27/12/2021
754
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 12_Bài 4
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 12-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI IV: HĐMVGX

NHẬM CHỨC – SINH HOẠT –NHIỆM KỲ CỦA

THƯỜNG VỤ HĐMV/GX

 

Bản Gợi ý cho một quy chế HĐMVGX nơi chương IV có hướng dẫn:

Điều 27: Nhậm Chức và Bàn Giao:

Tùy theo truyền thống từng giáo phận, linh mục chánh xứ trình danh sách các thành viên Ban Thường Vụ (và các trưởng ban chấp hành các giáo họ) mới thuộc HĐMVGX cho Giám Mục giáo phận. Tòa giám mục ra văn thư chấp thuận sự bổ nhiệm của linh mục chánh xứ đối với các vị ấy để chính thức hóa việc thi hành sứ vụ phục vụ của các vị trong Giáo Hội.

Sau đó, linh mục chánh xứ tổ chức tĩnh tâm (nếu được) và cử hành nghi thức nhậm chức cho các vị này trong Thánh Lễ có đông người tham dự. Việc bàn giao giữa các ban cũ - mới nên diễn ra đơn giản dưới sự chứng kiến của linh mục chánh xứ.

Điều 28: Sinh Hoạt:

Để thúc đẩy nhiệm vụ của các thành viên, để thông tri và nắm vững tình hình giáo xứ, để biên soạn và thực hiện kế hoạch mục vụ toàn niên, mỗi tam cá nguyệt và mỗi tháng của giáo xứ (kiểm điểm các công tác mục vụ, chuẩn bị cho các công việc sắp tới, phân công và phối hợp thực hiện, tạo bầu khí hiệp nhất giữa các thành viên trong giáo xứ…) Ban Thường Vụ HĐMVGX, các ủy viên HĐMVGX và các trưởng ban chấp hành các giáo họ:

1. Họp định kỳ mỗi tháng một lần.

2. Họp bất thường khi linh mục chánh xứ triệu tập.

3. Họp định kỳ mỗi ba hoặc bốn tháng một lần (tối thiểu mỗi năm hai lần) với sự tham dự của các trưởng ban trị sự các giới và các trưởng ban phục vụ các hội đoàn.

 

Điều 29: Nhiệm kỳ của HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ:

Nhiệm kỳ của ban thường vụ, các ủy viên, ban chấp hành các giáo họ là bốn năm (x. điều 4) trong đó:

1. Thành viên ban thường vụ được tái bầu cử hai lần liền vào chức vụ cũ; nghĩa là, một người có thể trúng cử tối đa ba nhiệm kỳ liên tục trong cùng một chức vụ.

2. Các thành viên ngoài ban thường vụ có thể được tái cử nhiều lần liên vào chức vụ cũ.

3. Các thành viên là trưởng của các giới và các trưởng của các hội đoàn có nhiệm kỳ theo nội quy riêng của mỗi đơn vị.

4. Thay thế và bổ sung: (1*) trường hợp khuyết chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, phó chủ tịch nội vụ lên thay thế; (2*) trường hợp khuyết một trật chủ tịch và phó chủ tịch nội vụ thì phó chủ tịch ngoại vụ lên thay thế; (3*) trường hợp khuyết một trật cả 03 vị; chủ tịch và hai phó chủ tịch, có thể tổ chức bầu cử bổ sung (dưới sự hướng dẫn của linh mục chánh xứ); (4*) trường hợp khuyết một thành viên khác hay một ủy viên: linh mục chánh xứ bàn bạc với ban thường vụ để tìm người thay thế.

MÃN NHIỆM – TỪ NHIỆM – MIỄN NHIỆM – BÃI NHIỆM

1. MÃN NHIỆM:

Một quý chức trong ban thường vụ hoặc một thành viên của HĐMVGX sau thời gian hoạt động trong chức vụ của mình trọn vẹn thời gian của nhiệm kỳ, nay kết thúc nhiệm kỳ cách tốt đẹp, được gọi là Mãn Nhiệm.

Quý chức mãn nhiệm tốt đẹp được giáo xứ tri ân, cha xứ trao tặng “vi bằng mãn nhiệm” có thể xin Đức Giám Mục Giáo Phận ấn ký.

2. TỪ NHIỆM:

Vì một hay nhiều lý do chủ quan, hoặc khách quan mà một quý chức không thể chu toàn bổn phận của mình cho đến hết nhiệm kỳ, thì có thể làm đơn xin được nghỉ trước thời hạn. Cần suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi với cha xứ trước khi quyết định.

3. MIỄN NHIỆM

Dựa vào đơn xin và nhận xét của cha xứ, sau khi đã họp bàn với các thành viên khác của Ban Thường Vụ và trao đổi trực tiếp với chính đương sự, cha xứ có thể làm đơn giải trình với Đức Giám Mục giáo phận và xin Quyết Định Miễn Nhiệm nếu như trước đó Đức Giám Mục đã ký giấy Bổ Nhiệm.

Trong trường hợp không có đơn Từ Nhiệm mà cha xứ nhận thấy đương sự sau một thời gian làm việc: không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, uy tín, không chu toàn nhiệm vụ, v.v.v… Cha xứ có thể gợi ý cho đương sự nên rút lui. Tuy nhiên, điều này rất tế nhị cần dè dặt, khôn ngoan, cần ơn Chúa Thánh Thần soi sáng đặc biệt. Các thành viên khác trong HĐMVGX do Cha Xứ quyết định cho miễn nhiệm.

 

4. BÃI NHIỆM: (Tham chiếu Bản Gợi Ý Cho Một Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ)

Sau đôi ba lần cảnh báo không có kết quả tích cực và sau khi bàn bạc với ban thường vụ về trường hợp phạm lỗi nặng của một thành viên HĐMVGX nào đó, như:

1. Bỏ phế nhiệm vụ (không nhiệt thành, thiếu khả năng trầm trọng)

2. Làm gương xấu về đời sống luân lý (thiếu nhân cách, đạo đức sa sút nghiêm trọng, bê tha rượu chè, cờ bạc, rối vợ, rối chồng, v.v.v…);

3. Gây chia rẽ (chống đối hoặc bất tuân các quyết định chính đáng của linh mục Chánh Xứ);

Cha Chánh Xứ có thể trình bày xin ý kiến Đức Giám Mục và xin giấy quyết định Bãi Nhiệm. Đây là trường hợp vô cùng khó khăn, phức tạp, chẳng đặng đừng, sau khi đã làm mọi cách êm nhẹ, giàu lòng thương xót.

THAY LỜI KẾT:

Trong dòng lịch sử của Hội Thánh có dòng chảy của giáo phận, giáo xứ, của từng ơn gọi phận người.

Cùng tiến bước theo Chúa Kitô trong lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, người tông đồ giáo dân chúng ta hôm nay được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thôi thúc để “Hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành, Hiệp Thông, Tham Gia, Sứ Vụ”. (Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI).

Lm Giuse Nguyễn Ý Định