09/09/2021
354
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 9_Bài 2
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 09-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI II – TU ĐỨC

TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH

“Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn,

và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” Lc 2,52

 

Sự Sống của con người là một sức mạnh không ngừng phát triển để đạt tới mức trọn vẹn Thiên Chúa dành cho mình. Sự sống ấy bao gồm Thân xác, Trái tim, Trí tuệ và Tinh Thần, thể hiện trên trái đất, trong cộng đồng và lịch sử.

Vì thế, con người cần phát triển bản thân để Thành Nhân, nghĩa là phát triển nhân cách của mình cách tốt nhất theo ơn gọi làm người.

Trao đổi mở đầu

* Có câu nói tuy sổ sàng nhưng cũng rất thực: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”. Bạn nghĩ gì về câu nói này?

* Tại sao con người cần sống một thời gian lâu dài với cha mẹ, còn loài vật thì không cần? Để làm gì?

* Đến lúc nào thì người ta không cần cố gắng “sống cho nên người” nữa? Có phải đến chết không?

……………………………………………………………………………………………..

 

1. Nhìn vào gương Chúa Giêsu.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Luca 2,51-52).

* Đức Giêsu sinh ra và lớn lên trong gia đình Nadarét với Mẹ Maria và thánh Giuse trong 30 năm. Sau đó Ngài mới ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

* Trong thời gian này, Ngài lớn lên. Thánh Luca kể ra 3 bình diện: “khôn ngoan, cao lớn và ân nghĩa.” Nghĩa là trong 3 lãnh vực: thân xác, trí tuệ và tâm hồn/tinh thần.

Có 2 điều cần ghi nhớ:

1. Vai trò của gia đình, của cha mẹ đối với việc “thành nhân” của con cái. Vì sao? Bằng những công việc nào?

......................................................................................................................................

2. Sự tăng trưởng của con người trong 3 lãnh vực khác nhau. 3 lãnh vực này liên hệ với nhau như thế nào và có theo một trật tự ưu tiên nào không?

......................................................................................................................................

 

2. Tìm hiểu thêm.

2.1 Con người sống bao gồm nhiều Tố Chất khác nhau:

Thân xác – Trái Tim/Tình Cảm – Trí Khôn và Tinh Thần/Tâm hồn.

Các phần này không tách biệt nhau, nhưng liên kết và bổ túc cho nhau để có một sự sống làm người trọn vẹn.

* Thân xác giúp con người hiện diện trong trời đất, được nuôi dưỡng để làm nơi nương tựa cho Trí tuệ và Tinh thần.

* Nếu con người chỉ biết sống cho/theo thân xác, thì có khác gì một con vật bốn chân, “chúa của họ là cái bụng”.

* Cuộc sống con người đi lên từ thân xác, phải vượt lên trên cõi đất (khác với lòaì vật), dùng trí khôn để vươn cao hơn mà đạt tới cùng đích đời người là sống với tha nhân và Thiên Chúa.

 

Ghi nhận cá nhân.

..................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

2.2 Tinh Thần con người

* là quà tặng quí báu nhất Thiên Chúa trang bị cho con người.

* Tinh thần đem sinh khí cho con người, hướng dẫn trí khôn, nung nấu trái tim, giúp đỡ thúc đẩy cảm xúc chuyển thành hành động và nâng dậy những yếu kém của bản thân.

* Tinh thần là nguồn cội cho tương quan với tha nhân và xây dựng cộng đoàn, liên kết các dân tộc lại với nhau.

 

Ghi nhận cá nhân:

..................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

2.3 Nội Tâm con người .

Nội Tâm Con người bao gồm Trí Khôn và Tinh thần.

* Trí khôn có nhiều chức năng: hiểu biết, quyết định (ý chí) tưởng tượng, ghi nhớ.

* Tinh thần cũng có những chức năng tương ứng: hiệp thông với tha nhân và với Thiên Chúa (thờ phượng), lương tâm và linh cảm.

* Để sống thật sự làm người, chúng ta cần phải hết sức quan tâm đến phần Nội Tâm của mình.

 

Ghi nhận cá nhân:

..................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

2.4 Tinh Thần Con Người cho thấy mỗi người là một hữu thể duy nhất,

có một không hai, nhưng được kêu gọi mở ra cho tha nhân và cho Thiên Chúa

* Tinh thần con người mở ra cho tha nhân, trước mắt cho gia đình và thân hữu, cho cộng đồng và cho thế giới. Con người được dựng nên để sống với, sống nhờ và sống cho. Như thế sống là luôn mở rộng và làm phong phú cuộc sống mình với mọi người, chớ không đóng khung trong cuộc sống cá nhân.

* Là kênh giao tiếp với Thiên Chúa, Tinh Thần con người được mời gọi mở ra cho Thần Khí Thiên Chúa và sống theo ân huệ thánh thần là:

“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Galat 5,22-23)

Muốn được như vậy, con người cần làm gì?

1. Luôn tỉnh thức để xem xét cách sống của mình và những hoàn cảnh sống của mình.

2. Chuyên cần hoàn chỉnh bản thân (để thành nhân hay thành thân). Vì cuộc sống là một hành trình liên tục.

 

2. 5 Phương thế hổ trợ cho 2 mục tiêu trên là:

a. nghỉ ngơi, sống an lành và mạnh khỏe

b. chấp nhận mình và chấp nhận người khác.

c. có thời gian yên lặng để lắng nghe bản thân và lắng nghe người khác với sự cảm thông

d. đọc sách và học hỏi, để kiên vững tinh thần

e. cầu nguyện và chiêm niệm để mở ra cho Thần Khí.

Hãy sống theo Thần Khí Thiên Chúa, để Ngài hướng dẫn mình, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. (xem Galat 5,26; Rôma 5,5)

Ghi nhận cá nhân:

..................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

SUY NIỆM VỚI ĐTC PHANXICÔ

 trích Tông huấn Đức Kitô Đang Sống.

“Cha muốn nhắc các con rằng các con sẽ không nên thánh và tìm thấy sự viên mãn bằng cách sao chép những người khác. Bắt chước các thánh không có nghĩa là sao chép lối sống của các ngài và cách các ngài sống thánh thiện...

 Các con phải khám phá mình là ai và khai triển nẻo đường nên thánh của riêng mình, dù cho những người khác nói gì đi nữa.

Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình đầy đủ hơn, trở nên điều mà Chúa đã mong muốn, ước mơ và sáng tạo, chứ không phải một bản sao.

Đời sống các con phải là một sự khởi động mang tính ngôn sứ cho người khác, và ghi dấu trên thế giới này, dấu vết độc đáo mà chỉ các con mới để lại được”.

 

Thực Tập

LÀM SAO ĐỂ CÓ THÊM BẠN BÈ?

1. Ăn nói dễ thương với mọi người.

2. Mĩm cười nhiều hơn!

3. Gọi người khác bằng tên của họ.

4. Tỏ ra thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ.

5. Cho thấy niềm vui của lòng mình

6. Quan tâm đến ngươi khác

7. Không tiếc lời khen ngợi, nhưng cẩn trọng khi phê phán.

8. Cảm thông với tâm tình và nỗi đau của tha nhân

9. Biết lắng nghe, trân trọng ý kiến của người khác

10.Mau mắn tiếp sức và ra tay phục vụ.

 trích trong Positive Spirit Positive Life,của J. Maurus

Đọc thêm

HÃY DẤN MÌNH SÂU VÀO CUỘC SỐNG!

“Bạn đừng sợ đương đầu với chính mình và đừng sợ mạo hiểm để thực hiện một số nổ lực nhằm biến đổi bản thân để trở nên một con người tốt hơn.

Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta đáp ứng các điều kiện đặt ra cho cuộc sống của mình.

Đó là

1. Biết nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình: Chính bạn kiến tạo nên đời mình, chớ không ai khác.

2. Tiếp tục đầu tư chính mình vào những cơ hội giúp mình phát triển để trưởng thành hơn. Dám mạo hiểm. Biết đón nhận những con người được ban tặng cho mình.

3. Biết cởi mở để chia sẻ chính mình, để xây cầu thay vì xây tường và phát huy tiềm năng của mình. Sống là cho đi. Vì “cho thì tốt hơn là nhận”.

4. Thành thật, không dối trá. “Có khả năng đối diện với sự thật về chính mình, cả những sự thật tích cực lẫn tiêu cực, điểm mạnh và điểm yếu”. Sống khiêm tốn, không tự vệ, không mang mặt nạ.

5. Tránh dán nhãn hiệu cho mình và cho người khác, không khái quát hóa nhưng biết nhận ra sự độc đáo và tôn trọng nét riêng tư của mỗi con người.

6. Dành thời giờ xem xét để phân định mọi kinh nghiệm sống của mình, và suy ngẫm về cách các kinh nghiệm ấy đang kiến tạo nên con người hiện tại của mình.

7. Nhìn mọi sự trong nhãn giới hiện tại, “ở đây là lúc này, đang khi nhìn lại quá khứ của mình với thái độ chấp nhận và tha thứ. Sống hết mình là sống hết cái hiện tại của mình.’.

Tôi muốn nhắc lại với mình và với bạn rằng chúng ta không được phép phung phí cuộc sống này, cuộc sống đã được trao ban cho chúng ta.

“Sống là một tiến trình năng động. Vì nó chào mừng bất cứ ai đón nhận lời mời để trở nên một thành phần sống động của nó. Điều mà chúng ta gọi là bí quyết hạnh phúc chung qui chỉ là thái độ chúng ta sẵn lòng chọn lựa sự sống” ( Leo Buscaglia)

(trích dẫn sách “Sống hết Mình: của tác giả Earnest Tân)

Tin Vui

 

Tài liệu tham khảo

1. J. Maurus   Positive Spirit Positive Life,

2. Ersnes L.Tân   SỐNG HẾT MÌNH để trưởng thành nhân cách và thay đổi.