16/02/2024
164
Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Đại hội của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống năm 2024















 

WHĐ (14.02.2024) – Sáng thứ Hai ngày 12.02, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Đại hội của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống buổi tiếp kiến riêng tại Dinh Tông toà. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, cuộc gặp gỡ có chủ đề “Con người. Ý nghĩa và Thách đố”, được tiến hành từ ngày 12-13.02.2024.

Vào năm 1994Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thành lập Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nhằm mục đích bảo vệ sự sống con người, chống phá thai và an tử.

Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:

 

 

DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀN
H CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI CỦA HÀN LÂM VIỆN TOÀ THÁNH VỀ SỰ SỐNG

Dinh Tông toà
Thứ Hai, ngày 12 tháng 02 năm 2024

Con người. Ý nghĩa và Thách đố

Thưa quý vị,

Tôi xin chào Đức Tổng Giám mục Paglia, Đức Hồng y, và Đức Tân Tổng Giám mục của Santiago de Chile. Đồng thời, tôi cảm ơn quý vị vì sự dấn thân thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học đời sống, sức khỏe và y tế, một sự dấn thân đánh dấu công việc của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống trong 30 năm hiện diện của mình.

Vấn đề mà quý vị đang thảo luận trong Đại hội này là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, đó là làm thế nào chúng ta có thể hiểu được điều gì làm nên phẩm giá của con người. Đây là một vấn đề cổ xưa nhưng luôn mới mẻ, một vấn đề mà những nguồn tài nguyên đáng kinh ngạc có được nhờ các công nghệ mới lại đặt ra cho chúng ta theo cách thức thậm chí còn phức tạp hơn. Các học giả luôn nói rõ rằng người ta không thể tiên nghiệm, 'ủng hộ' hoặc 'chống lại' máy móc và công nghệ; bởi vì xét về mặt kinh nghiệm của con người, một phản đề như vậy là vô nghĩa. Ngày nay cũng vậy, lời kêu gọi phân biệt giữa các tiến trình tự nhiên và nhân tạo, coi tiến trình tự nhiên là con người đích thực và tiến trình nhân tạo là xa lạ hoặc thậm chí trái ngược với những gì là con người, cũng tỏ ra bất cập. Trái lại, điều cần phải làm là đưa kiến thức khoa học và công nghệ vào một tầm nhìn rộng hơn, từ đó tránh được quyền bá chủ của mô hình kỹ trị (x. Laudato Si’, 108).

Chúng ta hãy lấy ví dụ về nỗ lực tái tạo con người bằng các phương tiện và phương pháp của công nghệ. Cách tiếp cận như vậy hàm ý giảm thiểu con người thành một tập hợp các màn trình diễn có thể tái tạo dựa trên một ngôn ngữ kỹ thuật số, vốn giả định rằng mọi loại thông tin đều có thể được thể hiện qua các mã số. Sự tương đồng hiển nhiên với câu chuyện Tháp Babel trong Kinh thánh (x. St 11,1-9) cho thấy rằng ước muốn tạo cho mình một ngôn ngữ duy nhất đã ăn sâu vào lịch sử nhân loại ra sao. Sự can thiệp của Thiên Chúa, thường chỉ được hiểu như một hình phạt mang tính hủy diệt, nhưng thay vào đólại hàm chứa một phúc lành theo nghĩa tích cực, thể hiện nỗ lực điều chỉnh xu hướng hướng tới một “ý nghĩ duy nhất” thông qua sự phát triển và đa dạng của ngôn ngữ. Do đó, con người phải đối diện với những giới hạn  tính dễ bị tổn thương của mình, đồng thời được mời gọi tôn trọng sự khác biệt và thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.

Chắc chắn rằng, khả năng ngày càng gia tăng của khoa học và công nghệ có thể khiến con người nghĩ mình đang tham gia vào hành động sáng tạo giống như Thiên Chúa đã thực hiện, đó là tạo ra hình ảnh và giống với sự sống con người, bao gồm cả khả năng ngôn ngữ mà dường như được ban tặng cho những cỗ máy biết nói. Vậy thì liệu con người có khả năng truyền linh hồn vào vật chất vô tri chăng? Đây là sự cám dỗ ngấm ngầm. Do đó, chúng ta được yêu cầu phân định làm sao để khả năng sáng tạo được ủy thác cho con người có thể được thực thi một cách có trách nhiệm. Nói cách khác, làm sao chúng ta có thể đầu tư những tài năng đã lãnh nhận trong việc ngăn chặn con người khỏi bị biến dạng và những khác biệt cơ bản vốn mang lại trật tự cho vũ trụ không bị hủy bỏ (x. St 1-3).

Do đó, nhiệm vụ chính yếu là một nhiệm vụ mang tính nhân học: chúng ta phải phát triển một nền văn hóa bằng việc tích hợp các nguồn lực khoa học và công nghệ, có khả năng nhìn nhận và thăng tiến con người trong tính đặc thù không thể lặp lại của mình. Cần phải khám phá xem liệu tính đặc thù này có nên được đặt ngay cả ở thượng nguồn của ngôn ngữ, trong phạm vi cảm hứng và cảm xúc, ước muốn và chủ ý, vốn chỉ con người mới có thể nhận thức, trân trọng và chuyển đổi thành các mối tương quan tích cực và hữu ích cho người khácvới sự trợ giúp bởi ân sủng của Đấng Tạo Hóa hay không. Đây rốt cuộc là một nhiệm vụ văn hóa, vì văn hóa định hình và định hướng các lực lượng tự phát của cuộc sống và các tập tục xã hội.

Thưa quý vị, chủ đề mà quý vị đang thảo luận thực sự là một thách đố, và hai cách thế mà quý vị dự định thực hiện cũng thách đố không kém. Trước hết, tôi nhận thấy rằng quý vị đang nỗ lực tiến hành một cuộc đối thoại hiệu quả, một cuộc trao đổi liên ngành theo hình thức mà Tông hiến Veritatis Gaudium mô tả là “sự sắp xếp và khuyến khích mọi kỷ luật dựa trên bối cảnh của ánh sáng và sự sống do sự Khôn ngoan tuôn chảy từ mạc khải của Thiên Chúa” (Số 4c). Tôi cũng đánh giá cao việc suy tư của quý vị diễn ra theo nhãn quan một “phòng thí nghiệm văn hóa đích thực, trong đó Giáo hội thực hiện việc giải thích thực tại phát sinh từ sự kiện Đức Kitô, và được nuôi dưỡng bởi các ơn khôn ngoan và hiểu biết mà nhờ đó Chúa Thánh Thần làm phong phú Dân Chúa” (sđd, 3). Vì thế, tôi khuyến khích hình thức đối thoại này, vốn cho phép mỗi người đưa ra những suy tư của riêng mình khi tương tác với người khác trong sự trao đổi hỗ tương. Đây là cách thế để vượt ra ngoài sự sắp xếp kiến thức cạnh nhauvà thực hiện việc duyệt xét lại kiến thức thông qua việc lắng nghe nhau và phản ánh có phê phán.

Thứ đến, trong cách lên kế hoạch cho các cuộc thảo luận của quý vị, chúng ta có thể thấy một phương pháp tiến trình hiệp hành, được điều chỉnh cách phù hợp để xem xét các chủ đề trọng tâm trong sứ mạng của Hàn lâm viện. Tiến trình này đòi hỏi khắt khe, vì nó bao gồm sự chú ý cẩn thận và sự tự do của tinh thần, cũng như sự cởi mở để sẵn sàng khám phá những lộ trình chưa được khám phá và chưa được biết đến, thoát khỏi bất kỳ nỗ lực chuyển động lạc hậu” vô ích nào. Đối với những người tham gia vào cuộc canh tân tư tưởng một cách nghiêm túc và mang tính Tin Mừng, điều cần thiết là phải đặt vấn đề ngay cả những ý kiến và giả định đã được thu thập mà chưa được xem xét một cách nghiêm túc.

Về khía cạnh này, Kitô giáo luôn có những đóng góp quan trọng, tiếp thu những yếu tố có ý nghĩa từ mọi nền văn hóa, nơi mà Kitô giáo bén rễ và diễn giải lại dưới ánh sáng của Đức Kitô và Tin Mừng, và sử dụng các nguồn ngôn ngữ và khái niệm hiện diện trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Đây là một tiến trình lâu dài và không ngừng đòi hỏi một cách tiếp cận trí tuệ có khả năng bao trùm nhiều thế hệ; tiến trình này có thể được so sánh với sự khôn ngoan và tầm nhìn của những người trồng cây khi biết rằng con cháu họ sẽ ăn hoa trái, hoặc của những người xây dựng những thánh đường khi biết rằng con cháu họ sẽ hoàn thành.

Đó cũng chính là thái độ cởi mở, có trách nhiệm và ngoan nguỳ trước Thánh Thần, Đấng giống như gió, muốn thổi đâu thì thổi (x. Ga 3, 8), mà tôi muốn cầu xin Chúa ban cho quý vị. Tôi chân thành gửi đến quý vị những lời chúc tốt đẹpxin cho các cuộc thảo luận của quý vị trở nên phong phú và mang lại thành quả. Tôi ưu ái ban phép lành cho quý vị và xin quý vị cũng nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện. Xin cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (12. 02. 2024)

(Nguồn: RV)