10/01/2022
893
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 01-2022_Bài 1
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 01-2022
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI I – LINH ĐẠO GIÁO DÂN

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

CỦA THƯỢNG HỘI ĐÒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XVI

 

Nhập

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đã được khai mạc với chủ đề: Tiến tới một Giáo Hội Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này khác hẳn các Thượng Hội Đồng đã được tổ chức. Theo sáng kiến của Đức Phanxicô, Thượng Hội Đồng lần thứ XVI không nhằm qui tụ một số Giám mục đại diện cho các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, các ngài dến với Thượng Hội đồng trên tay có bài tham luận được chuẩn bị kỹ càng, nhưng được chia ra với ba giai đoạn kéo dài từ 2021 đến 2023 với một tiến trình tham vấn ở Giáo Hội Địa Phương, Giáo Hội châu lục và Giáo Hội hoàn vũ. Trong việc tham vấn này, Đức Thánh cha hướng tới vai trò của người Giáo dân: “Toàn thể Dân Chúa qua Bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội Thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đến để hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội Thánh và dẫn chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới.[1]

Người Giáo dân không thể là đứng bên lề với thái độ  đói với cuộc sống của Giáo Hội, bởi:“Nhờ được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép Rửa, toàn thể các tín hữu ‘không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu’ đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa’. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các tín hữu ‘tới sự thật toàn vẹn”[2]{C}{C}.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi “mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào Tiến trình hiệp hành, bắt đầu từ cấp giáo phận. Các giáo phận được mời gọi lưu ý rằng đối tượng chính của kinh nghiệm hiệp hành là mọi người đã chịu phép Rửa. Đặc biệt, cần chú ý đến những ai có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, v.v... Cũng nên tìm ra những phương thức sáng tạo để cả thiếu nhi và giới trẻ cũng được hòa nhập vào Tiến trình hiệp hành này”[3]{C}{C}.

Người Giáo dân phải có tâm trạng “bồn chồn” về sứ vụ của Giáo Hội

Trong bài nói chuyện với Giáo Phận Roma vào ngày 18/9/2021 về tính hiệp hành trong Giáo Hội, Đức Phanxcô đã nói: “Nếu một Kitô hữu không cảm thấy sự bồn chồn bên trong này, nếu họ không sống nó, họ đang thiếu một điều gì đó; và sự bồn chồn bên trong này phát sinh từ chính đức tin của mình và mời gọi chúng ta đánh giá xem điều gì là tốt nhất nên làm, điều gì cần phải duy trì hoặc thay đổi. Lịch sử đó dạy chúng ta rằng đứng yên không thể là điều tốt cho Giáo hội.  Và sự chuyển vần là hệ quả của sự ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là đạo diễn của câu chuyện này, trong đó mọi người đều là nhân vật chủ đạo luôn bồn chồn, không bao giờ ngừng nghỉ”{C}{C}[4]{C}{C}.

Chính sự bồn chồn bên trong này mà người Giáo dân được mời gọi tham gia tích cực vào các cuộc tham vấn trong tiến trình hiệp hành hầu giúp Giáo Hội khám phá những điều cần phải hoán cải, cần phải canh tân để Giáo Hội thực sự trở nên tiếng nói của niềm vui cho người thời đại, là con đường mang đến niềm hy vọng cho nhân loại.

Đức Thánh cha mời gọi người Giáo dân hãy can đảm đi ra khỏi sự e dè nhát đảm để gặp gỡ và trao cho nhau những kinh nghiệm về đời sống Kitoo hữu mà mỗi người có những cảm nghiệm riêng: “Kitô giáo phải luôn nhân bản, nhân bản hóa, hòa giải các khác biệt và phân cách, biến chúng thành thân thuộc, gần gũi. Một trong những tệ nạn của Giáo hội, thực sự là một sự đồi bại, là chủ nghĩa giáo sĩ trị vốn tách rời linh mục, Giám mục ra khỏi dân chúng. Giám mục và linh mục tách khỏi dân chúng là một quan chức không còn là mục tử nữa. Thánh Phaolô VI rất thích trích dẫn châm ngôn của Terentius: ‘Tôi là một con người, tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ đối với tôi’ ... Nhân danh Thiên Chúa, người ta không thể phân biệt đối xử. Và phân biệt đối xử là một tội lỗi ngay cả giữa chúng ta: ‘chúng tôi là người trong sạch, chúng tôi là người được tuyển chọn, chúng tôi thuộc phong trào biết mọi sự, chúng tôi là...’. Không. Chúng ta là Giáo hội, tất cả cùng với nhau”{C}{C}[5]{C}{C}.

Đức Hồng y Grech, Tổng thư ký thượng Hội đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đã khẳng định: “Trong cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa với các vị chủ chăn của mình, trong tiến trình thượng hội đồng, mọi người đều tham gia, mỗi người tùy theo chức năng của mình. Bởi sự hiệp thông trong Giáo Hội  “vốn đòi hỏi sự tuần hoàn, có đi có lại, đồng hành với nhau liên quan đến các chức năng khác nhau của Dân Thiên Chúa. Do đó, hiệp thông trở thành sự tham dự của tất cả mọi người vào đời sống của Giáo hội, mỗi người tùy theo tình trạng và chức năng cụ thể của mình. Quy trình thượng hội chứng minh điều này rất rõ ràng[6].

Giáo Hội cần người Giáo dân tỏ thái độ bồn chồn về đời sống của Giáo hội và các vị chủ chăn luôn hy vọng người Giáo dân thể hiện hết khả năng vào việc tham vấn cho Thượng Hội đồng, bởi vì “nhờ ánh sáng đến từ Chúa Thánh Thần được ban trong phép rửa. Công đồng Vaticanô II dạy rằng Dân Thiên Chúa tham gia vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta phải lắng nghe Dân Chúa, và điều này có nghĩa là đi ra ngoài các nhà thờ địa phương. Đúng hơn, chính Giáo hội với tư cách là Dân Thiên Chúa, một Dân nhờ bí tích rửa tội, là một chủ thể tích cực trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội[7].

Vì thế, việc tham vấn người Giáo dân để tiến tới một Giáo Hội mang tính hiệp hành rất quan trong, Đức Hồng y Grech đã khẳng định: “Toàn thể Dân Thiên Chúa tham gia vào tiến trình thượng hội đồng. Tầm quan trọng được giao cho Dân Chúa được thể hiện rõ ràng trong cuộc tham vấn, vốn là hành động sáng lập của Thượng Hội đồng. Tôi nhắc lại, tham vấn đã là một phần của tiến trình thượng hội đồng, nó là hành động đầu tiên và không thể thiếu của nó. Ai nói rằng nó không liên quan, rằng nó chỉ đơn giản là một hành động chuẩn bị, có lẽ không hiểu rất rõ tầm quan trọng của sự cảm thông của Dân Chúa... Ở đây tất cả đều có chỗ đứng và cơ hội để thể hiện bản thân. Mong muốn của Đức Thánh Cha là cho phép tất cả mọi người được lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần Dân Chúa, rằng việc lắng nghe là sự ‘hoán cải mục vụ’ thực sự của Giáo hội. Quá trình ra quyết định trong Giáo Hội luôn bắt đầu bằng việc lắng nghe, bởi vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới hiểu được cách thức và vị trí mà Thánh Linh muốn dẫn dắt Giáo Hội[8]

Người Giáo dân hãy thể hiện sự bồn chồn về sứ vụ của Giáo Hội trong thời đại hôm nay qua việc chia sẻ những trải nghiệm về đời sống đức tin mà mình đã trải nghiệm, những kinh nghiệm vừa mang tích cực và tiêu cực, những kinh nghiệm có nụ cười và cũng không thiếu nước mắt; chia sẻ những thao thức về việc loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay, thời đại 4.0. Những phát biểu về mối tương quan giữa vị chủ chăn và con chiên, về những khó khăn giữa môi trường sông trong việc giúp lương dân tiếp cận với Tin Mừng... Trong việc chia sẻ nầy, Đức Thánh Cha yêu cầu phải “can đảm nói thẳng nói thật để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn”[9]{C}{C}, qua đó mỗi người tín hữu trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, mang niềm vui của Tin Mừng thấm nhập vào môi trường sống của từng người.

1. Vai trò của người nữ trong tiến trình hiệp hành

Sr. Nathalie Becquart, người Pháp, thuộc dòng nữ tu thánh Xavie, được Đức Thánh Cha Phanxciô bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Sr. Beacquart sẽ là phụ nữ đầu tiên vào năm 2023 bỏ phiếu trong một Thượng hội đồng gồm nhiều người nam. Nói về trách nhiệm này, sơ giải thích: “Tôi cảm thấy mình như một mắt xích nhỏ trong một xâu chuỗi dài: trước tôi đã có nhiều phụ nữ và nhiều giáo dân tích cực tham gia sứ vụ của Giáo hội. Quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng có thể giống như một ngọn đèn được thắp sáng, nhưng việc tôi được bổ nhiệm không thể tách rời khỏi toàn thể con đường mà phụ nữ đã thực hiện trong Giáo hội và từ thực tế của các Giáo hội địa phương, nơi phụ nữ có nhiều trách nhiệm và nhiều quyền. Vì vậy, cần phải tiếp tục đi theo con đường này. Hơn nữa, các thượng hội đồng trước đây đã nhấn mạnh về việc cần thiết lắng nghe các phụ nữ, trao tiếng nói cho họ và kêu gọi họ đồng trách nhiệm nhiều hơn nữa”{C}{C}[10]{C}{C}.

Việc bổ nhiệm một nữ tu làm phó tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện và vai trò của họ trong đời sống của Giáo Hội. Đức Thánh Cha muốn xoá bỏ hẳn một định kiến về vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội và muốn tinh thần của công đồng Vaticano II cần được thấm nhuần trong đời sống Giáo Hội với ý thức: mọi người nam nữ qua Bí tích Rửa Tội, họ được bình đẳng với nhau về phẩm giá. Vì thế, không thể để người nữ đứng bên lề hay lãng quên họ. Qua việc thực hiện tiến trình hiệp hành nơi cộng đoàn Dân Chúa không phân biệt nam hay nữ, sr Natalie đã cởi mở: “Tiến trình Thượng Hội đồng là một con đường mở. Vì vậy, theo tôi chúng ta không  nên có định kiến về những đóng góp của phụ nữ. Ngược lại, điều thực sự cần quan tâm là họ có dám nói ra và đảm nhận vị trí thuộc về họ hay không. Tôi muốn nói là phụ nữ phải mang theo những gì họ có. Về cơ bản, tôi tin rằng những gì họ đang mang lại cách cụ thể là động lực của sự hiệp hành. Bởi vì họ thực sự mong muốn Giáo hội không còn là một Giáo hội của giáo sĩ dành cho những người được ưu tuyển, nơi một số người đưa ra những quyết định cho tất cả mọi người. Phụ nữ khao khát tham gia vào các quyết định của Giáo hội. Mặt khác, các thượng hội đồng gần đây đã nhấn mạnh rõ ràng về thách đố đối với vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội”.

Dĩ nhiên sự bình đẳng nam nữ trong Giáo Hội là bình đẳng về phẩm giá trong chức phận làm con Thiên Chúa. Không bao giờ được nhìn sự bình đẳng này trong phạm trù thế tục. Bởi Giáo Hội không là một tổ chức trần thế, một tổ chức do con người thiết lập. Giáo Hội là một mầu nhiệm, một cộng đoàn do Chúa Kitô thiết lập, nên Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô. Vì thế không được lấy bất cứ một mô hình của các tổ chức trần thế để áp dụng cho Giáo Hội. Giáo Hội có sự bình đẳng trong mối tương quan giữa các Kitô hữu được hình thành nhờ Bí tích Rủa Tội, thế nhưng vẫn có sự khác biệt về “cấp bậc và yếu tính” giữa người Giáo dân và Giáo sĩ. Sự khác biệt này nhằm để phục vụ Dân Chúa theo ý muốn của Chúa Kitô hầu làm cho mọi người nhận được ơn cứu độ.

Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói đến vai trò của người phụ nữ trong Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ XVI không gì hơn ngoài việc nỗ lực phục hồi vai trò của họ trong đời sống Giáo Hội, một vai trò đã bị coi nhẹ trong quá khứ của lịch sử Giáo Hội, Ngài muốn nghe tiếng nói của họ và phát huy tài năng của họ trong việc thi hành chức vụ của một Kitô hữu. Sr Beacquart đã phát biểu: “Phụ nữ mong muốn có các mối quan hệ bình đẳng hơn dựa trên sự tôn trọng. Và do đó các tương quan này là một động lực mạnh mẽ của sự hiệp hành. Tôi thường nói trong Dân Chúa, phụ nữ và người trẻ đi đầu trong việc thực hiện và thúc đẩy tính hiệp hành”{C}{C}[11]{C}{C}. Nữ tu Murray cho rằng người biệt phụ nữ luôn sẵn sàng gặp gỡ người khác, thể hiện lòng trắc ẩn và sự dịu dàng đối với những người gặp khó khăn, bởi vì “đó là một phần DNA của chúng ta,” và đây là một phần của sự suy tư mà phụ nữ có thể mang đến cho tiến trình Thượng hội đồng[12]{C}{C}.

Kết

Theo hiến chế  Lumen Gentium thì người giáo dân  được sát nhập vào Thân thể Chúa Kitô, “nhờ Bí tích Rửa Tội đã trở nên dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ” (GL s. 31). V thế người Giáo dân cũng được mời gọi tham dự vào sứ vụ của Giáo hội. Vì những ân sủng đã lãnh nhận “mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo hội” (LG s. 33), vì thế người giáo dân không cần một sự uỷ quyền, hay một phép đặc biệt từ hàng giáo sĩ để tham gia vào công việc của Giáo Hội. Đức Kitô sẽ chu tất chức vụ Ngôn sứ của Ngài cách trọn vẹn trong ngày quang lâm, “Ngài chu toàn chức vụ đó không những nhờ hằng giáo phẩm là những người nhân danh và lấy quyền Ngài giảng dạy, nhưng Ngài cũng nhờ các giáo dân, đã được Ngài đặt làm chứng nhân đồng thời ban cho họ cảm thức Đức tin và ơn dùng ngôn từ để sức mạnh Phúc âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội” (LG s. 35).

Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI mong muốn tất cả những ai thuộc về Dân Chúa - giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng của chúng ta đối với Hội thánh trong Thiên niên kỷ thứ ba. Nền tảng thực sự của việc tham gia là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong Hội thánh hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa. Phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc.  [13].

Lm Antôn Hà Văn Minh


[1] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành, số 1.2, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

[2] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI (2021-2023), số 13, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-42903

[3] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành, số 2.1, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

[4] Đức Phanxicô, Bài nói chuyện với Giáo Phận Roma ngày 18-9- 2021, bản tiếng việt do Vũ Văn An chuyển ngữ Nguồn: http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/271325

[5] Nt

[6] Cardinal Grech: Transformation of Synod to create space for People of God, nguồn: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-05/cardinal-grech-interview-synod-secretariat-changes.html

[7] Nt

[8] Nt

[9] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành, số 2.3, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

[10]  Ngọc Yên, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI và sự tham gia của phụ nữ, nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-10/thuong-hoi-dong-vai-tham-gia-phu-nu.html

[11] Nt.

[12]Minh Tuệ, sự cộng tác của phụ nữ tỏng tiến trình hiệp hành, nguồn http://dcctvn.org/phu-nu-nam-giu-vai-tro-doc-dao-trong-giao-hoi-hiep-hanh/

[13] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành, số 1.4, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941