30/05/2021
397
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 5_Bài 5
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 05-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN


 

BÀI V: TCHỨC HĐMVGX

NHIỆM VỤ THEO CÁC CHỨC VỤ HĐMVGX

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

(Phần tiếp theo)

 

Trách Nhiệm Quản Lý Tài Sản Giáo Xứ: Giáo Luật quy định nơi quyển V, Điều 1254 đến Điều 1298:

1. Xác định tài sản của giáo xứ cũng là tài sản của Giáo Hội:

- Điều 1257 §1) “Tất cả mọi tài sản vật chất thuộc về Giáo Hội Toàn Cầu, Tông Tòa hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội và được quản trị theo các điều luật sau đây, cũng như theo các quy chế riêng của những pháp nhân ấy”.

- Điều 1258:” Trong các điều luật sau đây, từ ngữ Giáo hội không những được hiểu là Giáo Hội Toàn Cầu hay Tông Tòa, nhưng còn được hiểu là bất cứ pháp nhân công nào trong Giáo Hội, trừ khi văn mạch hay bản chất sự việc cho hiểu cách khác.”

2. Tài sản có từ quyền lợi của giáo xứ (Giáo Hội)

Điều 1254:

§1) Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có quyền Thủ Đắc, Duy Trì, Quản Trị và Chuyển Nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, để theo đuổi những mục đích riêng của mình.

§2) Những mục đích riêng chính yếu là: Tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo.

3. Tài Sản của giáo xứ gồm có:

a. Các nơi Thánh:

- Nhà Thờ (Điều 1214)

- Nhà Nguyện (Điều 1223)

- Đền Thánh (Điều 1230)

- Bàn Thờ (Điều 1230)

- Đồ Thánh và các dụng cụ (Điều 1220)

- Nghĩa Trang (Điều 1240)

b. Các cơ sở khác:

- Nhà Xứ (Điều 533§1) Các vật dụng trong nhà xứ - Tế nhị vì có những sở hữu riêng của Quý Cha.

- Nhà Giáo Lý và các cơ sở từ thiện (phòng phát thuốc, nhà dưỡng lão, nhà cô nhi, trường học, v.v...)

c. Các tài sản khác:

- Động sản: Xe cộ, gia súc chăn nuôi, v.v.

- Bất động sản: Ruộng vườn, v,v…

d. Quỹ chung, quỹ xây dựng, hiện kim, ngoại tệ, ký thác ngân hàng, tư nhân v.v,

4. Quản trị tài sản:

a. Cha xứ là người được Đức Giám Mục giáo phận trao quyền quản trị, lo liệu vấn đề tài sản của giáo xứ, được quyền quản lý và sử dụng theo chỉ dạy của giáo luật trong các điều 1281 – 1288.

b. Chủ tịch HĐMVGX:

Là cộng sự viên đắc lực nhất của Cha Xứ, chia sẻ trách nhiệm quản trị tài sản của giáo xứ trong tinh thần vâng phục và vì lợi ích chung của giáo xứ.

Thẩm quyền và bổn phận trên mọi thành viên của HĐMVGX, vị chủ tịch cần phải quan tâm:

- Bảo quản các cơ sở thánh thiêng của giáo xứ cho được trang nghiêm, sạch đẹp, an toàn, xứng hợp,…

- Sử dụng đúng mục đích: tôn thờ, học hỏi giáo lý, sinh hoạt tôn giáo,…

- Đối với những tài sản khác (động sản hoặc bất động sản) cần coi sóc, giữ gìn để không bị mất, bị hư hại.

- Thừa lệnh Cha Xứ và đại diện giáo xứ lo liệu các giấy tờ hợp pháp bảo đảm quyền sở hữu của giáo xứ theo luật dân sự.

- Cẩn thận thu hoa lợi hoặc doanh thu (nếu có).

- Xem xét sổ quỹ các loại và cùng với thủ quỹ đệ trình Cha Xứ kiểm nhận.

5. Xây dựng – Tu sửa – Phát triển:

- Khi có những nhu cầu lớn này, cần có sự nhất trí đồng lòng của Cha Xứ, HĐMVGX và toàn dân xứ. Cùng với các thành viên của HĐMVGX, vị chủ tịch phải nỗ lực hết sức để lo toan mọi mặt.

5.1) Thiết kế tổng thể khuôn viên giáo xứ (nhìn xa trông rộng tương lai giáo xứ)

5.2) Thiết kế từng phần: từng cơ sở,…

5.3) Cha Xứ luôn là chủ chốt, nhưng HĐMVGX là các cộng tác viên mật thiết, tư vấn, đồng trách nhiệm, thực hiện, kiểm tra,…

5.4) Tìm hiểu và nhờ cậy các chuyên viên, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà thầu,…

5.5) Lập hồ sơ và tiến hành xin giấy phép chính quyền sở tại các cấp.

5.6) Huy động vốn xây dựng từ nhiều phương án.

5.7) Tiến hành khởi công khi có phép xây dựng.

5.8) Quá trình thi công, tùy theo từng phương án (tu sửa hay xây dựng mới, hợp đồng trọn gói hay từng phần, mà HĐMVGX cần bàn bạc, giám sát liên hệ, động viên, hoàn chỉnh hoặc điều chỉnh bản thiết kế, lo liệu vật tư xây dựng,…)

5.9) Khi hoàn thành, tổ chức mừng công, khánh thành.