WHĐ (26.09.2023) – Sáng 25.09, Đức Thánh Cha đã dành cho các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Bảo vệ Trẻ vị thành niên Châu Mỹ Latinh (CEPROME) buổi tiếp kiến riêng. Dưới đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO PHÁI ĐOÀN CỦA
“TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CHÂU MỸ LATINH”
Thứ hai, ngày 25.09.2023
Tôi rất vui có dịp đón tiếp anh chị em trong sự trùng hợp ngẫu nhiên khi được gặp nhau tại Rôma từ nhiều vùng khác nhau của Châu Mỹ Latinh. Điều gây chú ý là cuộc gặp gỡ này diễn ra vào đúng ngày 25.09, ngày mà theo truyền thống cổ xưa, lễ nhớ một thánh nhi đồng tử đạo được cử hành tại một thánh đường nhỏ ở Tây Ban Nha. Dù không liên hệ gì với thực tế đang được đề cập, nhưng điều khiến câu chuyện trở nên thú vị là bi kịch của em bé đó được đồng nhất với bi kịch của chính Chúa Giêsu, và trong các hình ảnh được trình bày, vị thánh trẻ xuất hiện trong trang phục giống như Chúa, khi trên đường đi tới đồi Canvê, và cũng trải qua cuộc khổ nạn tương tự.
Câu chuyện này, dường như chỉ là giai thoại, nhưng cũng khiến tôi nhớ đến câu chuyện Cuộc phán xét chung trong Phúc Âm, trong đó chúng ta nghe những lời đáng lo ngại của Đức Vua vinh quang: “Thật Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Thế giới sẽ thay đổi biết bao nếu chúng ta thuyết phục trong thâm tâm mình rằng mỗi em bé chúng ta gặp đều là sự phản chiếu khuôn mặt của chính Thiên Chúa! Nếu chúng ta nhìn thấy nơi nỗi đau khổ của mỗi đứa trẻ, của mỗi người dễ bị tổn thương, dấu vết được in trên tấm khăn mà bà Veronica đã dùng để lau mặt Đức Kitô!
Tôi biết rất rõ rằng anh chị em luôn nỗ lực làm việc và áp dụng các phương pháp ngày càng thích hợp để trừ diệt thảm họa lạm dụng, cả trong Giáo hội lẫn trên thế giới. Chúng ta không được quên điều này: những hành vi lạm dụng đã gây ảnh hưởng đến Giáo hội chỉ là một sự phản ánh mờ nhạt về một thực tế đáng buồn bao trùm toàn thể nhân loại và chưa được quan tâm đúng mức. Một số người có thể nói: “À, vậy thì không có nhiều đến thế đâu”. Dù chỉ là một thì đã tai tiếng, chỉ một thôi; mà còn có nhiều hơn một.
Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng Giáo hội đã tiến rất nhiều trên lộ trình này, và sẽ không ngừng để tiếp tục làm như vậy, và nhờ có các vị mục tử ngôn sứ, một hồng y, người đã dũng cảm đương đầu với khó khăn giống như Boston vào thời điểm đó, và tiến về phía trước, tập trung quan tâm không phải vào tiền bạc mà vào người dân và những trẻ em bị tổn thương. Và đó là lý do tại sao tôi muốn công khai cảm ơn ngài, thưa Đức Hồng y, về những gì ngài đã thực hiện. Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng Giáo hội đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc này và sẽ không ngừng làm như vậy. Điều cần thiết nữa là, đây cũng phải là việc quan trọng đối với xã hội, để những bước đi và thành tựu của Giáo hội trên hành trình này có thể là động lực cho các tổ chức khác thúc đẩy văn hóa chăm sóc này.
Ngoài ra, hôm nay tôi muốn đề nghị với anh chị em, khởi đi từ hình ảnh đồng hoá mỗi em bé với chính Đức Kitô, rằng nỗ lực của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các phương thức, mà là chúng ta phó thác các em cho Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện. Với lòng khiêm nhường và chân thật, chúng ta phải biết cách nhận ra các em giữa những “kẻ bé mọn” đó. Và, đặt mình trước Đấng Cứu độ, chúng ta cũng hãy chiêm ngưỡng trên khuôn mặt bị xúc phạm của Người nỗi đau khổ mà chúng ta đã đón nhận và gây ra, để không cảm thấy xa cách với những người mà chúng ta chào đón, nhưng là anh chị em, cũng đang đau khổ. Chúng ta hãy đối thoại với Chúa Giêsu, chúng ta hãy lắng nghe Lời tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, và cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu không gánh lấy tội lỗi của thế gian để lên án thế gian, nhưng để cứu thế gian, và Người dạy chúng ta rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu trao ban sự sống, tình yêu để lại dấu tích của Thánh Nhan Người.
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như chúng ta yêu chính mình; nghĩa là ý thức được những vết thương, sự nhỏ bé, nhu cầu được tha thứ và an ủi của chúng ta. Và chúng ta hãy cầu xin, với niềm tin tưởng mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ cho chúng ta, trong những ngày trước lễ của ngài, cho những tội nhân bất hạnh và tuyệt vọng nhất, cho sự hoán cải của họ, để họ có thể nhìn thấy nơi các nạn nhân ánh mắt của Chúa Giêsu đang thách thức họ.
Tôi không muốn bỏ qua mà không lưu ý đến một vấn đề rất nghiêm trọng trong phạm vi lạm dụng, đó là việc quay phim khiêu dâm trẻ em, và điều thật không may đó là, chỉ cần trả một khoản phí nhỏ thì những phim này đã có thể được tải xuống điện thoại. Nội dung khiêu dâm trẻ em này được thực hiện ở đâu? Nó được sản xuất ở nước nào? Không ai biết. Nhưng chính tội ác này phục vụ mọi người thông qua điện thoại di động của họ. Làm ơn, chúng ta cũng hãy đề cập đến vấn đề này. Bởi vì những trẻ em bị quay phim đều là nạn nhân, những nạn nhân tinh vi của xã hội tiêu thụ này. Đừng quên điểm này, vốn khiến tôi lo lắng rất nhiều.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em và xin anh chị em cứ tiếp tục chiến đấu, hãy tiếp tục chiến đấu. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (25. 09. 2023)