06/12/2021
668
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 12_Bài 1
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 12-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI I – LINH ĐẠO - THẦN HỌC GIÁO DÂN

NHỮNG SUY TƯ HƯỚNG TỚI VIỆC KIẾN TẠO MỘT GIÁO HỘI THAM GIA

 

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI được khai mở với chủ đề: “Tiến tới một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Điều chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô khi chọn lấy chủ đề này, ngài đã có ý nó đến vai tò của người giáo dân trong Giáo Hội, điều mà Công đồng Vaticano II đã nhấn mạnh đến trong nỗ lực đưa ra câu trả lời cho vấn đề về chỗ đứng và  cương vị của giáo dân trong Giáo Hội: “Người giáo dân có thể tự mình nhân danh Giáo Hội mà hành động một cách hợp pháp không?”[1] Công đồng đã minh nhiên trả lời trong chương bốn của hiến chế Lumen Gentium và sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem. Theo công đồng người giáo dân là “chủ thể của sứ mệnh rao truyền của dân Chúa trong Giáo Hội và trên thế giới”[2], và Thượng Hội Đồng XVI đang cố gắng kiến tạo con đường để người giáo dân tham gia tích cực hơn vào trong đời sống của Giáo Hội. Bài viết đưa ra những suy tư dựa trên chỉ dẫn của Công Đồng Vat. II về con đường tham gia của người giáo dân

 

1. Mối tương quan giữa linh mục và Giáo dân

Công Đồng đã nỗ lực vượt qua quan điểm cũ được trình bày trong bản dự thảo của Hiến chế này. Theo đó linh mục và giáo dân vẫn là hai thành phần hoàn toàn đối nghịch nhau, linh mục đứng trên giáo dân, và ngược lại giáo dân là “thứ dân”. Hàng giáo phẩm mới là Giáo Hội, còn giáo dân chỉ là “dân”[3]

Công đồng đã đưa ra một cái nhìn tích cực: Hàng giáo phẩm là dân, và giáo dân cũng là Giáo Hội. Cả hai tạo nên một Dân Chúa mới, Dân Thiên sai, Dân Chúa trong Đức Kitô. Dân này không phải được kiến tạo bởi phẩm trật hay bởi giáo dân, nhưng bởi chính Chúa Giêsu Kitô. Người kêu gọi cả hai, Người thấm nhập vào đời sống của cả toàn Dân Chúa. Người chính là niềm hy vọng của Dân mới này. Qua Phép Rửa, Người nâng toàn Dân Chúa lên cao. Như là Tiên tri, Người dạy dân Người, như là vương đế, Người hướng dẫn dân và như là linh mục, Người thánh hoá dân. Do đó, Giáo Hội không tự mình thiết lập nên mình, nhưng chính Đức Kitô.

Người giáo dân tham gia công việc của Giáo Hội, bởi chính Đức Kitô sai phái họ. Người giáo dân có chỗ đứng trong Giáo Hội không phải vì tham dự vào các chức vụ của hàng giáo phẩm, nhưng nhờ tham dự vào các chức vụ của Đức Kitô. Do đó, người giáo dân có nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế. Họ thể hiện sự ủy thác của Chúa Kitô qua Giáo Hội. Vì thực thi sứ mệnh của toàn Dân Chúa, nên họ là Giáo Hội. Họ có được một chỗ đứng công khai trong Giáo Hội. Họ là Giáo Hội hiện diện trong thế giới[4].

Với quan niệm này, Công Đồng khẳng định có một sự “bình đẳng thực sự” giữa tất cả thành phần Dân Chúa (x. LG s. 32), vì tất cả cùng là Dân Chúa trong Đức Kitô. Tất cả thành phần Dân Chúa là cộng đoàn hiệp thông thiêng liêng, và cùng được qui tụ bởi những người trần thế. Tất cả đều được mời gọi theo Chúa Kitô và được ủy thác đi loan báo Tin Mừng. Công Đồng nói đến căn tính của Giáo Hội và của người giáo dân trong sắc lệnh truyền giáo “Ad Gentes”: Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực, và nếu hàng giáo dân này cũng chưa làm việc với Hàng Giáo phẩm.

Giáo Hội của Dân Chúa cũng là Giáo Hội của người giáo dân. Vì thế một vấn đề được đặt ra cho các linh mục: Chức năng của các linh mục được xác định như thế nào?

2. Nhiệm vụ của giáo dân và nhiệm vụ của linh mục - Sự liên đới trong Giáo Hội.

Theo Công Đồng, Dân Chúa bao gồm linh mục và giáo dân. Vì thế, mối tương quan giữa hai thành phần đó trong Giáo Hội cần được đặt ra: Nhiệm vụ (officium) của mỗi một thành phần đó là gì? Công đồng khẳng định cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình” (LG s. 10): có chức linh mục cộng đồng dành cho hết mọi tín hữu, và chức linh mục phẩm trật khác với chức linh mục cộng đồng không những chỉ cấp bậc mà còn cả yếu tính.

Khi minh định như vậy, quả thật, các nghị phụ Công Đồng đã đưa tới một sự tranh luận thần học về sự bình đẳng đích thật giữa linh mục và giáo dân, sự bình đẳng mà các nghị phụ đã nói đến trong cùng Hiến chế số 32, và như thế, điều không thể tránh được là chỉ còn sự tương quan phẩm trật. Tại sao? Tại vì chức linh mục phẩm trật khác cả cấp bậc lẫn yếu tính với chức linh mục cộng đồng. Phải chăng đó không phải là việc Công Đồng củng cố thêm sự khác nhau cấp độ trên phương diện bản thể học hay sao? Và như vậy xuất hiện một câu hỏi: có chăng con người cảm nghiệm được sự thay đổi yếu tính sau khi được chịu chức linh mục phẩm trật? Phải chăng có sự khác biệt yếu tính giữa hai chức linh mục? Khác biệt yếu tính là khác biệt gì? Và tại sao có sự khác biệt đó? Nhà thần học về Công Đồng Grillmeier đã trả lời: “Chức linh mục phẩm trật không được hiểu như là một sự khuếch đại và tăng cường phẩm giá và sứ mệnh của chức linh mục cộng đồng, nhưng nó trình bày một cách thức mới của phẩm giá và quyền hạn của chức linh mục đối với chức linh mục cộng đồng, và đó là ý nghĩa cốt yếu của thánh chức linh mục. Chức linh mục cộng đồng và chức linh mục phẩm trật liên đới với nhau và bổ túc cho nhau theo điểm đặc thù của hai chức phận, điều đó căn cứ vào sự tham dự cộng đồng hay đặc biệt vào các chức vụ của Đức Kitô. Dựa vào mức độ tham dự vào chức vụ của Đức Kitô, linh mục thượng phẩm, hai điểm đặc thù của chức linh mục được xác định.”[5] Điều kín nhiệm của sự liên đới giữa hai chức linh mục chính là con người (person) của Đức Kitô, vì chính Người hợp nhất Dân Chúa trong Giáo Hội. Mỗi một tác vụ trong Giáo Hội đều được thi hành nhân danh Người. Người ta không thể qui tụ trong Giáo Hội khi không có Người. Vì thế, sự hợp nhất các thành viên Dân Chúa trong Giáo Hội chỉ có thể có được nhờ Danh của Người. Nhờ Người, Giáo Hội được thiết lập, vì thế chức linh mục thừa tác của Giáo Hội được phân biệt với chức linh mục cộng đồng do bởi Người. Quả thật, Giáo Hội không phải là Dân Chúa cũ, nhưng là Dân Chúa mới, Dân Chúa thiên sai, Dân Chúa như là cộng đoàn trong Đức Kitô. Một dân có căn tính lịch sử nhờ Giáo Hội. Một dân hiện hữu như là dấu chỉ sự hiện tại hóa Đức Kitô nơi toàn thể nhân loại trong mọi lãnh vực riêng biệt và toàn thể, cá nhân và tập thể.

Vì thế, nhiệm vụ của linh mục thuộc về bản chất của Giáo Hội, và vì Giáo Hội được Đức Kitô thánh hoá, hướng dẫn và dạy dỗ, nên Giáo Hội liên kết với nhau trong một cộng đoàn hiệp thông và trở thành sứ giả của Đức Kitô trong nhân loại. Cho nên, linh mục và giáo dân có yếu tính riêng tùy theo nhiệm vụ mà mỗi một thành phần có được. Giáo Hội như Giáo Hội của thế giới vì Giáo Hội chính là Giáo Hội của Đức Kitô, và Giáo Hội như Giáo Hội của Đức Kitô vì Giáo Hội chính là Giáo Hội của toàn thể thế giới. Giáo Hội hiện hữu bởi linh mục và giáo dân. Sự khác nhau đó chính là yếu tính.[6] Cả hai là Giáo Hội cấu thành Bí tích của Dân Chúa trong Đức Kitô, nơi chính con người của Người là mầu nhiệm của sự hiện hữu Giáo Hội. Sự phân biệt yếu tính của nhiệm vụ linh mục và giáo dân không phải căn cứ trên phẩm trật nhưng chính là bản thể Bí tích của Giáo Hội, đó là mầu nhiệm của sứ mệnh Giáo Hội, một Giáo Hội của toàn thế giới.

Hồng y Suenens, đã nói về sứ mệnh tông đồ bởi linh mục và giáo dân trong cuốn sách viết về sứ mệnh của Giáo Hội: Công việc tông đồ là việc trực tiếp, thiết yếu đối với đời sống Giáo Hội, không phải là công việc độc quyền của giáo sĩ, như đã lâu nhiều người từng quan niệm như vậy. Việc nhấn mạnh một chiều về bổn phận trần thế của người giáo dân, đã đưa lại cảm tưởng rằng, chỉ có linh mục mới được kêu gọi làm việc tông đồ trong lãnh vực tôn giáo và người giáo dân phải hài lòng với vai trò thích hợp trong lãnh vực thuần túy trần thế… Không đời nào có thể hiểu được nhiệm vụ và tính chất đặc biệt của chức linh mục phẩm trật, nếu như không liên kết với chức linh mục cộng đồng trong Bí tích Rửa tội. Tính hợp nhất giữa linh mục và giáo dân được đâm rễ sâu trong sự kín nhiệm của thân thể mầu nhiệm. Trong thân thể đó các nhiệm vụ không bị tách biệt với nhau, mặc dầu khác nhau. Ít nhất là ở đây đừng tách rời những gì mà Thiên Chúa đã nối kết.[7]

Linh mục và giáo dân có chung sự kín nhiệm của Giáo Hội Đức Kitô. Câu hỏi được đặt ra là: ai nói nhân danh Giáo Hội?

3. Trách nhiệm mang tính tập thể giữa linh mục và giáo dân trong Giáo Hội

Dân Chúa là ý niệm phổ quát nhất phát xuất từ Giáo Hội. Ý niệm này không chỉ mang ý nghĩa nói về một thực tại hiện hữu trong lịch sử, nhưng nó còn bao hàm đến một bổn phận được ghi khắc nơi nhân loại trong Đức Kitô.

Bổn phận này liên quan đến tất cả mọi người trong Giáo Hội. Mọi người đều có thể nói cho Giáo Hội, bởi vì tất cả là Giáo Hội. Vì thế linh mục và giáo dân phục vụ cho chính Giáo Hội và hành động trong chính sự ủy nhiệm của Giáo Hội. Cả hai là một cơ cấu có tính tập thể nhân loại trong chính Đức Kitô. Linh mục và giáo dân được chỉ định bổ túc cho nhau trong nhiêm vụ của Giáo Hội. Vì Giáo Hội như là Dân Chúa làm thành Giáo Hội trong thế giới và như là Giáo Hội làm nên Dân Chúa trong Đức Kitô. Chính Đức Kitô kêu gọi và giao phó sứ mệnh cho cả hai, Người cũng trao ban cho cả hai quyền hạn cần thiết. Không có giáo dân thì Giáo Hội không thể là Giáo Hội trong thế giới và không có linh mục thì Giáo Hội không thể là Dân Chúa trong Đức Kitô. Vì thế cả hai hiện hữu không chỉ căn cứ trên sự liên kết phẩm trật, nhưng còn là sự liên đới tập thể. Sự liên kết phẩm trật như là một sự liên kết trong Giáo Hội, và trong một mức độ nào đó nó chiếm một chỗ ưu tiên trong Giáo Hội; còn sự liên đới tập thể chính là sự liên đới trong việc phục vụ thế giới. Giáo Hội sẽ không biểu lộ ra cho thế giới được nếu không có người giáo dân. Vì thế tính tập thể là một nguyên tắc thần học căn bản về Dân chúa. Dó đó, sự phân biệt hai thành phần: linh mục và giáo dân là vì đặc tính cốt yếu của hai thành phần đó. Mỗi một thành phần hiện hữu là vì thành phần kia. Sự đa dạng phong phú của cương vị các nhiệm vụ trong trong Giáo Hội thuộc về bản chất của Giáo Hội. Một Giáo Hội học hợp lý và công bằng phải lên án chủ nghĩa phẩm trật, trong Giáo Hội đương nhiên có phẩm trật, nhưng không có chủ nghĩa phẩm trật. Vì chủ nghĩa phẩm trật là một sự lạm dụng trong việc xử thế khi thi hành chức vụ. Điểm cốt yếu đối với linh mục phẩm trật và đối với Giáo Hội không phải là vị trí có được, nhưng chính là sự trách nhiệm được ủy thác.[8]

Người ta nhận thấy rằng trong nền thần học về Dân Chúa có đặc tính cá nhân. Quả thật Giáo Hội được hiện thực trong từng thành viên của Giáo Hội. Công Đồng đã trình bày: Giáo Hội không phải luôn là Giáo Hội hoàn hảo, bởi trong Giáo Hội bao gồm hai khía cạnh phân biệt, nhưng không được tách biệt: khía cạnh nhân loại và khía cạnh thần linh. Mặc dầu Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội được qui tụ bởi những con người với bao yếu tố trần thế, không những về tổ chức cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi (x. Lumen Gentium s. 8). Giáo Hội hiện hữu bởi sự hiện hữu của con người trong Đức Kitô. Giáo Hội là niềm vui và hy vọng của cả thế giới. Tập thể tính trong Giáo Hội không chỉ mang ý nghĩa cơ cấu tổ chức. Nó còn qui chiếu đến đời sống của từng thành viên của Giáo Hội. Tập thể tính còn biểu lộ từng ơn gọi phát xuất từ Đức Kitô và Thiên Chúa Vì thế nó phải mang lấy công việc phục vụ thế giới của Giáo Hội nhằm cứu rỗi tất cả mọi người. Đó chính là nhiệm vụ của mọi thành viên Giáo Hội trong sự quan hệ với nhân loại.

Quan điểm này cho đến nay chưa được hoàn toàn chấp nhận. Nhưng Công Đồng là công việc của Giáo Hội, một công việc không thu gọn trong một thời gian, nhưng là kế hoạch kéo dài hằng thế kỷ. Giáo Hội không bao giờ ngơi nghỉ trong việc hoàn thiện hoá chính mình. Cho nên công việc của Giáo Hội là làm cho chương trình của Công Đồng luôn được tiếp tục và phát triển.

Giáo Hội Tham gia là khát mong của các vị chủ chăn, vì có tham gia Giáo Hội mới thực sự tỏ bày đúng bản chất của mình giữa trần gian này. Nhưng tham gia là tham gia như thế nào? Người Giáo dân được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội như người “chạy việc” của hàng Giáo sĩ hay như chủ thể của sứ vụ đó? Vì thế, các suy tư trên cũng chỉ là một gợi ý nho nhỏ với ước mong người giáo dân được hướng dẫn, đào luyện để có thể tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội như là chủ thể của Giáo Hội.

Lm Antôn Hà Văn Minh

[1] E. Klinger, Das Amt des Laien in der Kirche (Nhiệm vụ người giáo dân trong Giáo hội), in: Die Kirche der Laien (Giáo hội của người Giáo dân), xuất bản bởi: Elmar Klinger/Rolf Zerfas, Wuerzburg 1987, 67.

[2] J. Werbick, Art.: Laien (Giáo dân), in: LThK3, Bd 6, 592.

[3] X. Y. Congar, Công đồng chung Vaticanô II., Giáo hội, Dân Thiên Chúa và thân thể của Đức Kitô (le Concile de Vatican II.  Son Église, peuple de Dieu et corps du Christ) ( trong: Thologie historique 71). Paris 1984.

[4] X. K. Rahner, Schriften zur Theologie II. Einsiedeln 1962, 344.

[5]  A. Grillmeier, Bình luận về chương hai của Hiến chế Lumen Gentium (Kommentar zum zweiten Kapitel von Lumen Gentium), tr. : LThK, Erg. – cuốn I : Công đồng chung vaticanô II. (Das Zweite Vatikanischen Konzil), Freiburg 1966, 182.

[6]  Nhiệm vụ linh mục theo yếu tính là nhiệm vụ của Giáo Hội , bởi vì Giáo hội là Giáo hội. Nhiệm vụ giáo dân cũng thuộc yếu tính của Giáo hội, vì Giáo hội là Giáo hội Dân Chúa trong Đức Kitô. Giáo hội không hiện hữu được nếu không có sự hiệp thông với Đức Kitô. Bởi đó, cả hai nhiệm vụ bổ túc cho nhau. Căn tính của Giáo hội chính là Giáo hội là Giáo hội trong thế giới và Giáo hội chính là Giáo hội, một Giáo hội duy nhất trong Đức Ktiô. 

[7] L. –J. Suenens, Giáo hội trong nhiệm vụ tông đồ (Die Kirche im apostolischen Einsatz), Freiburg/Schw. 1955, tr. 75 & 76.

[8] X. E. Klinger, Nhiệm vụ của người giáo dân trong Gíao hội (Das Amt des Laien in der Kirch), trong: Giáo hội của người Giáo dân (Die Kirche der Laien), Xuất bản bởi  E. Klinger / R. Zerfass, Wuerzburg 1987, tr. 84.