13/12/2020
332
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 12_Bài 3
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 12-2020

DÀNH CHO GIÁO DÂN

Uỷ ban giáo Dân trực thuộc HDGMVN biên soạn

 

BÀI III

ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

1. Nhận thức

1.1. Ý nghĩa

 Một số không ít các văn kiện Giáo hội luôn nhắc đến giáo dân như những thành phần rất quan trọng và năng động trong Giáo hội.  Như sự hợp tác thiết yếu của giáo dân vào tác vụ của các linh mục.  Sự đồng trách nhiệm của các Kitô hữu đối với bản chất và hoạt động của Giáo hội. Tính đồng trách nhiệm về mục vụ của giáo dân cùng với giáo sĩ.[1]

Đồng trách nhiệm, có nghĩa là: Mọi người cùng có trách nhiệm chung. Không trách nhiệm bằng nhau. Không làm cùng một việc như nhau. 

* Ví như chi thể trong thân thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu:

11Và chính Ngài đã ban cho:Người thì làm tông đồ, kẻ thì làm tiên tri, người thì làm giảng viên, kẻ thì làm vị chăn chiên, làm thầy dạy, 12 cốt để chuẩn bị các thánh, cho họ sung vào công cuộc phục vụ, mà xây dựng Thân mình Ðức Kitô, 13 cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa, mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Ðức Kitô.

14Như thế ta sẽ không là trẻ con, tròng trành trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của người, giữa sự giảo quyệt khéo bày mưu ma chước quỉ để mê hoặc; 15 trái lại, nói sự thật trong lòng mến, ta sẽ làm cho vạn vật vươn lên tiến đến cùng Ngài, tức là Ðầu, Ðức Kitô, 16 do tự Ngài, toàn thân được ăn khớp với nhau, xe kết với nhau, nhờ đủ thứ gân cốt giao liên, tức là các chức vụ (trong Hội thánh), chiếu theo phép mầu (của Ngài) và mỗi bộ phận tùy theo lường (ân lộc của Ðức Kitô) khiến cho thân mình được lớn mạnh, hầu xây dựng chính mình trong lòng mến.[2]

  • Ví như người Thợ làm vườn nho:

Vâng,Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.

Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi.Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ:“Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”[3] Thật vậy, giáo dân vẫn luôn phải được hiểu đúng: Cũng là những chi thể của thân thể duy nhất, Chúa Kitô là Đầu. Cùng là những người thợ đích thực và tích cực làm việc vườn nho của Thiên Chúa.

1.2.  Mục đích

Để xây dựng Thân Thể Đức Kitô

Công đồng Vaticanô II, và các văn kiện sau này, cách riêng Tông huấn Kitô hữu giáo dân nói đến các đoàn sủng, các tác vụ trong Giáo hội là những ân huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần.[4]

Giáo hội được điều khiển và hướng dẫn nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát các ân huệ khác nhau, thuộc phẩm trật và đoàn sủng, cho tất cả những người đã được rửa tội, bằng cách mời gọi họ, mỗi người theo cách thế của mình, hành động và đồng trách nhiệm.Giờ đây, chúng ta hãy nhìn đến các tác vụ và đoàn sủng, xem xét những liên hệ của chúng với giáo dân và sự tham dự của họ vào đời sống Giáo hội – Hiệp thông.[5]

Thật vậy, đã tượng hình tượng thanh trong các văn liệu Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ” (2009), rồi Sứ điệp Đại hội Dân Chúa 2010, cụm từ đồng trách nhiệm—bao gồm tinh thần trách nhiệm của từng hữu thể[6]đã tiệm tiến hình thành mỗi lúc một rõ ràng hơn và đã thực sự vang lên cách tuyệt vời hơn trong Thư chung “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” (2011):[7]

2. Đặc điểm

2.1. Bình đẳng trong Phẩm giá

Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến.[8]

Đức Tổng Giám mục Charles Chaput, Tổng Giáo phận Denver: “Giáo dân có cùng một phẩm giá như các giáo sĩ và tu sĩ. Họ không phải là những thành viên hạng hai của Thân Mình Chúa Kitô.[9] Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”.[10]

Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.[11]

2.2. Trong Mục vụ 

Với tinh thần tham gia,hiệp thông đồng trách nhiệm trong đời sống mục vụ, người Kitô hữu cần nhận biết rằng Chúa là Đấng ban tặng nhiều hơn, đúng ra là tất cả, so với những gì Người đòi hỏi và người ta làm được, ngay cả khi làm việc vườn nho ngay từ đầu ngày, hay giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín….

Gương đồng trách nhiệm: “Hàng giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận sẽ tiếp tục đồng hành và đồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Chúa Kitô, noi gương hai thánh bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ là thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quí và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng.”[12]

2.3. Trong Chuyên biệt

Rõ ràng, sự kỳ vọng nơi quý chức các hội đồng, hội đoàn nói riêng, nơi giáo dân nói chung,sẽ là những người: (1) hết lòng vì sứ vụ cùng với các giáo sĩ, các tu sĩ... để luôn luôn tích cực làm các công việc chuyên biệt của mình trong vườn nho của Chúa tại các giáo xứ; (2) chăm chỉ góp phần xây dựng một “Hội thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm”.

Thật vậy, dưới ánh sáng lời Chúa và với mục đích giúp thực hành trong mục vụ, những sự kiện nhân trần với sự hướng dẫn của Giáo hội, tìm thấy căn cội nền tảng nhất của mình. Bởi lẽ, không phải chỉ với trách nhiệm cá nhân (individual responsibility),[13]trách nhiệm tập thể (collective responsibility),[14]nhưng còn là sự đồng trách nhiệm theo chuẩn mực của Giáo hội (ecclesiastical co-responsibility),[15]và nhất là tính đồng trách nhiệm của các tín hữu giáo dân trong cuộc sống và trên hành trình đức tin trong Giáo hội, mà Công đồng Vaticanô II mời gọi các chủ chăn hãy nhận biết:

“Người tín hữu giáo dân có quyền, nói đúng hơn, một đôi khi, có bổn phận phải nói lên cho biết ý kiến của họ đối với những điều có liên quan đến những gì tốt lành cho Giáo hội.[16] Công đồng Vaticanô II đã giúp đưa ra nhiều hình ảnh rất có ý nghĩa về Giáo hội mà theo đó, tinh thần đồng trách nhiệm vì sứ vụ của mọi thành phần dân Chúa sẽ là tham gia và hiệp thông. Thật vậy, Giáo hội được diễn tả:

“Là vườn nho, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, là Gia Đình của Thiên Chúa,”[17] “Mọi Kitô đều có thể là và phải là những người thợ làm vườn nho của Thiên Chúa, “những nhà quản lý tuyệt vời ân sủng đa dạng của Thiên Chúa”. Tất cả đều được mời gọi làm việc cho Nước Chúa:

Tùy theo sự khác biệt về ơn gọi và hoàn cảnh, về đoàn sủng và tác vụ. Đó là sự khác biệt không những về tuổi tác, nhưng còn về giới tính và khả năng, cũng như về ơn gọi và điều kiện sống: đó là sự khác biệt làm cho kho tàng phong phú của Giáo hội thêm sống động và cụ thể hơn.[18]

2.4.  Trong Tay nghề và Vị trí

Vấn đề chỉ là sự khác biệt của tay nghề giữa những người thợ và vị trí của họ trong chính vườn nho Nước Chúa. Khác vị trí là chuyện tất nhiên dễ hiểu (khách quan) nhưng kém tay nghề là chuyện cần xem lại chính mình (chủ quan). Người thợ cần có trình độ tay nghề cao để công việc của vườn nho được trôi chảy.

3. Hành động

3.1.  Giáo dục tư tưởng

Chính Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong ý thức có những người Kitô hữu sống bên lề Giáo hội, xác quyết việc cần phải coi giáo dân là những người đồng trách nhiệm trong Giáo hội.[19] Ngài nói:“Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong bản chất và trong hoạt động của Giáo hội.[20]

3.2.  Đào luyện

Muốn có tay nghề cao thì không những phải học mà còn phải hành, phải rèn luyện tập tành. Để có được hàng ngũ giáo dân trưởng thành, Giáo hội đã và vẫn đang rất quan tâm đến việc đào tạo, tốn nhiều công sức đầu tư cho việc huấn luyện, cầu nguyện và nuôi hy vọng người giáo dân sẽ sống đúng vai trò và vị trí thế mạnh không thể thay thế của mình trong rất nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực trần thế vào một tương lai không xa.

Với định hướng tổng quát về tính “đồng trách nhiệm” của các thành viên trong gia đình Giáo hội nói chung, Đức Hồng y Yves Congar cũng đã từng khéo léo nói đến tính tất yếu của việc cùng chia sẻ trách nhiệm của mọi thành viên gia đình giáo hội địa phương.[21]

 3.3.  Thay đổi cấu trúc mục vụ

Đồng thời, cần cải thiện các cấu trúc mục vụ sao cho việc đồng trách nhiệm của các thành phần dân Chúa trong toàn bộ được thăng tiến dần lên, cùng với sự tôn trọng các ơn gọi và vai trò tương ứng của giáo dân và những người sống đời thánh hiến.  Điều này đòi hỏi một sự thay đổi quan niệm, đặc biệt là những gì liên quan đến giáo dân.

Không còn được xem họ là những“cộng tác viên” của hàng giáo sĩ nhưng thực sự nhận ra họ là những người “đồng trách nhiệm” trong bản chất và trong hoạt động của Giáo hội, nhờ đấy mà nuôi dưỡng sự đoàn kết của hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân.[22]. Cụ thể, người tín hữu giáo dân cần sắm vai tích cực hơn, cộng tác cách đầy đủ và hiệu quả hơn vào cánh đồng truyền giáo để thực hiện công cuộc Phúc âm hóa và Tân Phúc âm hóa.[23]

Sự hiệp thông làm phát sinh sự hiệp thôngvà được coi chủ yếu như một sự hiệp thông truyền giáo. Thật thế, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”[24]. Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo: hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông. Luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất kêu gọi và hiệp nhất Giáo hội, sai Giáo hội đi rao giảng Tin mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).[25]

4. Kết luận

 4.1. Hành động trong các lãnh vực đạo đời

Ưu tiên thực hiện ơn gọi riêng của mình bằng cách sống trong trần thế, làm thấm nhập tinh thần Tin mừng vào mọi hành động của mình trong trần thế, để xếp đặt các việc trần thế theo thánh ý của Thiên Chúa, người giáo dân còn được hiểu là có lợi thế hiện diện và khả năng thích hợp để tham dự vào nhiều lãnh vực trong đạo. Thật cũng không quá khó để nhận ra đấy là cách thức Chúa Thánh Thần hoạt động, đấy là điều Giáo hội đang góp công vun trồng và rất mong đợi hoa trái ngày mùa nơi sự tham gia mỗi ngày một đông hơn của giáo dân vào công việc vườn nho của Chúa.

Trong kiểu cách mới về sự cộng tác giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân; trong sự tham dự tích cực vào phụng vụ, vào việc loan báo Lời Chúa, vào việc huấn giáo; trong nhiều dịch vụ và trách vụ được trao phó cho giáo dân, và họ đã đảm nhận rất tốt; trong việc nở rộ các nhóm, các hiệp hội, các phong trào tu đức và dấn thân; trong việc tham gia rộng rãi và rõ nét hơn của phụ nữ vào đời sống của Giáo hội và sự phát triển của xã hội.[26]

 4.2. Đồng trách nhiệm theo chuẩn mực của Giáo hội có nghĩa là: Trong Giáo hội

* Mọi người cùng có trách nhiệm chung.

* Không bằng nhau.

* Không làm cùng một việc như nhau.

Lm. Gioakim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.) Biên soạn