11/11/2021
480
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 11_Bài 2
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 11-2021
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI II-LINH ĐẠO

NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI MANG TÍNH THAM GIA

 

Sáng Chúa Nhật ngày 10.10.2021 Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI với chủ đề: Hiệp thông, tham gia và loan báo Tin Mừng, trong bài giảng Đức Thánh cha nói:

“Bằng sự chân thành, trong hành trình Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta đang lắng nghe thế nào? Con tim chúng ta đang lắng nghe ra sao? Chúng ta có để cho tha nhân bày tỏ ý kiến, để cho họ bước đi trong đức tin ngay cả khi gặp khó khăn trong cuộc sống, để họ đóng góp cho đời sống cộng đoàn mà không bị ngăn trở, từ chối hay phán xét? Tiến hành Thượng Hội Đồng là bước theo cùng con đường của Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, là nối gót theo bước chân Người, lắng nghe lời Người cùng với lời của tha nhân. Đó cũng là khám phá với sự ngỡ ngàng ngọn gió của Thánh Thần trong cách thức luôn mới để hướng đến những lối nẻo và ngôn ngữ mới. Đây là một tiến trình tiệm tiến, thậm chí gian nan, để học lắng nghe nhau giữa Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và giáo dân, đồng thời tránh đi những câu trả lời giả tạo và hời hợt. Chúa Thánh Thần đòi buộc chúng ta lắng nghe những ưu tư, lo lắng, hy vọng của mỗi Giáo hội, dân tộc và quốc gia. Và cả việc lắng nghe thế giới, những thách đố và thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta đừng để con tim ngủ quên, đừng nhắm mắt ở lại trong những gì chúng ta tin chắc. Nhiều lần những chắc chắn đóng chặt chúng ta lại. Chúng ta hãy lắng nghe nhau”

Dân Chúa là ý niệm phổ quát nhất phát xuất từ Giáo Hội. Ý niệm này không chỉ mang ý nghĩa nói về một thực tại hiện hữu trong lịch sử, nhưng nó còn bao hàm đến một bổn phận được ghi khắc nơi nhân loại trong Đức Kitô.

Bổn phận này liên quan đến tất cả mọi người trong Giáo Hội. Mọi người đều có thể nói cho Giáo Hội, bởi vì tất cả là Giáo Hội. Vì thế linh mục và giáo dân phục vụ cho chính Giáo Hội và hành động trong chính sự uỷ nhiệm của Giáo Hội. Cả hai là một cơ cấu có tính tập thể nhân loại trong chính Đức Kitô. Linh mục và giáo dân được chỉ định bổ túc cho nhau trong nhiêm vụ của Giáo Hội. Vì Giáo Hội như là Dân Chúa làm thành Giáo Hội trong thế giới và như là Giáo Hội làm nên Dân Chúa trong Đức Kitô. Chính Đức Kitô kêu gọi và giao phó sứ mệnh cho cả hai, Người cũng trao ban cho cả hai quyền hạn cần thiết. Không có giáo dân thì Giáo Hội không thể là Giáo Hội trong thế giới và không có linh mục thì Giáo Hội không thể là Dân Chúa trong Đức Kitô. Vì thế cả hai hiện hữu không chỉ căn cứ trên sự liên kết phẩm trật, nhưng còn là sự liên đới tập thể. Sự liên kết phẩm trật như là một sự liên kết trong Giáo Hội, và trong một mức độ nào đó nó chiếm một chỗ ưu tiên trong Giáo Hội; còn sự liên đới tập thể chính là sự liên đới trong việc phục vụ thế giới. Giáo Hội sẽ không biểu lộ ra cho thế giới được nếu không có người giáo dân. Vì thế tính tập thể là một nguyên tắc thần học căn bản về Dân Chúa. Dó đó, sự phân biệt hai thành phần: linh mục và giáo dân là vì đặc tính cốt yếu của hai thành phần đó. Mỗi một thành phần hiện hữu là vì thành phần kia. Sự đa dạng phong phú của cương vị các nhiệm vụ trong trong Giáo Hội thuộc về bản chất của Giáo Hội. Một Giáo Hội học hợp lý và công bằng phải lên án chủ nghĩa phẩm trật, trong Giáo Hội đương nhiên có phẩm trật, nhưng không có chủ nghĩa phẩm trật. Vì chủ nghĩa phẩm trật là một sự lạm dụng trong việc xử thế khi thi hành chức vụ. Điểm cốt yếu đối với linh mục phẩm trật và đối với Giáo Hội không phải là vị trí có được, nhưng chính là sự trách nhiệm được ủy thác.{C}{C}[1]

Người ta nhận thấy rằng trong nền thần học về Dân Chúa có đặc tính cá nhân. Qủa thật Giáo Hội được hiện thực trong từng thành viên của Giáo Hội. Công Đồng đã trình bày: Giáo Hội không phải luôn là Giáo Hội hoàn hảo, bởi trong Giáo Hội bao gồm hai khía cạnh phân biệt, nhưng không được tách biệt: khía cạnh nhân loại và khía cạnh thần linh. Mặc dầu Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội được qui tụ bởi những con người với bao yếu tố trần thế, không những về tổ chức cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi (x. Lumen Gentium s. 8). Giáo Hội hiện hữu bởi sự hiện hữu của con người trong Đức Kitô. Giáo Hội là niềm vui và hy vọng của cả thế giới. Tập thể tính trong Giáo Hội không chỉ mang ý nghĩa cơ cấu tổ chức. Nó còn qui chiếu đến đời sống của từng thành viên của Giáo Hội. Tập thể tính còn biểu lộ từng ơn gọi phát xuất từ Đức Kitô và Thiên Chúa Vì thế nó phải mang lấy công việc phục vụ thế giới của Giáo Hội nhằm cứu rỗi tất cả mọi người. Đó chính là nhiệm vụ của mọi thành viên  Giáo Hội trong sự quan hệ với nhân loại.

Quan điểm này cho đến nay chưa được hoàn toàn chấp nhận. Nhưng Công Đồng là công việc của Giáo Hội, một công việc không thu gọn trong một thời gian, nhưng là kế hoạch kéo dài hằng thế kỷ. Giáo Hội không bao giờ ngơi nghỉ trong việc hoàn thiện hoá chính mình. Cho nên công việc của Giáo Hội là làm cho chương trình của Công Đồng luôn được tiếp tục và phát triển.

Giáo Hội Tham gia là khát mong của các vị chủ chăn tại Giáo Hội Việt Nam, vì có tham gia Giáo Hội mới thực sự tỏ bày đúng bản chất của mình giữa trần gian này. Nhưng tham gia là tham gia như thế nào? Người Giáo dân được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội như người “chạy việc” của hàng Giáo sĩ hay như chủ thể của sứ vụ đó? Vì thế, các suy tư trên cũng chỉ là một gợi ý nho nhỏ với ước mong người giáo dân được hướng dẫn, đào luyện để có thể tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội như là chủ thể của Giáo Hội.

LM Antôn Hà Văn Minh


[1] X. E. Klinger, Nhiệm vụ của người giáo dân trong Gíao hội (Das Amt des Laien in der Kirch), trong: Giáo hội của người Giáo dân (Die Kirche der Laien), Xuất bản bởi  E. Klinger / R. Zerfass, Wuerzburg 1987, tr. 84.