17/02/2022
555
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 02-2022_Bài 2
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 02-2022
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI II

Người Giáo dân tham gia hiệp hành: Đối thoại với các tôn giáo bạn

 

Theo tinh thần Công đồng Vat. II tất cả mọi tín hữu khi nỗ lực loan báo Tin mừng phải có một thái độ đúng đắn và kính trọng đối với các niềm tin của các tôn giáo bạn. Bởi vậy đối thoại với các tôn giáo khác là một con đường đúng đắn để tiến tới một Giáo Hội mang tính hiệp hành hầu Giáo Hội có thể chu tất sứ vụ loan báo tin Mừng cách chỉnh chu. Đối thoại và loan báo tin mừng là hai thực tại không thể tách rời nhau[1], Đức Giáo hoàng trong tông huấn Redemptoris Missio cũng đã trình bày: “Đối thoại liên tôn là một phần của sứ vụ Giáo hội trong việc loan báo Tin mừng”}[2]. Đặc biệt đối với Giáo hội Việt Nam đối thoại với các tôn giáo bạn là con đường đúng đắn và cần thiết để loan báo Tin mừng. Việc đối thoại không chỉ là lãnh vực thuộc hàng giáo sĩ, nhưng đó cũng là trách nhiệm của người Giáo dân, vì họ cũng được kêu gọi cùng với hàng giáo sĩ chia sẻ sứ mệnh của Giáo hội. Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Công đồng đã làm sáng tỏ đặc tính truyền giáo của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt tông đồ giáo dân. Công đồng đã nhấn mạnh đến sự đóng góp đặc biệt của họ trong sứ vụ truyền giáo, là trách nhiệm họ được giáo phó.Tất cả mọi tín hữu có nhiệm vụ chia sẻ trách nhiệm truyền giáo. Đó không chỉ là yêu cầu  của công việc sứ đồ, nhưng đó còn là bổn phận và trách nhiệm phát sinh từ bí tích Rửa tội” [3]. Bởi đó hàn giáo sĩ hãy mạnh dạn và can đảm ủy thác cho người giáo dân lãnh nhận sứ mệnh loan báo tin mừng qua việc đối thoại với các tôn giáo bạn.

Người Kitô hữu Việt Nam sống trên một mảnh đất đã đâm chồi nẩy lộc nhiều tôn giáo cổ truyền và nẩy sinh nhiều tôn giáo mới. Trong bối cảnh này công việc đối thoại với các tôn giáo bạn là nhu cầu cấp thiết để tin mừng được giới thiệu. Việc đối thoại trước tiên là trình bày một hành động yêu thương. Mà yêu thương bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Trong chính cuộc đối thoại mà những tín hữu thuộc các tôn giáo khác được nghe về Tin mừng tình yêu thương. Việc đối thoại nhằm chỉ cho con người con đường hướng tới một tình yêu đích thật và chân lý được trình bày trong Kitô giáo. Vì thế đối thoại không là loại trừ nhưng bổ sung điều đã tồn tại trong đức tin. Nhưng để người giáo dân thi hành công việc đối thoại với các tôn giáo bạn cần phải có một sự chuẩn bị kiến thức về các tôn giáo bạn và cách thức thi hành.

Để đạt tới mục đích của công việc đối thoại trước tiên người giáo dân cần phải có một nhận thức đúng đắn về các tôn giáo bạn. Trước đây kể từ thời hạt giống Phúc âm được đâm chồi nẩy lộc cho tới thời hậu bán thế kỷ 20 người giáo dân Việt Nam có một cái nhìn tiêu cực về các tôn giáo bạn. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi ngay từ đầu các nhà thùa sai Tây phương đã có một cái nhìn sai lạc về các tôn giáo cổ truyền ở Việt Nam. Khác lạ về phong tục tập quán và nhất là hoàn toàn xa lạ với tính chất của ngưới Á đông, các nhà thừa sai đã có một thành kiến không tốt về các tôn giáo bạn, thành kiến đó đã được chuyển giao đến cho người Kitô hữu Việt Nam qua các giáo huấn. Trong một lời kinh do các nhà thừa sai biên soạn, đã đồng hoá Buddha (Đức Phật) và Satan: “những kẻ thờ phượng bụt hay ma quỷ đang sa xuống đầy dẫy hoả ngục”. Ngay như nhà thừa sai “cấp tiến” A. de Rhodes, có chủ trương hội nhập văn hóa trong việc phúc âm hóa cũng đã có một thàn kiến sai lạc về Phật giáo. Trong cuốn “Phép giảng tám ngày - Giáo lý cho những người muốn nhận lãnh Phép Rửa” nhà thừa sai đã coi Phật giáo như một tôn giáo sai lạc[4]. Nhà thừa sai đã yêu cầu các Kitô hữu phải chống lại ảnh hưởng Phật giáo. Cấm tất cả các Kitô hữu không được đến chùa chiền để tham dự những nghi thức Phật giáo. Và khi phải tiếp xúc với những “người ngoại đạo” thì phải hết sức cẩn thận, giữ mình kẻo bị “lây nhiễm” thói tục của họ. Thành kiến đó đã đâm rễ sâu trong tâm thức người Kitô hữu Việt Nam, và do đó họ không thể nhận ra những phẩm giá cao quý nơi các tôn giáo bạn.

Do đó việc đào luyện người Giáo dân để họ nhận ra giá trị các tôn giáo bạn là điều hết sức cần thiết trong việc chuẩn bị cho công cuộc loan truyền Tin mừng qua con đường đối thoại. Phải thay đổi não trạng nơi người giáo dân Việt Nam đối với các tôn giáo khác, giúp họ hiểu biết và chấp nhận phẩm giá nơi các tôn giáo bạn: “các tôn giáo Á châu có một vai trò cơ bản trong việc mang lại hoà bình, sự thông hiệp và cách đối nhân xử thế của toàn thể gia đình nhân loại trong “công trình” to lớn của Thượng đế, đó là tất cả dân tộc Châu á. Dựa trên quan điểm này phát sinh một sự công nhận đương nhiên rằng, Thần khí Chúa hoạt động trong tất cả các truyền thông tôn giáovà dẫn đưa các tín đồ của các truyền thống tôn giáo đó cảm thấy có bổn phận đi tìm chân lý và sự thông hiệp đích thật ở trong và ngoài truyền thống nơi tôn giáo của họ”[5] Người giáo dân Việt Nam cần hiểu được giáo huấn của Công đồng Vat. II: để có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tính bác ái liên kết với những người thuộc tôn giáo khác. Phải làm quen với những truyền thống dân tộc và các tôn giáo khác, phải kính cẩn khám phá ra hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó, phải hiểu biết về những người thuộc tôn giáo khác mà người Kitô hữu chung sống và phải đối thoại với họ một cách chân thành và nhẫn nại (x. AG 11).

Tuy nhiên đối thoại để giới thiệu tin mừng, chứ không để làm mờ đi ánh sáng Đức tin. Bởi đó công đồng đã đòi hỏi “phải khôn ngoan tiếp xúc với người ngoài Kitô giáo ‘trong Chúa Thánh Thần, trong Đức ái không giả dối, trong lời chân thật’ (2 Cor 6, 6-7). Phải cố gắng tỏa ánh sáng sự sống với tất cả lòng tin tưởng vững chắc, và lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu” (DH 14). Do đó khi đối thoại với các tôn giáo khác người giáo dân phải thấu hiểu vững chắc chân lý mà mình đã lãnh nhận, và trung thành loan truyền chân lý đó. Đối thoại chứ không tranh luận, do đó việc đối thoại phải được thực hiện trong tinh thần khôn ngoan, chi phối bởi đức ái và lòng kiên nhẫn (x. DH 14). Phải loại khỏi tinh thần độc tôn tôn giáo, bởi tinh thần đó chỉ đưa đến một thái độ quá kích, coi thường các tôn giáo bạn, thay vì đối thoại để hiểu nhau, tinh thần đó sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận gay gắt, đưa tới những hiềm khích, hiểu lầm và thù oán. Giáo hội công giáo không còn được nhìn như là một Giáo hội độc tôn, nhưng là một Giáo hội bao gồm, có nghĩa là Giáo hội công giáo được tiềm ẩn trong các tôn giáo khác, bởi vì Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi các tôn giáo khác như là để chuẩn bị họ nhận lãnh Phúc âm (LG 16).

Lm Antôn Hà Văn Minh


[1] X. Tuyên bố chung của hội Nghị ICMICA, “Châu Á – Sự tham dự của người giáo dân vào việc canh tân Giáo hội á châu”, trong, Weltkirche, 18(1998), tr. 312.

[2] Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, số 55.

[3] Nt số 71.

[4] X.A. de Rhodes, Phép giảng tám ngày, tr. 75 tt.

[5]Tuyên bố chung của hội nghị lần IV. BIRA / 12, trong: Weltkirche 11 (1991) 83.