26/06/2019
3716
Độc thân linh mục _Đức Cha Phêrô










 






 

ĐỘC THÂN LINH MỤC

 

Tháng sáu hằng năm là thời điểm nhiều Giáo phận tổ chức lễ truyền chức linh mục cho các phó tế đủ điều kiện. Tại Giáo phận Mỹ Tho, ngày 29 tháng 6 sắp tới, 5 phó tế cũng sẽ được lãnh nhận thánh chức linh mục.

Nhớ lại tháng sáu năm 1967, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành thông điệp nổi tiếng về độc thân linh mục Sacerdotalis caelibatus. Đây cũng là đề tài được nhắc tới nhiều hiện nay, khi Hội Thánh phải đối diện với những cáo buộc về sự lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong hàng giáo sĩ. Vì thế, nhớ lại những tâm tình và giáo huấn của Thánh Phaolô VI thiết nghĩ cũng không phải là chuyện dư thừa.

Đức Phaolô VI không phủ nhận những khó khăn trong đời sống độc thân linh mục: “Trong thế giới ở thời đại chúng ta, việc tuân giữ luật độc thân đã trở nên khó khăn, kể cả như không thể giữ được”. Cách đây 52 năm mà ngài nhận định như thế, chắc chắn tình hình hiện nay còn khó khăn hơn nữa!

Dù nhìn nhận những khó khăn trên, Đức Phaolô VI vẫn xem độc thân linh mục như “viên ngọc sáng ngời”. Ngài nhấn mạnh: “Độc thân linh mục đã được Hội Thánh gìn giữ qua hàng thế kỷ như viên ngọc sáng ngời, và giá trị đó vẫn không hề suy giảm kể cả trong thời đại chúng ta, khi hoàn cảnh sống của nhân loại và cách nhìn của con người đã có những thay đổi sâu rộng”. Rồi ngài đưa ra những lý do để giúp mọi người nhận ra giá trị và vẻ đẹp của lời hứa độc thân trong đời sống linh mục.

Vẻ đẹp đó, trước hết, là nơi chính Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là Linh mục tối cao của Giao ước mới và vị linh mục ấy sống độc thân. Vì thế, một linh mục Công giáo sống độc thân là sự diễn đạt rõ nét nhất chức linh mục nơi Đức Giêsu Kitô, nhất là khi linh mục cử hành các bí tích in persona Christi, trong tư cách Đức Kitô. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều giáo dân Việt Nam trân trọng các linh mục vì họ nhìn thấy nơi các ngài hình ảnh Đức Giêsu Kitô, và họ lấy làm khó chịu khi nghe nói đến đề nghị cho phép các linh mục kết hôn.

Kế đến, vẻ đẹp của độc thân linh mục là đức ái mục tử và tình phụ tử thiêng liêng. Linh mục sống độc thân không phải vì không thích hoặc không có khả năng kết hôn, nhưng là vì Nước Trời (Mt 19,12), nghĩa là một chọn lựa chủ ý và tích cực. Với chọn lựa đó, linh mục dành trọn trái tim và tình yêu cho Chúa và Dân Chúa, cụ thể là cộng đoàn Chúa trao phó cho mình. Đó chính là đức ái mục tử như Công đồng Vatican II nói, độc thân linh mục “vừa là dấu chỉ vừa là động lực của đức ái mục tử, đồng thời cũng là nguồn mạch đặc biệt của sự phong phú thiêng liêng trong thế giới” (Sắc lệnh về Linh mục, số 16). Linh mục không là người cha trong một gia đình riêng nhưng là “người cha thiêng liêng” trong cộng đoàn. Cũng vì thế, giáo dân gọi các linh mục là cha dù các ngài có khi còn ít tuổi.

Cuối cùng, bằng đời sống độc thân tận hiến, linh mục trở nên chứng tá Tin Mừng trong một thế giới bị ám ảnh nặng nề vì khoái lạc tình dục. Từ thế kỷ 20 đến nay, con số ly dị, ngoại tình, phá thai, phim ảnh khiêu dâm…không ngừng gia tăng rất nhanh và để lại những hậu quả nghiêm trọng trên đời sống gia đình, nhất là trẻ thơ. Một linh mục độc thân sống hạnh phúc, quân bình, chan hòa với mọi người và nhiệt thành phục vụ cộng đoàn là chứng từ thuyết phục về đức khiết tịnh, giúp người khác vượt qua sự thống trị của nền văn hóa kích dục đang vây hãm con người ngày nay.

Chúa Giêsu dạy: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời” (Mt 19,12). Ngay trước khi tuyên bố những lời này, Chúa nói: “Không phải ai cũng hiểu được điều này, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (Mt 19,11). Điều đó có nghĩa là sự độc thân tận hiến là một ơn Thiên Chúa ban cho linh mục, để hiểu, đón nhận và sống vì Nước Trời. Vì là ơn ban nên cần phải cầu xin để có thể sống trọn vẹn ơn gọi cao quý này. Cũng không chỉ một mình linh mục cầu nguyện nhưng tất cả chúng ta đều cần cầu nguyện cho các linh mục như Hội Thánh kêu gọi: “Thánh Công đồng kêu gọi không chỉ các linh mục nhưng cả các tín hữu, hãy yêu chuộng ơn độc thân cao quý của đời linh mục, và hãy cầu xin Thiên Chúa luôn rộng tay ban phát dồi dào ân huệ này cho Hội Thánh của Người” (Sắc lệnh về Linh mục, số 16).

Độc thân tận hiến là một ơn Thiên Chúa ban nên cũng là “kho tàng”, nhưng kho tàng ấy lại được chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ (x. 2Cr 4,7). Vì thế cùng với việc cầu nguyện, bản thân linh mục phải cẩn trọng giữ gìn bằng sự tự chủ, tránh xa dịp tội, khôn ngoan trong giao tiếp: “Hãy sử dụng các phương thế siêu nhiên cũng như tự nhiên mà mọi người sẵn có. Đặc biệt, các linh mục hãy tuân thủ các quy tắc khổ hạnh đã được thừa nhận theo kinh nghiệm của Hội Thánh và vẫn còn cần thiết trong thế giới ngày nay” (Ibid.).

Người ta có thể đưa ra nhiều lý do có vẻ hợp lý và hợp thời để thuyết phục Hội Thánh bỏ luật độc thân linh mục, thế nhưng Hội Thánh Công giáo Rôma, ít là cho đến nay, vẫn cương quyết duy trì. Bởi lẽ Hội Thánh nhìn sự độc thân linh mục như viên ngọc quý được giữ gìn qua bao thế kỷ. Ước gì viên ngọc đó tiếp tục chiếu sáng và được trân qúy ngay trong thời đại chúng ta. 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm