29/08/2019
3677
Gp. Mỹ Tho: 5 năm trong thời Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 














 

Linh mục Phêrô Phạm Bá Đương

Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Ngày 30 tháng 08 năm 2014 Giáo phận Mỹ Tho đã bước vào một giai đoạn mới. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhận nhiệm vụ Giám mục Chánh tòa Giáo phận Mỹ Tho, thay cho Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn.

Ngày 30 tháng 08 năm 2019 là kỷ niệm tròn 5 năm Đức Cha Phêrô phục vụ Giáo phận. Đây là dịp để nhìn lại những sinh hoạt của Giáo phận dưới sự dẫn dắt của Đức Cha Phêrô để nhận ra đâu là ưu tư mục vụ trọng tâm của ngài và những gì ngài đã thực hiện để thăng tiến Giáo phận hướng đến mục tiêu mục vụ mà ngài ưu tư.

I. ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ TRỌNG TÂM CHO GIÁO PHẬN

Ngay trong Thánh Lễ nhậm chức Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã bộc lộ ưu tư mục vụ chính yếu của ngài đối với Giáo phận. Ngài chọn “Thánh Lễ Cầu Cho Việc Rao Giảng Tin Mừng” để cử hành lễ tiếp nhận Giáo phận. Trong bài giảng, Đức Cha gợi lên một viễn ảnh về giáo phận, ngài nói cộng đoàn giáo phận phải trở nên “như một Giáo hội mở ra, một Giáo hội lên đường cho sứ vụ.”

Chỉ hai ngày sau khi nhận giáo phận, Đức Cha có dịp lần lượt dự tĩnh tâm hằng tháng với các linh mục trong từng tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Chia sẻ trong những buổi tĩnh tâm này, Đức Cha cho biết quan tâm hàng đầu của ngài là truyền giáo và coi đó là định hướng mục vụ của Giáo phận Mỹ Tho trong thời của ngài. Lý do là vì tỉ lệ người Công giáo trong địa bàn giáo phận còn quá thấp, chỉ khoảng 2,3%. Việc chọn lựa đường hướng mục vụ ngay từ ngày đầu nhận Giáo phận chứng tỏ Đức Cha đã am hiểu phần nào về hoàn cảnh của Giáo phận.

Định hướng này còn được Đức Cha nhắc lại nhiều lần trong các kỳ tĩnh tâm linh mục và những dịp mục vụ khác nhau. Tân Phúc Âm Hóa là chủ đề được chọn cho Tuần thường huấn linh mục Giáo phận vào tháng 11 năm 2014 và đó cũng là chủ đề của tuần Tĩnh tâm năm của các linh mục vào cuối tháng 01 năm 2015.

Việc chọn lựa đường hướng mục vụ này không chỉ dựa trên bối cảnh riêng của Giáo phận, nhưng với tầm nhìn rộng hơn, Đức Cha còn muốn Giáo phận hòa vào nhịp sống của Giáo hội Việt Nam và Giáo hội hoàn cầu. Cũng nên nhắc lại, Đức Cha được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Mỹ Tho vào thời điểm Giáo hội đang cổ võ công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Tại Việt Nam, trong Thư chung gởi cộng đồng dân Chúa vào năm 2013 với tựa đề “Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và Công Cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa”, Hội Đồng Giám mục cũng hiệp thông với Giáo hội hoàn cầu, kêu gọi cộng đồng dân Chúa nỗ lực thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam.

Nghĩ về phương cách truyền giáo

Trong thời Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, việc truyền giáo cũng đã là một trong những quan tâm hàng đầu. Nay Đức Cha Phêrô mong muốn các linh mục cùng suy nghĩ để tìm thêm những phương cách mới thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh của Giáo phận Mỹ Tho.

Ngoài những việc tông đồ chung của Giáo xứ và các hội đoàn, Đức Cha gợi ý cho các Cha Sở huấn luyện những giáo dân chuyên lo truyền giáo và thành lập những giáo điểm truyền giáo. Muốn truyền giáo hiệu quả, không thể kêu gọi chung chung nhưng phải có những người được chọn và được đào tạo để chuyên lo dấn thân truyền giáo. Cần tận dụng những cộng đoàn tín hữu nhỏ đang hiện diện đây đó trong Giáo phận, biến những nơi đó thành những điểm truyền giáo; đồng thời tìm lập những điểm truyền giáo mới. Đức Cha rất hiểu công việc này đòi hỏi sự tốn kém, vì thế ngài luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của ngài. Ngoài ra, Đức Cha cũng đề nghị lập quỹ truyền giáo lấy tên là Quỹ Truyền Giáo Đức Cha Anrê. Chọn đặt tên như thế là để nhớ đến Đức Cha Anrê, người đã quan tâm và dấn thân không mệt mõi cho việc loan truyền tình thương và lòng thương xót của Chúa.

Đức Cha Phêrô cũng lưu ý các linh mục rằng việc truyền giáo theo tinh thần Tân Phúc Âm Hóa không chỉ nhắm đến những người ngoài Kitô giáo mà còn phải quan tâm chăm sóc đức tin cho các tín hữu nữa.

Trước hết, các linh mục nên để ý đến khía cạnh giáo dục đức tin của phụng vụ; từ cách bày trí, xếp đặt cung thánh, cho đến cung cách cử hành phải thực hiện thế nào để giúp giáo dân ý thức được sự linh thánh của buổi phụng vụ và nơi thờ phượng. Cũng trong ý hướng này, Đức Cha khuyến khích, động viên và hỗ trợ các linh mục trùng tu hoặc xây mới những nhà thờ đã xuống cấp hoặc không còn đủ điều kiện phục vụ tốt cho cộng đoàn phụng vụ.

Ngài cũng nhắc các linh mục về tầm quan trọng của việc giảng lễ bởi vì bài giảng có ảnh hưởng nhiều đối với đời sống các tín hữu.

Thứ đến là quan tâm mục vụ đối với anh chị em tín hữu nguội lạnh hoặc lìa xa Giáo hội. Một trong những phương thế được Đức Cha quan tâm là tổ chức những cộng đoàn cơ bản để nâng đỡ đức tin cho nhau và liên đới với nhau trong tình bác ái.

Một cử chỉ khác biểu lộ sự quan tâm truyền giáo của Đức Cha là việc ngài gởi tặng mỗi gia đình một quyển “Lời Chúa trong Gia Đình” và một quyển “Đạo Yêu Thương”, với ý muốn mỗi gia đình giữ lại quyển “Lời Chúa trong gia đình” để đọc và cầu nguyện, còn quyển “Đạo Yêu Thương”, sau khi gia đình đã đọc qua thì đem tặng cho một người ngoài Kitô giáo như một phương thức giới thiệu đạo Chúa cho họ.

Tuy nhiên, việc thực hiện và hiệu quả của công cuộc truyền giáo tùy thuộc rất nhiều vào chính con người linh mục. Đức Cha nhận định, dù có phương cách và tổ chức tốt đến đâu mà không có những con người mới thì cũng sẽ chẳng được kết quả gì, do đó việc đào tạo linh mục và chủng sinh là mối bận tâm kế tiếp của ngài.

II. MỐI QUAN TÂM ĐỐI VỚI LINH MỤC VÀ CHỦNG SINH

CỦNG CỐ HÀNG LINH MỤC

Về đời sống thiêng liêng: Ngay trong những lần gặp gỡ đầu tiên với các linh mục, Đức Cha nhắc các linh mục lưu tâm kết hiệp với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và suy niệm Lời Chúa để được đổi mới từ bên trong bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Cần phải loại bỏ lối suy nghĩ và hành động theo kiểu thế gian, nhất là cám dỗ về tiền bạc.

Về mục vụ: Ngài cũng nhiều lần lưu ý các linh mục về nhiệm vụ giảng lễ. Bài giảng là dấu chỉ để nhận biết về đời sống của chính Linh mục, phải thể hiện tốt khả năng giáo huấn của người thầy và tình thương của người mẹ đối với cộng đoàn tín hữu, đồng thời phải phục vụ cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Cần phải tổ chức và cử hành phụng vụ chu đáo để giúp củng cố lòng đạo của giáo dân. Trong việc mục vụ, linh mục phải biết khiêm tốn nương tựa vào Chúa chứ đừng cậy dựa vào tiền của và những phương tiện thế gian.

Về khía cạnh tri thức: Trước hết, Đức Cha quan tâm đến việc tổ chức và chọn nội dung cho tuần thường huấn hằng năm của các linh mục. Thứ đến ngài nhắc nhở các cha quan tâm tự trao dồi kiến thức. Một trong những sách vở nên đọc là báo Hiệp Thông của Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Để khuyến khích cụ thể, mỗi năm Đức Cha tặng mỗi cha một quyển hoặc một bộ sách.

Để có nhân sự chuyên môn cho nhu cầu hiện tại và tương lai của Giáo phận, Đức Cha quan tâm chọn và gởi các linh mục đi du học. Trước đây, một trong những khó khăn trong công việc này là sự lệ thuộc vào học bổng, đôi khi muốn gởi linh mục đi học, nhưng lại không có học bổng. Để tránh tình trạng bị động như thế, Đức Cha đã hợp đồng với trường đại học uy tín để xin hỗ trợ một phần học bổng, phần còn lại giáo phận sẽ chi trả. Như vậy, giáo phận có thể gởi nhân sự đi học bất cứ khi nào miễn là chọn được người có khả năng.

Củng cố sự hiệp thông: Để tạo sự hiệp thông giữa các linh mục và để đáp ứng những nhu cầu mục vụ trong toàn Giáo phận, việc thuyên chuyển linh mục không giới hạn trong phạm vi riêng của mỗi tỉnh nhưng còn được mở rộng ra trong phạm vi toàn Giáo phận. Điều này còn nhằm giúp cho giáo dân tránh được những suy đoán sai lệch.

Một vài nguyên tắc liên quan đến tài sản: Các linh mục phải hết sức minh bạch về tiền bạc của cải. Trong dịp tĩnh tâm của Linh mục năm 2016, Đức Cha yêu cầu các linh mục khi đứng tên cho tài sản của Giáo xứ hoặc Giáo phận phải làm giấy xác nhận, ghi rõ mình chỉ đứng tên thay chứ không phải là chủ sở hữu những tài sản đó. Điều này là nhằm để tránh những khó khăn về sau.

Đức Cha cũng đòi buộc các linh mục, kể từ kỳ tĩnh tâm năm 2017, phải nộp di chúc cho Tòa Giám mục lưu giữ, để tránh những phiền toái khi hữu sự.

Cũng trong ý hướng trên, Đức Cha yêu cầu những giáo xứ có các tu sĩ phục vụ, thì các cha xứ phải lập sự thỏa thuận bằng giấy tờ rõ ràng để tránh những điều không hay và những gương xấu có thể xảy ra.

ĐÀO TẠO CHỦNG SINH

Do hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất nên chưa thể phân chia thành khu vực riêng biệt giữa Chủng viện dự bị và Trung tâm mục vụ. Sau khi quan sát chương trình đào tạo và điều kiện ăn ở của chủng sinh, ngày 20-11-2014 Đức Cha bàn thảo với các Cha trong Ban tư vấn. Buổi họp đi đến quyết định:

* Tái cấu trúc những tòa nhà có sẵn và xây dựng thêm những tòa nhà mới để tách biệt khu vực Trung Tâm mục vụ và khu vực Chủng viện dự bị.

* Tổ chức lại việc đào tạo chủng sinh, từ điều kiện thi đầu vào, thời gian học, nội dung chương trình giảng dạy cho đến Ban đào tạo.



 

III. MỤC VỤ CHO CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA

TRÙNG TU VÀ XÂY THÊM NHÀ CHO TRUNG TÂM MỤC VỤ

Ngay trong những tuần đầu tiên sau khi về Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô đã nêu ra ý định trùng tu và tổ chức lại Trung tâm mục vụ. Là một Giám mục có học vị tiến sĩ về Thần học Mục vụ, từng làm Giám đốc Trung tâm mục vụ của Tổng Giáo phận Sài Gòn nên ngài rất quan tâm đến Trung tâm mục vụ, coi đó là trung tâm thúc đẩy mọi sinh hoạt của Giáo phận.

Công trình trùng tu và xây dựng Trung tâm Mục vụ Giáo phận được khởi công ngày 01.04.2015 và khánh thành ngày 13.05.2017. Trong đó bao gồm nhiều hạng mục: Tòa nhà Chủng viện dự bị Gioan XXIII, nhà Hưu dưỡng cho các linh mục, Lễ đài Lòng Chúa Thương Xót, và các tòa nhà mục vụ. Với công trình này, Trung tâm mục vụ có thể tổ chức các cuộc lễ, các khóa huấn luyện và các sinh hoạt khác của Giáo phận được tốt đẹp hơn và diễn ra thường xuyên hơn, đúng với chức năng và ý nghĩa của một Trung tâm Mục vụ. Cách riêng, nơi lễ đài Lòng Chúa Thương Xót, nhiều tín hữu đến cầu nguyện hằng ngày và tham dự Thánh Lễ vào mỗi thứ sáu hằng tuần, đặc biệt là thứ sáu đầu tháng.



Cũng chính nhờ công trình trùng tu này mà lần đầu tiên Giáo phận Mỹ Tho có đủ điều kiện và đã được vinh dự tiếp đón Hội Đồng Giám mục Việt Nam đến tổ chức hội nghị thường niên kỳ II năm 2018.







CÁC BAN MỤC VỤ

Nhằm đảm bảo cho sự tiếp nối và tính liên tục trong sinh hoạt của mỗi Ban và để xác định rõ đường hướng sinh hoạt của Ban, ngay từ lần họp mặt đầu tiên, Đức Cha đã yêu cầu mỗi trưởng Ban soạn ra quy chế rõ ràng cho Ban của mình. 

Sau một thời gian quan sát, năm 2018 Đức Cha thực hiện việc phân nhiệm lại để sinh hoạt của các Ban sinh động và hiệu quả hơn. Những linh mục gánh vác nhiều chức vụ đã được giảm bớt để các vị ấy có thể tập trung chu toàn nhiệm vụ của mình tốt hơn. Những trưởng Ban không thích hợp với nhiệm vụ được giao cũng được thay đổi để sinh hoạt của Ban đạt hiệu quả hơn.

MỤC VỤ CHO CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU

Chăm sóc đời sống đức tin

Ngoài việc viếng thăm mục vụ và ban các Bí tích cho các tín hữu tại các giáo xứ, mỗi thứ sáu đầu tháng, Đức Cha dâng Thánh Lễ tại Lễ đài Lòng Chúa thương xót. Đây là dịp để ngài hướng dẫn và khích lệ đời sống đức tin của các tín hữu. Là thành viên của Quốc vụ Viện Truyền thông của Tòa Thánh, Đức Cha còn tận dụng phương tiện truyền thông để loan truyền Tin Mừng. Với những “Câu chuyện cuối tuần”, Đức Cha giúp cho mọi người hiểu biết hơn về Kinh Thánh, về Giáo hội, và có cái nhìn đúng hơn về các sự kiện liên quan đến Giáo hội.

Với mối quan tâm đối với mô hình Giáo hội hiệp thông và tham gia, Đức Cha luôn có mặt với các khóa huấn luyện các hội đoàn và các giới để dâng Thánh Lễ cầu nguyện và động viên họ tích cực cộng tác với các cha xứ và hăng say trong các việc tông đồ.

Quan tâm đến đời sống hằng ngày

Những dịp viếng thăm các giáo xứ, Đức Cha luôn để tâm quan sát hoàn cảnh sống của người dân. Ngài khuyên nhủ các linh mục sống giản dị và gần gũi với người nghèo. Nhờ sáng kiến, sự hỗ trợ và lời kêu gọi của Đức Cha, Caritas của Giáo phận đã thành lập được khu Nhà Dưỡng Lão để phục vụ cho những cụ già neo đơn.

Mở ra con đường cho tương lai: Giáo dục

Ưu tư đối với đời sống người dân còn nhiều cơ cực, Đức Cha mong muốn thăng tiến đời sống của họ trong tương lai bằng sự khuyến khích thế hệ trẻ học hành. Ngoài việc kêu gọi Ban Bác Ái Xã Hội của Giáo phận và các linh mục quan tâm khích lệ các em học tập, Đức Cha còn mong muốn lập Quỹ học bổng Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện để hỗ trợ các sinh viên học sinh nghèo. Việc chọn tên học bổng này là để nhớ đến Đức Cha Giuse, một người trí thức, từng là viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt trước khi trở thành Giám mục tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Ngoài ra, Đức Cha Phêrô cũng dự định sớm thành lập lưu xá cho các em sinh viên đến học tại Thành phố Mỹ Tho.

Sống giữa thời đại mà giới trẻ chỉ thích xem những tin ngắn và những tin ảnh trên mạng, đánh mất khả năng đọc sách, Đức Cha khuyến khích các cha sở lập phòng đọc sách cho thiếu nhi trong giáo xứ để giúp các làm quen với việc đọc sách và trao dồi hiểu biết.

IV. HY VỌNG HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Nhìn chung, trong 5 năm đầu tiên dưới thời Đức Cha Phêrô, Giáo phận Mỹ Tho đã xây dựng được các cơ sở vật chất quan trọng như Trung tâm Mục vụ, Chủng viện dự bị Gioan XXIII, Nhà hưu dưỡng cho các linh mục và nhiều Nhà thờ được xây mới. Ngoài ra còn phải kể đến khu Nhà dưỡng lão cho các người già neo đơn. Những cơ sở này, là một sự chuẩn bị cần thiết để Giáo phận khởi động và phát triển các sinh hoạt khác. Bên cạnh đó, các Ban cũng mới được thay đổi nhân sự. Có thể nói, 5 năm đầu là thời gian chuẩn bị những điều kiện thiết yếu cho sinh hoạt và sự phát triển Giáo phận. Công việc này đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời giờ, tài chánh và công sức.

Hiện tại, các sinh hoạt ở Trung tâm Mục vụ đã khởi sắc và đi vào nề nếp. Rõ nét nhất là việc đào tạo chủng sinh đã được tổ chức bài bản hơn và đạt hiệu quả khá tốt. Bên cạnh đó là những cuộc hành hương của các tín hữu nơi Lễ đài Lòng Chúa Thương Xót.

Tuy nhiên đây chỉ là những kết quả khởi đầu. Hy vọng với những nền tảng đã được chuẩn bị trong 5 năm đầu, thời gian tới, khi đã giảm bớt những chi phối bởi việc xây dựng cơ sở vật chất, Giáo phận sẽ bước vào một giai đoạn phát triển thật tốt đẹp.