17/09/2013
26701

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu:  Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý:  Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin cộng đoàn

3. Một điểm thực hành:  Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết:  Cử hành Niềm Tin

 

BÀI 38: BÍ TÍCH THÊM SỨC

GLHTCG: 1285-1321; BTY: 266-270

"Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri"  (Cv 19,6).

 

1. MỞ ĐẦU

1.1 Phút thánh hóa

Hát: Thánh Thần khấn xin ngự đến

Cầu nguyện đầu giờ: Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chúng con tin Chúa đang hiện diện nơi đây giữa chúng con. Nguyện xin Cha ban Thánh Thần ngự đến trong tâm trí mỗi chúng con đây, để chúng con có thể lắng nghe và thấu hiểu Lời Chúa dạy mỗi ngày một sâu xa hơn. Amen!

1.2 Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu

Ôn bài cũ:

- Bí tích Rửa Tội là gì? Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để làm cho chúng ta được sinh lại trong đời sống mới bởi nước và Thánh Thần.

- Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn nào? Bốn ơn này: được tha tội tổ tông và các tội riêng đã phạm, được làm con cái Thiên Chúa, được tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh và được ghi vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa được.

Giới thiệu chủ đề:   Bí tích Thêm Sức

Câu chuyện:  CHIM BỒ CÂU

Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:

- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.

- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.

- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng.

Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ trẻ trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ trẻ chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa. (Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”).

Qua câu chuyện trên chúng ta nhận thấy Chúa Thánh Thần - chim bồ câu - không ngừng hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai thì người đó được biến đổi cuộc sống nên tốt hơn.

Nội dung chính:  Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thêm Sức, để ban cho ta tràn đầy Chúa Thánh Thần, giúp tăng cường đời sống mới con cái Thiên Chúa cách trưởng thành trong đức tin, sống và làm chứng nhân cho Chúa trong Hội Thánh.

Những vấn đề cần tìm hiểu:

- Bí tích Thêm Sức là gì?

- Ai có quyền ban và nhận? Nghi thức ra sao?

- Hiệu quả của bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn gì?

- Bổn phận phải làm trước và sau khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là gì?

 

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

2.1 Bí tích Thêm Sức  là gì?

Thảo luận:

Thông thường, khi muốn gia tăng sức khỏe thể chất thì người ta thường làm gì? Tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng. Trong đó xem ra hiệu quả nhanh nhất là uống hay chích thuốc bổ nhằm cung cấp thêm vitamin “tăng lực” cho cơ thể.

Về sức khỏe tinh thần hay tâm lý thì sao? Người ta cần đến các chuyên viên hay bác sĩ tâm lý để chỉ dẫn các cách thức luyện tập giúp cho tinh thần minh mẫn, tâm lý quân bình và hài hòa.

Cũng tương tự như vậy, về mặt tâm linh – đời sống tương quan của con người với các Thánh và với Thiên Chúa, con người cần bổ sung vitamin “tăng lực” cho linh hồn mình bằng cách nào? Bằng ơn Chúa qua đời sống các Bí tích. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa với ơn thánh hóa. Thế nhưng ơn thánh hóa, hay nói cách khác, sự sống Thiên Chúa nơi chúng ta cũng cần phải được tăng trưởng, cũng cần phải được lớn lên.

Trong Sách Tin Mừng, không cho biết rõ Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thêm sức vào lúc nào, nhưng vào ngày thứ năm tuần thánh trong bữa tiệc ly, chính Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần xuống trên các Tông đồ. Và sau ngày sống lại Ngài đã hiện ra và thổi hơi ban Thánh Thần cùng với việc sai đi rao giảng (x. Ga 20,21). Đặc biệt lời hứa của Chúa Giêsu đã được thực hiện và Bí tích Thêm sức đã được trao ban cách lạ lùng trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Sách tông đồ công vụ kể lại: Bấy giờ thánh Phaolô hỏi những người Êphêsô: Các ông đã chịu lấy thứ thanh tẩy nào? Họ đáp: Thanh tẩy của Gioan. Thánh Phaolô bèn cắt nghĩa: Thứ thanh tẩy của Gioan là thứ thanh tẩy sám hối. Chính Gioan cũng đã dạy dân chúng phải tin vào Ðấng đến sau ông là Ðức Giêsu. Nghe vậy, họ liền xin chịu thanh tẩy nhân danh Chúa Giêsu. Và khi thánh Phaolô đặt tay trên họ, Chúa Thánh Thần liền đến với họ, tất cả chừng 12 người được ơn nói tiên tri và ơn nói nhiều thứ tiếng khác nhau. (x Cv 19,1-7).

Như vậy, Thánh kinh đã cho chúng ta biết rõ ý định của Chúa Giêsu muốn ban Thánh Thần cho các tông đồ, rồi đến lượt các tông đồ, cũng đã đặt tay thông ban Chúa Thánh Thần cho các tín hữu.

Đúc kết:  Bí tích Thêm Sức là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để ban tràn đầy Chúa Thánh Thần, hầu giúp ta sống ơn bí tích Rửa Tội cách mạnh mẽ và hoàn hảo hơn. Chúa Thánh Thần hoạt động củng cố và tăng cường ơn thánh hóa, giúp tăng trưởng đời sống đức tin, đức cậy và đức mến là nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp đổi mới con người và làm lớn mạnh đời sống tâm linh.

2.2 Ai có quyền ban và nhận? Nghi thức ra sao?

a) Ai có quyền ban và nhận bí tích Thêm sức?

Bình thường, chỉ các Đức Giám mục là những vị chủ chăn, kế vị các thánh Tông đồ mới có quyền ban bí tích Thêm sức. Như trong Kinh Thánh, khi Philippê rao giảng cho dân Samaria trở lại, ông chỉ rửa tội cho họ mà thôi. Còn bí tích Thêm sức thì phải đợi hai thánh Phêrô và Gioan tông đồ xuống ban:

Các Tông Ðồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần   (Cv 8, 14-17).

Ngoài ra, những linh mục nào được ủy quyền có thể ban bí tích Thêm Sức hoặc khi linh mục Rửa Tội cho người lớn thì được quyền ban bí tích Thêm Sức ngay sau đó. Và bất kỳ linh mục nào cũng có quyền ban bí tích Thêm Sức cho người Kitô hữu đang hấp hối mà chưa nhận phép Thêm Sức.

Trẻ em trong trường hợp nguy tử hoặc đến tuổi khôn (biết phán đoán) được quyền lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Như thế người lớn khi lãnh nhận bí tích Rửa tội thì phải được lãnh nhận ngay bí tích Thêm Sức theo nghi thức khai tâm Kitô giáo.

Đúc kết:  Như vậy tất cả những ai đã nhận bí tích Rửa Tội đều có thể và phải nhận bí tích Thêm Sức và chỉ một lần duy nhất do Giám mục hoặc Linh mục đại diện ban.

b) Nghi thức ban bí tích Thêm Sức ra sao?

Lời Chúa:

- Các tông đồ ở Giêrusalem... cử ông Phêrô và Gioan đến, “hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8,17).

- “Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ”   (Cv 19,5-6).

Đúc kết:   Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là việc xức dầu thánh trên trán người đã nhận bí tích Rửa Tội, cùng với việc đặt tay trên đầu và đọc lời này: «Hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần».

2.3 Hiệu quả của bí tích Thêm Sức:

Câu chuyện:  Làm chứng nhân

“Độc-Nha” là một Kitô hữu tân tòng ở đảo New Guinea. Mỗi ngày Độc-Nha bỏ ra một ít thời giờ để đọc sách Tin Mừng cho những người đến xin chữa bệnh tại phòng đợi của bệnh viện ở địa phương. Một ngày kia, Độc-Nha không đọc nổi nữa. Ông đến gặp bác sĩ của bệnh viện. Bác sĩ khám mắt ông và báo cho ông một tin buồn: ông sắp bị mù.

Thế là, người ta không thấy Độc-Nha đâu nữa… Sau một thời gian Ông trở lại và giải thích với bác sĩ như sau:

“Từ khi bác sĩ bảo tôi sắp mù, tôi đã đọc và học thuộc lòng những phần quan trọng nhất của sách Tin Mừng. Tôi đã thuộc lòng đoạn thuật về Chúa Giêsu giáng sinh, những phép lạ và dụ ngôn quan trọng, sự chết và sống lại của Ngài. Tôi đã lập đi lập lại nhiều lần để chắc chắn là mình đã thuộc nằm lòng. Bác sĩ ạ, giờ đây tôi vui sướng trở lại bệnh viện, để kể cho bệnh nhân nghe về Chúa Giêsu!”.

Thảo luận:

“Độc-Nha” là một Kitô hữu hăng say loan báo Tin Mừng bằng cách đọc Tin Mừng cho bệnh nhân nghe. Khi sắp bị mù ông vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng bằng cách học thuộc lòng Tin Mừng và “kể Tin Mừng” cho người khác nghe. Nhờ đâu mà ông có “sáng kiến” đó?

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII cũng vậy. Khi mới được bầu làm Giáo hoàng, Ngài là một cụ già “nhà quê” 77 tuổi. Ai cũng cho là một “Giáo hoàng giao thời”. Nhưng ai ngờ trong triều đại chỉ 5 năm, con người ấy đã có sáng kiến mở cửa và đổi mới Giáo hội bằng chính sách “cập nhật hóa” khi triệu tập Công đồng Vatican II, để từ đó Giáo Hội bắt gặp đà tiến triển của thời đại văn minh.

Tất cả sáng kiến trên là nhờ ơn Chúa Thánh Thần - Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ,Thần Chân Lý: “Khi ngài đến, vì là Thánh Thần Chân Lý, Ngài sẽ hướng dẫn chúng con đến chân lý trọn vẹn" (Ga 16,13).

Những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thêm sức – lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần sẽ trở thành chứng nhân của Thiên Chúa: Khi Ðấng bảo trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai xuống với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thánh Thần Sự Thật, phát xuất từ Chúa Cha, Nguời sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Ga 16,26). Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Chúa thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần (Ga 20,21).

Đúc kết:  Hiệu quả của bí tích Thêm Sức là việc ghi ấn tín không thể tẩy xóa và gia tăng ân sủng bí tích Rửa Tội. Nghĩa làgiúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa; được kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô và Hội Thánh; được thêm các ơn Chúa Thánh Thần; được thêm sức mạnh để làm chứng và bảo vệ đức tin.

2.4 Cần phải làm gì trước và sau khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức?

Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải hiểu biết giáo lý, phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội.

“Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an”   (Rm 8,5-6).

Khi lãnh bí tích Rửa tội, cần có người đỡ đầu để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng. Cũng nên chọn người đỡ đầu Rửa Tội làm cha mẹ đỡ đầu Thêm Sức để thể hiện sự liên kết thống nhất giữa hai Bí tích này.

Khi đã được ơn Chúa Thánh Thần, người lãnh bí tích Thêm Sức có ba bổn phận: nỗ lực thi hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng, và tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người.

2.5 Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa, chúng con là con cái Chúa. Chúng con tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chúng con lại thường quên lãng Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.

 

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

3.1 Sinh hoạt giáo lý

Băng reo:    CHÚA THÁNH THẦN

- NĐK: Chúa Thánh Thần. TC: Ở trong ta. (hai tay đặt lên ngực).

- NĐK: Chúa Thánh Thần. TC: Đổi mới ta. (hai tay vung ra hai bên.)

- NĐK: Chúa Thánh Thần. TC: Ở giữa ta. Ah! (hai tay vung cao, nhảy lên).

Bài hát:   BẢY ƠN ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

Xin Chúa Thánh Thần, Ngài ban ơn Chúa trên em.
Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu,
Ơn thông minh, ơn sức mạnh và ơn đạo đức,
Ơn biết kính yêu Thiên Chúa là Cha nhân từ.

3.2 Bài học ghi nhớ

1) Bí tích Thêm Sức là gì?

Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để ban tràn đầy Chúa Thánh Thần, hầu giúp ta sống ơn bí tích Rửa Tội cách mạnh mẽ và hoàn hảo hơn. [266]

2) Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là gì?

Là việc xức dầu thánh trên trán người đã nhận bí tích Rửa Tội, cùng với việc đặt tay trên đầu và đọc rằng «Hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần». [267]

3) Hiệu quả của bí tích Thêm Sức là gì?

Là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần trên người lãnh bí tích, nhờ đó họ được ghi ấn tín không thể tẩy xóa và gia tăng ân sủng bí tích Rửa Tội. [269]

4) Việc gia tăng ân sủng bí tích Rửa Tội nghĩa là gì?

Là giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa; được kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô và Hội Thánh; được thêm các ơn Chúa Thánh Thần; được thêm sức mạnh để làm chứng và bảo vệ đức tin. [268]

5) Ai có thể lãnh bí tích Thêm Sức?

Tất cả những ai đã lãnh bí tích Rửa Tội đều có thể và phải lãnh bí tích Thêm Sức. [269]

6) Người muốn lãnh bí tích Thêm Sức cần phải làm gì?

Người lãnh bí tích Thêm Sức phải làm những điều này:

- một là phải sạch tội trọng,

- hai là phải học giáo lý, nhất là về bí tích Thêm Sức,

- ba là cầu nguyện sốt sắng và thật lòng ước ao lãnh nhận Chúa Thánh Thần. [GLHTCG 1309-1310; 1319]

7) Ai là thừa tác viên của bí tích Thêm Sức?

Thừa tác viên của bí tích Thêm Sức thông thường là Giám mục và những linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ linh mục nào cũng đều có nhiệm vụ ban bí tích này. [270; GL 883, 3]

8) Người lãnh bí tích Thêm Sức có những bổn phận nào?

Có những bổn phận này:

- một là nỗ lực thi hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày,

- hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng,

- ba là tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người. [SGLC 1319; 1285; 1316; Cha Võ Tá Khánh]

 

4. CẦU NGUYỆN KẾT

- Cảm nghiệm mới:

Chính CTT là nước thánh tẩy đời con, là lửa cháy lên tình yêu Chúa và là ánh sáng đức tin soi sáng lối con đi, là tình yêu làm cho con có năng lực mới để có thể phục vụ. CTT   đã ban cho con sức sống mới trong địa vị làm con Chúa và mời gọi con tích cực xây dựng Giáo hội, cũng như can đảm làm chứng cho Chúa giữa lòng cuộc đời.

Lạy Chúa CTT, xin giúp con đừng để ơn Chúa trở nên vô hiệu, nhưng con phải biết cộng tác với ơn Chúa, sống hữu ích hơn cho tha nhân, cho Giáo hội và xã hội. Amen.

- Quyết tâm sống:  Quyết tâm sống vâng phục Chúa Thánh Thần bằng cách từ bỏ một thói xấu. Đồng thời tập nói về Chúa cho một người ngoại đạo.

 

Ban Giáo lý Giáo phận