23/09/2021
385
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 9_Bài 4
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 09-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI IV - MỤC VỤ

ĐÀO LUYỆN TÂM LINH-KHOA HỌC

PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN-CẢM NGHIỆM

 

Dẫn nhập

Chúa Giêsu dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ”[1]. Công đồng Vat. II xác định: “Cầu nguyện là phương thế nên thánh”[2]. Lịch sử linh đạo của Giáo hội trong suốt hơn hai nghìn năm là đời sống cầu nguyện.  Nhưng tùy theo, mỗi giai đoạn, cầu nguyện có nhấn mạnh tới một khía cạnh khác nhau. Công đồng tổng hợp mọi khía cạnh. Theo công thức mục vụ: “Ân sủng và thực tại”; “Hội thánh và Khoa học”; “Cả...Cả...”. Sau đây là phương thức: “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”.

Nhận thức

“Cầu nguyện-Cảm nghiệm” là phương pháp đào luyện tâm linh mang chiều kích khoa học. Tổng hợp toàn diện con người: “Thân-tâm”. Bao gồm: “Tâm, trí và ý chí”. Tích hợp văn hóa Đông-Tây. Đông: Tĩnh và Tình. Tây: Động và lý. Đặc biệt, hướng đi hiện nay, cùng với Chúa Thánh Thần, chuyển đổi Đức tin cộng đồng, truyền thống trở thành Đức tin cá vị, bản thân, sống động và xác tín. “Cầu nguyện” nhắm vào lý trí và động; “Cảm nghiệm” dựa vào tâm tình và tĩnh. Theo tâm lý, khi lý trí và tâm tình quyện lại, sẽ trở thành ý chí. Ý chí là hành động quyết tâm đi theo. Và được biến đổi. Ví dụ: Hai người yêu nhau, hiểu nhau, tiến tới hôn nhân gia đình, sẽ dần dần thay đổi nên một. Như kinh nghiệm cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”[3].

Đào luyện

a. Mô tả

Trong một căn phòng, tái hiện phòng tiệc ly, nơi Đức Mẹ và các Tông đồ hiệp thông, cầu nguyện. Khôn ngoan, khiêm tốn, kín đáo. Chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống: “Lễ Ngũ tuần”. Phòng này, được thiết kế: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Có Abba, dưới là Chim câu cách tân, ngậm cành Oliu, tượng trưng Chúa Thánh Thần với 7 ngọn lửa. Có Tượng Thánh giá trên Nhà Tạm, hình trái tim, tượng trưng cho tình yêu: “Mến Chúa-Yêu người”. Có Đức Mẹ đang chầu Thánh Thể. Có Thánh Kinh. Có ánh sáng huyền linh. Đèn chiếu tập trung vào Nhà Tạm. Có nhạc không lời, đánh động tâm hồn. Có kinh “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”.

b. Đào luyện

Thân

Ngồi thanh thản. Hai đầu ngón tay cái và ngón trỏ chạm vào nhau, để tập trung giây thần kinh về bộ não. Theo khoa học, thì 90% hệ thần kinh bị phân tán. Mắt mở ¼ nhìn xuống đầu mũi. Hít sâu-nín-thở dài, 3 lần.

Tâm

Cầu nguyện (đọc thành lời): 1. Xin Chúa thêm đức tin cho con, 3 lần. 2. Xin cho con được gặp Chúa, 3 lần.

Cảm nghiệm (thinh lặng):

1. Chúa đang nhìn con, con rất đẹp vì con là hình ảnh của Ngài, 3 lần. 2. Chúa đang yêu con, vì Chúa là tình yêu, con là con của Ngài, 3 lần. Nhìn là trí; yêu là tâm. Tâm trí quyện lại sẽ trở thành ý chí, thuận theo, để Chúa biến đổi. Với điều kiện: Nhận chìm sâu cái “Tôi” kiêu căng, trong ánh nhìn dịu hiền và trong tình thương bao dung của Chúa. Dần dần cái “Tôi” nhỏ lại, trở thành cát bụi, trở thành đất. Khi không còn là gì, Chúa Giêsu nhẹ nhẹ đi vào tâm hồn. Ngài sẽ làm cho con lớn lên và dần dần trở nên: “Đồng hình đồng dạng với Ngài”, một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt; bất ngờ và lạ lùng. Cụ thể, trở nên người “Hiền lành và Khiêm nhường”; biết sống: “Liên đới trách nhiệm và Yêu thương phục vụ”, qua con đường truyền giáo mới: “Đối thoại và Hòa giải”.

Kết thúc:

“Xin Chúa Giêsu sai Thánh Thần đến với con; cùng với Mẹ Maria và các Tông đồ, con đón nhận Thánh Thần; xin Thánh Thần ban ơn khôn ngoan, sức mạnh và tầm nhìn cho con”.

Hít sâu-nín-Thở dài, 3 lần. Mở mắt. Phép lành: “Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần ban (nếu là linh mục); xuống (nếu là giáo dân) phúc lành cho con và toàn thế giới hôm nay, Amen./.

NB.

1. Thực hiện trong vòng 3-5 phút.

2. Bất kỳ nơi nào, lúc nào thuận tiện. Lúc đầu trước Thánh Thể là tốt nhất.

3. Khi quen rồi, nó như hơi thở, không còn lệ thuộc phương thức và nơi chốn nữa.

4. Hệ quả: Chúa Giêsu sẽ tỏa sáng nơi ta, dù ta không biết điều đó, khi ta gặp gỡ mọi người. Đó là trường hợp của các thánh và gần đây, Thánh Giáo hoàng G.P. II. Và Chân phước Acutis.

Lm. Gioachim Nguyễn Văn Hinh (D.Min)