08/04/2021
385
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 4_Bài 1
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 04-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN

 

BÀI I – TU ĐỨC

PHÊRÔ SÁM HỐI

 

I. ĐỂ GIÚP Phân định thiêng liêng

Một điều rất quan trọng thánh Inhã chỉ trong thời gian Linh Thao, là luôn sống với ý thức Thiên Chúa hiện diện với mình cả ngày: ngay khi thức dậy (LT 74), cả ngày (LT 78), lúc lên giường ngủ (LT 73). Chúng ta cũng tập điều đó khi làm Dâng Ngày, và kiểm điểm điều này trong việc hồi tâm xét mình cuối ngày.

CÁC BƯỚC GIÚP HỒI TÂM XÉT MÌNH

Hồi tâm xét mình để nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình, cũng như những lỗi lầm mình đã phạm, để tạ ơn và xin lỗi Thiên Chúa, để sống tốt hơn.

Hồi tâm xét mình là việc thiêng liêng rất quan trọng, nếu muốn tiến bộ không ngừng trong đời sống thiêng liêng và thân thiết với Thiên Chúa mỗi ngày hơn.

Từ hôm nay, xin mời bạn làm HỒI TÂM XÉT MÌNH trưa và tối theo các bước sau.

i. Ý thức mình hiện diện trước nhan Chúa và kính cẩn chào Chúa

ii. Xin Thiên Chúa ban Thánh Thần để Ngài giúp mình ...

iii. Ơn lành

* Xin ơn nhận ra những ơn lành mình đã nhận lãnh từ lần xét mình lần trước cho tới bây giờ

* Xét mình để nhận ra những ơn lành đã lãnh nhận

 - Tôi có được ơn luôn ý thức Chúa đang ở bên tôi?

 - Động lòng thương và giúp đỡ người cần được giúp?

 - Bình an, tươi vui, hạnh phúc?

 - Hay được ơn gì khác?

* Tạ ơn Chúa

iv. Lỗi lầm

* Xin ơn để nhận ra những lỗi lầm khuyết điểm

* Xét mình để nhận ra lỗi lầm của mình từ lần xét mình trước

- Tôi có làm tổn thương người khác?

- Tôi có để mình bị tổn thương? Tại sao? Chúa mời gọi gì tôi?

* Ăn năn thống hối xin lỗi Chúa

v. Tâm sự thân thưa với Chúa dựa vào những ơn lành mình đã nhận và những lỗi lầm khuyết điểm mình đã phạm.

Việc hồi tâm xét mình rất quan trọng, chúng ta cần ý thức và tập mỗi ngày. Qua việc HTXM, chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi và sửa mình, nếu được vậy chúng ta sẽ mỗi ngày nên tuyệt vời hơn.

II. Bản văn KINH THÁNH HOẶC LT DÙNG ĐỂ CẦU NGUYỆN

Mc 14:26-31

26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.27 Đức Giê-su nói với các ông: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác.28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em."29 Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không."30 Đức Giê-su nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần."31 Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

….

66 Ông Phê-rô chối Thầy (Mt 26,69-75; Lc 22:56 -62; Ga 18:15-18,25-27)66 Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới;67 thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì!"68 Ông liền chối: "Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!" Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy.69 Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: "Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy."70 Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: "Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê!"71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!"72 Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc.

III. GỢI Ý CẦU NGUYỆN
PHÊRÔ ÒA KHÓC NỨC NỞ

(Mc 14:26-31.66-72)

Bước 1: Chọn chỗ cầu nguyện. Tới đó, ý thức Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, mình đang hiện diện trước thánh nhan Chúa. Kính cẩn chào Chúa. (LT 75)

Có thể đọc chậm chậm, hay nhớ lại những câu Kinh Thánh sau:

* “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

“Nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18:20).

* “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16).

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần đang ngự trong lòng anh em” (1Cor 3:16-17).

* “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha thầy sẽ yêu thương người đó, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người đó” (Ga 14:23).

Bước 2: Xin Chúa Cha ban Thánh Thần để giúp ý hướng tư tưởng hành vi hoạt động của mình đều nhắm làm vinh danh Chúa hơn. (LT 46)

Cũng có thể dùng lời nguyện xin khác: Xin Chúa Cha ban Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh cho mình để Ngài

* thanh tẩy tâm hồn mình, thánh hóa mình, tha thứ tội lỗi cho minh, giao hòa mình với Thiên Chúa, giúp mình là thánh.

* giúp mình khao khát Thiên Chúa;

* giúp mình chọn Thiên Chúa trên tất cả; cụ thể, giúp mình gạt bỏ mọi vướng bận, mọi chia trí trong giờ cầu nguyện;

* giúp mình cầu nguyện, giúp mình cầu nguyện sốt sắng….

Bước 3: Hội nhập khung cảnh (LT 47)

Phêrô ngồi sưởi với những người trong dinh thượng tế. Như mình đang hiện diện ở đó.

Bước 4: Ơn xin (LT 48)

Xin ơn biết mình. Nhiều lúc mình đã quá tin vào mình hơn tin vào Thiên Chúa. Nhiều lúc mình đã chối Chúa. Xin ơn ăn năn tội cách trọn: cảm nghiệm Chúa yêu đến độ không phạm tội mất lòng Chúa nữa

Bước 5: Điểm Gợi Ý (LT 50)

1. Tin vào mình hơn tin vào Chúa

Mc 8:31-33 cho thấy cái nhìn của Phêrô không chuẩn. Đường lối của Thiên Chúa khác với quan điểm của Phêrô. Một Đấng Thiên Sai vẫn có thể bị đau khổ (Mc 8:31).

Mc 14:26-31 cho thấy Phêrô tin vào mình hơn tin vào Chúa.

Tin vào mình hơn tin vào Chúa, có khác gì không tin vào Chúa.

Trong cuộc sống, chúng ta đã phạm lỗi này nhiều. Vì cho mình đúng (hơn Chúa) nên đòi Thiên Chúa phải làm theo ý mình, theo điều mình xin. Và nếu không được, nhiều khi lại càm ràm than trách Chúa.

2. Phêrô chối Chúa: “tôi không biết người các ông nói”

Mc 14:66-72

71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!"72 Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc.

Chúng ta yếu đuối hơn chúng ta tưởng.

Sám hối đã là đáp lại tiếng Chúa mời gọi rồi. Sám hối, đã là một ơn rồi.

3. Phêrô không dám sống trung thực

Phaolô cho rằng Phêrô không sống trung thực nên đã phản đối (Gl 2:11-13): 11 “Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách.12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.”

Chúng ta có nhiều nỗi sợ, nên không dám sống trung thực như mình nghĩ, như mình tin.

Đâu là những nỗi sợ của tôi? Tôi sợ mất gì? Tôi sợ người ta đánh giá tôi thế nào? Tôi coi trọng đánh giá, nhận xét của người ta về tôi (hơn Chúa).

Bước 6: Tâm sự (LT 53-54)

Nói chuyện với Chúa khi nhận biết mình qua hình ảnh Phêrô. Ước gì mình có lòng sám hối như Phêrô. Biết mình là tội nhân là một ơn lớn. Không biết mình, là điều tệ. Không biết mình, chỉ thấy lỗi nơi người khác mà không thấy lỗi nơi mình, thì không thể sửa đổi.

IV. GỢI Ý GIÚP XÉT GẪM

i. Tôi được những ơn gì trong giờ cầu nguyện vừa qua?

ii. Điều gì cản trở tôi cầu nguyện?

Tôi bị chia trí? Chia trí về điều gì? Nó phản ánh gì về con người của tôi? Thiên Chúa mời gọi tôi điều gì qua những chia trí đó?

iii. Thân thưa nói chuyện với Chúa về những ơn mình nhận được, về những cản trở mình cầu nguyện, và về tình trạng tâm hồn mình.

Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ