14/12/2022
174
Các Giáo hội Kitô châu Âu nỗ lực tìm giải pháp cho chiến tranh ở Ucraina












 



Hôm 12/12, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) được Đức Thánh Cha tiếp kiến, cả hai đã thảo luận về nhiều vấn đề, đặc biệt giải pháp hoà bình cho cuộc chiến ở Ucraina.

Ngọc Yến - Vatican News

Vào tháng 3 năm nay, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich kết thúc nhiệm kỳ 5 năm làm Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE), vì thế ngài được Đức Thánh Cha tiếp kiến để trình bày cho Đức Thánh Cha về những điểm chú ý của Hội đồng. Đức Hồng Y cho biết trọng tâm của buổi gặp gỡ là hoà bình ở Ucraina. Ngài nói: “Chúng ta phải phải làm tất cả những gì có thể để đạt được một nền hòa bình công bằng và phải mau chóng thực hiện để hướng tới hòa giải bởi vì không có hòa giải thì không thể có hòa bình. Cuộc chiến đang làm Đức Thánh Cha đau khổ. Chúng ta phải luôn hy vọng và làm mọi thứ để biến điều không thể thành có thể”

Đức Hồng Y cho biết những bước cụ thể để xây dựng hoà bình gồm các sáng kiến được thực hiện trước hết với Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu (Kek), cơ quan đại kết đại diện cho các Giáo hội Chính thống, Tin lành và Anh giáo ở châu Âu. Sáng kiến đưa ra lời kêu gọi một cuộc đình chiến để có hoà bình.

Đức Hồng Y nói Đức Thánh Cha và ngài đã thảo luận về một châu Âu công bằng hơn, có khả năng chịu trách nhiệm về sinh thái học, một châu Âu là một nhân tố của hoà bình trên thế giới và một châu Âu không được quên Kitô Giáo. Một châu Âu đa nguyên, không chỉ là một châu Âu Kitô giáo. Tất cả các tôn giáo phải dấn thân vì hoà bình và công lý ở châu Âu.

Về vấn đề tị nạn, Đức Hồng Y giải thích, hiện nay người ta chỉ nói đến “những người di cư hợp pháp” và không còn nói về những người tị nạn và những người phải di dời. Điều này có nghĩa là người ta không còn tin vào các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới. Ngài nói: “Những người này đến với chúng ta vì họ không còn những thứ cần thiết để sống còn tại quê hương. Một số lớn người tị nạn đến do biến đổi khí hậu. Đó chỉ là sự khởi đầu. Vì vậy, chúng ta phải đón tiếp họ nhưng cũng phải đấu tranh với những nguyên nhân dẫn đến di cư. Châu Âu không được quên nhân loại đau khổ và không được quên rằng nhân bản Kitô giáo là một phần căn bản của mình. Nếu chúng ta xác định mình là Kitô hữu nhưng không có dấn thân này với anh chị em đang cần chúng ta, thì chúng ta không thể nói mình là Kitô hữu”.

Về điều ước cho châu Âu, Đức Hồng Y bày tỏ ngài muốn một châu Âu nơi tôn giáo không được coi là một điều riêng tư nhưng là nơi tất cả các tôn giáo có thể có tiếng nói công khai, tham gia vào các cuộc tranh luận dân chủ và có thể được lắng nghe như những thẩm quyền đạo đức. Châu Âu cần điều này, mặc dù tiếng nói của các tôn giáo có thể là tiếng nói phê bình, như chính sách di cư.

(Nguồn RV)