28/12/2022
1209
Bài giảng Lễ Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa - Giáo phận Mỹ Tho

















 

GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA


(Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21)


Lm Trầm Phúc
 

Khi Công Đồng Vatican II sắp kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ngỏ ý muốn lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Các Hồng Y tỏ ý lo ngại và can ngăn ngài, vì sợ làm phiền những anh em Tin Lành. Nhưng Đức Phaolô VI vẫn cương quyết. Ngài đã tôn vinh Đức Maria khi lập lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu năm dương lịch. Ngài muốn mọi tín hữu dâng năm mới cho Mẹ và được Mẹ phù hộ chở che trong năm mới.

Chúng ta vui mừng tôn vinh Mẹ, vì Mẹ đã mang cho chúng ta hồng ân cao quí là Chúa Giêsu Con Mẹ.

Trong ngày lễ đặc biệt  này, Giáo Hội đưa chúng ta trở về nơi hang đá Bêlem, nơi các mục đồng được chiêm ngưỡng Chúa Hài Nhi trước tiên. Chúng ta cũng hãy đến Bêlem bằng niềm tin và thờ lạy Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi trở thành con người như chúng ta trong sự nghèo khó khiêm nhường. Chúng ta không thể hiểu được hồng ân Chúa Cha đã ban tặng chúng ta nơi Người Con duy nhất của Ngài. Chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria, chiêm ngưỡng Chúa Hài Nhi với Mẹ và ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng như Mẹ. Chúng ta hời hợt không chú ý đến gì khác ngoài tiền bạc và những thú vui chóng qua. Mẹ Maria luôn ghi nhớ mọi biến cố liên hệ đến đứa con của Mẹ là Giêsu. Mẹ chỉ lo cho Giêsu, yêu mến Giêsu. Chúng ta hãy đến với Mẹ, xin Mẹ dạy chúng ta yêu mến Giêsu như Mẹ.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chứ không phải làm mẹ một vì vua trần gian. Mẹ không sống trong một lâu đài có người hầu người hạ, Mẹ chỉ sống trong một làng nhỏ là Nadaret, một nơi không có gì hay. Mẹ chỉ là một người bình thường, nhưng Mẹ đầy ơn phước. Mẹ tự xưng là nữ tỳ của Thiên Chúa. Mẹ chỉ biết xin vâng. Nhờ sự vâng phục của Mẹ mà chúng ta có được Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Mẹ là một bà mẹ như bao nhiêu bà mẹ khác. Cưu mang con không do ý muốn của một người nào mà do Chúa Thánh Thần. Mẹ phải trải qua bao nhiêu đau khổ để lo cho đứa con thần linh của Mẹ. Mẹ phải im lặng khi Giuse hiểu lầm định âm thầm bỏ Mẹ. Mẹ phải mang nặng như mọi người mẹ. Mẹ phải sinh con, không phải trong một mái nhà ấm cúng mà ở một hang lừa, không ai giúp đỡ. Mẹ phải mang con sang Ai Cập lánh nạn khi con còn măng sữa. Trên hết mọi đau khổ, Mẹ đứng nhìn con hấp hối trên thập giá.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, không phải một Thiên Chúa uy quyền phép tắc mà là Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian. Mẹ chia sẻ tất cả gánh tội trần gian với Con mình. Công Đồng Vatican II đã nhìn Mẹ là Đấng đã “cộng tác theo một cách thức hoàn toàn đặc biệt vào công trình cứu độ của Đấng Cứu Thế, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế…Mẹ quả thật là Mẹ chúng ta”.

Chúa Giêsu xuống thế đã trở thành người anh em của chúng ta, và trước khi tắt thở Ngài đã trối Mẹ lại cho chúng ta qua trung gian của thánh Gioan. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và vui mừng được làm con của một bà Mẹ tuyệt vời như thế. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thì Mẹ cũng là Mẹ chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta yêu mến Chúa như Mẹ, sống cho Chúa như Mẹ. Đó là nguồn hạnh phúc tuyệt vời Chúa ban cho chúng ta.

Hôm nay cũng như mọi ngày, Chúa Giêsu, Con Mẹ vẫn ở cùng chúng ta cho đến tận thế qua hiến tế, trong tấm bánh tình yêu mà Ngài đã ban cho chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta biết đến với Chúa, với tất cả tình yêu, ăn lấy Ngài để sống với Ngài như Mẹ và luôn tuân phục thánh ý Chúa.





Đaminh Lê Minh Cảnh

THỜI GIAN LÀ HỒNG ÂN

Hôm nay, là ngày đầu năm mới (2023), ngày mà Giáo Hội chọn làm ngày Quốc Tế Hòa Bình, và cũng là ngày Giáo Hội mừng kính Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa. Với hai sự kiện, diễn ra trong bầu khí Giaùng Sinh: Con Thiên Chúa làm người, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, như muốn tô đậm thêm nét nổi bật về hình ảnh Đức Maria, với chức vị là Mẹ Thiên Chúa.

Từ một thiếu nữ đơn hèn, sống ở làng quê nghèo Nazareth, sao Đức Maria lại bỗng dưng trở thành Mẹ của Thiên Chúa? Nếu nhìn vẻ bên ngoài, ta thấy Đức Maria không có gì nỗi trội, so với những thiếu nữ thời bấy giờ. Và ngôi làng Nazareth, nơi mà Maria đang sinh sống, cũng rất đỗi bình thường, thậm chí là tầm thường như lời nhận xét của ông Nathanael:  Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).

 Làm sao có cái gì hay ho nơi Maria, ở làng Nazareth!” Đó là suy nghĩ chung của người dân Do thái trong làng lúc bấy giờ.

Ấy thế mà chuyện không có gì hay ho, lại trở thành chuyện hấp dẫn, tuyệt vời. Chuyện tưởng chừng như “không thể” bổng dưng trở nên “có thể”: “Một Trinh nữ sinh hạ một người con trai, mà không hề biết đến chuyện vợ chồng.” Lạ nhỉ...!

Ngày xưa, làm gì có chuyện thụ thai trong ống nghiệm hay thụ tinh nhân tạo như thời nay: Không cần có chồng, nhưng cũng có thể có con.

Và ngày xưa, nếu một người phụ nữ không có chồng, mà lại mang thai: thì chắc chắn 100% là do cô nàng “tò te ru me đánh đu” với anh chàng nào đó, mới có thể sinh con. Ta nói mạnh như thế, là để dễ hiểu vấn đề hơn.

Trở lại với câu chuyện của Đức Trinh Nữ Maria sinh con, để thấy quyền năng của Thiên Chúa phủ bóng trên con người của Đức Mẹ, một cách nhiệm mầu, khi ta nghe Thiên Thần Gabrien giải thích: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà Thiên Chúa không làm được.” Cho nên, cái chuyện không biết đến việc vợ chồng, mà sinh con, là “chuyện nhỏ” đối với quyền năng của Thiên Chúa…v..v

Sau khi Đức Mẹ hiểu thấu được ý của Thiên Chúa, Đức Mẹ đón nhận với thái độ “Xin vâng” khi thưa rằng: “xin hãy làm cho tôi những gì như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Nhờ thế mà Ngôi Hai, Con Thiên Chúa nhập thể, làm người trong cung lòng Đức Mẹ, và kể từ đó, Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa.

Trải qua thời gian, đến năm 431, Công đồng Êphêsô tuyên bố: Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thế là giáo dân chỉ có việc là “tin thôi,” không còn ai bàn cải, và cũng không ai thắc mắc là tại sao lại như thế?  

Vì Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, dựa trên nền tảng Kinh Thánh: theo lời của Tiên tri Isaia tiên báo vào thế kỷ thứ 8 TCN, rằng: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên cho con trẻ là Emmanuel(Is 7,14).

Tin Mừng Thánh Luca diễn tả lại qua lời sứ thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Lc 1,31). Khi nói đến chức vị của Đức Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, tôi có cảm tưởng như thể là Mẹ đã được chọn, được Thiên Chúa an bài, với sự sung sướng hạnh phúc mà không cần làm gì nữa. Nhưng thực tế, ta thấy Mẹ rất vất vả. Cụ thể là:

Khi Chúa Giêsu được 12 tuổi bị thất lạc, khi gia đình lên Giêrusalem hành hương, Mẹ chạy đôn, chạy đáo, lo tìm kiếm con đến mấy ngày trời, tâm hồn cũng đau khổ chứ có sung sướng gì.

Chưa hết, khi Chúa bị bắt và chịu tử nạn trên thập giá: Lẽ ra, đây là lúc Chúa cần người bên cạnh, để an ủi, trong những giây phút cận kề với cái chết. Vậy mà, người thân lãng tránh, và các môn đệ cũng bỏ trốn. Chỉ có Mẹ, vẫn trung thành, lủi thủi theo con trong nỗi buồn khôn tả, lê bước chân mệt nhoài, đến chân đồi Canvariô  để chứng kiến con chịu cực hình. Mẹ chứng kiến từng roi đòn, quân lính đánh vào con, không khác gì quất vào trái tim đau xót của Mẹ. Mẹ nhìn lưỡi giáo đâm thấu tim con, chẳng khác nào lời tiên tri Simêon được ứng nghiệm: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà…”

Vâng, có thể nói rằng: Mẹ đau đớn với nỗi đau tột cùng của con Mẹ. Mẹ chịu đựng những áp lực trong tinh thần lẫn thể xác, rất giống Chúa Giêsu. Cho nên, Giáo Hội có đến 7 sự thương khó của Mẹ, để mà suy gẫm. Điều đó, giúp ta hiểu rằng: Sự hy sinh đau khổ của Mẹ, vẫn có phần liên quan đến sự hy sinh cứu độ của Chúa Giêsu. Nói cách khác: “Mẹ là Đấng hiệp thông cứu chuộc nhân loại.”

Mẹ hiệp thông với Chúa Giêsu, để cứu độ chúng ta, cho nên ta có thể được cứu độ, là nhờ tin vào Chúa Giêsu và nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria.

Như câu chuyện của Thánh Inhaxiô: Thời trẻ, Thánh Inhaxiô đẹp trai, thông minh, tính tình lại hài hước và có tài khiêu vũ rất điệu nghệ. Đến khi vào quân đội, Ngài lại trở thành một sĩ quan gan dạ và cũng nổi tiếng ăn chơi. Đến khi bị thương, nằm viện, ngài đọc được tập sách “Cuộc đời Chúa Cứu Thế,” thì tâm hồn ngài dần dần thay đổi. Lúc đó, ngài muốn “thân mật với Chúa” như thánh Phanxicô khó khăn. Và ngài cũng muốn “nhiệt thành rao giảng Lời Chúa” giống như Thánh Đaminh.

Trong cuốn tiểu sử kể lại rằng: “Một đêm nọ, không ngủ được, Inhaxiô bổng thấy Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu hiện ra. Nhìn Mẹ, mà Inhaxiô cảm thấy ghê tởm cái quá khứ tội lỗi của mình. Tuy nhiên, gặp được Mẹ, phần nào lòng Inhaxiô được an ủi.”

“Gặp Mẹ, lòng được an ủi”: chắc đó cũng là cảm giác của những ai yêu mến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.

Để kết thúc bài chia sẻ, tôi xin mượn lời bài hát “Lạy Mẹ xin yên ủi” của Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên, như một niềm cậy trông vào sự cầu bàu chở che của Mẹ. Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường…

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho các gia đình chúng con, một sự bình an, trải dài trong suốt năm Quý Mão 2023, để chúng con cảm nếm được sự hạnh phúc và niềm vui khi có Mẹ ở bên cạnh, sẵn sàng phù giúp chúng con.  Amen.

 



Tâm Thư

Phần thưởng cho người sống Lời Chúa

Bài đọc 1 trong sách Dân số, trình thuật sấm ngôn của Đức Chúa nói với dân Israel qua Moisen: các ngươi hãy kêu cầu danh Đức Chúa ba lần thì Đức Chúa sẽ bảo trợ và chúc lành cho các người. Lời hứa ấy được Thiên Chúa gìn giữ qua ngàn đời. Trang tin mừng theo thánh Luca là lời minh chứng về sự chúc lành và bảo trợ của Thiên Chúa cho tôi tớ của Người. Thánh Luca miêu tả, "những người chăn chiên hối hả đi đến Bêlem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài nhi đặt trong máng cỏ. Thấy thế họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi. Tất cả đều ngạc nhiên về những gì mà các người chăn chiên cho biết. Còn bà Maria thì hằng nghi nhớ tất cả những việc đó và suy ngẫm trong lòng". Đức Maria nhớ và suy ngẫm điều gì?

Lời tường thuật của các mục đồng làm cho Maria nhớ lại biến cố truyền tin. Sứ thần đã báo cho Maria biết: “Bà sẽ sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Lời tiên báo ấy với thời gian làm cho Mẹ quên đi. Mẹ quên vì chăm sóc cho chị họ Elizabeth. Mẹ quên bởi lo lắng việc Giuse nghi ngờ mình. Mẹ quên bởi hành trình ngược xuôi về quê đăng ký hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Augusto, và Mẹ quên bởi mang nặng đẻ đau. Hôm nay, Mẹ nhớ lại tất cả, nhớ rằng con trẻ Giêsu là ân ban của Thiên Chúa, để Mẹ sống niềm tin, sống lời xin vâng theo thánh ý của Thiên Chúa giữa nghịch cảnh đời thường.

Lời tường thuật của các mục đồng làm Mẹ nhớ lại lời Thiên sứ loan tin, " Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao" để biết rằng Thiên Chúa yêu thương con người, vì muốn cứu chuộc con người Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mang bình an cho nhân loại. Lời các thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” như giúp Mẹ xác tín hơn về tình yêu của Thiên Chúa.

Lời tường thuật của các mục đồng làm Mẹ nhớ đến sứ vụ của con trẻ: " Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời và triều đại người sẽ vô cùng vô tận". Con trẻ sẽ là Đấng Cứu Tinh, là vua dân Do Thái là người giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi.

Lời tường thuật của các mục đồng về vinh quang Chúa chiếu tỏ chung quanh khiến họ sợ hãi làm cho Mẹ nhớ về lời Sứ thần nói: “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa ". Như vậy con trẻ chính là Thiên Chúa đang đến ở giữa nhân trần.

Mẹ đã suy ngẫm những điều đó để sống tâm tình tạ ơn Chúa đã cho Mẹ cộng tác vào công trình cứu chuộc nhân loại. Một ân ban dành cho những người công chính, dành cho tôi tớ biết kính sợ Chúa.

Mẹ suy ngẫm để thấy được sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Biết bao nhiêu biến cố xảy đến với cuộc đời của Mẹ, Mẹ ngỡ rằng mình sẽ buông xuôi, nhưng Thiên Chúa đã lo liệu để Mẹ bước đi trong đường lối của Ngài.

Mẹ suy ngẫm để hiểu được ý muốn của Thiên Chúa, nhờ đó Mẹ biết lắng nghe và thực thi những điều Chúa truyền. Mẹ sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, sẽ đồng hành với con mình trong sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng để nhìn về cuộc đời của mình. Mẹ đã thưa xin vâng thì giờ đây mẹ phải sống lời xin vâng đó, không phải chỉ sống cho giây phút thực tại nhưng sống suốt cả đời. Hành trình phía trước là hành trình dài, gian khổ, Mẹ cảm nhận được. Nhờ cuộc gặp gỡ với các mục đồng, Mẹ có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách, để theo con mình lên đồi Can-vê đến cùng. Mẹ sẽ làm được tất cả vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê –su, Mẹ Thiên Chúa. Đặc ân Mẹ Thiên Chúa là đặc ân dành cho người tôi tớ trung tín, dành cho những ai lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: "những ai lắng nghe và thưc thi lời Thiên Chúa thì đó là mẹ, là anh em ta". Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta về điều đó. Chúng ta muốn trở nên người thân của Chúa, trở nên "Mẹ" "anh em" của Đức Giêsu thì chúng ta phải học lấy bài học lắng nghe và thực thi lời Chúa. Có như thế chúng ta mới được Thiên Chúa bảo trợ và chúc lành.

Hôm nay ngày đầu năm mới, ngày khởi nguồn của thời gian, chúng ta cần phải sống tâm tình người tôi tớ trung tín, người tôi tớ lắng nghe và thực thi lời Chúa thì chúng ta mới tìm thấy được hòa bình cho nhân loại và mới tìm được cuộc sống an nhiên cho chính mình. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.





Tôma Lê Duy Khang

 

Bài 1

Một phu nhân nhà quyền quý nọ có một chiếc bình hoa cổ rất đẹp. Bà ta thích nó đến nỗi muốn sơn lại phòng mình cho giống màu chiếc bình hoa. Thế nhưng dù bà ta đã thuê về rất nhiều thợ sơn nổi tiếng thì vẫn không ai trong số họ có thể chế ra màu sơn giống hệt màu bình.

Giữa lúc ấy, có một người đến xin gặp phu nhân kia và tự tin nói rằng mình có thể sơn lại phòng đúng như bà ta muốn. Kết quả là anh ta thực sự đã tạo ra được màu sơn y hệt màu của chiếc bình, khiến cho vị phu nhân vô cùng vui sướng và quyết định trọng thưởng hậu hĩnh.

Lúc anh ta về nhà, cậu con trai tò mò hỏi chuyện: - Bố làm thế nào mà tài thế?

-Có gì đâu. – Anh ta thản nhiên đáp – Bố sơn lại luôn cả chiếc bình.

Bài viết kết luận: Có những việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn chịu thay đổi góc nhìn.

Hôm nay lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, tại sao Mẹ lại có tước hiệu này? Thưa vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Chúa Giêsu, chính Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu nhập thể xuống thế làm người.

Nhưng yếu tố Thiên Chúa chọn còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa, đó là sự chấp nhận của Mẹ, chính Mẹ đã đồng ý nên kế hoạch của Thiên Chúa mới có thể hoàn thành được.

Nhưng để có thể đón nhận thánh ý Thiên Chúa, để có thể thi hành thánh ý của Thiên Chúa thì có khó khăn không? Thưa khó.

Đọc lại Tin mừng chúng ta thấy, khi Thiên Thần truyền tin, Mẹ có hiểu những gì Mẹ nghe hay không? Thưa không hiểu được, chính vì thế mà Mẹ mới hỏi Thiên Thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34), nhưng cuối cùng nghe Thiên Thần giải thích Mẹ đã chấp nhận, khi chấp nhận như vậy Mẹ có lường trước được hậu quả không? Kinh thánh không nói, nhưng có thể Mẹ biết trước được hậu quả nhưng vẫn chấp nhận.

Rồi khi sắp sinh con thì phải về quê của chồng để đăng ký nhân khẩu; khi tới ngày sinh thì không tìm được chỗ mà phải chọn một nơi bò lừa ngủ nghỉ.

Tuy vậy, Mẹ không hề phản kháng, không hề nghi ngờ Thiên Chúa, nhưng Mẹ “ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.”

Nghĩa là Mẹ biết thay đổi cái nhìn như trong câu chuyện trên, mặc dù vấn đề của Mẹ rất là khó khăn, nó chạm đến chính con người của Mẹ, có thể nói là chạm đến chính danh dự, cũng như mạng sống của Mẹ. Thế mà Mẹ đã biết thay đổi cái nhìn của mình, để làm chủ được tình hình, mặc dù bị động, nhưng Mẹ biết nhìn với cái nhìn khác để mình trở thành chủ động, nhờ đó mà vượt qua được tất cả những khó khăn thử thách cho đến khi hoàn tất hành trình dương thế và được Chúa rước về trời cả hồn lẫn xác.

Noi gương mẹ Maria, trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta, chúng ta được mời gọi hãy thay đổi góc nhìn của chúng ta về mọi sự, thay vì là bi quan, là thất vọng, là chán nản, chúng ta hãy nhìn với cái nhìn lạc quan, chúng ta nhớ là Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15), hay “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2, 13), hay Chúa cũng có nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7, 9-11).

Chúng ta hãy nhìn những điểm đó, như là động lực để chúng ta lạc quan, để chúng ta thay đổi cái nhìn của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta có được cái nhìn lạc quan tin tưởng như thế, thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc đời như Mẹ Maria, để đến được bến bờ hạnh phúc là được ở bên Chúa. Amen.

 

Bài 2

Đối với chúng ta ngày nay xem ra không khó khăn lắm để tin Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thế nhưng vào thời các nghị phụ ở công đồng Êpheso năm 431 thì lại khác. Chứng cớ là có nhiều người phản đối, thậm chí một vị Giám Mục tên Nestoriô đã khước từ và cho rằng Ðức Maria chỉ là Mẹ của ông Giêsu Nagiarét, là một con người, tách rời ra khỏi bản tính Thiên Chúa.

Ngược lại nơi những con người đơn sơ, bé nhỏ, thì lại tin rằng Ðức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa này là mẹ của Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta dùng lý luận này để giải thích cho các đặc ân mà Đức mẹ nhận được, thì chúng ta sẽ hiểu được, đó là nếu Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa, thì không thể hiểu được tại sao Ðức Maria lại được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nếu Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa thì chúng ta không thể hiểu được tại sao trên đời này lại có một thiếu nữ mang thai và sinh hạ mà vẫn còn trinh khiết.

Nếu Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể hiểu được tại sao sau Mẹ hoàn thành cuộc sống ở trần thế này lại được Chúa rước lên trời cả hồn lẫn xác.

Cho nên nếu không có tín điều Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa thì mọi tín điều khác mất đi nền tảng căn bản và trở nên không thể hiểu hay không thể chấp nhận.

Nhưng nếu Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, chỉ để có một người mẹ cho con của mình, thì mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người chưa đủ.

Vì mục đích của mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người là để cứu chuộc con người, nên chúng ta thấy trước khi tắt thở trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó hội thánh cho Đức Mẹ, để Mẹ trở thành mẹ hội thánh. Nghĩa là mỗi người chúng ta khi đã ở trong Hội Thánh, khi đã được gọi là Kito hữu, thì Mẹ là mẹ của tất cả chúng ta.

Gioan Boscô, linh mục Flanagan vào thế kỷ trước, một ngày kia khi đang giảng về vinh quang của Đức Trinh Nữ, bỗng Ngài dừng lại và hỏi: Ai có thể nói cho tôi: Maria là ai? Sau cùng có người trả lời: Maria là mẹ Thiên Chúa.

Đúng, Gioan Boscô hô lên: “Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Nhưng tôi muốn biết Người là ai? Rồi vài câu trả lời khác nhau: “Maria là Nữ Vương Thiên đàng, là cửa Thiên đàng. là sức khỏe của người bệnh tật, ... là nơi nương tựa của kẻ tội lỗi... Gioan Boscô mỉm cười nói: đúng lắm, Maria đúng như vậy. Nhưng hơn thế nữa, Maria là Mẹ tôi. Vâng, Mẹ chúng ta.

Mẹ là Mẹ của chúng ta, vậy làm sao để chúng ta đến được với Mẹ? thưa chúng ta có thể đến được với mẹ qua kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày, thánh Bônaventura đã nói: Nếu chúng ta chào mẹ bằng kinh kính mừng, mẹ sẽ chào lại chúc ta bằng ơn phúc.

Có một bài viết mang tên KÉO VỀ TRỜI BẰNG TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI, được chia sẻ như thế này:

 

Một nữ tín hữu công giáo đã nói một câu như thế này, để nói lên giá trị đích thực của tràng chuối Mân Côi: “khi con nằm sâu trong lòng đất, đôi tay chắp trước ngực, con sẽ có tràng chuỗi Mân Côi quấn nơi cổ tay và chỉ khi đó, trái tim con sẽ đầy tràn niềm an bình”.

Và thật sự là như vậy, khi con người nhắm mắt lìa trần, đi vào lòng đất lạnh thì mọi vật trang sức trên cõi đời trở thành vô giá, vô nghĩa, vô dụng.

Nhưng có một vật trang sức vẫn giữ nguyên giá trị ở đời này và đời sau. Đó là Tràng hạt Mân Côi.

Tràng chuỗi Mân Côi giúp tín hữu Công Giáo tin tưởng vững mạnh khi phải ra đi trình diện trước tòa Thiên Chúa chí công. Bởi lẽ, sẽ có được nữ trạng sư tài đức vẹn toàn bào chữa. Đó là đức trinh nữ rất thánh Maria.

Các du khách và tín hữu hành hương đến từ năm châu khi đi viếng nhà nguyện Sistina ở nội thành Vatican đều phải dừng lại nơi bức họa “Ngày Phán Xét Chung” của nhà danh họa Công Giáo Ý MichelAngelo Buonarroti (1475-1564). Trong bức họa vĩ đại vẽ trên tường có một chi tiết cảm động. Đó là cảnh Thánh Thiên Thần kéo về trời hai linh hồn được ơn cứu rỗi. Thánh Thiên Thần không dùng dây thừng, dây cáp, nhưng lại dùng tràng chuỗi Mân Côi, trông thật bé nhỏ mỏng manh! Chi tiết nói lên Đức Tin sâu xa của nhà danh họa Ý. Nhưng nhất là nói lên lòng cậy trông vô bờ nơi quyền năng bao la của Đức Trinh Nữ MARIA. Linh hồn nào khi còn ở trần gian đã yêu mến Đức Mẹ, sùng kính Đức Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi thì sẽ được Đức Mẹ MARIA sai Thánh Thiên Thần dùng chính tràng hạt Mân Côi - như sợi dây cáp vững vàng - để kéo linh hồn đó về hưởng Tôn Nhan THIÊN CHÚA.

Trong ngày đầu năm dương lịch này, giáo hội một mặt muốn chúng ta ý thức được tước vị cao cả của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mặt khác muốn chúng ta ý thức được Mẹ cũng là Mẹ của chúng ta, để chúng ta biết chạy đến với Mẹ, xin Mẹ gìn giữ chúng ta, xin Mẹ kéo ơn Chúa xuống trên chúng ta, muốn được như thế, chúng ta phải siêng năng nhớ đến Mẹ qua việc phải luôn có chuỗi Mân côi trong tay hằng ngày, như là dấu chỉ để nhớ đến Mẹ, chứ không phải để trang sức, nếu có thời gian thuận tiện, thì đọc vài kinh mân Côi, vì như câu chuyện trên, khi chúng ta về với Chúa không còn gì nữa, chính chuỗi mân côi như sợi dây cáp vững chắc để lôi kéo linh hồn của mỗi người chúng ta về với Chúa. Amen.