20/12/2020
269
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 12_Bài 4
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 12-2020

DÀNH CHO GIÁO DÂN

Uỷ ban giáo Dân trực thuộc HDGMVN biên soạn

 

BÀI IV

NHÂN BẢN

 

Tiếng Hán Việt, “nhân” là người, “bản” là gốc rễ; như vậy, từ ngữ “nhân bản” muốn nói con người là gốc rễ, nền tảng. Con người được coi là tiêu chuẩn, là nền tảng để đánh giá vạn sự vạn vật.

Tại sao con người lại có giá trị đặc biệt như vậy? Tại sao “Thiên Chúa và ý định của Thiên Chúa cho con người” không là tiêu chuẩn giúp đánh giá vạn sự vạn vật mà lại là con người?

Với một Kitô hữu, tiêu chuẩn để đánh giá vạn sự vạn vật là “Thiên Chúa và ý định của Thiên Chúa,” là Đức Giêsu Kitô. Nhưng ngay cả với Kitô hữu, ý định của Thiên Chúa cho con người không dễ dàng để nhận biết, và vì “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” nên con người cũng được coi là tiêu chuẩn để đánh giá vạn vật. “Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì đó là người nói dối; vì nếu anh em cụ thể mà mình không yêu thương, thì làm sao có thể yêu thương Thiên Chúa Đấng mà mình không thấy”!

Hơn nữa, nếu nói chuyện với người vô thần, thì họ đâu chấp nhận quan điểm “Thiên Chúa và ý định của Thiên Chúa là tiêu chuẩn,” và như vậy không thể đối thoại với người vô thần theo tiêu chuẩn này. Điểm chung giữa người hữu thần và vô thần để nhận định và đánh giá, là con người.

Sau Thiên Chúa thì con người là tiêu chuẩn giúp con người đánh giá vạn sự vạn vật. Giới răn trọng nhất là: yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực, nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng không kém: yêu mến tha nhân như chính mình (Mc 12: 29-31). Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì đó là người nói dối (1Ga 4:20).

Một số người đồng hóa nhân bản với khả năng cư xử khéo, biết cách ăn mặc, biết cách ăn uống và biết dùng dao dùng nỉa của người tây phương,… Nhưng đó không phải là điều chính yếu của con người. Nếu một người khéo nói, biết cách ăn mặc, nói năng lịch sự, mà không tôn trọng người khác, mưu tính những chuyện ích lợi cho mình mà không để ý đến quyền lợi của người khác, thì người đó không có giá trị lắm, cũng không thể nói người đó là nhân bản được. Sống yêu thương và tôn trọng tha nhân (công bình) mới là người “nhân bản.”

Yêu thương ai là muốn điều tốt lành cho người đó. Yêu thương ai thì không nguyền rủa, không chúc dữ, không muốn điều dữ đến với người đó, không làm tổn thương hoặc gây đau khổ cho họ, nhưng muốn họ được những điều may lành, sẵn sàng giúp đỡ họ, muốn họ (sống) hạnh phúc. Một người có đời sống nhân bản, khi họ sống yêu thương chan hòa với mọi người.

Thù ghét tha nhân, ganh tị, không tôn trọng, làm hại người xung quanh, là không cư xử như con người mà như con vật. Tôn trọng, niềm nở, tươi vui dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ những người mình gặp gỡ, đó là nhân bản.

Không làm chứng dối để hãm hại người ta. Ai hãm hại người khác, thì đó là người ác. Hành vi ác làm người ta trở nên xấu, làm người đó trở thành người đáng sợ. Ngược lại, làm chứng cho sự thật, làm chứng để bảo vệ người tốt bị vu oan giá họ, là hành vi làm người ta trở nên tốt, trở nên anh hùng, là người đáng ca ngợi.

Sống đúng tư cách con người, thì không chỉ không xúc phạm thân xác và danh dự của tha nhân, mà còn tôn trọng cả tài sản của họ nữa. Không lấy của người ta: không ăn trộm ăn cướp. Tôn trọng tha nhân, hàm chứa phải trả lại cho người ta điều của người ta.

Trả lại cho người ta điều thuộc về người ta, là công bình. Giúp đỡ một người, dù ở hoàn cảnh nào, là yêu thương. Công bình và yêu thương, là nét đặc trưng của con người “được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.” Sống nhân bản, là sống trong công bình và yêu thương, là tôn trọng người ta như người ta là, là yêu thương giúp đỡ con người khi họ cần.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.