16/09/2021
414
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 9_Bài 3
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 09-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI III – GIÁO HUẤN GIÁO HỘI VỀ XÃ HỘI

LAO ĐỘNG VÀ GIA ĐÌNH

 

 

Khi nói đến lao động, thiết nghĩ, cần nhắc nhớ rằng “Lao Động có tính nhân văn”. Nghĩa là chỉ riêng ở con người, Thiên Chúa mới ban cho đặc ân biết lao động. Ngang qua lao động - cùng với sự tự do trong hành vi - con người thể hiện bản thân, diễn tả yêu thương, vươn đến khát vọng... . Lao động của con người hoàn toàn khác với kiểu “con ong tìm mật, con kiến tha mồi” - đây chỉ là hoạt động thuần tuý của bản năng, đã được Thiên Chúa “cài đặt” cho mỗi loài trong phương thức kiếm ăn và duy trì nòi giống.

Khi thất nghiệp, không chỉ đơn giản là bị thiếu hụt kinh phí sinh sống, mà con người còn bị rơi vào sự cô đơn, thất vọng, mặc cảm và thiếu chiều kích tham gia xã hội. Đại dịch co-vid kéo dài đang minh chứng cho tình trạng này. Người dân không thể làm việc mưu sinh, cộng với áp lực về bệnh tật, dịch giã - nhất là đối với các gia đình đang chen chúc nhau trong các dãy phòng trọ ọp ẹp thiếu không gian sống - đã đẩy con người vào cảnh khó khăn, bế tắc.

Lao Động và Gia Đình có mối tương hỗ mật thiết. Gia đình cung cấp cho xã hội nguồn lao động dồi dào, ngược lại lao động giúp gia đình có kinh phí để tồn tại và phát triển cách sung túc, tròn đầy.

Tuy nhiên, cần cân đối giữa lao động và chăm sóc gia đình. Vì việc dành thời gian để chăm sóc nhau, dạy dỗ con cái đúng cách, đúng hướng rất quan trọng. Bởi, khi bầu khí gia đình nhạt nhẽo, cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên vô vị và dễ tan vỡ dẫu có nhiều tiền. Cũng vậy, việc con cái “không nên người” sẽ trở thành nỗi đau của cha mẹ, và cha mẹ sẽ cảm thấy những cố gắng kiếm tiền của mình bỗng trở nên vô nghĩa!

Xã hội đang diễn ra một nghịch cảnh hiếm thấy: người ta chưa bao giờ có nhiều thời gian dành cho gia đình như trong thời dịch giã này! Thế nhưng lòng người lại khó có thể an bình để trọn vẹn dành cho nhau. Bởi nếu không phải là đang chịu đựng sự thiếu đói, chết chóc, thì nỗi muộn phiền, đau đớn trươc sự khốn khổ của dân tộc, của nhân loại cũng đang đè nặng lên bao tâm hồn! Chỉ trừ những ai hoặc vô tâm, hoặc phó thác cao độ vào Đấng Quyền Năng, thì mới có thể tìm được sự thanh thản.

Những trắc trở của gia đình ngày nay hầu như đều liên quan đến lao động.

- Một người, chồng hoặc vợ, vì lý do nào đó cho rằng người kia không cần phải đi làm nữa, vì kinh phí gia đình dư dật. Đây là cách suy nghĩ “quy về vật chất” rất thường gặp, cách suy nghĩ này cắt xén các chiều kích phong phú của con người mà người khác cần phải tôn trọng.

- Trong hoàn cảnh con cái còn nhỏ dại, thường người mẹ phải ở nhà chăm sóc con cái để người bố làm việc nuôi sống gia đình. Điều này rất hợp lý. Tuy nhiên, người đi làm thường xem nhẹ vai trò người ở nhà, cảm thấy mình quan trọng và nặng nhọc hơn. Trên thực tế, việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái không hề nhẹ nhàng, cần được các thành viên trong gia đình chia sẻ, cũng như phải cùng nhau kiến tạo hạnh phúc.

- Một thực tế khá phổ biến khác: vì cuộc sống khó khăn, chi phí ăn học của con cái khá cao so với đồng lương cha mẹ, do đó cả cha lẫn mẹ phải quần quật mưu sinh mà không có thời gian để giám sát, dạy dỗ con cái, thậm chí phải gởi con cái cho ông bà ở quê nhà để tha phương cầu thực. Trong khi cạm bẫy xã hội đầy rẫy, còn trường học thì chưa có một nền giáo dục đúng và đủ, khinh suất tính nhân văn. Thực trạng ấy làm cho trẻ bị chơi vơi và dễ dính bám vào tệ nạn xã hội. Gia đình và tương lai của con trẻ rõ ràng bị đe doạ.

- Phải kể đến một dạng thức tệ đoan mới của lao động thời hiện đại có liên quan đến hạnh phúc gia đình. Đó là kiểu làm việc, kí hợp đồng trên bàn nhậu, trong quán karaoke, rồi “tăng hai, tăng ba”... Đây là cách làm việc được cho là ưa chuộng và “có hiệu quả” thời nay. Vì lẽ đó, một người vì cần có công việc, phải chấp nhận lề lối này dẫu muốn hay không. Rõ ràng môi trường làm việc như vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống riêng tư, nhất là đối với người lao động nữ, là người vợ, người mẹ trong gia đình.

Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần nhìn nhận tầm quan trọng của gia đình. Phải có trách nhiệm trong việc nỗ lực tạo công ăn việc làm phù hợp cho người dân, ở từng địa phương. Đó là yếu tố rất quan trọng để phát triển gia đình, bình ổn và thăng tiến xã hội cách toàn diện.

Lao động là quà tặng cao quý từ Thiên Chúa. Đừng trở nên nô lệ của lao động, nhưng hãy để lao động làm khí cụ phục vụ con người. Khí cụ ấy cần được sử dụng đúng để làm cho từng con người, từng thành viên trong gia đình được triển nở và sống có ý nghĩa, sống hạnh phúc cùng nhau. Trong mọi thời, bài toán về lao động và gia đình luôn là một bài toán khó.

Mẩu Bút Chì