BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Những ngày cuối tháng 7/2021
Sáng ngày 22/7/2021 Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) tiến hành đợt tiêm chủng thứ 5, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng tốc đáng lo ngại: 43.776 (từ ngày 27/4/2021) trên tổng số ca cả nước 67.442.[1] Hơn 10 ngày nay, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở TP HCM luôn ở mức 4 con số, có ngày xấp xỉ năm ngàn. Bầu khí lo lắng và căng thẳng bao trùm cả nước, cách riêng tại TP HCM. Nhiều bài nói chuyện, bài viết của chính quyền lẫn các chuyên gia nhiều lãnh vực khác nhau, y khoa, kinh tế, thể lý, tâm lý, tâm linh… đã được truyền thông phổ biến rộng rãi. Bài viết này chỉ là vài điều tản mạn y khoa, hy vọng giúp người dân có dịp nắm rõ vài điều cơ bản giúp ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
I. Những người có bệnh quan trọng, không phải COVID-19, phải theo dõi sát và khám chữa bệnh kịp thời tránh nguy cơ bệnh nặng hay tử vong
Bình thường, Trung tâm Y Khoa Medic khám khoảng 2.000 lượt bệnh mỗi ngày, trong đó có nhiều bệnh nặng, phải chuyển viện phẫu thuật... Thời gian dịch bệnh, số lượng bệnh nhân chỉ còn chưa đến 100 ca bệnh/ ngày, và thường đó là những người bệnh quan trọng, không thể “nín” được nữa. Vậy còn hơn 1900 ca bệnh ở đâu? Chắc chắn không phải tất cả họ đều khỏe mạnh hết! Họ “nín” bệnh vì sợ SARS-CoV-2! Nỗi sợ chính đáng! Đúng là toàn lực ngành y tế, cách riêng tại TP HCM, đang dốc sức chống COVID-19. Tuy nhiên, các bệnh nhân nên nhớ nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì cơ hội là 80% thể nhẹ, sẽ hồi phục. Còn các bệnh khác, đơn giản như viêm ruột thừa cấp, “nín” vài ngày có nguy cơ viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa mủ, nhẹ là áp- xe ruột thừa, mà tôi đã gặp trong tuần trước, hay ung thư phát hiện muộn, cao huyết áp không được theo dõi gây suy tim, suy thận…
Vậy các bệnh nhân có bệnh lý nền khác, hay có bệnh đột xuất, có thể điện thoại xin được tư vấn bác sĩ để có phương thức xử trí kịp thời, nếu cần vẫn phải đi khám bệnh hay nhập viện điều trị. Hiện tại đã có nhiều bác sĩ tại TP HCM tình nguyện tư vấn y khoa online, và danh sách này đã được phổ biến trên các facebook…
II. Giữ gìn sức khỏe thể lý khi còn mạnh khỏe và sau khi bị bệnh COVID-19
Hiện chưa có sách vở hay hướng dẫn hồi phục chính thức nào cho bệnh COVID-19 như các bệnh khác. Một số bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng bị kéo dài các triệu chứng dù đã khỏi bệnh. May mắn là thống kê cho thấy số người bị di chứng không nhiều. “COVID-19 kéo dài” là hiện tượng đang được các nhà khoa học Đông, Tây nghiên cứu. Nhiều bệnh nhân COVID-19, dù nhẹ hay nặng, sau khi khỏi bệnh (xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2) vẫn bị triệu chứng như khó thở, yếu cơ, tâm thần không ổn nhiều tháng.
Shivdasani, một bác sĩ Ấn Độ, cho lời khuyên “ 6 bí quyết” giúp loại bỏ các triệu chứng và hồi phục nhanh hơn trong cuốn sách “COVID và hồi phục sau COVID”. Các lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng và lối sống có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chữa dứt các triệu chứng còn sót lại và mau chóng hồi phục. Các cách thức này vẫn có thể áp dụng cả cho người bình thường chưa bị bệnh COVID-19.
1. Chọn thực phẩm lành mạnh
Tăng cường protein (đạm), tránh carbohydrate (bột, đường...). Hạn chế tối đa ăn đường - đây là loại thực phẩm gây viêm và ức chế hệ miễn dịch. Tránh các thực phẩm chế biến. Tăng cường ăn chất béo tốt, chế độ ăn có chất béo sẽ giúp bạn không ăn nhiều. Chất béo bão hòa (xấu) làm tăng phản ứng viêm. Chọn chất béo tốt như dầu oliu, dầu trái nho, dầu trái bơ, dầu mù tạt.
2. Bảo vệ sức khỏe đường ruột
Giữ đường ruột khỏe mạnh bằng cách nuôi dưỡng hệ vi khuẩn tốt chống lại tác nhân lạ, bao gồm virus gây COVID-19. Ăn chất xơ (như tỏi, dâu, hành tây, táo...) và men vi sinh (như yogurt, kefir) sẽ giúp vi khuẩn tốt sinh sôi. Hãy dùng các loại rau và trái cây có màu sắc khác nhau trong bữa ăn.
3. Ngủ ngon
Hãy nghe theo nhịp sinh học của bạn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Ngủ sớm và thức dậy sớm tốt hơn ngủ trễ dậy trễ. Cần ngủ ngon 6-7 tiếng mỗi đêm để giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh.
4. Hãy vận động
Tập thể dục giúp giảm tình trạng viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Nếu nhà có chút khoảng sân, hãy ra ngoài để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
5. Tư duy lạc quan tích cực, tránh căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng sẽ làm cơ thể tiết ra các cytokin gây viêm, khiến hệ miễn dịch phải làm việc quá mức. Ngồi thiền và tập thở sẽ giúp giảm nhịp tim, huyết áp và tình trạng viêm, kích thích tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh tốt như serotonin, dopamine.
Những ngày tháng đại dịch này, tôi thường gặp các bệnh nhân đi khám vì các loại bệnh khác nhau, nhưng một điểm nổi bật chung là tâm trạng lo lắng. Biết rằng nỗi lo chính đáng, với lý trí Thiên Chúa ban cho, con người cần có những lo liệu cho đời sống hiện tại và tương lai. Nhưng sau khi đã làm hết sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, Cha chúng ta trên Trời.
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?
…Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi... Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6, 19-34).
6. Đẩy nhanh hồi phục bằng bổ sung vitamin
Vitamin D chống oxy hóa và kháng viêm tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D sẽ khiến phổi hoạt động không tốt. Vitamin C thì giúp giảm protein CRP - dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị viêm nặng do COVID-19.
Tình trạng viêm mãn tính ở những người mắc bệnh nền là nguyên nhân khiến COVID-19 trầm trọng. Cần nâng cao sức khỏe và đề kháng của bạn. Chúng ta chưa thực sự kiểm soát được virus nhưng chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng nhiều phương thức trong tầm tay.[2]
III. Giữ gìn sức khỏe tinh thần, tâm linh
Trong đời sống, tinh thần và thể xác gắn liền mật thiết với nhau. Sức khỏe tốt là khả năng cảm nhận sự thoải mái về hai phương diện thể xác và tinh thần.[3] Thí nghiệm y khoa, đo EEG (điện não đồ) của một em bé sơ sinh, nếu tách rời khỏi mẹ, EEG của bé xuất hiện những đợt sóng rối loạn; cho bé nằm cạnh mẹ, EEG của bé trở về ổn định. Vì thế, thật đau lòng khi những ngày qua, chứng kiến các clip chụp các bé 2, 3 tuổi, trong bộ bảo hộ rộng thùng thình, một mình lủi thủi lên xe cứu thương vào viện, hay một mình ngồi bơ vơ trong bệnh viện. Nước mắt tôi (có lẽ nhiều người khác nữa) đã rơi khi xem các hình ảnh đó. Có lẽ những người có trách nhiệm phải xem xét lại cách xử trí đối với các bé nhỏ bị nhiễm SARS-CoV-2.
Chúng ta cũng kinh nghiệm gặp ngày buồn phiền thì ăn uống khó tiêu, công việc suy tưởng sẽ bị ngưng trệ, ngay cả cầu nguyện cũng khó khăn. Ngày nay khoa học chứng minh được rằng tinh thần và thể xác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Những yếu tố tâm lý cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn nhiễm (cơ chế phòng chống bệnh tật chính của cơ thể). Các tình cảm tích cực như yêu thương, yên ổn, thỏa mãn trong công việc và tin tưởng dường như tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống miễn nhiễm, giúp cơ thể tránh được bệnh. Trái lại các tình cảm tiêu cực, âm tính như lo âu, căng thẳng, thất vọng, chán nản…có xu hướng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm, và do đó giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.[4]
Giữ vững niềm hy vọng
Bài này được viết vào ngày 22/7, lễ kính Thánh nữ Maria Mađalêna. Vị Thánh chỉ mong tìm được xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống (Ga 20, 11-18). Bên cạnh những điểm tiêu cực không thể tránh do đại dịch mang đến, hãy tìm ra những điểm tích cực do hoàn cảnh đại dịch mang lại để không bị stress. Chúa là nguồn sức mạnh, là ánh sáng, là lẽ sống, là nguồn vui, là niềm hy vọng của cuộc sống người Kitô hữu.
Mới cách đây vài tuần, tôi và hàng triệu khán giả được đánh động bởi ca sĩ Jane Marczewski, nghệ danh Nightbirde, 30 tuổi, bị ung thư phổi, di căn cột sống và gan. Với vài tháng còn lại cuộc đời và 2% hy vọng được sống, cô ấy vẫn hát ca ngợi Chúa, thi American’s got talent tháng 6/ 2021và được Golden Buzzer của vị giám khảo khó tính Simon. Cô ấy nói: “I have a 2% chance of survival, but 2% is not 0%”. Hy vọng thật sự là nguồn sức mạnh. [5]
IV. Chủng ngừa vaccine COVID-19
Ban đầu việc tiêm chủng vaccine COVID-19 vấp phải tâm lý nghi ngại của người dân do xảy ra vài tai biến nghiêm trọng của tiêm chủng và lúc ấy dịch còn dễ khống chế. Tại Việt Nam, từ 27/4/2021 đại dịch bùng phát dữ dội và thực tế cho thấy nhiều nước Âu Mỹ thoát nguy nhờ chương trình tiêm chủng vaccine diện rộng, thì hầu hết mọi người dân chờ mong được tiêm chủng vaccine COVID-19. Với nguồn cung khan hiếm, ai được tiêm vaccine thì cảm thấy mình thật may mắn, tuy tỉ lệ biến chứng tiêm ngừa vẫn có, nhưng rất nhỏ.
1/ Chỉ định và chống chỉ định tiêm ngừa vaccine COVID-19
Theo Quyết định Số: 2995 /QĐ-BYT Về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y Tế hướng dẫn như sau:
Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng
Theo khuyến cáo người trong độ tuổi tiêm chủng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Hiện tại do thiếu nguồn cung vaccine, Việt Nam thực hiện tiêm chủng với người trên 18 tuổi.
Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng
Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:
-Người có tiền sử dị ứng với nhiều tác nhân khác nhau.
-Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
-Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
-Người trên 65 tuổi.
-Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
-Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sinh tồn: Mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg; Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2< 94% (nếu có).
Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng
-Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
-Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...
-Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
-Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Chống chỉ định
- Tiền sử sốc phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ tác nhân nào.
-Có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào của vaccine.
2/ Tuổi tác có ảnh hưởng gì đến việc tiêm ngừa vaccine COVID-19?
Theo Giáo Sư Tiến Sĩ Bác sĩ (GS TS BS) Trần Tịnh Hiền- cây “đại thụ” của ngành nhiễm trùng- vaccine COVID-19 được nghiên cứu sản xuất dựa vào các nghiên cứu lâm sàng trên những người đa số trong độ tuổi 16-65. Do vậy các chỉ định tiêm chủng tập trung vào độ tuổi này. BS Tịnh Hiền cũng đưa ra một số chỉ định hiện nay ở hai nhóm trên 65 và dưới 16 tuổi - hai nhóm chưa có nhiều số liệu trong các nghiên cứu.
65 tuổi trở lên
Cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention, Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật và Phòng ngừa) Hoa Kỳ (US) trước đây đã khuyến cáo rằng nên tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 65 tuổi với lý do là nguy cơ mức độ bệnh nặng gia tăng theo tuổi. Gần đây số liệu thực tế cho thấy những người trên 65 tuổi với một liều tiêm, giảm nguy cơ nhập viện do COVID-19 xuống thấp với mức độ giảm thiểu là 64% so với những người chưa tiêm. Ở châu Âu, sau nhiều ngày bàn cãi, giới chức y tế Đức, Thuỵ Điển cũng chấp nhận khuyến cáo tiêm AstraZeneca cho người trên 65 tuổi như với độ tuổi 16-65. Vì dù sao độ tuổi này cũng hưởng được nhiều lợi thế khi đối diện với virus.
Trẻ từ 12-16 tuổi
Tuy trẻ em mắc bệnh COVID-19 thường nhẹ hơn người lớn nhưng có một số trẻ vẫn bệnh nặng với các biến chứng hay có triệu chứng kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của chúng.
Cũng như người lớn, trẻ em khi nhiễm virus cũng lây truyền qua cho người khác, nên tiêm chủng cho trẻ có thể giảm nguy cơ này. Hơn nữa, theo BS Tịnh Hiền, việc tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ cộng đồng. Nhiều người nhiễm thì sẽ có nguy cơ virus sẽ gia tăng đột biến và dễ xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn.
Tuy trong những ngày gần đây, US-CDC đang tích cực điều tra về các báo cáo có tỷ lệ viêm cơ tim gia tăng trên trẻ tiêm vaccine mRNA. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với tỷ lệ biến chứng rất thấp, việc tiêm chủng vẫn có lợi ích vượt trội hơn. Cho đến nay tại Hoa Kỳ, hơn 2 triệu trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm liều 1 vaccine Pfizer. Những báo cáo mới nhất cho thấy biến chứng viêm cơ tim (myocarditis) và viêm màng ngoài tim (pericarditis) xảy ra khoảng 4 ngày sau liều thứ 2 với các triệu chứng đau ngực, điện tâm đồ có sóng ST thay đổi và chẩn đoán dựa trên MRI... Hầu hết các trẻ đều hồi phục sau điều trị với thuốc chống viêm. Lưu ý rằng chính SARS-CoV-2 cũng có thể gây biến chứng tim và có thể tử vong.
Do đó, BS Tịnh Hiền đề xuất, có thể khi các trường học mở cửa lại sẽ yêu cầu học sinh tiêm chủng để giảm bớt nguy cơ bệnh như trước đây đối với các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi...[6]
3/ Năm điều nên thực hiện trước và sau tiêm vaccine ngừa COVID-19
CDC của TP HCM (HCDC) khuyến cáo không cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để tiêm vaccine, nhưng nên có chiến lược ăn, nghỉ hợp lý hơn. HCDC ngày 28/6/2021 hướng dẫn như sau.
Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm
Ngủ ngon giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa.
Trong đợt chủng ngừa đầu tiên cho các nhân viên tại Trung Tâm Y Khoa Medic Hòa Hảo, điều ghi nhận là một số đáng kể các bác sĩ, y tá, ngay cả người trẻ, xuất hiện tăng huyết áp, nhịp tim nhanh đột ngột khi vào nơi tiêm vaccine. Bản thân tôi trước khi đến Medic, huyết áp ổn định 100/65mm Hg, mạch 72 lần/phút. Chạy xe Honda từ nhà tốc độ 30 km/h, vừa tới nơi tiêm chủng, huyết áp tôi tăng cao 145/90 mm Hg, mạch 120 lần/ phút. Nhìn chung quanh, nhiều bác sĩ trẻ, nam và nữ, cũng tình trạng tương tự. Vaccine chúng tôi được tiêm là AstraZeneca. Phải nhìn nhận là tâm lý chúng tôi bị ảnh hưởng bởi thông tin ngay hôm trước đó, một Dược sĩ trẻ của Bệnh viện Chợ Rẫy chết sau khi tiêm mũi thứ hai vaccine AstraZeneca. Lúc bấy giờ tôi càng thấm thía “thân phận người” yếu đuối mong manh. Sự cố này khiến việc tiêm bị trì hoãn, phải chờ huyết áp và mạch ổn định. Do đó nếu cần, người sắp tiêm chủng, đêm trước tiêm có thể dùng an thần nhẹ để tâm thần ổn định. Ở người cao huyết áp, khi đi tiêm chủng nên mang theo một liều thuốc hạ áp. Nếu trước khi tiêm, đo huyết áp cao, cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút và có thể uống 1 liều thuốc hạ áp.
Bổ sung đủ nước trước và sau tiêm
Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, gây mất nước, cần uống nước đủ. Có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.
Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm
Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.
Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm... và chia nhỏ bữa ăn.
Nghỉ ngơi- tập thể dục nhẹ nhàng
Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ chậm...
3/ Bốn điều nên tránh
Không để bụng đói trước khi tiêm
Nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.
Không uống rượu, bia trước và sau tiêm
Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.
Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm
Caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Không ăn nhiều chất béo bão hòa
Thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.
4/ Vài triệu chứng thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19
Theo hướng dẫn về tập huấn tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TP HCM ngày 20/6/2021, các triệu chứng thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19 khá phổ biến. Gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, sốt dưới 38°C, ớn lạnh. Sốt là phản ứng bình thường, chứng tỏ cơ thể khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch hoạt động đáp ứng vaccine. Người trẻ thường có phản ứng sốt hơn là người cao tuổi.Triệu chứng sưng và đỏ tại vị trí tiêm phổ biến ở mức độ từ 1-10%.
Vài dấu hiệu nặng: sốt cao trên 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹp huyết áp...
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine COVID-19 là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi, phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...
Sau tiêm, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.[7]
Dữ liệu gần đây nhất từ US CDC cho thấy sốc phản vệ xảy ra từ 2 đến 5 ca / 1 triệu liều tiêm vaccine. Đa số các trường hợp sốc phản vệ đều xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm. Đặc biệt, nhiều người bị sốc phản vệ có tiền sử dị ứng nghiêm trọng và một số người đã từng bị sốc phản vệ trước đó.[8]
V. Hy vọng hướng tới tương lai: Thuốc điều trị COVID-19
1/ Thuốc Molnupinavir
Từ tháng 3/2020, sau khi phát hiện hàng triệu con chồn bị chết tại các trang trại ở Hà Lan và Na Uy do một chủng coronavirus, nhóm nghiên cứu đã cho chồn sử dụng thuốc Molnupinavir. Kết quả không phát hiện virus trong các con chồn bị bệnh sau 24 giờ. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu nâng cấp thuốc Molnupinavir để thử nghiệm trên người.
Hoa Kỳ đang thử nghiệm giai đoạn III thuốc kháng virus Molnupinavir điều trị COVID-19 qua đường uống và có thể đưa ra thị trường vào cuối năm nay. Đây là một tin vui cho toàn thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Thuốc Molnupinavir được phát triển bởi sự hợp tác giữa hai công ty Rigibel (Đức) và Merk (Hoa Kỳ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và giai đoạn II đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân COVID-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Nếu thành công, thuốc Molnupinavir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới. Loại thuốc này được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA trong đó có SARS-CoV-2 khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Thuốc có hai ưu điểm, đó là thuốc có rất ít tác dụng phụ, phổ biến là nhức đầu, mất ngủ. Ngoài ra, Molnupinavir sử dụng dễ dàng qua đường uống, điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn đầu. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ uống 2 liều/ngày trong 5 ngày tại nhà. Và tương lai, việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ giống như điều trị các loại cúm khác.
Hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19. Nếu kết quả thành công, FDA của Hoa Kỳ sẽ cấp phép cho loại thuốc này.
Ngày 9/7/2021, Phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ cũng đang xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỉ lệ nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân COVID-19 nhẹ.[9]
2/ Thuốc Ronapreve
Ngày 20/7/2021 Nhật trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng thể Ronapreve điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ đến trung bình. Quyết định của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn III của hãng dược Thụy Sĩ Roche. Theo hãng Roche, thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Ronapreve làm giảm 70% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Nó cũng rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng xuống 4 ngày. Thử nghiệm giai đoạn I cho thấy thuốc an toàn, các bệnh nhân dung nạp tốt. Nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy nó hiệu quả cả trên các biến thể mới, kể cả biến chủng mới Delta.
Roche cho biết hỗn hợp kháng thể đã được phê duyệt tạm thời ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada. Cơ quan Dược phẩm châu Âu đang đánh giá tổng hợp Ronapreve. Cơ quan đã cấp phép sử dụng như một lựa chọn điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chưa cần thở oxy nhưng có nguy cơ cao chuyển biến nặng.
Thuốc cũng được sử dụng ở Ấn Độ cho người lớn và bệnh nhi trên12 tuổi trở lên, cân nặng ít nhất 40 kg, dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Mỗi gói thuốc chứa một lọ kháng thể Casirivimab và một lọ Imdevimab. Bệnh nhân được truyền kết hợp 1.200 mg (600 mg Casirivimab và 600 mg Imdevimab). Bất tiện hơn Molnupiravir, thuốc Ronapreve cần bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C. Khi đã mở, thuốc phải được dùng hết trong 48 giờ.[10]
Giống như vaccine, một vấn nạn lớn được đặt ra nếu nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 thành công: làm sao các nước nghèo có thể mua thuốc, làm sao có sự công bằng trong phân phối thuốc giưa các nước giàu và các nước đang phát triển./.
[1] “Số liệu Covid-19 tại Việt Nam”, cập nhật sáng 22/7/2021.
[2] Phúc Long, “6 lời khuyên giúp hồi phục sức khoẻ sau khi hết COVID-19”, (12/07/2021).
[3] Nguyễn thị Hải Phượng biên sọan, Giảm Stress, (Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp Hồ chí Minh, 2005), 4.
[4] Bác Sĩ Anthony J. Suttilaro, Living Well naturally (Houghton Mifflin com. Boston, 1986), bản dịch tiếng việt
[5] American’s Got talent 2021, < https://www.youtube.com/watch?v=CZJvBfoHDk0>
[6] “Tuổi tác có ảnh hưởng gì đến việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19?”, (23/06/2021)
[7] Lê Phương, “Khuyến cáo dinh dưỡng và vận động hợp lý khi tiêm vaccine Covid-19”, (28/6/20021).
[8] “Ai dễ gặp tác dụng phụ của vắc xin COVID-19?”,
[9]GS Trần Văn Thuấn, “Thuốc uống điều trị Covid-19 mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch”, (15/07/21).
[10] Thục Linh (Theo Channel News Asia), “Nhật phê duyệt thuốc mới chữa Covid-19”