29/08/2019
477
Suy niệm Chúa Nhật 22 Thường Niên năm C_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 22 Thường Niên năm C

Lời Chúa: Lc 14,1.7-14

 

Câu chuyện hôm nay chúng ta nghe xảy ra trong nhà một thủ lãnh người Pharisêu, trong một bữa tiệc, và thánh Luca chú thích là họ cố dò xét Ngài.

Chúa Giêsu bước vào bàn tiệc thấy khách mời đua nhau dành chỗ nhất, tức là bàn danh dự. Bữa tiệc của người Do Thái kéo dài từ trưa cho đến nửa đêm. Trong các dụ ngôn Chúa bảo các đầy tớ canh thức đợi chủ về là như thế. Và trong bữa tiệc, người ta vừa ăn vừa tranh luận với nhau về nhiều vấn đề và những người danh giá trong dân thường dùng bữa tiệc để nói lên những ý nghĩ của mình về một vài vấn đề nào đó đang được chú ý. Chúa Giêsu được xem là một thượng khách và nhờ đó Ngài lên tiếng lưu ý người ta về một vài vấn đề.

Thấy khách mời tìm cách dành chỗ nhất, Ngài lên tiếng bảo họ: “Khi ngươi được mời thì dừng tìm chỗ nhất, nhưng tìm chỗ nào khiêm tốn để có thể chủ nhà sẽ mời ngươi lên ghế danh dự hơn”. Đây chỉ là một lời khuyên thông thường về nhân bản thôi. Đây không phải là một mưu mẹo để được tôn vinh, nhưng là một lời khuyên khôn ngoan. Chúa không bảo chúng ta giả hình để được tôn vinh, nhưng là xử sự một cách khiêm tốn bình thường thôi. Nhưng Chúa Giêsu muốn đi xa hơn. Ngài muốn dạy chúng ta một bài học khiêm tốn nhờ dịp một bữa tiệc.

Đức khiêm nhường là một nhân đức mà người đời không bao giờ muốn tập. Ai cũng muốn “có danh gì với núi sông”. Ai cũng muốn vượt trên người khác. Chúa Giêsu thì ngược lại. Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài đã xuống trần gian, trút bỏ mọi vinh quang mang lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chúng ta là môn đệ của một Thiên Chúa khiêm nhường và hiền lành, chúng ta nghĩ sao? Một linh mục thánh thiện đã nói: “Chúa Giêsu đã chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai dành được chỗ đó của Ngài”. Chúng ta nhìn Mẹ Maria. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ biết rõ điều đó, nhưng Mẹ đã sống âm thầm, không ai biết. Khi Chúa Giêsu được mọi người ca tụng, vinh quang, Mẹ không có mặt, nhưng khi Chúa chết trên thập giá, nhục nhã đau thương, Mẹ mới có mặt. Bản thân Mẹ cũng rất khiêm nhường. Mẹ tự cho mình là tôi tớ hèn mọn của Chúa: Này tôi là tôi tớ Chúa, xin Chúa cứ thực hiện những gì Chúa muốn”. Khi bà Êlisabet ca tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chỉ nói: “Chúa đã đoái thương đến phận hèn tớ nữ”. Chúa Giêsu chỉ buộc chúng ta học với Ngài một điều thôi. Chỉ một lần duy nhất Chúa bảo chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Bài học khiêm nhường là bài học căn bản của những môn đệ Chúa vì Thầy của họ là Đấng khiêm nhường thẳm sâu.

Chúa chỉ nhìn đến những người khiêm tốn, những người không cậy vào sức mình mà chỉ trông cậy vào Chúa. Chúa gọi những người nào? Những người mang gánh nặng nề. Chúng ta muốn được đầy Chúa, phải bỏ mình vác thập giá. Bỏ mình tức là không còn tin vào sức mình nữa. Chúng ta là ai? Là những con người yếu đuối, sai lầm, bất lực. Chúng ta không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Chúng ta nhận lãnh mọi sự từ nơi Chúa. Chúng ta không có gì cả. Thánh Phaolô cũng nói: “Ngươi lãnh nhận mọi sự, có gì mà tự phụ?” Chúng ta thường gặp thất bại trong cuộc sống. Đừng thối chí hay buồn phiền, nhưng hãy chấp nhận và dùng những dịp đó để khiêm tốn hơn, để ý thức sự nhỏ bé của mình hơn, để tin cậy Chúa hơn. Hãy sử dụng mọi khả năng Chúa ban để phục vụ hơn là để tự kiêu. Đừng theo thói thế gian, nhưng hãy đi vào con đường của Chúa, con đường của khiêm nhường, của phục vụ. Người khiêm tốn là con người dám cho đi. Và cho đi chính là con đường hạnh phúc đích thực.

Chúa Giêsu là mẫu gương độc nhất của chúng ta. Ngài là sự khiêm nhường nhập thể. Ngài là Thiên Chúa quyền phép tuyệt đối, nhưng Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang, trở thành nhỏ bé đến nỗi trở thành một tấm bánh nhỏ để cho chúng ta ăn. Còn cách nào nữa để cho chúng ta thấy được nét khiêm nhu của Ngài? Hãy đến ăn lấy Ngài để trở nên như Ngài. Cho đi và cho hết mà không đòi đáp trả, vì Ngài là Tình Yêu. Tình Yêu là khiêm tốn. Tình yêu là thí mạng vì bạn hữu. Tình yêu là dám cho người khác ăn thịt máu mình, là chịu đựng mọi sự để trọn vẹn thuộc về người mình yêu. Nếu chúng ta muốn đạt đến hạnh phúc, chỉ một con đường duy nhất này thôi: GIÊSU.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho