Và cuối cùng, Chúa Giêsu đã mạc khải chính mình cho nàng: “Đấng Mêsia chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Niềm vui dâng tràn trong tâm hồn, người phụ nữ không còn nghĩ gì khác, mau mắn chạy về làng thông bào cho dân làng biết, nàng đã gặp Đấng Mêsi-a. Từ một người phụ nữ tội lỗi, Chúa Giêsu đã biến nàng thành một người loan báo Tin Mừng.

Chúng ta đã biết Chúa, đã tin Ngài lâu năm, chúng ta có thờ phượng Ngài trong tinh thần và sự thật không hay việc thờ phương của chúng ta chỉ là ngoài da ? Chúng ta dự lễ, chúng ta nghe Lời Chúa, đã từng rước Chúa nhiều lần, chúng ta có cảm thấy Ngài là nước trường sinh cho cuộc sống hôm nay của chúng ta không? Chúng ta có tin thật Ngài là sự thật và là sự sống không hay chỉ là thói quên, là thủ tục? Chúa Cha đang tìm những người biết thờ phượng Người trong tinh thần và sự thật. Chỉ những người này mới là những người có thể loan báo Tin Mừng cho người khác, vì họ đã tin thật và đức tin của họ là một đức tin sống động. Chớ gì mỗi người chúng ta dám tin với tất cả tâm hồn và cuộc sống chúng ta trở nên một loan báo sống động cho những người quanh ta.

 


 

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ, BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH

Chuyện kể rằng: Có một anh thợ đào vàng nọ, sau khi chết, được lên thiên đàng. Nhưng trước khi cho ông vào Thiên đàng, Thánh Phêrô gạn hỏi: Ở trần gian con làm nghề gì? Anh trả lời: Dạ, Con làm nghề đào vàng ạ. Thánh Phêrô nói: Nghề đào vàng ở trên đây có nhiều rồi, chắc là không cần con đâu. Nghe vậy, anh ta năn nỉ: Thưa ngài, cứ cho con vô đi, biết đâu, bọn đào vàng đó nổi cơn tham, gây náo loạn Thiên đàng, con sẽ là người giúp Ngài dẹp loạn cho ạ !...!!!

Nhờ dẻo miệng, nên Thánh Phêrô cho anh ta vào. Đảo qua một vòng, gặp thợ đào vàng nào, anh cũng rỉ tai báo tin “hót” rằng: Ở dưới hoả ngục, người ta vừa phát hiện ra một mỏ vàng to lắm, nhanh chân, mau xuống đó đào đi, kẻo hết.

Thế là chớp nhoáng, mấy tay săn vàng nhảy bổ xuống hoả ngục tìm vàng. Đến khi nhìn quanh quẩn không thấy ai, lòng anh ta bắt đầu háo hức, ngứa nghề, đứng ngồi chẳng yên, nên anh ta xin thánh Phêrô cho xuống hoả ngục xem thử. Thánh Phêrô bảo: Đừng có mà ảo tưởng, hoả ngục làm gì có vàng! Chỉ có sự chết thôi! Nhưng: Thưa ngài, biết đâu, ở đó có vàng thật thì sao? Bởi vì, bọn đào vàng kia đi lâu quá, mà chẳng thấy đứa nào quay trở lại. Chắc là bọn chúng trúng mánh rồi! Nói xong, không chờ Thánh Phêrô cho phép, anh vội lao nhanh xuống hoả ngục. Thế là cả đống, cả lèng rơi vào hố “tử thần” bất hạnh. Đúng như người đời vẫn nói “Tham thì thâm” là như vậy đó.

Câu chuyện muốn nói rằng: thói quen của con người là hay khao khát, tìm kiếm hạnh phúc theo lối trần tục: bằng vàng bạc, bằng của cải vật chất và cả bằng những ước muốn dục vọng thấp hèn, mà đôi khi quên đi giá trị thật của hạnh phúc ở những tâm hồn đơn sơ, trong trắng như Lời Chúa Giêsu nói: “Ai không trở nên đơn sơ trong trắng như trẻ nhỏ, người đó sẽ không được tham dự Niềm Vui Nước Trời (Mt 18,3).

Nếu xét về sự “Đơn sơ - trong trắng”, có lẽ người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob, mà Tin Mừng diễn tả, sẽ không có “cửa”, không có “vé”. Bởi vì, Thánh Gioan kể, chị ta đã có tới 5 đời chồng lận. Lấy đến 5 ông làm chồng, làm gì được gọi là đơn sơ, trong trắng.

Ấy là chưa kể đến người đàn ông thứ 6, đang lén lúc sống chung với chị, bị Chúa phát hiện ra. Ông “tò te tú tý”, “vụn trộm” với chị, chứ không phải là chồng chính thức.

Điều đó chứng tỏ rằng chị là một người phụ nữ chẳng nết na gì, chị thay đổi chồng như thay áo, chị khao khát và tìm kiếm hạnh phúc nơi dục vọng xác thịt thấp hèn. Dường như, càng tìm hạnh phúc nơi xác thịt, chị càng cảm thấy đau khổ nơi tâm hồn. Nỗi đau cụ thể hằng ngày chị phải đối diện với những lời thị phi của những người cùng làng, chung xóm. Những kiểu nói bóng nói gió miệt thị, đầy ác ý, không ngừng châm chọc, và xoáy sâu vào tâm hồn của chị. Cho nên, chị luôn mặc cảm về tội lỗi của mình.

Vì mặc cảm, cho nên thay vì đi lấy nước vào buổi sáng hoặc chiều, như bao nhiêu chị em phụ nữ trong làng, thì chị lại lén lút, ra giếng múc nước một mình, vào giữa trưa, trời nắng gắt, với hy vọng không ai nhìn thấy chị, vì chị không muốn gặp bất cứ một người nào trên đường đi lấy nước.       

Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”: chị không gặp những người trong làng, nhưng lại gặp một người từ làng khác đến, chị gặp được Chúa Giêsu. Phải nói rằng: “Trong cái rủi, có cái may.” Thay vì, Chúa Giêsu tránh xa chị, vì chị tội lỗi; thay vì Chúa khinh miệt chị, bởi chị thuộc dân Samari, ngoại đạo. Nhưng không, Chúa đối xử với chị rất lịch sự. Nhẹ nhàng, Chúa mở lời: “Chị làm ơn cho tôi xin chút nước uống đi!” Chúa hạ mình xuống để xin. Sự nhẹ nhàng của Chúa khiến cho chị phải ngạc nhiên. Bởi vì từ lâu, người Do Thái không bao giờ được phép tiếp xúc với người ngoại giáo như chị.

Và sau đó, ta thấy, qua vài câu xả giao, Chúa đưa chị từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Chúa giới thiệu cho chị một loại “Nước hằng sống”, một sản phẩm mới, độc quyền, mà chị chưa từng nghe bao giờ. Chúa nói: “Ai uống giếng này, sẽ còn khát nước, còn ai uống nước Ta ban sẽ không còn phải khát nữa.” Rất hay và cũng rất độc đáo. Có lẽ, Chúa Giêsu muốn dẫn chị đi từ từ, từng bước một. Từ việc uống nước giếng Giacob: sẽ còn phải khát, đến việc uống Nước Hằng Sống, mãi mãi sẽ không còn khát nước nữa.

Chính lúc đó, hình như chị chợt nhận ra được chân lý: “Nước Hằng Sống” là sản phẩm không có cặn bã của những dục vọng đen tối và cũng không có bợn nhơ của những đam mê lầm lạc. Đặc biệt hơn nữa, Nguồn Nước Hằng Sống có khả năng chữa lành những “nội thương” và làm sống lại những tâm hồn đang chết trong đam mê tội lỗi giống như chị.

Chị như gặp được Thầy, được Thuốc. Phải nói rằng chị là người may mắn đầu tiên lãnh nhận được thần dược đó: Tội của chị được tha, tâm hồn chị được chữa lành và chị hoàn toàn cảm thấy được “đã khát”, không cần phải đến giếng Giacob để múc nước nữa.    

Một bằng chứng cụ thể ta thấy là: chị quăng cái gầu múc nước, bỏ cả cái bình đựng nước, chị vội chạy về, báo cho dân làng một “Tin vui”. “Nguồn Nước Hằng Sống” mà người dân trong làng đang chờ, đang đợi đã xuất hiện. Đó là ĐỨC GIÊSU KITÔ.

Đức Ki-tô, một Thiên Chúa cứu độ đã xuất hiện, không những cảm hoá được chị, mà còn thuyết phục được những người trong làng ngoại giáo của chị nữa. Bởi chính họ xác tín mạnh mẽ rằng: Giờ đây, không phải do những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe và chúng tôi biết Ngài là Ðấng Cứu Thế.

Theo thời gian, những con người được Đức Giêsu cảm hóa thì rất nhiều, chẳng hạn như:  

1.PHÊRÔ: một con người nóng tính, cương quyết, không tin mình có thể phản bội, cãi Thầy một cách mạnh mẽ. Nhưng đến khi gà gáy, Phêrô nhớ lại những điều Thầy nói là đúng, để rồi oà khóc vì hối hận (x. Mc 14,72). Thế mới được chọn làm Giáo Hoàng đầu tiên của Hội thánh.

2. MÁTTHÊU: một người thu thuế, nhiều tội lỗi, khi nghe Chúa Giêsu gọi: “Hãy theo Ta” (Mt 9,9). Lập tức Mátthêu từ bỏ tất cả mọi thứ, để đi theo và làm môn đệ của Chúa Giêsu.

3. MARIA MAĐALÊNA: Một cô gái làng chơi nổi tiếng tội lỗi. Biết hối hận bằng những giọt nước mắt khóc ướt chân Chúa Giêsu (x. Lc 7,36-50). Nhờ vậy mà được Chúa tha tội, để trở nên một vị Thánh.

4. AUGUSTI NÔ: một người mãi đi tìm lạc thú trần gian, đến tuổi 33, nhờ ơn Chúa và lời nguyện cầu của người mẹ thánh thiện Mônica, Augustinô mới trở lại và được tràn đầy niềm vui trong tâm hồn, khi cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế tâm hồn con cứ xao xuyến mãi cho đến khi được nghỉ yên trong tay Chúa.

Đúng vậy, chỉ khi nào được ở trong Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Giống như Lời Chúa nói với người Phụ nữ trong Tin Mừng: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước TA ban, sẽ không bao giờ khát nữa vì nước TA ban, sẽ đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

Ước gì mỗi người chúng ta biết ý thức thân phận tội lỗi của mình, quyết tâm hoán cải trong Mùa Chay, để Nguồn Ân Sủng của Chúa làm dịu mát tâm hồn và giúp ta không còn khao khát những đam mê tội lỗi bất chính nữa, mà chỉ khát khao tìm kiếm Nước Trời mai sau. Amen.





Lm. Thái Nguyên
 

KHÁT VỌNG

Suy niệm

Khi đi trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung, đoàn dân Chúa xưa trong hoang địa mới cảm thấy cái khát hành hạ người ta đến độ nào, và nhu cầu được uống nước mới bức xúc làm sao. Chính khi bị cơn khát dày vò mà họ vùng lên nổi loạn, đổ lỗi cho Môsê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy, và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá (x. Xh 17, 3-7). Ngoài những cơn khát tự nhiên, con người còn có một khao khát siêu nhiên, là một khát vọng vô biên, mà không có gì làm cho no thoả. Dù có được tất cả thế gian này, thì cũng chỉ là bụi bay trong phút chốc. Mọi sự chỉ là phù vân.

Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng, nhưng rồi phải lần lượt chia tay, để ở tiếp với người thứ sáu. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát. Ông tổ triết hiện sinh là Arthur Schopenhauer (1788-1860) cho rằng: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói”. Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao…  cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình. 

Bất ngờ một ngày giữa trưa nắng cháy, người phụ nữ này gặp được Đức Giêsu đang ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp. Ngài xin chị: “Cho tôi chút nước uống!”. Chị ta rất ngạc nhiên: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. Lời chị nói nhắc lại cuộc bất hòa giữa hai dân tộc Do Thái và Samari đã có từ hơn 400 năm, nhưng vẫn ngấm ngầm gây oán ghét và hận thù. Đức Giêsu đã xóa bỏ sự bất hòa này bằng một thái độ khiêm tốn và bằng cách mở ra một cuộc đối thoại chân thành. Ngài còn phá bỏ sự chia rẽ khi tiếp xúc riêng tư với một người phụ nữ Samari giữa nơi công cộng, mà lại là người không tốt đẹp gì. Hành động của Đức Giêsu là một cuộc cách mạng, nhằm phá vỡ các hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, đồng thời phá vỡ các lề thói chính thống của Do Thái giáo, bằng tình yêu thương và lòng kính trọng giữa người với người.

Câu chuyện đột nhiên xoay chiều, khi Đức Giêsu cho chị ta biết, Ngài có một thứ nước lạ lùng, uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó. Cũng như Nicôđêmô hiểu sai về việc tái sinh, người phụ nữ này cũng hiểu câu nói của Đức Giêsu hoàn toàn theo nghĩa đen. Cũng có thể lời nài xin của chị mang tính khôi hài, như muốn giễu cợt về nước hằng sống. Nhưng khi Đức Giêsu bảo:  “Chị hãy gọi chồng chị lại”, thì lúc đó chị mới sững sờ nhận ra một sự thật là Đức Giêsu đã biết tất cả tình cảnh của chị, và chị thốt lên: “Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…” Chị biết là mình đã gặp được người của Thiên Chúa, nên đã trút hết nỗi lòng mình cho Đức Giêsu, không còn nghi ngại gì, và chị cũng nói lên vấn đề việc thờ phượng Thiên Chúa ở đâu mới là chính đáng?

Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng: sự thờ phượng Thiên Chúa không còn giới hạn vào một nơi chốn nào cả. Tâm hồn con người chính là nơi quan trọng nhất để Thiên Chúa ngự trị, vì thế “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Chị còn nói về một Đấng Kitô, khi Ngài đến sẽ loan báo cho họ biết rõ mọi sự. Đức Giêsu liền trả lời:“Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Quá vui mừng, chị chạy về loan báo cho dân làng là mình đã gặp Đấng Kitô. Khi dân chúng ra gặp Ngài, họ cũng cảm nhận và xác tìn rằng: “Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian”.  

Qua người phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta: Ngài là Mạch Nước trường sinh. Thánh Augustinô sau những năm dài mê man tìm kiếm danh lợi và lạc thú trần gian, rồi cũng đến lúc chê chán, và biết bao người khác cũng thế. Cuối cùng, ngài mới khám phá ra Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc của đời mình. Ai cũng mang trong mình một khát vọng vô biên, mà không gì trên thế gian này có thể lấp đầy ngoài một mình Thiên Chúa. Đúng như lời nguyện của thánh Augustinô:“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn băn khoăn thao thức, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Tâm hồn con vẫn có những khát khao,
nhưng mấy khi hiểu điều mình khao khát,
có ý nghĩa và giá trị gì không,
hay vùi mình trong bùn sâu danh vọng,
vì không nghe tiếng Chúa tự cõi lòng,
đang khơi nguồn cho khát vọng vô biên.

Con chỉ muốn chiếm ngay điều trước mắt,
bằng mọi giá để nắm bắt thành công,
nên biến những khát vọng thành tham vọng,
chứ không thành điều tốt như Chúa mong.

Ít khi con đối diện với chính mình,
để thấy điều đang diễn biến trong tâm,
và khi thiếu những giây phút lặng trầm,
con làm thành cuộc đua không đích điểm.

Nội tâm con không thiếu những rẽ phân,
những nhập nhằng và bon chen sân hận,
con xấu hổ nên che lấp bản thân,
nhưng rồi ánh sáng Chúa đã phơi trần.

Xin Chúa làm mới lại đời con,
biết được điều con phải trở bước,
hiểu được điều con phải trở về,
nghe được điều con phải trở nên,
thấy được điều con phải trở thành.

Cho con vượt lên khao khát tầm thường,
đừng lụy vướng vào tình trường thế tục,
mà lo đạt tới Chúa nguồn tình thương,
Đấng cho con được no thỏa miên trường. Amen.

 




Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 kể chuyện dân Do thái đi trong sa mạc, họ bị thiếu nước nên đã kêu trách ông Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” Môsê đã kêu cầu lên Thiên Chúa, và Ngài đã cho nước vọt ra từ tảng đá cho dân uống.

Nhưng nước mà Chúa ban cho dân là nước gì? Thưa đây chỉ là nguồn nước bình thường để làm cho dân dịu con khát của họ tại đó và ngay lúc đó thôi, chứ không phải thứ nước làm cho họ được dịu cơn khát luôn mãi, vậy có thứ nước nào mà làm cho con người không bao giờ khát hay không?

Thưa có, đó là trường sinh, là thứ nước mà Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ xứ Samaria trong trang Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu khẳng định với người phụ nữ: “Ai uống nước này, sẽ lại khát [Nước này là nước bình thường, nước giếng Giacop là thứ nước mỗi người chúng ta đều uống hằng ngày]. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không khát bao giờ. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.”

Người phụ nữ Samaria sau khi nghe Chúa Giêsu nói về thứ nước trường sinh, thì đã xin Chúa Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây lấy nước.”

Chúa Giêsu có cho bà thứ nước trường sinh này hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải tìm hiểu nước trường sinh là nước như thế nào? Có phải là nước giống như chúng ta uống hằng ngày rồi được Chúa Giêsu làm phép hay hô biến để khi con người uống thứ nước đó được trường sinh?

Chúng ta biết, trong bài đọc 2, thánh Phaolo đã nói nước trường sinh này không phải là thứ nước như con người hiểu theo kiểu vật lý, hóa học là Hydrô cộng Ôxy trở thành nước, mà nó chính là Thánh Thần và tình yêu: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta.” Nghĩa là, nước trường sinh này chính là ân sủng của Chúa ban để con người hiểu biết được mọi sự, đặc biệt là hiểu biết về Chúa, để rao giảng về Ngài, với điều kiện là con người biết trông cậy vào Chúa.

Đó là cách hiểu về nước trường sinh và chắc chắn người phụ nữ Samaria không hiểu được ý nghĩa của nước trường sinh này, vậy nếu bà không hiểu, thì Chúa Giêsu có cho bà thứ nước đó không?

Đọc tiếp Tin mừng chúng ta không thấy Chúa Giêsu nói với bà: “được rồi nếu bà xin tôi thứ nước đó thì tôi sẽ cho bà,” chúng ta không nghe thấy Chúa Giêsu nói một cách minh nhiên như thế.

Nhưng tiếp sau lời cầu xin là cuộc đối thoại giữa bà và Chúa Giêsu. Để rồi, sau cuộc đối thoại, bà đã từ từ nhận ra Chúa Giêsu, ban đầu bà nhận ra Ngài là vị ngôn sứ, sau đó là Đấng Kitô, rồi bà đi vào làng loan báo cho người ta biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, và sau đó dân chúng cũng tin vào Chúa Giêsu, họ nói: “Không còn vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người là Đấng cứu độ trần gian.”

Với sự kiện đó, chúng ta đã có câu trả lời, mặc dầu người phụ nữ Samaria không hiểu về thứ nước trường sinh đó là gì, bà chỉ hiểu theo nghĩa vật lý hóa học, nhưng với lòng ao ước, không những người phụ nữ, mà cả những người dân làng Samaria cũng có được thứ nước trường sinh đó, qua việc họ đã nhận được ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần, để rồi họ được Thánh Thần soi sáng nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Kitô và loan báo danh của Chúa cho mọi người được nhận biết.

Như vậy, để có được nước trường sinh mà Chúa đã nói, mỗi người chúng ta được mời gọi phải có lòng ao ước có được thứ nước đó như người phụ nữ Samari, cụ thể đó là chúng ta hãy chạy đến với Chúa qua các bí tích, đặc biệt là qua bí tích giải tội, bí tích thánh thể, để qua đó Chúa ban ơn biến đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta, để đời sống đức tin của mỗi người chúng ta được dồi dào phong phú, để chúng ta sống tốt hơn, nhiệt thành hơn để làm chứng cho Chúa, nếu chúng ta biết đến với Chúa mà cuộc đởi chúng ta thay đổi, điều này chứng tỏ là cuộc đời của chúng ta đã và đang có được thứ nước trường sinh mà Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta cố gắng giữ thứ nước đó, để trong ngày sau hết chúng ta được sống đời đời với Chúa trên Thiên đàng. Amen.