16/08/2021
389
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 8_Bài 3
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 08-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI III - HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

 

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO NÓI GÌ

TRƯỚC TÌNH TRẠNG CÔNG VIỆC BẤT ỔN

 

Bản tin ngày 20 tháng 1 năm 2020, trên trang Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: "Theo báo cáo toàn cầu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xu hướng việc làm và xã hội, tình trạng thâm hụt việc làm thỏa đáng đi kèm với thất nghiệp gia tăng và bất bình đẳng dai dẳng khiến con người ngày càng khó có thể mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ vào công việc của mình.[1]"

Việt Nam, tháng 7/2021, nhiều tỉnh thành bị phong toả, giãn cách theo các chỉ thị của chính phủ. Vì chính phủ cho rằng đây là giải pháp để giảm số người nhiễm Covid 19, hiện nay đang tăng chóng mặt, con số đã lên vài ngàn người mỗi ngày. Nhiều tỉnh/ thành giãn cách ngặt nghèo, không ít công ty, xí nghiệp, cơ sở làm ăn lớn, nhỏ phải đóng cửa. Vậy là cả chủ và thợ đều thất nghiệp.

Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo (GHXHCG) nói gì trước tình huống trên? Trong tình huống này những ai có trách nhiệm liên quan? Và mỗi thành viên ấy liên quan như thế nào? Vì sao?

GHXHCG khẳng định, khi người lao động nhận được mức lương thấp hơn so với vật giá thị trường, tức thu nhập không đủ sống, thì đó là tình trạng công việc bất ổn, huống gì là tình trạng mất hẳn công ăn việc làm, hoàn toàn không còn thu nhập. Khi ấy, người lao động gặp khó khăn ngay cả trong nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc,…; và không có khả năng hoạch định được bất cứ điều gì cho tương lai[2].

Theo giáo huấn xã hội Công giáo, "tất cả các nguồn lực xã hội: doanh nghiệp, công đoàn, và chính trị, đều có nghĩa vụ phải phát huy QUYỀN CÓ VIỆC LÀM, và theo đuổi mục tiêu là có đầy đủ việc làm cho dân chúng."[3] Bởi vì, người lao động, gồm cả lao động thời vụ và di dân đều có quyền được làm việc và hưởng lương xứng đáng[4].

Trong đó các thành phần: - Doanh nghiệp là những cá nhân, tập thể có nguồn lực tài chánh, đầu tư vào các loại hình sản xuất, dịch vụ - Công đoàn thuộc nhóm gọi là xã hội dân sự - Nguồn lực chính trị chính là các tổ chức nhà nước, công quyền. Cả 3 thành phần trên đều là những thực thể liên quan đến vấn đề công ăn việc làm của người lao động.

 

Trong tình trạng thực tế của thị trường từng nơi, từng lúc, nhất là khi có những biến động xã hội, như dịch cúm Covid 19 đang xảy ra, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng là việc không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc không tránh khỏi này không làm giảm bổn phận, trách nhiệm của từng thực thể. Trong tình huống đặc biệt, khó khăn đó: - Nhà nước, cần thiết lập những điều kiện, cung cấp sự hỗ trợ để những người chủ có thể cung cấp việc làm. Ví dụ, thông qua “thị trường việc làm phụ”. Tức là đưa ra những gói kích cầu đầu tư vào những công việc phục vụ công cộng, cần cho xã hội, mục đích nhắm đến là để có thêm việc làm cho người lao động trong tình trạng việc làm bị khan hiếm.

- Với những cá nhân, tập thể có nguồn lực tài chánh, vật chất: không nên dùng tài sản của mình một cách ích kỷ, mà phải sử dụng nó để mưu cầu lợi ích cho tất cả. Điều này đặc biệt đúng khi xét tới mối liên hệ giữa tài sản và lao động: các khoản đầu tư nên thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm mới, và gia tăng công ích.

- Công đoàn là tổ chức mà phận vụ của nó là tạo áp lực trong lãnh vực kinh tế, chính trị ở mảng lao động, với mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động trước các chính sách của nhà cầm quyền và hệ thống kinh tế.

[5]

 "Đối với phần lớn người ta, công việc là quan trọng nhất, và thường là nguồn thu nhập duy nhất. Nhưng không chỉ thế: lao động là chiều hướng thiết yếu để con người tự thể hiện bản thân và tham gia vào xã hội"[6]. Nên học thuyết xã hội của Giáo hội khẳng định về một quyền, gọi là "QUYỀN LUÂN LÝ ĐƯỢC CÓ VIỆC LÀM" của mọi người ở độ tuổi lao động.

Nhà nước - một cơ cấu mà mục đích duy nhất cho sự tồn tại của nó - là lo cho lợi ích của mọi người dân, vì vậy nhà nước phải nỗ lực điều phối, tạo điều kiện để người dân thực thi quyền có việc làm này.

 

Và, dù giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn bảo vệ quyền tư hữu tài sản, nhưng Giáo hội cũng luôn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tạo ra trái đất và sản vật của nó để sinh ích cho tất cả mọi người. Học thuyết xã hội gọi đây là “mục tiêu phổ quát của mọi của cải vật chất”. Từ đây phát sinh nguyên tắc của cải đưa tới những nghĩa vụ xã hội. Hay nói khác đi, các khoản đầu tư nên được dùng vào việc tạo ra công ăn việc làm mới.

Như vậy, tuỳ thuộc vai trò, vị trí của chúng ta trong bối cảnh xã hội rơi vào tình trạng bất ổn công ăn việc làm - là một chính trị gia làm việc trong hệ thống công quyền, hay một người Chúa ban cho điều kiện, tài năng trở thành người có nguồn lực tài chánh, hay chính là một người bị mất công ăn việc làm - giáo huấn xã hội chỉ cho chúng ta biết đâu là điều đúng, để hành động cho xứng hợp với vị trí, vai trò của mình trong xã hội như một Kitô hữu.

Cát Nguyên

[1] https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_734863/lang--vi/index.htm

[2]  Docat, câu 146

[3] Docat, câu 148

[4] Docat, câu 146

[5] Về tổ chức công đoàn, trong tình huống này việc làm của công đoàn không có gì khác hơn bình thường

[6] Docat, câu 148