15/07/2009
1063

GIÁO PHẬN MỸ THO

 

PHẦN IV: NƠI CÁC VỊ TỬ ĐẠO

 

1. Họ đạo Ba Giồng : cuộc tử đạo của 27 tín hữu thế kỷ XIX

Họ đạo Ba Giồng thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Củ Chi, nằm về mạn Đông Bắc Sài Gòn, trong tỉnh Mỹ Tho. Không ai biết rõ nguồn gốc, lịch sử xóm đạo Ba Giồng được hình thành tư bao giờ. Rất có thể, dân cư đã trở lại đạo vào một thời rất xa xưa. Hiện nay tại đất thánh họ đạo còn có những ngôi mộ cổ (1664) chôn cất tổ phụ giáo hữu.

Dưới triều Tự Đức (1848-1883), xóm đạo Ba Giồng được linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu coi sóc trong 8 năm (1812 - 1861). Một hôm đi thăm những người đầu trong họ đạo đang bị giam tù, khi ra khỏi cổng thành, Cha bị bắt giam cùng với các bô lão Ba Giồng trong ngục Mỹ Tho… Quan tuyên án trảm quyết Cha và án lệnh thi hành ngày 18.03.1861.

Một tháng sau khi Cha Lựu bị giết, quân Pháp tiến đánh thành Mỹ Tho và bao vây thành. Quan quân Việt Nam phải rút quân. Trước khi lui quân, họ đốt các trại giam. Một số đông người có đạo bị giam, trong số đó có khoảng 100 người họ đạo Ba Giồng có nguy cơ bị chết thiêu, được quân Pháp kịp thời cứu thoát.

Khi quân Pháp chiếm thành Mỹ Tho, quan quân Việt Nam không đánh trả nổi, họ quyết định báo thù bằng việc bao vây tiêu diệt dân có đạo Ba Giồng. Cuộc âm mưu được thực hiện vào đêm sau, kế hoạch nầy được giữ kín triệt để. Nhưng có một đội trưởng trong quân đội địa phương, người lương dân, có thiện cảm với người công giáo muốn cứu người công giáo Ba Giồng thoát khỏi tai họa to lớn nầy. Ông đã báo cho những người đứng đầu họ đạo và đề nghị nhanh chân chạy trốn.

Ông đội trưởng dẫn cả gia đình ông và 2 gia đình giáo dân cùng chạy trốn. Men theo luỹ tre, nhờ bóng tối ban đêm, một số thoát được chốt canh. Chẳng may có hai người bị phát hiện và bị bắt. Một cụ già bị bắt cách xóm đạo không xa và bị chặt đầu lập tức. Người thứ hai đi khá xa, nhưng lính đuổi kịp đưa về Phủ Kiến An rồi bị giết gần quốc lộ.

Một số đông giáo dân quyết định vượt qua cánh đồng cỏ lác ngập nước để thoát thân. Cuộc vượt qua thực hiện vào cuối canh một (khoảng 8 giờ tối), xuất phát từ nhà thờ. Đêm tối đen, đám đàn ông, đàn bà, trẻ em, cụ già bước nặng nhọc qua cánh đồng sình lầy, nước ngập tới thắt lưng. Tất cả dìu nhau đi xa làng. Khốn thay, trăng đã lên, chiếu sáng cánh đồng. Lính canh phát hiện, họ kêu lớn : “Bọn có đạo trốn hết rồi”. Tiếng trống báo động dồn dập. Quân lính rượt theo với 30 chiếc thuyền bủa vây, chặn đường. Nổi kinh hoàng tràn ngập mạnh ai nấy chạy thoát thân. Các cụ già, trẻ em và 25 người đàn ông bị tóm bắt dẫn về chợ Củ Chi giữa tiếng chửi rủa, quát tháo, đánh đập và tiếng rên siết của nạn nhân.

Buổi xử án diễn ra trên chợ Củ Chi. Đàn bà, trẻ con được xếp vòng tròn, ở giữa và trước quan toà là 25 người đàn ông, đa số là cụ già, có một chàng trai 16 tuổi.

Quan toà là một sĩ quan, chỉ cây thập tự gỗ để dưới đất và bảo 25 tội nhân có đạo đạp lên cây thập tự để được tha, nếu không sẽ bị chém đầu.

Tất cả 25 người đồng thanh kêu lên : “Không bao giờ chúng tôi đạp thánh giá, dấu cứu rỗi của chúng tôi, thà chịu chết”.

Tức thì quan ra lệnh. Lý hình múa đao, trống nổi lên. Tiếng đàn bà, trẻ con thét lên kinh hãi, 25 cái đầu lăn lóc, máu vọt tung toé, xác không đầu nằm ngổn ngang.

Viên quan quay sang chỉ vào đám phụ nữ : Chúng bay đạp lên thập tự hoặc sẽ cùng chung số phận như vậy ?

Họ đồng thanh đáp : “Chúng tôi chịu chết như họ”.

Những trẻ con cũng hô theo mẹ : Chết !

Một cô gái quỳ xuống trên vũng máu ôm lấy cây thập tự hôn. Những người có đạo cũng quỳ xuống lạy cây thập tự.

Phần vì sợ, phần vì xúc động, viên sĩ quan ra lệnh tha cho đám đàn bà và trẻ con.

Cha thừa sai M. Hamon làm cha sở Ba Giồng từ 1866-1875 đã được Đức Cha Miche, Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Trong chấp thuận cho đi dò hỏi để biết chính xác nơi chôn cất các nạn nhân Ba Giồng bị hành quyết. Tất cả 21 thi hài được tìm thấy, còn xác 6 vị nữa do chôn lấp sơ sài bị đàn chó bới lên ăn thịt.

 

Nơi chôn cất 21 hài cốt các anh hùng tử đạo tại Đất Thánh Ba Giồng

Ngày 18 tháng 06 năm 1872, họ đạo Ba Giồng cung nghinh 21 hài cốt trọng thể vào nhà thờ, cử hành thánh lễ cầu hồn. Sau thánh lễ, rước về đất thánh Ba Giồng mai táng chung trong một ngôi mộ (Biên soạn theo Nhân Vật Công Giáo, tập 4 : Các Vị Giám mục một thời đã qua của Lê Ngọc Bích).

2. Sự tích các Vị Tử Đạo tại làng Hữu Đạo, huyện Cai Lậy

Vào năm 1861, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Mỹ Tho, quan quân Việt Nam thất thủ tháo chạy. Khi chạy đến nhà thờ nào, họ đổ tội cho người công giáo đem quân Tây sang chiếm nước. Họ bắt người có đạo ở các họ đạo : Mỹ Tho, Chợ Bưng, Xoài Mút, Dưỡng Điềm, Mỹ Quí Đông, Bưng Môn… tất cả 17 người và giao cho làng Hữu Đạo.

Quan quân tại đây đứng thành hai hàng, ở giữa trải một tấm chiếu, trên để cây thánh giá. Quân lính cầm roi đánh từng người, bắt ép họ bước qua thánh giá để được tha. Nhưng tất cả 17 người kể cả em bé 10 tuổi đều kiên quyết không bước qua thánh giá. Quan tức giận sai quân lính khiêng 2 đầu gông kéo lê họ bước qua thánh giá. Họ khóc lóc sợ hãi phân bua : “Lạy Chúa, xin Chúa chứng nhận lòng con. Chúng con không hề dám bước qua hình Chúa, những người nầy khiêng con…” . Ai nấy nhất mực xin lỗi Chúa.

Quan thấy hết phương cưỡng ép nên tức giận truyền lệnh chém đầu 17 vị, và giao cho đội ban Trưởng thi hành. Viên đội trưởng nầy có lòng thương các đấng, lòng bất an. Trong lúc xách gươm về nhà, tình cờ bắt được tên trộm, ông tức giận định chém đầu ngay nhưng nó quỳ lạy xin tha mạng. Ông liền bắt nó chém các ngài thay ông. Tên trộm ra đình bắt chém hai vị, còn vị thứ ba nó run quá chém không chết ngay. Tên trộm nầy có tên là Đỏ.

Lúc đó quân Pháp tiến đánh đồn Thuộc Nhiêu, quân Việt tháo chạy, bỏ lại các tù nhân. Ngày hôm sau chúng tiến đánh đến làng Hữu Đạo và giải thoát 14 vị chưa kịp hành hình. Còn xác 3 vị kia bị khiêng đi không chôn ở đó. Nơi hành hình gọi là gò Dưới thuộc phần đất của một tín hữu tên là Cậy (Trích trong Sưu Tập Những Họ Đạo Cổ Xưa Tây Đàng Trong của Lêô Nguyễn Văn Quí, 1991).

 

Mộ ba vị tử đạo tại làng Hữu Đạo

3. Vị tử đạo BA BINH tại làng Mỹ Quí Đông, nay là Nhị Quí (huyện Cai Lậy)

Nguyên trước đây nhà thờ tại làng Mỹ Quí Tây bị hư sập nên được dời về làng Mỹ Quí Đông; hai làng nầy nhập lại thành Nhị Quí. Vào năm 1861, quân Pháp chiếm đồn Tân Thành gần làng Hữu Đạo, bổn đạo bồng bế nhau chạy xuống làng Trấn Định, Ba Giồng, Tổng Hưng Nhơn. Làng nầy thuộc quyền cai trị của người Pháp.

Vì vậy quân lính triều đình chỉ bắt được một người có đạo tên là BINH, rễ bà biện Đạo. Họ dẫn ông lên nhà ông Hai Trạch và khuyến dụ ông bỏ đạo, nhưng ông nhất mực không chịu. Quan liền giao ông Binh cho ông Cai Di hành hình. Ông nầy quá sợ nên uống rượu cho vững tinh thần… rồi dẫn ông Binh ra ngã ba giáp làng Phú Quí. Lúc đó khoảng 9 giờ tối, đèn đuốc nhá nhem… nên ông chém đến 3 lần mà chỉ lát gò má… phải cắt mới đứt đầu. Đầu ông được bêu ba ngày và sau đó được chôn chung với xác ông dưới gốc cây sơn rừng (Trích trong Sưu tập Những Họ Đạo Cổ Xưa Tây Đàng Trong của Lêô Nguyễn Văn Quý, 1991).

 

Mộ ông Binh tại làng Mỹ Quí và cha sở

 

(Các số liệu theo thống kê báo cáo mục vụ giáo phận năm 2008)

 

Tháng 3.2009

GIÁO PHẬN MỸ THO