08/08/2013
2711

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

 1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

 

Bài 35: SỰ ĐA DẠNG CỦA PHỤNG VỤ,

SỰ DUY NHẤT CỦA MẦU NHIỆM

  GLHTCG: 1200-1209 ; BTY: 247-249

 

“Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13).

 

1. MỞ ĐẦU

1.1 Phút thánh hóa

Hát kinh:  Xin Ngôi Ba Thiên Chúa (hoặc một bài thích hợp).

1.2 Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu

- Ôn bài cũ: Ở bài trước chúng ta tìm hiểu về việc cử hành phụng vụ. Vậy bạn có phân biệt đâu là hành vi phụng vụ và đâu là các giờ đạo đức không?

Phụng vụ là hành vi tôn thờ Thiên Chúa một cách chính thức của Hội thánh nhờ, trong và qua Đức Kitô. Ngài chính thức hành động cùng với Hội thánh là Nhiệm thể của Người.

- Giới thiệu chủ đề:

Câu chuyện minh họa: “Những hình ảnh” (Bông lúa vàng, trg. 108)

1) Một cha sở thấy trong họ đạo có một người rất chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng bỗng thấy vắng hẳn ông một thời gian. Cha sở tới gặp thấy ông đang ngồi cạnh lò sưởi. Không nói gì, Cha lẳng lặng gắp ra một cục than hồng để trên tảng đá, hồi lâu than tàn dần, người kia bèn cất tiếng phá vỡ bầu khí nặng nề: - Thưa Cha, Cha khỏi cần phải nói lời nào hết, ngày mai con sẽ đi dự lễ như mọi khi… Than hồng một mình sẽ tàn lụi dần, nhưng nếu ở cùng chung với các than trong lò, nó sẽ sáng hồng và nóng mãi.

2) Nếu ta hỏi chiếc lá cây: “Một mình có đầy đủ không?” Nó sẽ trả lời: “Không, đời sống của tôi ở cành cây cơ!” – Nếu ta hỏi cây thì sẽ được trả lời: “Sức sống của tôi ở rễ cây!” – Nếu ta hỏi rễ cây thì nó sẽ trả lời: “Không, sức sống của tôi thì ở trong thân cây, lá cây: nếu ngắt các bạn tôi đi, tôi sẽ chết”.

Các em thân mến, những hình ảnh trên đây giúp ta liên tưởng đến đời sống hiệp thông trong Hội Thánh: mọi người đều liên đới và gắn bó mật thiết với nhau trong Chúa Ki-tô.

Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa (1 Cr 12,13):

“Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”. 

Đó là Lời Chúa/ Tạ ơn Chúa.

Thánh Phao-lô viết thư này để huấn dụ các tín hữu: mỗi người nhờ Phép Rửa đã trở nên con cái của Hội Thánh, được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, và mọi người được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần.    

Giáo hội của Đức Kitô, được tuyên xưng là công giáo trong kinh tin kính, là chính Giáo hội phổ quát, nghĩa là cộng đoàn của các môn đệ Chúa trong toàn cầu, nhưng lại trở thành hiện diện ngay giữa những bối cảnh đa dạng của những nhóm, những thời đại và nơi chốn khác nhau. Ngay từ thời các Tông đồ đã thấy có những danh xưng các Giáo hội, các Giáo hội này đều được thiết lập “theo hình ảnh Giáo hội phổ quát”,và mỗi Giáo hội là “một phần của dân Thiên Chúa”.

Tính phổ quát của Giáo hội một mặt làm nảy sinh nên một mối hiệp nhất vững chắc nhất, và mặt khác lại đưa đến tình trạng đa phức và đa dạng: tình trạng này không những không gây trở ngại cho sự hiệp nhất, mà ngược lại còn giúp cho hiệp nhất có được tính chất hiệp thông nữa.Tình trạng đa phức này là hệ quả đi kèm theo thực tại đa dạng gặp thấy hoặc là nơi các tác vụ, các đoàn sủng, các lối sống ở trong mỗi Giáo hội địa phương, hoặc là nơi những truyền thống phụng vụ cũng như văn hóa khác nhau giữa các Giáo hội địa phương.

-  Nội dung chính:  Những gì liên quan đến Giáo hội, việc làm của Đức Kitô điều là mầu nhiệm khôn tả. Ví như một cái lá hỏi sự sống của nó ở đâu, chắc chắn sự sống của nó không ở nơi chính nó, hay cái rể của cây cũng khổng thể có sự sống từ chính mình nó riêng rẽ. Mầu nhiệm Chúa Kitô cử hành qua phụng vụ cũng vậy, không thể được coi là của một Giáo hội địa phương nhưng là của toàn thể Giáo hội phổ quát. Nên Phụng vụ thì đa dạng, có nhiều cách thế diễn tả cho cùng một mầu nhiệm là chính Đức Kitô, Ngài là đầu và chi thể là Hội Thánh.

- Những vấn đề cần tìm hiểu:  Tại sao có sự đa dạng của Phụng vụ? Làm sao bảo đảm sự duy nhất khi có nhiều sự khác biệt này? Có phần nào không thể thay đổi và phần nào Hội thánh có thể thay đổi được?

 

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

2.1 Sự đa dạng của phụng vụ

Thảo luận:

Cùng suy nghĩ, nhận xét về những khác biệt nơi các loài vật, nơi con người nam-nữ, sự phân công công việc trong gia đình…? Sự khác biệt đó có ý nghĩa gì?

Đúc kết:  Trong cuộc sống chúng ta luôn bắt gặp sự khác biệt ở khắp nơi. Sự khác nhau giữa các bộ phận trên cơ thể, sự khác nhau của các giống - loài, sự khác nhau của các nền văn hóa, nhận thức, tình cảm. Sở dĩ có sự khác nhau đó cho ta thấy rằng thế giới này đa dạng, phong phú khôn lường. Nhưng nếu sự khác biệt này không hướng đến việc bổ túc, kiện toàn cho nhau thì tất sẽ bị phân rẽ và hủy diệt. Ví dụ trên một chiếc xe: tay ga và cái thắng là khác biệt nhau, nhưng chúng lại cần nhau. Người lái xe là người biết kết hợp và điều chỉnh hai bộ phận này một cách thuần thục.

Cũng vậy, trong Phụng vụ của Hội thánh có sự đa dạng của những   truyền thống phụng vụ, hay còn gọi là    gia đình phụng vụ. Mỗi gia đình phụng vụ của các dân tộc trên thế giới, nhìn bên ngoài, sẽ biểu hiện cách tôn thờ Thiên Chúa một cách khác nhau với những nghi lễ riêng. Điều này cho thấy mầu nhiệm Chúa Kitô thật sâu thẳm, khôn dò khôn thấu, và con người chỉ có thể cảm nghiệm và thể hiện ra bên ngoài cách tiệm tiến. Không có một nền phụng vụ nào có thể diễn tả trọn vẹn, nhưng mỗi nền phụng vụ góp phần và bổ túc cho nhau để diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô thêm sáng tỏ hơn.

Hiện chúng ta tại Việt Nam đang ở trong nền phụng vụ thuộc nghi lễ Rôma, bên cạnh đó chúng ta có các nền phụng vụ thuộc nghi lễ Đông Phương như: Byzantin, Alêxanriô, hay Côtô, Syrianô, Armêniô, Marônitô và Canđêô.

2.2 Sự duy nhất của mầu nhiệm

Thảo luận: Tại sao chúng ta cần đến sự thống nhất hay duy nhất? Nếu cơ thể con người không có sự duy nhất thì cơ thể đó sẽ ra sao? Để có một cơ thể sống động thì cơ thể đó phải như thế nào?

Đúc kết: Nơi nào có sự khác biệt thì nơi đó cần đến sự duy nhất, nếu không sự khác biệt sẽ làm mất đi khả năng bổ túc và gây hại cho nhau. Nếu trong một cơ thể mà thiếu sự duy nhất thì cơ thể đó đang mang dấu hiệu của sự chết. Vì khi chết các bộ phận trong cơ thể sẽ bị phân rã, không còn liên kết với nhau. Còn ngược lại, cơ thể có sức sống dồi dào chính là đang biểu hiện tính hiệp thông duy nhất giữa các bộ phận cách chặt chẽ.

Cũng vậy, mầu nhiệm Chúa Kitô là Đầu mà Hội thánh là nhiệm thể của Ngài là yếu tố nền tảng để bảo đảm sự duy nhất của Phụng vụ. Dấu chỉ để ta biết nền phụng vụ có tính duy nhất là ở chỗ nó phải biểu hiện sự trung thành với truyền thống Tông đồ, nghĩa là hiệp thông trong đức tin và đời sống bí tích do các Tông đồ truyền lại. Sự hiệp thông là bảo đảm của sự liên kết và hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô.

2.3 Những yếu tố có thể thay đổi trong phụng vụ Hội thánh là những yếu tố nào?

Thảo luận: Chính quyền cấp xã, huyện có quyền thay đổi luật do cấp trung ương đề ra không? Nhưng họ có quyền làm cho luật đó phù hợp và hữu ích hơn với địa phương mình hay không?

Ở cấp dưới không có thẩm quyền để sửa đổi luật ở trên ban ra, nhưng có quyền làm cho nó phù hợp hơn với hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình.

Đúc kết: Cũng vậy trong phụng vụ Hội thánh, những gì do Chúa thiết lập thì Hội thánh phải gìn giữ và không thể thay đổi được. Còn những gì thuộc về văn hóa, thì trong thẩm quyền của Hội thánh địa phương, Hội thánh có bổn phận thích nghi và làm cho nó ngày một thêm hữu hiệu hơn.

2.4 Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa, qua các Tông đồ Chúa đã để lại cho chúng con một kho tàng đức tin, xin cho chúng con biết diễn tả đức tin đó một cách phong phú nơi đời sống bằng trọn cả con người. Nhờ đó cuộc đời chúng con như một bài ca cảm tạ về tình yêu vô bờ bến của Chúa, hầu những người xung quanh con có thể nhận ra Chúa và mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Người. Amen!

 

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

3.1 Sinh hoạt giáo lý

a. Trò chơi Thánh Kinh: “Người câm nói được”

- Hướng dẫn: Chia làm nhiều đội, phù hợp với thời gian sinh hoạt. Mỗi đội bí mật chọn một câu Lời Chúa.

- Luật chơi: Từng đội lần lượt lên trình bày câu Lời Chúa mình chọn, nhưng không được dùng lời nói, chỉ diễn tả bằng cử điệu, động tác. Đội nào trình bày Lời Chúa nhanh, dễ hiểu sẽ thắng. Thời gian giữa các đội ấn định như nhau.

b. Hát và múa bài: “Tâm Điểm Yêu Thương”

Người nhóm này, người nhóm kia, người Do Thái, người Hy Lạp, người từ hướng đông, người từ hướng tây, người dù da trắng hay da màu. Đều có chung một Chúa là Cha, chúng ta cùng sống tình anh em, cùng chia sẻ hạnh phúc Nước trời, trong tình yêu Chúa ta yêu mến nhau…

Người thời trước, người thời sau, người trí thức, người bình dân, người sống đời tu, người sống đời thường, dù là nữ hay là nam. Đều được gọi mời sống chứng nhân tình yêu, tháp hòa vào đời những thiện ý thiện tâm. Trở nên muối men trở nên ánh sáng, giúp nhau nhận ra tình Chúa trong tình người.

Tạ ơn Chúa đã trao ban niềm tin, niềm tin đó hòa đất với trời. Tạ ơn Chúa đã trao bao tình yêu, tình yêu kết hiệp người với người.

3.2 Bài học ghi nhớ

1) Tại sao mầu nhiệm Đức Kitô là duy nhất lại được cử hành theo nhiều truyền thống Phụng vụ khác nhau?

Vì mầu nhiệm Đức Kitô phong phú khôn lường, nên ngay từ đầu, sự phong phú này đã được thể hiện nơi các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. [247]

2) Tiêu chuẩn nào bảo đảm cho tính duy nhất trong sự đa dạng này?

Tiêu chuẩn bảo đảm cho tính duy nhất trong sự đa dạng này là sự trung thành với Truyền thống Tông đồ. [248]

3) Trong phụng vụ, Hội thánh có thể thay đổi những yếu tố nào?

Trong Phụng vụ, Hội thánh không thể thay đổi những yếu tố do Thiên Chúa thiết lập, nhưng có thể thay đổi những yếu tố cần thích nghi với các nền văn hóa. [249]

 

4. CẦU NGUYỆN KẾT

- Cảm nghiệm mới: Tôi cảm thấy vui sướng mỗi khi tham gia các nghi thức phụng vụ bởi vì đây là hành vi của toàn thể Hội thánh cùng với Đức Giêsu là Đầu của Hội thánh dâng lên Thiên Chúa, để qua đó Chúa thực hiện ơn cứu độ trên tôi.

- Quyết tâm sống: Tôi sẽ tham dự Thánh Lễ sốt sắng và siêng năng lãnh nhận các bí tích như thái độ của người vừa khám phá ra một kho tàng.

 

  Ban Giáo lý Giáo phận