02/02/2009
1362

 

THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI GỞI CHO GIÁO PHẬN RÔMA

 

VỀ BỔN PHẬN KHẨN CẤP PHẢI GIÁO DỤC CÁC THẾ HỆ TRẺ

 

 

 

Các tín hữu thành Rôma thân mến,

 

Cha đã có ý định gởi đến chúng con lá thư này để nói về một vấn đề mà chính chúng con cũng nhận thấy, và nhiều thành phần khác nhau trong Giáo hội đã tích cực dấn thân vào: đó là vấn đề giáo dục. Tất cả chúng ta đều mang trong tim mình sự thiện hảo của những người mà chúng ta yêu mến, đặc biệt là các thiếu nhi, các thiếu niên và các bạn trẻ của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng tương lai của thành phố chúng ta sẽ tuỳ thuộc vào họ. Vì thế, chúng ta không thể không lưu tâm đến việc đào tạo những thế hệ trẻ, đến khả năng định hướng trong đời sống của họ, đến khả năng phân biệt điều thiện với điều ác, đến sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần.

 

Tuy nhiên, giáo dục chẳng bao giờ là công việc dễ dàng, và nó càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại hôm nay. Các bậc phụ huynh, các nhà giáo, các linh mục và tất cả những ai trực tiếp mang trọng trách giáo dục biết rõ điều đó. Vì thế, người ta nói đến tầm quan trọng khẩn cấp của việc giáo dục. Tầm quan trọng khẩn cấp này được xác nhận bởi những thất bại thường xuyên gặp phải trong khi chúng ta nỗ lực đào luyện những con người vững vàng, có khả năng hợp tác với người khác và tìm thấy ý nghĩa cho đời sống của họ. Tự nhiên, chúng ta dễ đổ lỗi cho các thế thệ trẻ, như thể những con em sinh ra trong thời đại hôm nay khác hẳn với những con em sinh ra ở những thời đại trước. Hơn nữa, người ta còn nói về một “sự rạn nứt giữa các thế hệ”. Sự rạn nứt này là có thực và cũng thật quan trọng, nhưng đúng hơn nó không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của việc thiếu truyền thụ những nền tảng chắc chắn và các giá trị.

 

Vậy phải chăng chúng ta lại đổ lỗi cho những người lớn hôm nay không có khả năng giáo dục? Cám dỗ thoái thác trách nhiệm chắc chắn rất mạnh nơi các phụ huynh cũng như nơi các giáo viên, cách chung nơi những nhà giáo dục, và còn hơn thế nữa là nguy cơ không còn biết đâu là vai trò của mình hay đúng hơn là sứ mạng được trao phó cho mình. Thực tế, vấn đề đặt ra không chỉ là trách nhiệm cá nhân của người lớn hay của các của bạn trẻ, dù trách nhiệm này là có thực và không nên bị che đậy, nhưng còn là một bầu khí lan rộng, một hình thái văn hoá dẫn đến nghi nan về giá trị của nhân vị, về ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và cuối cùng về sự tốt lành của đời sống. Vì vậy thật khó khăn để truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác điều gì có giá trị và chắc chắn, những qui tắc cư xử, những mục đích đáng tin cậy nhằm xây dựng đời sống.

 

Vì thế, hỡi cư dân thành Rôma thân mến, cha muốn nói với chúng con một lời rất đơn sơ: Đừng sợ ! Thật vậy, mọi khó khăn nêu trên không phải là không vượt qua được. Nếu có thể nói, chúng như mặt trái của ân huệ lớn lao và quý giá là tự do của chúng ta, cùng với trách nhiệm kèm theo cách thích đáng. Khác với những điều xảy ra trong lãnh vực kỹ thuật hoặc kinh tế, nơi mà những tiến bộ ngày nay có thể cộng thêm vào cho những tiến bộ của quá khứ, một khả năng tích luỹ như thế không thể có trong lãnh vực giáo dục và tăng trưởng luân lý của con người, bởi vì tự do của con người thì luôn mới mẻ, và vì thế, mỗi người và mỗi thế hệ lại phải tự mình đưa ra những quyết định. Cho dù là những giá trị cao quý nhất của quá khứ cũng không thể được truyền thụ như một gia tài để lại; thực tế, chúng phải được biến thành của chính chúng ta và được đổi mới qua một chọn lựa cá nhân thường rất nhọc nhằn.

 

Tuy nhiên, khi những nền tảng bị lung lay hay khi những xác quyết cốt yếu bị thiếu hụt, thì nhu cầu về những giá trị này lại bắt đầu trổi lên cách khẩn thiết. Cụ thể, đòi hỏi về một nền giáo dục đích thực đang gia tăng trong thế giới hôm nay. Vì những bận tâm và thường là những lo lắng cho tương lai của con cái mình, các bậc cha mẹ đều mong muốn có một nền giáo dục đích thực; vì phải sống kinh nghiệm đau buồn về sự suy thoái trong các trường học, nhiều giáo viên mong muốn có một nền giáo dục đích thực; vì nghiệm thấy những nghi nan về các nền tảng của đời sống chung, toàn thể xã hội mong muốn có một nền giáo dục đích thực; vì không muốn phải đơn độc đối diện với những thách thức của cuộc sống, tự trong thẳm sâu lòng mình, những người trẻ mong muốn có một nền giáo dục đích thực. Mặt khác, những người tin vào Đức Giêsu Kitô còn có một lý do mạnh hơn nữa để không phải sợ hãi. Thật vậy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, rằng tình yêu của Ngài chạm tới chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta sống và bất cứ tình trạng nào chúng ta gặp phải, với những nghèo hèn và yếu đuối của chúng ta, để trao ban cho chúng ta khả năng hướng thiện.  

 

Các con thân mến, để cụ thể hơn những suy nghĩ của cha, việc phân định một vài đòi hỏi chung cho một nền giáo dục chân chính là thật hữu ích. Trước hết nền giáo dục này cần đến sự thân thiện và lòng tin tưởng phát xuất từ tình yêu; cha nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và căn bản của tình yêu mà con trẻ thể hiện, hay ít ra cần phải thể hiện, đối với cha mẹ chúng. Nhưng mọi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng, để giáo dục tốt, chính mình phải trao ban điều gì đó, và chỉ có như thế họ mới có thể giúp học sinh của mình lướt thắng được tính ích kỷ, để đến lượt chúng trở nên những người có khả  năng yêu thương đích thực.

 

Ngay khi còn bé, trẻ em đã có một ước muốn hiểu biết lớn lao, biểu hiện qua việc không ngừng đặt các câu hỏi và yêu cầu giải thích. Một nền giáo dục chỉ giới hạn vào việc cung cấp những khái niệm và những thông tin, nhưng lại bỏ qua một bên vấn nạn quan trọng liên quan đến sự thật, nhất là sự thật có thể làm kim chỉ nam cho đời sống chúng ta, sẽ là một nền giáo dục nghèo nàn.

 

Đau khổ cũng là thành phần của sự thật về đời sống chúng ta. Bởi đó, khi cố tìm cách tách những người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm về đau khổ, chúng ta có nguy cơ đào tạo nên những con người yếu ớt và thiếu quảng đại. Thực tế, khả năng yêu thương đồng nghĩa với khả năng chịu đựng đau khổ và cùng sẻ chia khổ đau.

 

Hỡi các bạn thành Rôma thân mến, chẳng nghi ngờ gì nữa, chúng ta đi đến điểm tế nhị nhất của việc giáo dục, đó là tìm thấy một sự quân bình đúng đắn giữa tự do và kỷ luật. Không có qui tắc cư xử và qui luật sống, được làm sáng tỏ ngày qua ngày ngay trong những điều nhỏ nhất, người ta sẽ không rèn luyện được nghị lực và không được trang bị để đối diện với những thử thách đầy dẫy ở tương lai. Tuy nhiên, tương quan giáo dục trước hết là cuộc gặp gỡ giữa hai tự do, và nền giáo dục thành công là nền giáo dục đào luyện việc sử dụng đúng tự do. Càng lớn lên với tuổi tác, trẻ em trở nên một thiếu niên, rồi một thanh niên; vì thế chúng ta phải chấp nhận nguy cơ của tự do, bằng cách luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng sửa lại những ý tưởng và những chọn lựa sai lầm. Trái lại, điều chúng ta chẳng bao giờ nên làm là trợ thủ cho những sai lầm của chúng, giả vờ không thấy, hoặc tồi tệ hơn là đồng loã với những sai lầm, như thể chúng là những ranh giới của tiến bộ con người. 

 

Vì thế, trong việc giáo dục không thể bỏ qua yếu tố thẩm quyền luân lý, một thẩm quyền làm cho việc thực hành những tương quan quyền bính trở nên đáng tin. Thẩm quyền này là kết quả của kinh nghiệm và năng lực, nhưng nhất là thủ đắc nhờ mối nhất quán của chính đời sống mình và nhờ mối liên hệ cá vị, biểu hiện của tình yêu đích thực. Vì thế, nhà giáo dục là chứng tá của sự thật và sự thiện. Chắc chắn chính bản thân họ cũng mỏng giòn và có thể sai lầm, nhưng họ phải luôn tìm cách sống hoà hợp với sứ mạng của mình.

 

Các tín hữu thành Rôma rất thân mến, những suy nghĩ đơn sơ này cho chúng ta thấy ý nghĩa của trách nhiệm có vai trò quyết định như thế nào trong việc giáo dục: trước hết là trách nhiệm của nhà giáo dục, nhưng trong mức độ tăng trưởng với tuổi tác, còn có trách nhiệm của con cái, của học sinh, của người trẻ đang bước vào trong thế giới việc làm. Ai biết trả lẻvới chính mình và với người khác là người có trách nhiệm. Hơn nữa, ai tin thì trước hết sẽ tìm biết trả lẻ cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương họ trước.

 

Trách nhiệm trước hết là trách nhiệm cá nhân, nhưng cũng có trách nhiệm mà chúng ta cùng chia sẻ, như những công dân của cùng một thành phố và một quốc gia, như những thành viên của gia đình nhân loại, và như những người con của Thiên Chúa duy nhất và những thành viên của Giáo hội nếu chúng ta là những tín hữu. Thực tế, những ý tưởng, những lối sống, những luật lệ, những khuynh hướng toàn cầu của xã hội chúng ta đang sống, và hình ảnh mà xã hội tự phô diễn qua các phương tiện truyền thông, có một ảnh hưởng to lớn trên việc đào tạo các thế hệ trẻ hướng về điều thiện, nhưng thường hơn là nghiêng chiều về điều ác. Tuy nhiên xã hội không phải là điều gì viễn vông; cuối cùng thì chính chúng ta phải cùng nhau gầy dựng cho chính mình, với những khuynh hướng, những quy tắc và những con người mẫu mực, dù rằng vai trò và trách nhiệm của mỗi người có khác biệt. Thế nên sự góp phần của mỗi người trong chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay mỗi nhóm xã hội, là điều cần thiết, vì xã hội, bắt đầu từ thành phố Rôma của chúng ta, trở nên môi trường thuận lợi nhất cho việc giáo dục . 

 

Sau cùng, cha muốn trình bày cho chúng con một tư tưởng mà cha đã khai triển trong thông điệp mới đây Spe Salvi về niềm hy vọng kitô giáo: chỉ có niềm hy vọng đáng tin mới có thể là linh hồn của việc giáo dục, cũng như của toàn bộ đời sống. Ngày nay, niềm hy vọng của chúng ta bị vây hãm tứ phía, và cũng như những dân ngoại xưa kia, chúng ta cũng có nguy cơ trở nên những người “không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này”, như thánh Tông Đồ Phaolô đã viết cho tín hữu Êphêsô (Ep 2,12). Chính ở đây nẩy sinh khó khăn có thể là lớn nhất đối với việc giáo dục đích thực: thật vậy, ở tận nguồn gốc của cuộc khủng hoảng giáo dục có cuộc khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống.

 

Vì thế cha không thể kết thúc lá thư này mà không đưa ra lời mời gọi tha thiết là hãy đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chỉ có Ngài là niềm hy vọng lướt thắng mọi nỗi thất vọng; chỉ có tình yêu của Ngài là không thể bị tiêu diệt bởi sự chết; chỉ có công lý và lòng thương xót của Ngài mới có thể bù đắp cho những bất công và xoa dịunhững khổ đau phải chịu. Niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa chẳng bao giờ là niềm hy vọng chỉ cho riêng mình, nhưng luôn luôn là niềm hy vọng cho những người khác: nó không cô lập chúng ta, nhưng làm cho chúng ta liên đới trong sự thiện, thúc đẩy chúng ta biết giáo dục lẫn nhau hướng đến sự thật và tình yêu.

 

Với lời chào trìu mến gởi đến chúng con và đảm bảo nhớ đến chúng con đặc biệt trong lời cầu nguyện, cha ban phép lành cho tất cả chúng con.

 

 

 

Từ Vatican, ngày 21 tháng 1 năm 2008

 

ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

 

 

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang chuyển ngữ