27/09/2021
389
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 9_Bài 5
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 09-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI V – HĐMVGX

NHIỆM VỤ CỦA THỦ QUỸ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

 

I. QUY CHIẾU BẢN GỢI Ý CHO MỘT QUY CHẾ HĐMVGX:

“Cộng tác với Linh Mục Chánh Xứ và Ban Thường Vụ trong công việc tài chánh, Thủ Qũy HĐMVGX có nhiệm vụ:

1. Dưới sự thống nhất của Linh Mục Chánh Xứ và cùng với Chủ Tịch HĐMVGX, quản lý tài chánh của HĐMVGX (không phải tài chánh của giáo xứ).

2. Cùng với các vị hữu trách lo liệu việc gây quỹ cho giáo xứ, cho HĐMVGX khi được ủy thác.

3. Phối hợp với kế toán viên (người phải lo sổ sách thu chi cách đầy đủ và minh bạch theo biểu mẫu chung của giáo phận) để cùng thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định của giáo xứ.

4. Góp phần vào việc quản trị tài sản của giáo xứ: Trông coi, bảo trì, tu bổ cơ sở của giáo xứ, và thực hiện các giấy tờ sổ sách tài chánh, tài sản liên hệ.

5. Nhận quyết định của Linh Mục Chánh Xứ về việc cất giữ hoặc làm sinh lời cho ngân khoản chưa sử dụng đến.

6. Được chi theo hạn mục quy định cho những công việc chính đáng của HĐMVGX (theo tiêu chuẩn chung của giáo phận).

 

DIỄN GIẢI NHIỆM VỤ:

Người ta nói “ai giữ tiền thì người đó có quyền. Kẻ khác lại bảo “thủ tài, thủ tặc. Xem ra cái chức thủ quỹ giữ tiền thật không đơn giản dễ dàng. Đây là một công tác phức tạp, tế nhị dễ gây điều tiếng, hiểu lầm và có khi có cả cám dỗ nữa. Chúng ta cần biết những nguyên tắc cần thiết tối thiểu để hiểu biết, cảm thông và có thể can đảm lãnh trách nhiệm:

 

1. Giáo Luật Nói Gì?

Bộ Giáo Luật, nơi quyển V: Tài Sản Vật Chất của Giáo Hội từ điều 1254 đến điều 1310 có quy định và hướng dẫn việc quản trị tài sản vật chất của giáo xứ trong đó có cả hiện vật, hiện kim.

Điều 1254:

§1. Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, để theo đuổi những mục đích riêng của mình.”

§ 2. Những mục đích riêng chính yếu là: Tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo.”

Điều 1282:

Lưu ý về trách nhiệm của những người quản trị tài chánh là giáo sĩ hoặc giáo dân:

“Bất cứ người nào, dù là giáo sĩ hay giáo dân, tham gia vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội dưới một danh nghĩa hợp pháp, buộc phải chu toàn nhiệm vụ nhân danh Giáo Hội, chiếu theo quy tắc của Luật.”

 

2. Các Nguyên Tắc Chính Yếu:

2.1: Giáo Xứ Có Thể Có Các Ngân Khoản Riêng Biệt Khác Nhau:

* Chi Phí Phụng Vụ: dầu đèn, hoa nến, bánh lễ,...

* Chi Phí Sinh Hoạt: điện nước, xăng dầu, điện thoại,...

* Kinh Phí: Xây dựng, bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất của giáo xứ,...

* Quỹ: bác ái, khuyến học,...

2.2: Các Ngân Khoản để lo liệu các chi phí có thể được trao cho HĐMVGX, trong trường hợp được giao trách nhiệm thì trách nhiệm chính yếu vẫn là Cha Chánh Xứ. Khi có Cha Xứ giao trách nhiệm quản lý ngân khoản thì không có nghĩa là Cha Xứ Khác hoặc Cha Xứ Kế Nhiệm cũng phải làm như vậy.

Không có giáo luật nào nói Cha Xứ phải báo cáo với dân về việc quản trị các ngân khoản. HĐMVGX tôn trọng, tin tưởng và thi hành theo hướng dẫn khôn ngoan của Cha Xứ.

2.3: Theo điều 1282 thì thủ quỹ quản trị ngân khoản của giáo xứ, cũng như HĐMVGX quản trị tài sản của giáo xứ là nhân danh Giáo Hội.

2.4: Ngân khoản tài chánh của giáo xứ là để phục vụ cho lợi ích của mọi thành phần Dân Chúa trong cộng đoàn. Cần phải được coi trọng, cân nhắc, chi tiêu chính đáng, tránh lãng phí.

2.5: Quản trị và chi tiêu cho việc chung phải chịu trách nhiệm cá nhân dựa trên luật công bằng không đổ cho tập thể. Phải có tinh thần vô vị lợi và cẩn thận với cơn cám dỗ lạm dụng vốn”.

3. Gợi Ý Cho Vị Thủ Qũy:

3.1: Các nguồn tài chánh:

* Tiền giỏ nhà thờ, tiền hòm khấn.

* Tiền đóng góp hàng tháng của các hộ giáo dân cho các sinh hoạt chung của giáo xứ.

* Tiền giáo dân và các mạnh thường quân đóng góp làm quỹ xây dựng cơ sở vật chất,...

3.2: Thủ quỹ của HĐMVGX có thể được giao toàn bộ các ngân khoản hoặc một ngân khoản nào đó. Nếu được giao nhiều loại ngân khoản cho các mục đích khác nhau thì cần có sổ thu chi riêng cho từng loại mục đích.

3.3: Sổ thu chi phải làm rõ ràng từng hạng mục ngày, tháng, năm, lý do thu chi, người giao, người nhận, minh bạch và đúng thẩm quyền, cần có chứng từ khi xuất chi.

3.4: Khi xuất chi cần có lệnh của Cha Xứ hoặc của Trưởng Ban Thường Vụ (được Cha Xứ chấp thuận, ủy quyền, cho phép).

3.5: Phải trình sổ quỹ, thu chi cho Cha Xứ kiểm nhận định kỳ từng tháng, quý, năm hoặc có khi hàng tuần trong trường hợp xây dựng hoặc có chương trình kinh doanh, thu nhập chi xuất thường xuyên. Trước khi Cha Xứ ký tên, đóng mộc kiểm nhận cần có chữ ký xác nhận của Trưởng Ban Thường Vụ HĐMVGX.

3.6: Nếu sử dụng ngân khoản của giáo xứ để kinh doanh, sinh lợi cho quỹ chung cần phải lãnh ý của Cha Xứ và không bao giờ được sử dụng ngân khoản dù là làm việc chung mà không có phép rõ ràng của Cha Xứ.

III: KẾT LUẬN:

Bất cứ tổ chức nào, cộng đoàn nào cũng cần có tiền, có tiền đòi nhu cầu cần có người giữ tiền. Thủ Qũy giữ tiền không sung sướng gì, có thể gây lo lắng, bối rối, ngại ngần, nhiều khi đánh mất bình an cho đương sự. Đừng quên thủ quỹ cũng là một thành viên nòng cốt của HĐMVGX. Thủ Qũy sẽ thi hành nhiệm vụ được trao phó trong tinh thần tín thác nơi Chúa:

“Tôi có thể làm được mọi sự

Nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi

(PL 4,13)

Lm Giuse Nguyễn Ý Định