11/09/2021
1310
Gx. Long Định 1:  Tình liên đới trong đại dịch

 














 

Lm. Giuse Nguyễn Đặng Khánh Nhật

Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Dịch bệnh là khái niệm không mới nhưng nó được chúng ta nhắc đến mỗi ngày như một lối sống gắn liền với nó. Dù muốn dù không chúng ta phải đối diện với nó. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát nó làm chúng ta phải khiếp sợ và trốn tránh. Bởi nó không những lấy đi sức khỏe, nhiều nguy cơ tử vong mà nó còn âm ỉ ảnh hưởng trên mọi đời sống chúng ta.

Đợt dịch thứ tư này ảnh hưởng vô cùng đến đời sống con người so với các đợt trước đó trên mọi phương diện từ kinh tế ngưng trệ, việc làm không còn mà còn kéo theo đó biết bao khó khăn thiếu thốn ngay trong mỗi gia đình. Nói đến đây ai cũng có thể cảm nhận trực diện của trận đại dịch này, nó đang làm xáo trộn mọi sinh hoạt của chúng ta không trừ một ai, đặc biệt là những người lao động nghèo, bán vé số… là những con người đầu tiên chịu ảnh hưởng mà cơn đại dịch đi qua. Bởi họ phải lao động từng ngày để kiếm sống chứ không có của ăn của để như bao người.

Công việc của chúng con - Giáo xứ Long Định 1 - cũng thường hỗ trợ cho người bán vé số, người khuyết tật đi lại bằng xe lăn, xe lắc hàng tháng ở Thành phố Mỹ Tho. Thế nhưng những món quà tương trợ ấy cũng khó đến tay họ vì giãn cách của chỉ thị 15 đã làm cuộc sống của họ vốn chật vật lại càng khó khăn hơn. Chúng con cũng tổ chức chợ 0 đồng cho quý bà con và người lao động cũng như đến với các khu phong tỏa, giúp những hoàn cảnh nghèo cần được hỗ trợ. Và một lần nữa những món quà tương trợ lại đến tận tay những người đang cần chúng con. Cứ như thế chúng con được giới thiệu đến những Phường khác, len lỏi trong khắp khu phong tỏa, nhà trọ, người nghèo của thành phố Mỹ Tho này.

Đang khi những công việc chúng con làm có phần thuận lợi hơn khi tiếp cận từng hoàn cảnh cụ thể ở Mỹ Tho thì ngay lúc đó Sài Gòn đã đi vào chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn, người người cách ly, ca nhiễm tăng cao, giao thông bế tắc, hàng hóa nhất là nông sản không thể vận chuyển vào được. Khi đó nhiều nơi, nhiều cha sở tại Sài Gòn thấy những công việc đang làm của chúng con thì cũng nhanh chóng hối thúc xin hỗ trợ cho giáo dân, những người khó khăn tại xứ mình. Đứng trước cái đói đang đe dọa con cái mình, nhất là các trẻ nhỏ với cái tuổi thơ bé bỏng ấy làm sao chịu đựng nỗi những con đói, thiếu thốn, gương mặt xanh xao, và dường như người linh mục như người một cha đúng nghĩa, không thể ngồi yên hay đứng nhìn nhưng phải tìm mọi cách để giúp con cái mình.

Đến đây chúng con mới thấm thía câu nói của một cha giáo: “mọi cây cỏ, con người trong xứ của anh là trách nhiệm của linh mục”. Chính thực tại, tiếng kêu than ấy là động lực để chúng con hướng về Sài Gòn, nơi mà chúng con cũng từng mang ơn nghĩa khi được tương trợ xây cất những ngôi thánh đường ở quê hương. Thế là những chuyến xe nhu yếu phẩm có sự chung tay của các nơi: Mỹ Trung, Ba Giồng, Long Định 1, Long Định 2, Ngũ Hiệp, Thánh Phaolô… cứ tiếp đuôi nhau mỗi ngày để hỗ trợ cho những con người trên đó nhằm “giải khát" phần nào sự thiếu thốn mà họ gặp phải khi nguồn cung ứng ngưng trệ.

Công việc của chúng con là đi tìm, thu mua những nông sản để giúp phần nào cho bà con, bởi dịch bệnh mà nông sản làm ra bị ùn ứ, sản phẩm làm ra không bán được, thậm chí phải bỏ đi trong khi rau củ quả ở nơi cần lại quá đắc đỏ, không có để tiêu thụ. Chúng con tìm mua rau củ, trái cây và qua đó chúng con bắt gặp những tình người khác cũng hướng về Sài Gòn. Họ sẵn sàng cho biếu thêm, cũng như ra công vận chuyển để những chuyến hàng mau đầy ấp để chuyển đến những nơi đang chờ, đang mong mỏi.

Dịch bệnh mang đến biết bao tang thương nhưng qua đó cũng thấy tình người Việt Nam còn nhiều lắm, còn mặn nồng lắm. Trong cơn đại dịch, chúng con mới thấy dân tộc mình quá thương nhau như thế. Tuy nhiên, tại Sài Gòn các chỉ thị nghiêm ngặt cứ nối tiếp nhau, và tiếng “kêu cứu” giúp đỡ cứ ngày một nhiều hơn và khẩn thiết hơn khi Sài Gòn sắp phong tỏa. Và công việc tiếp tế vẫn diễn ra, nhưng không còn được như trước vì nhiều thủ tục và dịch bệnh đã lan ra khắp miền quê, lưu thông không còn được dễ dàng, các chợ đều đóng cửa… Tất cả các hoạt động, công việc nơi các tỉnh phía Nam cũng đều đi vào chỉ thị 16 cách lặng lẽ.

Trong hoàn cảnh ấy, giáo xứ chúng con cũng tổ chức nhiều đợt hỗ trợ cho các gia đình trong và ngoài giáo xứ, nhất là các khu phong tỏa bởi các chợ đã không còn hoạt động. Các lần phân phát thực phẩm đó cũng là cơ hội để chúng con đến với giáo dân, thăm hỏi sức khỏe và động viên nhau giữa bầu khí đại dịch hiu quạnh này. Có thể nói rằng không có gì quý hơn tình người trong lúc này, nhìn thấy những phần quà mọi người hăng hái trao cho nhau, mang đến tận cửa nhà đem lại tiếng cười và thấp lên hy vọng rồi đại dịch sẽ mau qua vì không có gì ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa cả. Chính trong niềm hy vọng ấy, chúng con, các gia đình luân phiên hiện diện trước nhan Chúa để cầu nguyện cho nhau, cho nhân loại chúng ta.

Cuối cùng, chúng con cũng không quên các ân nhân, những người đồng hành với chúng con đã cùng cộng tác lan tỏa sự yêu thương, giới răn của Chúa cách sống động hơn. Ước gì những sự liên đới ấy ngày càng thiết thực và nhịp nhàng hơn nữa bởi những việc chúng con làm mới dừng lại ở tính riêng lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết ở nhiều nơi. Hy vọng trong tương lai các Giáo phận có sự liên đới với nhau nhiều hơn nữa để nâng đỡ, tương trợ nhau cách thực tế hơn khi dịch bệnh còn bùng phát.