21/07/2015
1365
Viết tiếp về “Cuộc đời bất hạnh của bà cụ ăn xin” ngày ấy

VIẾT TIẾP VỀ “CUỘC ĐỜI BẤT HẠNH CỦA BÀ CỤ ĂN XIN” NGÀY ẤY

 

Gx My Trung_ Ba cu an xin 01.jpg

Gx My Trung_ Ba cu an xin 03.jpg

Gx My Trung_ Ba cu an xin 04.jpg

Những ai đã từng đọc về Cuộc đời bất hạnh của bà cụ ăn xin đăng trên trang web Giáo phận Mỹ Tho: http://giaophanmytho.net/view.aspx?idx=390c2c79-b91d-487a-9ead-084e4e15ce95&ag=ttshgx chắc hẳn cũng đã hiểu phần nào về cuộc đời của bà. Hiện nay bà cụ Trương Bảy vẫn còn đó giữa căn chòi lá rách nát tại ấp 3, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi biết về hoàn cảnh của bà, dường như xuyên suốt những năm tháng ấy tôi đều bắt gặp những hình ảnh xót xa mỗi khi có dịp trở lại thăm bà.

Năm nay bà cụ đã 86 tuổi, với tuổi gần đất xa trời, sống một mình nơi vắng vẻ trong một khu tách biệt không có người thân, không con cháu, không có người hàng xóm gần kề. Đi rất xa vài cây số đường gồ ghề, trơn trượt khó đi mới gặp được người dân sống xa đó được gọi là “hàng xóm”. Vài năm về trước, bà còn “mưu sinh” trên chính chiếc xuồng mong manh của mình để đến những nơi đông người qua lại dọc bờ sông để ăn xin lòng tốt của họ. Được ít đồng bạc lẻ, bà mua chút thức ăn sống qua ngày. Hiện tại, bà không còn đủ sức để đi “kiếm sống” nữa mà ngược lại, có những người phương xa thỉnh thoảng qua lại nơi này, đã đem đến cho bà chút đồ ăn thức uống để sống qua ngày vì bà chỉ ở một chỗ, không còn đi xa được nữa.

Chòi lá lâu năm mà bà đang tạm ở chỉ là vài mét đất được dựng nơi ẩm thấp, nước trũng có nhiều mùi ôi thối và cây cỏ mọc um tùm xung quanh. Trong hình, nhìn từ mái chòi xuống đất có những thứ có thể dễ dàng đổ sập, rơi rớt hay gãy bể nếu bất cẩn đụng phải. Chòi lá đã nghiêng ngả, xiêu vẹo chỉ cần một cơn mưa trút xuống kèm theo gió lớn cũng có thể kéo đi chòi lá ấy, xung quanh vách chòi như luôn “mời gọi” ánh nắng và mưa đến, kể cả côn trùng có thể đến ở bất cứ lúc nào. Đối với bà, nguy hiểm luôn chực chờ sẵn, ánh bình minh của ngày mai và rủi ro không biết điều gì sẽ đến trước?

Lần này đến thăm bà, phải chăng có sự thay đổi khác hơn so với những lần trước đây, đó là nhìn bà ngày một còm cõi hơn, dáng vẻ không còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như ngày nào. Miếng ăn của bà là những con cá khô ăn dè để dành từng ngày mỗi khi có được, bữa đói bữa no, bữa có bữa không. Đôi khi chưa kịp ăn đã bị những côn trùng kiến, gián, ruồi, mèo, chuột… đến ăn trước của bà, để lại những vụn vữa từng hạt nhỏ như mạt cưa. Biết đi đâu, làm gì, mua gì trong khi không có sức khỏe và đồng tiền lẻ để mua được những thứ tươi ngon hơn, bà đành lấy những thứ đó làm lương thực qua ngày. Bữa nào cũng “ăn cơm cá gỗ”, ngày nào cũng nuốt những vị đắng thay cho các chất dinh dưỡng là vậy.

Đau lòng và xót xa hơn đó là những cay đắng và tủi nhục mà con cái đã gây ra cho bà, có gia đình nhưng không có hạnh phúc, có con cái nhưng không có nhân tâm. Cha mẹ chỉ tự hào khi con cái thành đạt, tự lo cho bản thân. Thế nhưng đối với bà, gánh nặng về con cái vẫn ám ảnh bà tới giờ này. Ngày thì trống vắng cô quạnh, đêm thì lạnh lẽo mất ngủ, khóc than cho số phận cũng chẳng ai hay, cũng chẳng dám mơ đến chữ hiếu, chữ thảo từ các con của mình.

Nhìn thấy mẹ ngồi đó như một pho tượng mà không chút cảm xúc, chạnh lòng… ngược lại còn đối xử bạc bẽo và ngoảnh mặt bước đi, bỏ lại mẹ già giữa đồng không mông quạnh, chẳng hề biết mẹ của mình sống ra sao. Gia đình vốn nghèo, con cái lại mang thói hư tật xấu mà bỏ quên chữ hiếu, không quan tâm, chăm sóc mẹ của mình. Ánh mắt của bà đượm buồn và đa sầu đến rơi lệ khi gặp những người lạ ghé thăm. Bà mong lắm, có ai đó tiếp thêm cho bà bằng chút niềm tin và hy vọng qua ánh mắt, tiếng nói và nụ cười. Hình ảnh về cuộc đời của bà bao trùm toàn nỗi bất hạnh được ghép lại của sự đáp trả từ sự bất nhân, bất nghĩa, và bất hiếu của những đứa con bê tha, hư hỏng. Và hình ảnh của bà còn là một minh chứng đầy cảm động nhưng cũng đầy nỗi day dứt, dằn vặt và cắn xé lương tâm cho những kẻ đã và đang gây ra sự đau đớn tột cùng đối với cha mẹ của mình.

Dù bà không còn ước mơ gì vào lúc này, nhưng vì không chịu nổi nghịch cảnh mà bà đang phải cam chịu, tôi vẫn thực hiện một điều nhỏ thay cho bà, biết đâu đó cũng là ước mơ giản dị mà bà từng mơ trước khi sống trong mái tranh dột nát. Đó là để bà được ở trong căn nhà nhỏ đủ để che nắng che mưa, để phần nào chia bớt nỗi tủi thân, tủi phận trong lúc tuổi già sức yếu. Xoa dịu phần nào những nỗi đau của cảnh nghèo đói để bà có thể an tâm, vui sống tiếp những chuỗi ngày cuối đời.

Là những người con, hãy thức tỉnh và sớm ngộ ra điều tốt đẹp để tình người chiến thắng mọi âm mưu, toan tính, ích kỷ và tham vọng. Hãy giữ và sống phận làm con cho tròn chữ hiếu. Dù cho có một ngày nhớ đến Ngày của Mẹ, cộng thêm một ngày nhớ đến Ngày của Cha cũng không bằng từng giây từng phút sống vâng lời cha đền đáp ơn mẹ. Sống sao báo đáp cho xứng với công đức, ơn nghĩa các đấng sinh thành ra mình.

Cuộc đời là chuỗi ngày dài với đầy lo lắng, ưu tư phiền muộn còn xa phía trước đối với mỗi gia đình. Xin Chúa luôn đồng hành, củng cố đức tin và là điểm tựa cho từng thành viên trong mỗi gia đình, khi họ gặp gian nan thử thách hay mất phương hướng. Xin Chúa Thánh Thần thương thánh hóa từng gia đình, để họ luôn biết sống noi gương gia đình Thánh gia, mỗi ngày sẽ trở nên hiếu thuận với cha mẹ và anh chị em biết yêu thương nhau nhiều hơn.

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Long