15/07/2009
509

GIÁO PHẬN MỸ THO

 

PHẦN VII: NHẬN ĐỊNH

 

Từ  khi thành lập năm 1960 cho đến nay, giáo phận Mỹ Tho luôn cố gắng để phát triển, tuy từng lúc, từng giai đoạn có những khó khăn riêng. Từ năm 1975 cho đến những năm đầu thập niên 1990, những sinh hoạt tôn giáo còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, với chủ trương đổi mới và hội nhập của Nhà Nước, các chính sách về tôn giáo thông thoáng hơn, nhiều hoạt động tôn giáo dễ dàng hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy những sự khởi sắc, những điểm tích cực được coi như là những thành quả của sự cố gắng toàn giáo phận để xây dựng và phát triển, đặc biệt của khoảng 10 năm gần đây.

Bên cạnh việc gia tăng số giáo dân và linh mục, tạo bầu không khí đoàn kết và hợp tác trong giáo phận, củng cố sinh hoạt các cấp từ xứ, hạt cho đến giáo phận cách nề nếp và phong phú hơn, thành lập và củng cố các Ban chuyên trách trong giáo phận, việc tổ chức các khoá huấn luyện cho giáo dân, có thể liệt kê một số nét đặc biệt liên quan đến công việc tổ chức và sinh hoạt:

Xây dựng và kiến thiết

 Hầu hết các nhà thờ trong giáo phận đều đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa và nới rộng do đã xuống cấp nhiều hoặc không còn đáp ứng được tình hình giáo dân hiện nay.

Bên cạnh đó một số cơ sở vật chất khác như nhà xứ, nhà giáo lý, nhà sinh hoạt đa năng...cũng được các cha quan tâm xây dựng mơi nhằm đáp ứng cho những nhu cầu sinh hoạt trong giáo xứ.

Thành lập giáo xứ

Cùng với sự gia tăng số linh mục phục vụ và giáo dân trong giáo phận, thời gian qua Đức Giám Mục giáo phận đã cho nâng một số họ lẻ lên thành giáo xứ và bổ nhiệm các cha xứ mới như giáo xứ Thánh Anrê ( Đồng Tháp), Văn Hiệp, Thạnh Trị và Vĩnh Hưng (Long An), hoặc nâng cấp giáo điểm lên giáo họ như giáo họ Thánh Giuse hạt Tân An.

Phục hồi họ đạo

Một vài họ đạo lẻ nhỏ đã được thành hình từ trước năm 1975. Sau 1975 vì nhiều lý do khác nhau đã không còn tồn tại. Trong thời gian qua, Giáo phận đã cố gắng phục hồi được một vài nhà thờ như  Thuộc Nhiêu và Hoà Định (Tiền Giang), Long Kim và Nha Ràm (Long An).

Hình thành và phát triển giáo điểm

Giáo phận Mỹ Tho nằm trong cánh đồng truyền giáo Đồng Tháp Mười. Vùng đất này tuy phèn chua nước mặn, kinh tế khó khăn, nhưng do đất rộng người thưa cũng trở thành điểm đến sinh sống của rất đông dân nghèo, trong đó có nhiều đồng bào công giáo. Tin Mừng dần được gieo trồng, một số nơi dần dần trở thành những giáo điểm truyền giáo, nổi bật là 2 giáo hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây thuộc tỉnh Đồng Tháp và giáo hạt Tân An thuộc tỉnh Long An. Hiện tại trong giáo phận có đến 19 giáo điểm, trong số đó có đến 12 giáo điểm mới được thành lập.

Bái ái xã hội

Giáo phận Mỹ Tho là vùng đất của đa số dân nghèo, dân trí thấp, đời sống khó khăn trăm bề, thường xuyên chống chọi lũ lụt, thất nghiệp... Phục vụ người nghèo là đối tượng ưu tiên trong việc loan báo tin mừng của giáo phận. Nhiều hoạt động Bác ái xã hội đã được thực hiện ở cấp giáo xứ, giáo phận hoặc liên giáo phận, như : cứu trợ lũ lụt, xây nhà tình thương, trợ giúp những học sinh sinh viên nghèo, những người già cả neo đơn, giúp mổ tim, mổ mắt, xe lăn, phát thuốc; hoặc trợ giúp phát triển như đóng góp xây dựng cầu đường, cây nước, xây dựng nhà trẻ...

Nhân sự : Mặc dầu vấn đề nhân sự còn thiếu thốn nhiều, nhưng cũng có những dấu hiệu tích cực :

- Hiện nay hầu hết các giáo xứ trong giáo phận đều có các linh mục phục vụ, trừ một vài họ đạo nhỏ lẻ. Cùng với các linh mục còn có các tu sĩ thuộc nhiều Dòng tu khác nhau: Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Mến Thánh Giá Tân An, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Chúa Quan Phòng. Các chị em tu sĩ làm nhiện vụ chứng nhân của Tin mừng không chỉ bằng đời sống thánh thiện, mà đóng góp rất lớn trong việc phụ giúp giáo xứ, dạy giáo lý, chăm sóc và dạy dỗ trẻ...

-Về phía giáo dân có những giáo xứ đã tổ chức được những hội đoàn như : Legio, Phạt Tạ Thánh Tâm, Khôi Bình, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Mến thánh giá Chợ Quán, các nhóm cầu nguyện, bác ái... Bên cạnh đó, giáo phận và nhiều giáo xứ cũng đang cố gắng phục hồi và phát triển sinh hoạt của các giới gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ và thiếu nhi. Nhiều nơi hoạt động của các giới và hội đoàn rất tích cực, mang lại hiệu quả rất đáng biểu dương: giúp các linh mục phát hiện những gia đình neo đơn cả hồn lẫn xác, thăm viếng giúp đỡ an ủi những người già cả bệnh tật, những người rối rắm nguội lạnh, đến với lương dân, cầu nguyện cho những người đã qua đời, dạy giáo lý cho các dự tòng... Bằng nhiều hình thức khác nhau, các hội đoàn đã góp phần rất lớn và không thể thiếu được cho cánh đồng truyền giáo của giáo phận, làm cho nhiều người gia nhập đạo và nhiều người nguội lạnh trở về.

- Ngoài ra, để cập nhật hoá kiến thức và nâng cao trình độ, hằng năm giáo phận còn tổ chức khoá thường huấn cho linh mục, và những khoá bồi dưỡng giáo dân cho các đối tượng : Hội đồng mục vụ, các ca viên, giáo lý viên...

Đời sống đức tin

Nhìn lại 50 năm lịch sử của giáo phận, đời sống đức tin của Dân Chúa đã trải qua những bước  thăng trầm:

Giai đoạn trước 1975, những năm sau khi thành lập giáo phận, đời sống đức tin mở ra với những niềm hy vọng, những cố gắng xây dựng giáo phận, loan báo Tin Mừng. Sức sống của buổi đầu thành lập giáo phận đã thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa chung tay xây đắp. Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ cũng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giáo phận.

Giai đoạn sau 1975, do hoàn cảnh xã hội biến đổi, các hoạt động mục vụ của giáo phận và đời sống đức tin của Dân Chúa đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn. Các chủng viện và dòng tu bị giới hạn trong hoạt động, nhiều họ đạo thiếu vắng linh mục, việc thăm viếng mục vụ gặp nhiều trở ngại, những thiệt thòi về mặt xã hội ... đã làm cho lòng tin của nhiều tín hữu bị lung lay.

Giai đoạn hiện nay, xã hội chuyển mình, đời sống đức tin của người công giáo ngày càng được củng cố. Giáo Hội nhận ra bổn phận phải đào tạo đời sống đức tin của người giáo dân ngày một trưởng thành hơn, để họ có thể sống niềm tin kiên vững giữa lòng xã hội phức tạp hôm nay. Chính trong định hướng đó mà việc huấn luyện mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ nhiều năm qua, nhất là các khoá huấn luyện Giáo lý viên, Ca trưởng, Hôn nhân gia đình, Gia trưởng, Hiền mẫu, Hội đồng mục vụ giáo xứ, các hội đoàn...

Và đặc biệt ngày Lễ Truyền Tin 25.3.2009, trong thánh lễ tạ ơn được cử hành tại Nhà thờ Chánh Toà Mỹ Tho, với sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã long trọng công bố việc thành lập Hội đồng mục vụ giáo phận như một cố gắng mạnh mẽ hơn nữa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng tại giáo phận Mỹ Tho, như lời của ngài trong bài giảng : “HĐMVGP được thành lập, để mọi người có tiếng nói trong các công việc mục vụ của giáo phận, mọi giới, mọi đoàn thể, mọi cá nhân tha thiết với công việc chung của Giáo hội. HĐMVGP được thành lập để thúc đẩy mọi người dấn thân nhiều hơn vào công việc truyền giáo, để hướng dẫn nhiều người cộng tác với nhau loan báo Tin Mừng, làm việc cho Chúa và cho Giáo hội”.

 

Thánh lễ bế mạc Năm Thánh dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Chánh Toà

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ KHÓ KHĂN

Qua một số ghi nhận tích cực trên đây, có thể nhận thấy tình hình truyền giáo của giáo phận Mỹ Tho có vẻ khởi sắc, có những bước phát triển nhất định, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhìn chung công việc truyền giáo của gíao phận chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trước những đòi hỏi hết sức lớn lao và bức bách của cánh đồng truyền giáo Đồng Tháp Mười. Có thể phân tích một số nguyên nhân, được xem như là những thách đố và khó khăn trong công việc truyền giáo của giáo phận :

- Mặc dầu có sự cố gắng của toàn giáo phận dưới sự đốc thúc và hướng dẫn của Đức Giám mục, nhưng phải nhìn nhận rằng thực sự chưa có được những đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả cho những hoạt động truyền giáo, cả về nhân sự, tổ chức cũng như chương trình hành động.

- Các linh mục trong giáo phận phần lớn phải đầu tư công sức cho việc xây dựng kiến thiết nhà thờ và các cơ sở tôn giáo sau thời kỳ “đóng băng”, thường quan tâm đến việc chăm sóc giáo dân và tái truyền giáo trong giáo xứ hơn là truyền giáo cho lương dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa và vùng Đồng Tháp Mười.

- Đa số giáo dân hờ hững đối với việc truyền giáo. Ý thức trách nhiệm và đóng góp tinh thần lẫn vật chất chưa cao... Từ đó không có nhiều những sự dấn thân, những đóng góp, những sáng kiến, những việc làm cụ thể góp phần loan báo Tin mừng.

- Về vấn đề nhân sự và huấn luyện cũng thiếu hụt trầm trọng. Những người trực tiếp tham gia các công việc tông đồ không nhiều. Người có trình độ, người được trang bị đầy đủ những kiến thức về giáo lý, về Kinh Thánh, về chuyên môn càng hiếm. Hiện nay những người hoạt động tông đồ ở các giáo xứ chủ yếu là thành viên của các hội đoàn. Nhưng ngay cả việc chiêu mộ nhân sự vào các hội đoàn cũng gặp rất nhiều những khó khăn, nhất là nơi những người trẻ. Ít người muốn tham gia. Có thể vì thiếu lòng đạo, thiếu ý thức, có thể vì cuộc sống, công ăn việc làm, hoặc có thể vì nghèo, thiếu khả năng, ngại dấn thân, không muốn tham gia sinh hoạt chung...

- Với số linh mục và tu sĩ hiện nay đang phục vụ trong giáo phận chỉ đáp ứng phần nào những sinh hoạt căn bản của giáo xứ như điều hành, giảng dạy và ban phát Bí tích. Cần phải có nhiều hơn nữa số linh mục và tu sĩ dấn thân cho những hoạt động truyền giáo. Về phương diện này có lẽ giáo phận cũng rất cần sự trợ giúp của các linh mục và tu sĩ của các hội dòng “thừa sai”.

- Thiếu những tổ chức và hoạt động chung. Mặc dầu đó đây trong giáo phận có sự cố gắng nhiều, có sự nâng đỡ của Giáo phận, nhưng thường chỉ là những hoạt động riêng lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết. Để nâng cao hiệu quả của việc truyền giáo, trong giáo phận cần phải gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm truyền giáo và gây ý thức truyền giáo. Cần phải có những hoạt động chung giữa các cá nhân, đoàn thể hay giáo xứ, để nâng cao hiệu quả. Và cũng cần phải có những tổ chức để tìm ra  những phương hướng, những biện pháp thích hợp, hoặc để  phối hợp và hỗ trợ…

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế xã hội ngày hôm nay vừa là cơ hội vừa là một thách thức cho việc loan báo Tin Mừng :

Nhiều giáo dân sống rải rác trong vùng sâu vùng xa giữa các lương dân, nhất là nơi những vùng kinh tế mới khai phá, những cụm dân cư mới mọc, việc giữ đạo hết sức khó khăn. Nhiều người trở nên nguội lạnh trể nãi hoặc rối rắm, một số khác bị ảnh hưởng bởi những thói tục của dân ngoại, thậm chí có những người bỏ đạo lâu năm. Việc giáo dục giáo dục đức tin cho người công giáo thật cần thiết để họ sống đạo tốt và trở nên nhà truyền giáo nhiệt thành.

Hiện nay đang có hiện tượng “di dân” bỏ quê lên thành phố để làm ăn sinh sống hoặc học hành,  nhất là nơi những người trẻ. Hiện tượng này cũng tạo nên khan hiếm nhân sự cho nhiều giáo xứ : từ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ cho đến ca đoàn, giáo lý viên, hội đoàn...

HƯỚNG TỚI CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO TƯƠNG LAI

Từ những tình hình thực tế nêu trên, giáo phận đang phải hướng tới việc truyền giáo bằng cách gây ý thức và thúc đẩy công cuộc truyền giáo trong tương lai :

- Cần có thêm nhiều nhân lực và hoạt động để hổ trợ và thúc đẩy việc truyền giáo trong giáo phận.  Huấn luyện chuyên biệt về truyền giáo cho giáo dân, đặc biệt cho các hội đoàn hay những người tham gia trực tiếp công việc truyền giáo.

- Mỗi giáo xứ huy động sức lực sáng kiến của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia vào việc truyền giáo, và để công việc truyền giáo trong giáo xứ được thực hiện thường xuyên.

- Quan tâm đến việc tái truyền giáo và truyền giáo cho lương dân, đặc biệt ở những nơi có cụm tuyến dân cư mới, hay ở những nơi có thể phát triển thành giáo điểm. Nơi nào đã hình thánh giáo điểm thì cố gắng phát triển thành giáo họ.

 

 

(Các số liệu theo thống kê báo cáo mục vụ giáo phận năm 2008)

 

Tháng 3.2009

GIÁO PHẬN MỸ THO