12/04/2021
412
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 4_Bài 2
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 04-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN

BÀI II – GIÁO DỤC NHÂN BẢN

CÂY VIẾT BỊ VỨT BỎ VÀ GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

 

Tâm thức “vứt đi” một con người, một mối tương quan dựa trên cơ sở “tôi không còn thích nó nữa” hay trong con mắt tôi “chúng/họ là vô dụng”, là kết quả của thứ mà Đức giáo hoàng Phanxicô, trong thông điệp Laudato Si’’, gọi là “văn hoá thải loại”. Gia đình có trách nhiệm gì, có khả năng đóng góp gì trong việc ngăn cản kiểu văn hoá này? Kiểu văn hoá khiến con người tạo ra một xã hội mất đi tính nhân bản cần có, của một xã hội loài người.

Ở một trường cấp 3, có một cô giám thị, theo nhiệm vụ, hàng ngày sau khi học sinh ra về cô phải đi rảo một vòng quanh các phòng học thuộc dãy cô phụ trách để kiểm tra, lần nào cô quay trở lại phòng giám thị tôi cũng thấy trong tay cô vài cây viết.

Lúc đầu tôi ngạc nhiên sao cô lượm những cây viết hết mực ấy về làm gì mà ngày nào cũng lượm, sau cô giải thích mới biết đó là những cây viết đang viết dở, chưa hết mực, có cây còn một nửa, có cây còn hơn 2/3 mực, nhưng các em học sinh không thích nữa thì vứt lại phòng học hoặc bị rơi rớt nhưng không bao giờ được chủ nhân tìm kiếm, vì “rớt thì thôi, mua cây khác”. Cô lượm về lâu lâu lại đem cho học sinh một lớp học tình thương. Còn ở những phòng học khác, những cây viết rơi rớt như thế sẽ bị hốt vào thùng rác đổ đi.

Chỉ là một cây viết vài ngàn đồng, và xin tiền cha mẹ mua dụng cụ học tập thường trẻ cũng ít bị từ chối, nên “không thích nữa thì quăng đi mua cây khác”. Đó là một lối sống nhiều trẻ vị thành niên đang “thực hành”.

Nhìn thoáng qua hiện tượng có vẻ không có gì lớn, không có gì quan trọng. Nhưng nếu ngẫm nghĩ thì cũng nên đặt vài câu hỏi:

Trái đất này có giảm được tốc độ tăng ô nhiễm môi trường không, nếu không có những con người, ở tuổi thiếu niên, thường xuyên quăng vào đống rác những cây viết được dùng còn 2/3 mực chỉ vì “tôi không thích nữa”? Vì nếu không có các cây viết còn mực vẫn bị vứt vào bãi rác thì không xuất hiện nhu cầu phải sản xuất thêm những cây viết khác. Như thế sẽ không có thêm những khối nhựa vài chục năm sau mới phân huỷ. Nếu không có những cây viết còn mực bị quăng bỏ một cách không cần thiết ở tuổi thiếu niên, thì sẽ giảm đi những túi nhựa và vô số vật dụng sau này khi con người ấy lớn lên, làm tăng liên tục chiều cao đống rác khó phân huỷ và gây ra tình trạng “tốc độ mà hoạt động của con người ngày nay đòi hỏi thì nhanh, trái ngược với nhịp tiến hóa chậm chạp của sinh học tự nhiên” (Laudato Si’’, số 18).

Nhìn xa hơn nữa, thản nhiên, lặp đi lặp lại việc vứt đi một cây viết, dù còn sử dụng được,  kế đó sẽ là hết vật dụng này đến vật dụng khác, chỉ vì “tôi không thích nữa” ngày trẻ 16 tuổi, có liên quan gì đến việc vứt đi một cuộc hôn nhân, một tương quan gia đình, thậm chí một bào thai khi đứa trẻ trở thành một thanh niên 30 tuổi khi người thanh niên ấy thấy “tôi không thích nữa!” không? Có một câu chuyện lan truyền trên internet: Một đôi vợ chồng già được chúc mừng “đám cưới vàng” và được hỏi bí quyết nào đã giúp hai cụ giữ gìn được cuộc hôn nhân bền vững như thế, cụ ông trả lời: Vì may mắn chúng tôi sinh vào thời vật gì hư thì sửa lại mà dùng chứ không vứt bỏ.

Khi văn hoá thải loại ngày càng lan rộng trong xã hội thì hậu quả phải đến, đó là môi trường thiên nhiên cũng như môi trường văn hoá của con người ngày càng xuống cấp. Về sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên, những người nghèo nhất trong hiện tại cũng như trong tương lai, sẽ là những người phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ không có tiền để họ và con cái họ được ở những nơi không khí không ô nhiễm, họ không đủ tiền để họ và con cái họ tránh được những thời tiết cóng lạnh, lụt lội hoặc ngược lại nắng nóng khắc nghiệt đốt cháy cả hơi thở, họ không đủ tiền để có thể mua thức ăn sạch.v.v... Về văn hoá, cuộc sống của cả người giàu lẫn người nghèo sẽ ngày càng căng thẳng, khó khăn hơn vì có ai không đến tuổi già, hay lúc yếu đau bệnh tật, có ai chắc chắn rằng mình sẽ luôn khoẻ mạnh, luôn đầy tài năng, để tránh được thảm cảnh bị coi là “vô dụng” không cần được nhìn tới?

Vì vậy, nếu không quan tâm đến việc giúp trẻ thay đổi kiểu thái độ thản nhiên thẳng tay vứt bỏ những thứ thật nhỏ nhoi trong cuộc sống chỉ vì “tôi không thích nữa”, “nó vô dụng đối với tôi”, như kiểu những cây viết còn mực thường xuyên rơi rớt trong các lớp học nói trên, thì phải chăng công việc xây dựng nền tảng cho một xã hội tốt đẹp còn bị một chỗ rò?

Giáo huấn xã hội Công giáo nói rằng gia đình chính là nơi giúp mỗi người HỌC BIẾT và DIỄN TẢ phẩm giá con người, từ đó, gia đình chính là nơi “NHÂN BẢN HOÁ XÃ HỘI”. Vậy phải chăng gỉải pháp để xoá chỗ rò trên chính là sự giáo dục trong gia đình?

Cha mẹ nhận ra và cư xử, giáo dục con cái trong thái độ tôn trọng phẩm giá của con cái, đồng thời qua việc tôn trọng này dạy cho con cái biết tôn trọng phẩm giá của chính chúng và của người khác nghĩa là thế nào: Làm một điều đúng, tốt là tôn trọng phẩm giá của chính mình. Làm một điều sai, xấu là không tôn trọng phẩm giá của chính mình trước tiên. Và dĩ nhiên cũng rất quan trọng là điều đúng/sai, tốt/xấu phải từ Thiên Chúa định đoạt, không phải do con người tuỳ tiện tuyên bố theo ý thích của đám đông.

Nói cho cùng, khi yêu thương đủ, con người sẽ biết cách tôn trọng phẩm giá nhau, nhưng con người vốn tội lỗi nên không bao giờ đạt được mức độ yêu thương vô điều kiện như Thiên Chúa. Bởi vậy con người cần được dạy về nguyên tắc Phẩm giá Con người. Hiểu biết về phẩm giá là cách trang bị về mặt lý trí, để - một khi không đủ yêu thương - ít nhất chúng ta biết chuẩn mực để dừng, để thực thi công bằng với người khác.

Phẩm giá là một khái niệm nền tảng, quan trọng nhưng trừu tượng, trẻ chỉ có thể hiểu, cảm nhận trực tiếp qua chính trải nghiệm của mình. Một xã hội càng nhiều người nhận thức được phẩm giá của mình và người khác, xã hội sẽ càng nhiều người sống nhân bản.

Can Đê