27/07/2021
325
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 7_Bài 5
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 07-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN


 

BÀI V – HĐMVGX

NHIỆM VỤ CỦA PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

ĐẶC TRÁCH NGỌAI VỤ

 

I. QUY CHIẾU BẢN GỢI Ý CHO MỘT QUY CHẾ HĐMVGX:

Nhiệm vụ và quyền lợi

Điều 15: Cùng với linh mục chánh xứ (và dưới sự hướng dẫn của ngài) Phó chủ tịch của HĐMVGX có nhiệm vụ:

1. Hợp tác với Chủ Tịch HĐMVGX, thay thế chủ tịch HĐMVGX khi vị này và phó chủ tịch HĐMVGX vắng mặt, để chịu trách nhiệm chung về HĐMVGX trong việc lãnh đạo và điều hành hoạch định chương trình mục vụ… sao cho giáo xứ được thăng tiến trong chính sứ vụ của giáo xứ.

2. Phụ trách việc liên lạc với bên ngoài giáo xứ trong trường hợp được ủy nhiệm: thường là phối hợp các sinh hoạt thuộc lãnh vực tông đồ, bác ái xã hội (đặc biệt quan tâm đến người nghèo, neo đơn, bệnh tật,…) phát triển và truyền bá đức tin, chăm sóc các lớp giáo lý dự tòng.

3. Thực hiện các công việc thuộc lãnh vực trên khi giáo xứ không có ủy viên chuyên trách.

 

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

1. Tương quan, liên hệ với những đối tượng bên ngoài giáo xứ:

Danh xưng “Phó Ngoại Vụ” đã bao hàm công việc đối ngoại của vị Phó II Ban Thường Vụ HĐMVGX. Giáo Xứ không phải là một môi trường khép kín, nhưng là một cộng đoàn niềm tin mở ra với thế giới, với xã hội trần thế. Trong những sinh hoạt tôn giáo cũng cần phải tuân thủ, cộng tác với những quy định của luật pháp của xã hội, miễn là niềm tin, tự do tôn giáo… luôn được tôn trọng.

Vị Phó II Thường Vụ HĐMVGX chịu trách nhiệm quan hệ đối ngoại cùng với và dưới quyền vị Chủ Tịch HĐMVGX.

- Liên hệ với chính quyền: Làm đơn xin hoặc thông báo với chính quyền các cấp tùy theo công việc chẳng hạn Lễ Thêm Sức, Lễ Khánh Thành, tổ chức các sinh hoạt long trọng đặc biệt có khách mời từ các nơi khác… Xây dựng cơ sở vật chất.

- Có những mối tương quan tốt đẹp với các tổ chức xã hội chẳng hạn như Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Cao Niên, Hội Phụ Nữ địa phương,… để hiểu biết, cảm thông và cộng tác trong những công việc ích nước lợi dân. Cảm thông, hiểu biết và cộng tác trong tư cách là một Kitô hữu, như men trong bột, như muối mặn ướp đời.

2. Trách nhiệm nội tại của Phó Ngoại Vụ trong giáo xứ:

Có 2 trách nhiệm chính yếu là BÁC ÁI và TRUYỀN GIÁO. Rất nên xin với Cha Xứ để tuyển chọn hai vị Ủy Viên Bác Ái và Ủy Viên Truyền Giáo để cộng tác với Phó Ngoại Vụ trong hai công tác đặc biệt quan trọng này.

1.1. Xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn yêu thương (x.Ga 13,34) Cộng đoàn hiệp thông bác ái (x. Cv 4,32-35)

Khởi đi từ chính gia đình của riêng mình: Sống đạo đức hiệp nhất, yêu thương, cảm thông chia sẻ, bác ái và dần làm lan tỏa đến các gia đình xung quanh “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” ( Khổng Tử )

Đồng hành và liên kết với Ban Điều Hành các họ đạo trong giáo xứ, Ban Trị Sự các giới, các hội đoàn để đoàn kết cùng chung tay góp sức làm việc bác ái.

Giúp nhau hàn gắn những rạn nứt, cứu giúp những gia đình đổ vỡ, hòa giải những tranh chấp, đố kỵ,…

Thể hiện tình bác ái yêu thương cụ thể: Quyên góp, giúp đỡ người nghèo không phân biệt lương giáo. Trong những trường hợp đặc biệt cần giúp đỡ như tai nạn, bệnh tật nghiêm trọng, những hoàn cảnh tang thương,… cần bàn bạc với Cha Xứ tìm cách cứu giúp, hỗ trợ.

Nếu được phép Cha Xứ có thể cùng với HĐMVGX gây quỹ:

- Quỹ Bác Ái Tương Trợ.

- Quỹ Khuyến Học.

- Quỹ Xây Nhà Tình Thương,…

Cộng tác với việc bác ái từ thiện của các giáo xứ bạn, của giáo hạt, giáo phận, các chương trình của ban Caritas, ban Bác Ái Xã Hội, trợ giúp các xứ nghèo gặp nhiều khó khăn,…

1.2. Truyền giáo:

Công tác nội tại thứ hai được trao phó cho Phó Ngoại Vụ chính là việc truyền giáo. Đây là trách nhiệm chính yếu của linh mục quản xứ, là bổn phận của mọi thành viên HĐMVGX và của mọi Kitô hữu “Hội Thánh lữ hành tự bản chất là truyền giáo” (Sắc Lệnh Truyền Giáo số 02). Tuy nhiên Phó Ngoại Vụ được giao một số công việc liên quan đến việc thi hành sứ vụ này:

- Là trung gian, có thể đưa dẫn người muốn tìm hiểu giáo lý công giáo để theo đạo, để kết hôn, để xin chuẩn hôn nhân khác đạo,… Phó Ngoại Vụ cần tìm hiểu và hiểu biết cơ bản về những lãnh vực giáo lý, giáo luật của các vấn đề này.

- Tiếp nhận và tổ chức các khóa giáo lý dự tòng. Xin ý kiến Cha Xứ để có thể giúp ngài điều tra tình trạng sống, thong dong v v,… của các thành viên. Sau đó báo cáo bằng văn bản đơn giản cho Cha Xứ.

- Mời gọi và tuyển chọn một số người lớn tuổi có trình độ, đạo đức nhiệt thành để xin Cha Xứ hướng dẫn, huấn luyện trở thành những giáo lý viên dự tòng.

- Có nhiều giáo lý viên dự tòng có thể giúp giải quyết việc tiếp nhận và dạy giáo lý trong giáo xứ ở những thời điểm khác nhau, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu về thời gian học hỏi khác nhau. Phó Ngoại Vụ có thể xin Cha Xứ cho phép liên kết các giáo lý viên thành Tổ Truyền Giáo của giáo xứ và đặt vị đứng đầu là Ủy Viên Truyền Giáo.

- Phó Ngoại Vụ cần quen biết với các học viên dự tòng. Sau khi đã điều tra, nên gợi ý các học viên tìm người đỡ đầu, để có mối tương quan tốt đẹp giúp cho đời sống đạo của học viên. Nên nhớ học giáo lý không phải là để có một số kiến thức về đạo nhưng là để Tin và Sống Đức Tin.

- Nắm bắt được chương trình học của các khóa dự tòng hoặc của cá nhân ( học riêng ), Phó Ngoại Vụ sẽ trình với Cha Xứ để xin ngài gặp gỡ, kiểm tra, xác định niềm tin, bàn bạc thời điểm lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm.

- Nếu là dự tòng chuẩn bị kết hôn, Phó Ngoại Vụ trình bày trước với Cha Xứ. Có trường hợp mắc ngăn trở phải thưa trước để Cha Xứ biết.

- Các thủ tục giấy tờ qua lại giữa các giáo xứ, Cha Xứ sẽ hướng dẫn và cấp phát tuy nhiên Phó Ngoại Vụ cũng cần biết để nhắc nhở khi cần thiết. (Nên lấy số điện thoại của các học viên).

- Để tạo niềm vui thánh thiêng, ý thức sứ vụ Truyền Giáo cho cộng đoàn, để người anh chị em tân tòng cảm nhận được từ nay mình trở thành một thành viên của đại gia đình, gia đình của Thiên Chúa, các nghi lễ gia nhập Hội Thánh, lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm nên được tổ chức vào các ngày lễ trọng, lễ đặc biệt, vào thời gian phụng vụ của giáo xứ khi có nhiều người tham dự.

- Nếu có được món quà nhỏ, đạo đức thì thật cảm động và ý nghĩa (tràng hạt, bức hình, bức tượng nhỏ, v v…).

- Là tân tòng sống tại giáo xứ sẽ được quyền lợi và cả bổn phận như các giáo dân khác. Quan tâm, quý mến và mời gọi tham gia, cộng tác, nhưng cũng cần rất tế nhị khi nói đến việc đóng góp tài chánh.

III. KẾT LUẬN:

Với những gì trình bày ở trên đây, xem ra trách nhiệm của vị Phó Chủ Tịch (Phó Thường Vụ) HĐMVGX đặc trách ngoại vụ, không đơn giản và nhẹ nhàng.

- Không đơn giản vì phải liên hệ tương quan với xã hội: Chính quyền, tôn giáo bạn, các cơ quan, đoàn thể xã hội… Mỗi đơn vị có những nét đặc thù khác nhau.

Làm sao để có thể mang đức công chính mà tràn đầy tình yêu thương bác ái để đi vào đời?

- Không nhẹ nhàng vì công việc thực thi bác ái và thi hành sứ vụ Truyền Giáo không mang tính thời vụ nhưng sẽ còn mãi mãi cho đến ngày tận thế. Hết khóa này, lại đến khóa kia. Hết người này lại đến người khác.

- Ba niềm tin để Phó Ngoại Vụ can đảm nỗ lực chu toàn trách nhiệm:

+ Chức vụ và trách nhiệm của tôi đến từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Chính Chúa Giêsu Kitô kêu gọi tôi: “Hãy vào làm vườn nho cho Ta” (Mt 20,1-16a ).

+ Giáo Hội, xã hội, những anh chị em dự tòng, lương dân cần sự góp phần nhỏ bé của tôi.

+ Chúa Thánh Thần hằng ban ơn khôn ngoan, soi sang và thêm sức cho tôi. Và lời của Chúa Kitô củng cố sức mạnh nơi tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

 

Lm Giuse Nguyễn Ý Định