02/03/2023
515
Bài giảng Chúa Nhật II MC - Giáo phận Mỹ Tho
 


 











 



GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT II MC

(St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)



Lm Trầm Phúc
 

Chúa Giêsu luôn bất ngờ. Hôm nay Giáo Hội nhắc đến một bất ngờ của Ngài. Ngài dẫn ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi và tỏ cho họ thấy dung nhan lạ lùng của Ngài và những điều mà không ai có thể hình dung được.

Chúng ta hãy xin Ngài cho chúng ta được cái ân huệ cao quí đó là được lên núi với một mình Ngài. Chúng ta bận bịu đủ thứ chuyện, chuyện làm ăn, gia đình, bạn bè và mọi thứ ràng buộc trong xã hội. Chúng ta cần giải trí, điện thoại, ti vi… Chúng ta không có thì giờ để gặp Chúa, để tâm sự với Ngài. Cuộc sống chiếm hết thời gian của chúng ta. Chúa muốn dẫn chúng ta lên núi của Ngài cũng gặp khó khăn. Vã lại, chúng ta không muốn gặp Chúa một mình. Chúng ta ngại…

Hãy dành cho Chúa một ít thời gian, Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta. Ngài sẽ cho chúng ta biết Ngài là ai. Phêrô đã chứng kiến vẻ huy hoàng của Chúa và đã mong ước sống với Ngài mãi mãi, vì thế, ông xin phép dựng ba lều cho Ngài và các ông Môsê và Eli-a. Ông đã vui mừng nói: “Thưa Thầy, ở đây thật tuyệt vời!” Các thánh đã nếm hưởng được nhưng giây phút tuyệt vời đó. Thiên Chúa thật gần, nhưng chúng ta vẫn ở xa.

Ba vị tông đồ đã thấy những gì? Ông Môsê và Êli-a đã có mặt, đàm đạo với Chúa. Điều này có ý nghĩa gì? Môsê, người của Giao Ước. Tiên tri Êli-a, người của tiếng nói tiên tri. Sự có mặt của hai chứng nhân của Cựu Ước này chứng tỏ điều gì?

Môsê là người lãnh đạo dân Chúa,mang Luật Chúa cho dân và đương đầu với  vua Ai Cập và cứu dân Do thái khỏi ách nô lệ. Sự có mặt của ông Môsê cho thấy rằng Chúa Giêsu là Môsê mới, lãnh đạo dân Chúa và cứu dân thoát khỏi ách tội lỗi. Êli-a là tiên tri của Chúa. Ông đương đầu với vua Akháp và hoàng hậu Giêdaven và tiêu diệt thần Baan trên lãnh thổ Do thái và đưa dân trở về với Chúa. Chúa Giêsu cũng là Êli-a mới. Ngài phải đương đầu với ma quỉ và cả một tập đoàn Pharisêu và thầy cả vả sau cùng đã cứu vớt mọi người chúng ta, đưa chúng ta trở về với Cha trên trời.

Nhưng biến cố trên núi còn là một biến cố quan trọng hơn. Chính Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Ở bờ sống Giođan ngày nào, Chúa Cha cũng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Hôm nay, một lần nữa, Chúa Cha lại mạc khải Con của Ngài và bảo chúng ta hãy nghe lời Ngài. Chúng ta nhớ lời của thánh Gioan: “Chúa Cha đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho nhân loại”. Ai có thể hiểu được chiều sâu, cao rộng của tình yêu thần linh này. Chỉ khi nào chúng ta dám nghe theo lời Con Chúa, chúng ta mới hiểu phần nào Thiên Chúa là ai. Ngài là Tình Yêu.

Chúa Giêsu đến trong trần gian, mang thân phận con người, chứng tỏ rằng tình yêu của Chúa đã trọn vẹn, chỉ có chúng ta chưa sống cho tình yêu. Chúng ta chưa biết yêu thương là gì. Hãy nhìn lại cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng tình yêu Chúa vượt xa những gì chúng ta tưởng và chúng ta đang chập choạng học yêu thương. Hãy học với ngài, lắng nghe lời Ngài, chúng ta mới trở nên con của Cha trên trời.

Chúa Giêsu chẳng những làm người mà lại khiêm tốn trở nên nhỏ bé hơn chúng ta để dạy chúng ta yêu thương. Ngài trở nên một tấm bánh để cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta, để nói cho chúng ta biết yêu thương là thế đó, để chúng ta dám yêu thương hơn. yêu thương là tan biến đi cho người khác, là cho đi tất cả, kể cả mạng sống như Chúa Giêsu.

 

Đaminh Lê Minh Cảnh

 Chúa biến hình, con người biến đổi

Tôi nhớ Sách giáo lý công giáo hỏi-thưa ngày xưa có câu: - Hỏi: Đức Chúa Trời ở đâu? -Thưa: Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi.

Niềm tin Thiên Chúa ở khắp mọi nơi như đã in sâu trong mỗi người công giáo chúng ta từ lâu rồi.

Nhưng mà, vào thời của Chúa Giêsu, dường như dân Do Thái chỉ tin Thiên Chúa ở trên trời cao, chứ không phải ở nơi đất thấp. Cho nên ai muốn gặp được Thiên Chúa, thì phải leo lên những ngọn núi, càng cao càng dễ gặp được Thiên Chúa. Bằng chứng cụ thể là: Tổ phụ Abraham lên núi Môria để hiến tế Isaac, đứa con yêu dấu duy nhất của mình cho Thiên Chúa (x. St 22,1-14). Hay là, ông Môsê phải trèo lên núi Sinai để lãnh nhận “Mười điều răn” từ Thiên Chúa, để về dạy lại cho dân biết những điều Thiên Chúa phán truyền (x. Xh 20,12-17). Còn Ngôn sứ Êlia cũng thường xuyên lên núi Carmen và núi Hôreb cầu nguyện, gặp gỡ và thưa chuyện với Thiên Chúa v.v...

Hơn nữa, Tin Mừng vừa diễn tả lại cảnh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cũng ở trên núi, núi Tabor. Đang khi cầu nguyện, gương mặt Chúa bổng nhiên sáng rực và y phục của Ngài trở nên rạng ngời đến khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa, tại sao lại có mặt 2 nhân vật thời Cựu Ước (Môsê và Êlia) xuất hiện bên cạnh Chúa Giêsu, để rồi cả 3 người nói chuyện về “Cuộc thương khó” của Chúa sắp diễn ra. Chứng kiến sự lạ lùng đó, cả Phêrô, Giacôbê và Gioan đều tỏ vẻ kinh ngạc. Vì không hiểu, nên Phêrô lúng túng nói mà không biết mình đang nói gì: “Hay quá, sẵn chúng con đang có ở đây, tiện tay chúng con dựng ba cái lều để 3 Thầy cứ thoải mái nghỉ ngơi và nói chuyện với nhau nhé.” Trong thâm tâm, mặc dù không nói ra, có vẻ như Phêrô đắc chí và hãnh diện với Giacôbê và Gioan: “Thấy chưa, tớ đã bảo rồi, Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, nên Thầy mới có thể biến hình sáng láng như thế vậy đó.”

Thực ra, chưa chắc Phêrô biết “Bí mật” mà Chúa vừa “bật mí”: Chúa phải chịu đóng đinh, rồi mới được Vinh Quang sáng láng mãi mãi. Phêrô không hề biết. Cho nên, có lần, Phêrô lên tiếng cản Chúa: “Xin Thiên Chúa thương, đừng để Thầy phải chịu những đau khổ và chịu chết trên thập giá” (Mt 16,22).

Đến lúc cầu nguyện cùng Thầy tại Vườn Giếtsêmani, trước cuộc khổ nạn, Phêrô vẫn chưa hiểu, vẫn muốn bảo vệ Thầy bằng mọi giá, không để Thầy bị bắt và bị giết. Nên khi tên lính vừa ập tới định bắt Chúa, sau cái hôn phản bội của Giuđa, Phêrô nhanh tay rút gươm của tên lính và chém đứt tai phải của hắn. Có lẽ mãi đến khi nghe tiếng gà gáy, Phêrô mới giựt mình và chợt hiểu ra: Ý của mình khác với ý của Thầy. Và con đường mình đang đi cũng không giống với con đường Thầy đi. Vài điều đáng nói là tâm hồn Phêrô trầm buồn vì đã lỡ chối Thầy.

Phải nói rằng: Một sự phản bội, tưởng chừng như cắt đứt mọi mối quan hệ Thầy-trò. Nhưng không, mặc dù tâm hồn Phêrô đang bị xâu xé, dằn vặt trong đau khổ, Phêrô vẫn hy vọng, khi nhận ra cái liếc nhìn của Chúa lúc bị quân dữ bắt, không phải ánh mắt hờn trách, mà là một cái nhìn cảm thông, rất đỗi nhân từ. Điều đó giúp cho Phêrô mạnh mẽ và can đảm hơn bao giờ hết, vì biết rằng: Thầy vẫn còn thương mình và mình vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời.

Thế là kể từ đó, bắt đầu bằng những giọt nước mắt sám hối, Phêrô thay đổi cuộc đời với một sự quyết tâm rất lớn: Sống vì Thầy và chết cũng vì Thầy. Để rồi cuối cùng, Phêrô chấp nhận chịu đóng đinh trên thập giá giống Thầy, nhưng đầu quay ngược xuống đất.

“Giọt nước mắt sám hối”, “sự thay đổi bản thân” trong Mùa chay thánh, là những điều cần thiết, vì chúng giúp cho ta biết từ bỏ những điều xấu xa tội lỗi để trở về Chúa. Giống như câu chuyện khó tin nhưng có thật sau đây: “Một kẻ bụi đời trở thành một linh mục.”

Đó là trường hợp của cha Micae Nguyễn Hoàng Thanh Tuyên: Từ khi học cấp 2, Tuyên là một học sinh quậy phá, nên bạn bè gọi là đại ca, vì có nước da ngăm, nên được gọi là “Đại Ca Đen.” Có lần, nghe bạn bè xúi: Nếu dám bắt con gà trống đá của ông ngoại làm mồi nhậu, thì bọn chúng sẽ tôn làm đại ca vĩnh viễn. Thách là làm, Tuyên chỗm ngay con gà quí của ông, khiến ông bực bội vô cùng. Mặc dù là gia đình Công giáo và có người Dì làm bà Sơ, nhưng Tuyên rất thường xuyên bỏ lễ Chúa Nhật. Và điều đó làm cho người mẹ buồn lắm, ngày đêm bà cầu nguyện, như thánh Mônica cầu nguyện cho Augustinô và chỉ mong sao cho con trai mình trở lại.

Tuyên bỏ nhà đi bụi đời, hơn một tháng lang thang trên đường phố Sài Gòn tìm việc làm và hàng đêm cứ vật vờ trong cơn say. Ăn chơi riết rồi cũng chán. Vào một đêm năm 1999, “Đại Ca Đen” gát tay lên trán suy nghĩ về những việc mình đã làm, và lần đầu tiên cầu nguyện, như thách thức Chúa rằng: “Nếu Chúa cho con thi đậu đại học, thì con sẽ đi tu.”

Đúng là một điều kỳ diệu Chúa làm, “Đại Ca Đen” đã trúng tuyển đại học ngoại ngữ Sài Gòn. Sau khi học xong đại học, cậu xin vào Dòng Ngôi Lời tại Nha Trang. Sau khi khấn xong, “Đại Ca Đen”  lúc này là thầy Tuyên, được gởi vào Sài Gòn học Triết học. Học xong Triết học, thầy được gởi đi học thần học tại Argentina. Và cuối cùng, ngày vui cũng đến: ngày 14/12/2013, Đức TGM José Arancedo  (Argentina) đã phong chức linh mục cho Thầy. Và trong phần cám ơn cuối lễ, cha Tuyên nói rằng: Trước là tạ ơn Chúa, vì Chúa đã yêu thương và biến đổi một người bụi đời tội lỗi của Tuyên thành một linh mục của Chúa. Đồng thời, cha cũng nhắc đến công ơn rất lớn của người mẹ, đã khóc hết nước mắt vì đứa con “hoang đàng” này.

Qua câu chuyện, ta nhận thấy rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không thể làm được” (Lc 1,37). Như người Ả-rập đã nói: “Thiên Chúa có thể vẻ đường thẳng, bằng những đường cong.” Nghĩa là: Chúa có thể biến những điều xấu, thành những sự tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu! Xưa Chúa đã biến hình rạng ngời trên núi Tabor, thì giờ đây, xin Chúa cũng biến tâm hồn đen tối của chúng con trở nên sáng láng, để vinh quang của Chúa được tỏa hiện trong cuộc đời chúng con, và qua đó, mọi người sẽ nhận thấy Vinh quang của Chúa mà đón nhận được ơn Cứu độ. Amen






Lm. Tôma-Thiện Hưng

Tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa

Chủ nhật tuần rồi, chúng ta đã chia sẻ Lời Chúa với nhau về ý nghĩa và mục đích của mùa chay trong đạo Công giáo. Mục đích và ý nghĩa này phải qui về chính Chúa Giêsu vì Ngài chính là ý nghĩa và mục đích của mùa Chay thánh. Mùa chay là thời gian thuận tiện để người Công giáo học biết Người và bước theo Người trên con đường thập giá, chết và sống lại. Việc học biết này được  thực hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, đón nhận Lời với tâm hồn thống hối khiêm cung đồng thời học biết lắng nghe anh chị em với một tâm hồn kiên nhẫn, không xét đoán cũng không đố kỵ nhưng chân thành, dịu dàng và tôn trọng. Để có thể làm tốt những việc này, điều trước hết và trên hết chính là học biết giữ thinh lặng, giữ cho tâm hồn thanh thản, bình tâm trước những điều bất ngờ sẽ đến trong tương quan với anh chị em. Cha hy vọng anh chị em đã trải nghiệm thế nào là tâm hồn biết thinh lặng, thế nào là lắng nghe với con tim kiên nhẫn và cởi mở trước Lời Chúa và anh chị em. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ anh chị em.

Hôm nay, chủ nhật thứ II mùa chay, chúng ta nghe công bố Tin mừng theo thánh Matthêu 17,1-9, nói về cuộc Hiển dung hay cuộc Biến hình của Chúa Giêsu trên núi cao. Thầy Giêsu đem theo 3 môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ba thầy trò leo lên một ngọn núi cao - biểu trưng của sự gần gũi với Thiên Chúa. Trên đỉnh núi, thầy Giêsu tỏ lộ cho các ông biết về chiều sâu, chiều cao của mầu nhiệm giúp các ông hiểu cho đúng và trọn vẹn về người Thầy của họ. “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Khuôn mặt Người chói lọi như mặt trời và quần áo Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (c.2). Chúng ta có thể hỏi tại sao Chúa Giêsu phải mở lòng mở trí 3 môn đệ bằng một sự kiện hoành tráng như thế? Nào là khuôn mặt sáng láng như mặt trời, nào là đàm đạo với ông Môsê và ông Elia là hai con người của Thiên Chúa rất nổi tiếng trong Cựu ước mà ba môn đệ biết rất rõ về cuộc đời và sứ vụ của các ngài trong lịch sử cứu độ. Thưa là vì trước đó, Chúa Giêsu đã nói thẳng với nhóm 12 rằng chính Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, chịu chết và sẽ phục sinh từ cõi chết, còn các môn đệ thì không thể chấp nhận con đường cứu độ của Thầy mình, các ông không chịu nghe lời Thầy vì các ông đang chờ đợi Thầy của mình sẽ là đấng Mêsia đầy quyền phép, đầy sức mạnh và vinh quang hơn là một người tôi tớ, một người nghèo, khiêm tốn như Thiên Chúa muốn. Hơn nữa, chúng ta được phép nghĩ rằng: với các môn đệ, lời loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của Thầy Giêsu chưa đủ đáng tin, chưa đủ lực. Cho nên, Thầy Giêsu phải cầu cứu đến Thiên Chúa duy nhất của Israel cũng là Cha của Ngài can thiệp, nhằm chuẩn bị trước mầu nhiệm thập giá và giúp các môn đệ tâm phục khẩu phục về đường lối cứu độ của Thiên Chúa nơi vị Thầy của các ông. Thật thế, trên núi cao, Thiên Chúa 3 lần thánh bao phủ các ông trong vinh quang và nói lời xác nhận rất uy quyền nhưng đầy tình cảm của Người về thầy Giêsu của các ông: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người; các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (c. 5). Lời này cũng nhắc nhớ đến những lời của Thiên Chúa Cha nói với Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa bởi ông Gioan tại sông Giođan.

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người; các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” Cha muốn chia sẻ với anh chị em hai điều: Thứ nhất: Tôi là con yêu dấu của Chúa.

Khi lắng nghe và đón nhận lời xác nhận thần linh này với con tim yêu mến trong tĩnh lặng, mỗi người sẽ nghe thấy những lời có nội dung thế này: “Ngay từ nguyên thủy Ta đã gọi con bằng chính tên con. Con là của Ta và Ta là của con. Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con. Ta đã tạo hình hài và đặt con trong dạ của mẫu thân con. Ta đã khắc ghi con trong lòng bàn tay Ta và che chở con dưới cánh của Ta, Ta nhìn con với sự dịu dàng khôn tả và chăm sóc con với lòng yêu thương thân mật hơn người mẹ dành cho đứa con thơ của mình. Ta đã đếm từng sợi tóc trên đầu con và hướng dẫn từng bước chân của con. Bất cứ nơi nào con đi, Ta đi với con, và bất cứ nơi nào con nghỉ ngơi, Ta tiếp tục ở bên con. Ta sẽ cung cấp con lương thực và sẽ đáp ứng tất cả các cơn đói và thức uống sẽ làm dịu mọi con khát của con. Ta sẽ không che giấu dung nhan của Ta khỏi con. Con biết Ta như là của riêng con và Ta biết con như đứa con duy nhất của Ta. Con thuộc về Ta. Ta là cha của con, mẹ của con, anh chị em của con, người yêu của con, vợ/chồng của con. Chúng ta là một.” Đây là Sự thật của mầu nhiệm cuộc đời mỗi người trong Tình yêu Thiên Chúa. Anh chị em có dám tin vào sự thật không thể tin này không ? Đây là hành trình hoán cải nội tâm để đảm nhận lấy sự thật là Tôi là con yêu dấu của Chúa. Đây cũng là một hành trình đầy gian nan với nhiều nỗ lực. Vì từ lâu lắm rồi, tôi cứ mãi chạy loanh quanh để tìm kiếm và xác nhận tôi thật sự là ai qua dáng vẻ bề ngoài, qua những gì tôi sở hữu, qua nghề nghiệp, thành công và nhận xét của người khác về tôi…Trớ trêu là thói đời luôn thúc đẩy và cổ vũ cho những nếp sống và ích kỷ thái quá như thế và hệ quả là: cuộc sống của tôi trở nên nặng nề mệt mỏi và lạc hướng. Khi mọi người nói tốt về tôi và khi tôi làm những điều tốt; và khi tôi có nhiều thứ, làm tôi mãn nguyện và phấn khởi. Nhưng khi tôi bắt đầu mất mát, khi tôi đột nhiên phát hiện rằng tôi đang mất dần khả năng làm việc, kiếm tiền và xài tiền và như mọi thứ vượt khỏi tôi, tôi mất kiểm soát; khi tôi biết rằng mọi người chống lại tôi, khi tôi mất bạn bè, thì tôi rơi vào vực thẳm nghi ngờ và thất vọng. Giờ đã đến lúc dừng lại rồi ! Lời xác nhận của Thiên Chúa hôm nay với tôi : “Con là con yêu dấu của Ta” cho thấy những điều trên là sai, hoàn toàn sai. Tôi không phải là những gì tôi làm, và người khác cũng không phải là những gì họ làm. Tôi không phải là những gì người khác nhận xét về tôi. Tôi cũng không phải là những gì tôi đang có. Tôi là con yêu dấu của Chúa. Anh chị em phải ghi lòng tạc dạ lời này nhé: Tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa !

Đây là điều thứ hai: Hãy vâng nghe lời Người. Lắng nghe, vâng lời và thi hành lời Chúa là ba việc mỗi người phải làm cho đến cùng. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện trọn vẹn trong cuộc đời dương thế của Ngài với lòng yêu mến và vâng phục Cha cho đến cùng là chết trên thập giá để rồi Thiên Chúa phục sinh Ngài từ cõi chết và nhờ cuộc Vượt qua này, Đấng phục sinh làm cho chúng ta được nên công chính và được sự sống đời đời. Đó chính là ơn cứu độ viên mãn dành cho chúng ta. Thật vậy, những bạn hữu của Thiên Chúa luôn là những con người biết lắng nghe, vâng phục và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham đã thưa: Dạ con đây! Ông đã trở nên công chính và là tổ phụ của những người tin; ông Môsê cũng thưa với Chúa: Dạ con đây! Ông đã trở thành người giải phóng Dân Chúa khỏi nô lệ Ai cập và là người mà Thiên Chúa gặp gỡ và nói chuyện mặt đối mặt như hai người bạn; ngôn sứ Elia cũng là người vâng lệnh Thiên Chúa và hết lòng thi hành ý muốn của Chúa cho dù nguy hại đến mạng sống vì sự truy sát của hoàng hậu Idaven; Đức Maria cũng đã thưa với Thiên Chúa lời Fiat – Xin vâng hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn cho đến chân thập giá và Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ và “mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc.” Lời xin vâng của Mẹ hợp với lời xin vâng của Chúa Con làm nên mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc. Hai lời xin vâng trọn vẹn này như nước hòa với rượu được thánh hiến trong thánh lễ với lời Truyền phép của linh mục, “biến hình” nên Máu thánh Chúa Giêsu để chúng ta được rước lấy làm lương thực thần linh cho cuộc đời kitô hữu của mỗi người. Tuy nhiên, trong tĩnh lặng nội tâm, chúng ta đều cảm nhận rằng một khi bất vâng phục Thiên Chúa, con người đã làm cho mọi tương giao trở nên xáo trộn và mở đường cho khuynh hướng ích kỷ và qui ngã chi phối mọi hành vi giữa người với người và cả giữa con người với Thiên Chúa. Chúng ta nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Tinh thần khước từ mang tính phản loạn này cứ dai dẳng trong tâm hồn dù chúng ta có cố gắng trở về với Thiên Chúa. Đây là con đường đưa đến thói giả hình và ích kỷ đạo đức là một trong những dạng tồi tệ và khó diệt trừ nhất của ảo tưởng mà người ta thường mắc phải nhưng không tự ý thức được. Với con tim mở ra với Lời và đón nhận Lời là ánh sáng có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi thói giả hình và ích kỷ đạo đức, nhờ đó, mỗi người nhận ra nền tảng sâu xa nhất của bản thể mình trong Thiên Chúa: Tôi là con yêu dấu của Chúa như Chúa Giêsu.

Mùa chay là thời gian thuận lợi, là thời gian của ân sủng giúp cho chúng ta sống đời sống của Người yêu dấu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa bằng thái độ vâng phục và thi hành thánh ý của Thiên Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn. Nếu Chúa Giêsu đã sống tư cách người Con yêu dấu bằng lời xin vâng trọn vẹn trong cuộc đời, thì đến lượt chúng ta, chính thái độ vâng phục đức tin, Chúa làm cho chúng ta thành những người được hưởng lòng thương xót thay vì bị xét xử vì bất tuân và phản loạn; chính thái độ vâng phục đức tin, Chúa làm cho chúng ta từ những tội nhân được giao hòa với Chúa và được phục hồi tư cách làm con và được hưởng sự sống đời đời bên Thiên Chúa như Abraham, Môsê, Elia, Đức Maria và các thánh nam nữ của Thiên Chúa.

Anh chị em phải luôn luôn nhớ: Tôi là con yêu dấu của Chúa và tôi phải sống tư cách này nhờ thái độ vâng lời Chúa Giêsu dạy. Trong cầu nguyện, anhchị em hãy niệm lời này: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Con yêu dấu; lạy Chúa Giêsu, con là con yêu dấu; lạy Chúa Giêsu, tất cả chúng con là con yêu dấu.

Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.




Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Để bắt đầu thực hiện lời hứa ban cho nhân loại Đấng cứu chuộc sau khi Ađam-Eva sa ngã, Thiên Chúa chọn Abraham để làm thành một dân tộc mới và đưa tới vùng đất hứa. Theo tiếng gọi, ông đã phải từ bỏ tất cả để ra đi. Một cuộc ra đi đầy gian nan khốn khó, đòi ông phải hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa theo sự chỉ dẫn của Người. Có tất cả mà phải bỏ tất cả. Nhìn bằng cặp mắt loài người, đây là một cuộc phiêu lưu bỏ mồi bắt bóng, nhưng thực ra đó là cuộc hành trình rời bỏ những của cải tạm bợ trước mắt để trở lại vườn diệu quang.

Vừa trước bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đã tuyên bố: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (Mt 16, 24). Đây là một cuộc hành trình của người môn đệ Chúa. Một cuộc hành trình cũng đầy gian khổ và phiêu lưu như Abraham xưa, nhưng thoáng thấy một chút tương lai sáng lạn, bằng sự biến hình vinh quang của Đức Giêsu để cho những đồ đệ thân tín được chứng kiến trong phút chốc. Các ông đã nhìn thấy“Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung, giúp cho chúng ta nhận ra nguồn gốc siêu phàm, và bản tính siêu việt của Con Thiên Chúa làm người. Biến cố này đã làm thay đổi cái nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời của Đức Giêsu, để các ông không chỉ nhìn ở bề mặt mà còn khám phá ra căn tính của Ngài. Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất, nay được Chúa Cha hé mở cho các môn đệ, để củng cố đức tin của họ trước biến cố tử nạn của Thầy mình.

Chắc chắn tâm tư của các môn đệ vẫn còn xót xa và hoang mang sau lời quả quyết của Thầy là Ngài phải lên Giêrusalem để chịu nhục hình. Họ thấy tương lai như một bóng đen đang dần dần phủ kín. Nhưng hiện tại, biến cố hiển dung của Thầy là vinh quang. Cảnh tượng này đã làm cho các môn đệ phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu hết, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng là cuộc hành trình phải vượt qua để đưa tới vinh quang theo như ý Chúa Cha.

Phêrô đã không quên được kỷ niệm đặc biệt này khi ngài viết thư cho các tín hữu: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người... Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18). Giờ đây ông đã hiểu tất cả và trở nên nhân chứng hào hùng cho một sự sống mới. Không lạ gì mà ông đã hiên ngang chết vì Thầy và như Thầy.   

Lịch sử Giáo hội ghi nhận nhiều cuộc biến hình hay biến đổi: từ say rượu đến say Chúa; từ gái giang hồ thành thánh nhân; từ trai tứ chiếng trở nên đấng lập Dòng; từ kẻ khô khan đến người sốt mến; từ người tham lam, hà khắc, trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân... Chẳng ai gặp được Chúa thực sự mà lại không biến hình hay biến đổi.

Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta: tình yêu Chúa xua tan sự thờ ơ nguội lạnh và đốt nóng trái tim ta; cảm nhận sự dịu dàng của Chúa làm ta giảm bớt tính cứng cỏi, hà khắc; khám phá ra sự khiêm hạ của Chúa giúp ta quyết trừ thói kiêu căng; thấy Chúa bao dung khiến ta mở rộng lòng đón nhận tha nhân; kề bên Chúa, ta được thanh luyện khỏi những nhỏ nhen ích kỷ...

Qua biến cố Biến hình, Chúa Cha long trọng giới thiệu Đức Giêsu là con yêu dấu, và kêu gọi ta hãy “nghe lời Người”. Chúng ta thường nghe theo thiên hạ hoặc nghe theo những ham muốn của mình. Chỉ khi nào chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, để cho Lời Chúa hướng dẫn tâm trí chúng ta trong mọi sự, chúng ta mới được biến đổi và phản chiếu ánh quang của Chúa khi đi vào mọi hoạt động của đời thường.

Mùa chay là cơ hội đổi mới đời mình cho Chúa, để Chúa đưa ta vào chương trình tình yêu của Ngài, cho ta được vinh hạnh góp phần với Chúa trong việc đem lại niềm vui cứu độ cho anh chị em mình. Không có sự biến đổi hôm nay thì cũng không có sự biến đổi vào ngày mai.

Đời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Giêsu mỗi ngày. Lên núi chính là những giây phút tiếp xúc thân mật với Chúa trong cầu nguyện, tĩnh tâm, thánh lễ… Xuống núi với Chúa là chúng ta đi vào đời thường để xả thân phục vụ gia đình, tha nhân, cách riêng là những người nghèo hèn khốn khổ đang cần đến chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy ánh sáng Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.

Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để ban cho con người sự sống mới.

Tuổi trẻ chúng con thích được chói sáng,
nên hay tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời, theo “mốt”, theo thời trang.

Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.

Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lang mang,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.

Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.

Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen.

 



Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu biến hình trên núi, vậy Chúa Giêsu biến hình trên núi với mục đích gì?

Sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, thì Ngài bắt đầu tiên báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn sắp tới, Chúa Giêsu nói: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Các môn đệ của Ngài có thể chấp nhận được những lời tiên báo này hay không? Thưa không thể chấp nhận được, vì các ông say sưa với những thành công vang dội của Thầy thì làm sao có thể chấp nhận Thầy bị bắt bớ, bị giết chết, bằng chứng là thánh Phêrô đã làm một hành động “kéo riêng Người ra” và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22).

Không chỉ dừng lại ở việc loan báo về cuộc khổ nạn sắp phải chịu, Chúa Giêsu còn cho biết trước số phận người môn đệ muốn đi theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,24-26).

Nghĩa là các môn đệ chỉ muốn hạnh phúc và níu giữ hạnh phúc đó, chứ không muốn đau khổ phải xảy đến với Thầy của mình hay với chính mình, nên khi Chúa biến hình trên núi, thánh Phêrô đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay, chúng con xin được dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môse, một cái cho ông Êlia.”

Chính vì lý do yếu đức tin của các môn đệ, cũng như Chúa Giêsu yêu thương các ông, sợ các ông sau này sẽ bị sốc về cuộc khổ nạn và cái chết của mình, nên Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc biến hình trên núi, để chỉ cho các ông biết không phải những đau khổ Ngài sắp phải chịu là một sự tận cùng, nhưng mà những đau khổ đó sẽ dẫn đến vinh quang.

Chúng ta thấy, mặc dầu Chúa đã củng cố đức tin như thế, cho các ông thấy được vinh quang của Chúa, nhưng sau khi Chúa chịu chết, các ông không thoát khỏi cơn khủng hoảng, thậm chí còn vấp ngã: Phêrô thì chối Chúa, các môn đệ khác thì bỏ chạy tán loạn.

Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó và nhìn dưới con mắt người đời thì việc làm của Chúa là vô ích, là uổng công, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thực hiện điều đó vì Ngài yêu thương con người, vì Ngài hy vọng vào con người rằng khi làm việc tốt lành như thế chắc chắn sẽ có người nhận ra được để đáp lại tình thương của Chúa và thật sự là sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ đã hiểu được những gì mà Chúa loan báo, và đã đáp lại tình thương của Ngài để làm chứng cho Ngài.

Áp dụng vào đời sống, chúng ta được mời gọi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời thì hãy làm việc tốt lành, có thể khi làm việc tốt lành chẳng thấy có gì là hiệu quả hay ngược lại còn bị người khác chống đối.

Trong buổi đúc kết tuần tĩnh tâm linh mục từ ngày 28.11-2.12.2022, Đức Cha Phêrô có nói về vấn đề đi hành hương lòng Chúa thương xót tại Trung tâm mục vụ giáo phận Mỹ Tho của các giáo hạt trong giáo phận, ngài nói khi tổ chức đi hành hương như thế không phải chỉ nghiêng về vấn đề đạo đức theo kiểu hành hương, điều đó không có gì phải bàn cải, nhưng qua đó muốn cho giáo dân trong giáo phận được mở rộng tầm nhìn, để họ ý thức là mình không chỉ là con cái trong giáo xứ, sinh hoạt của mình không chỉ bó hẹp trong giáo xứ, mà mình còn là con cái trong giáo phận, phải tham gia sinh hoạt trong giáo phận, nghĩa là muốn giúp cho người giáo dân có cái nhìn mở về giáo phận.

Khi nghe Đức Cha chia sẻ như thế, tôi đã thay đổi suy nghĩ, vì trước đây tôi cũng có suy nghĩ hạn hẹp là tổ chức đi hành hương như vậy giống như phong trào, chẳng thấy được mấy hiệu quả.

Như vậy, để có thể làm điều tốt chúng ta hãy xác tín hai điều như thế này:

Thứ nhất, đó là khi làm việc tốt lành thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ có người nhận ra được điều tốt lành mà ta dành cho họ và có thể họ sẽ đáp lại tình thương của chúng ta dành cho họ khi có điều kiện.

Thứ hai, là chúng ta hãy tự đặt cho mình câu hỏi, đó là tôi làm việc tốt để làm gì? Có phải chỉ để mong người ta đáp đền cho mình hay còn một lý do nào khác?

Có một vị thiền sư gặp một con bọ cạp bị rớt xuống nước, ông bèn quyết tâm cứu nó lên. Ai ngờ, ông vừa đụng vào thì bị nó cắn một nhát vào tay. Vị thiền sư không sợ, lại đưa tay ra, không ngờ lại bị con bọ cạp cắn một lần nữa.

Một người đứng bên cạnh chứng kiến cảnh này, không nhịn được liền nói: “Bọ cạp từ trước tới giờ đều luôn cắn người, sao ông phải cứu nó làm gì?”

Vị thiền sư trả lời: “Cắn người là thiên tính của bọ cạp, còn thiện là thiên tính của ta. Ta sao có thể vì thiên tính của nó mà vứt bỏ thiên tính của mình được?”

Như vậy, khi làm điều tốt lành thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ có người nhận ra điều tốt lành mà chúng ta làm để rồi họ sẽ đáp lại tình thương của chúng ta dành cho họ, nhưng chúng ta hãy nhớ một điều là đừng làm vì vụ lợi cá nhân để đòi hỏi người khác, nhưng hãy làm vì đó là thiên tính mà Chúa đã phú ban cho chúng ta. Amen.