07/07/2017
1457
Đức Giáo hoàng Phanxicô ngỏ lời với các linh mục

 
 

Đức cha Robert Barron, ngày 20.06.2017

Tôi viết những lời này từ khách sạn Nuremore ở Monaghan, nước Ireland, nơi tôi đang hướng dẫn một cuộc tĩnh tâm dành cho các linh mục của Tổng giáo phận Dublin. Khi nhìn những người này, tôi nhớ đến những người họ hàng cả bên nội và bên ngoại của tôi (“Ô, cha này trông giống chú Charlie quá”, còn “Cha kia thì giống hệt người anh họ Terry”), bởi vì tôi cũng có gốc Ireland. Nhiều cha đang tham dự tĩnh tâm đã nghỉ hưu, và tâm trí như được khai sáng khi nhìn thấy thật nhiều người đã can đảm chịu đựng nắng nôi cả ngày. Xin đọc một kinh cho các ngài.

Chủ đề tôi chọn cho các bài nói chuyện của tôi là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ lời với các linh mục”. Tôi đã chọn lọc một số tư tưởng chủ đạo từ vô số bài nói chuyện, bài giảng và thuyết trình trình của Đức Giáo Hoàng với các linh mục, chủng sinh và giám mục. Trong phạm vi bài viết ngắn này, xin cho tôi nói chỉ ít lời về mỗi tư tưởng.

Tư tưởng đầu tiên là “gặp gỡ Đức Kitô”. Rút ra từ các bài viết của cha Luigi Giussani và những tác giả khác, Đức Phanxicô nhấn mạnh chỉ một hình ảnh quan trọng nhất của Kitô giáo là tình bằng hữu cá nhân với Chúa Giêsu. Đức tin Kitô giáo không phải là một triết thuyết, một học thuyết xã hội hay một ý thức hệ, nhưng là một tương quan sống động với Chúa Giêsu. Do đó, tôi đã nói với các cha ở Dublin, hãy đặt Đức Kitô làm trung tâm cuộc đời, và hãy để mọi khía cạnh của đời sống và tác vụ xoay quanh tình bạn của các ngài với Chúa.

Đề tài thứ hai là “sống đơn giản”. Không có gì về Đức Phanxicô có sức hấp dẫn lớn lao đối với trí tưởng tượng của người dân hơn những cử chỉ của ngài về cách sống đơn giản: tự trả tiền phòng ở nhà trọ dành cho giáo sĩ ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, di chuyển bằng một chiếc Fiat khiêm tốn thay vì chiếc limo, dùng bữa với người vô gia cư, cư trú trong Nhà khách thánh Marta thay vì Dinh Tông toà, v.v. Trong một huấn từ dành cho các tu sĩ sống đời thánh hiến vào năm 2015, Đức Giáo Hoàng đã trích thánh Ignatiô Loyola, người cha tinh thần của ngài, với ý rằng sự nghèo khó là “bức tường và là mẹ của đời thánh hiến”, là mẹ bởi vì sự nghèo khó sinh lòng tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa và là bức tường để ngăn chặn tính thế tục.

Tư tưởng chủ đạo thứ ba tôi đang tìm hiểu là rao giảng, đây là điều Đức Phanxicô nói đi nói lại khi có dịp ban huấn từ cho các linh mục và chủng sinh. Có lần ngài nhận xét mọi người đều phải khổ vì giảng thuyết, các linh mục khổ vì phải giảng còn giáo dân thì khổ vì phải nghe! Trong phần trình bày, tôi nhấn mạnh rằng luôn phải có một yếu tố gây ngạc nhiên và mới mẽ nếu làm tốt việc giảng thuyết Kitô giáo, bởi vì người giảng đang truyền đạt Tin mừng. Điều hoàn toàn bất ngờ đã xảy ra – đó là sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ cõi chết – và người giảng như muốn vồ lấy đôi vai của thính giả để rao cho họ nghe Tin Mừng đó. Nếu ngài chỉ nói những chân lí thiêng liêng bình thường lúc nào cũng đúng, thì quả thật đó không phải là rao giảng.

Thứ tư, tôi thúc giục các cha Dublin trở thành điều Đức Giáo Hoàng gọi là “các môn đệ truyền giáo”. Trước hết và trên hết, Vatican II là một công đồng có tính truyền giáo, với mục đích thúc đẩy Hội Thánh hướng ra ngoài, đưa ánh sáng Đức Kitô đến với muôn dân. Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đều đã đi theo sự thúc đẩy này mà tập trung vào việc tân phúc âm hoá. Đức Phanxicô đã và đang đánh lên cùng một tiếng chuông đó khi khẳng định rằng Giáo Hội phải đi ra đến những vùng ngoại biên, đến cả biên giới kinh tế lẫn hiện sinh. Ngài chú giải một cách khéo léo và hài hước về đoạn sách Khải Huyền được nhiều người biết tới tả cảnh Chúa Giêsu đứng ở cửa và gõ. Đức Phanxicô nói: Cảnh này trình bày không phải Chúa muốn vào trong tâm hồn chúng ta cho bằng Ngài khao khát đi ra thế giới!

Đề tài thứ năm có lẽ là chìa khoá giải thích cho triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, đó là lòng thương xót. Ngài có một nhận xét đáng nhớ là Giáo Hội giống như một bệnh viện dã chiến, nơi những người bị xã hội hậu hiện đại của chúng ta gây thương tích nặng có thể được chữa trị. Do đó, misericordia (lòng thương xót) là đòi hỏi hàng đầu không thể thiếu đối với những người mong muốn phục vụ trong các trung tâm chữa lành ấy. Tôi nói với linh mục đoàn Dublin: Giáo Hội có nói gì hay làm gì khác, đều phải trở về với thái độ thương xót, và lệ thuộc vào thái độ đó nữa.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ vài suy tư về thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng. Tôi thấy rằng nhiều người có khuynh hướng đọc văn bản này như là luận văn của Đức Phanxicô về việc “nóng lên toàn cầu”, và dù cho người ta đón nhận hay thất vọng đối với quan điểm của Đức Giáo Hoàng về vấn đề đó, thì việc đọc thông điệp chỉ từ cái nhìn đó là bỏ qua cả một cánh rừng xinh đẹp chỉ vì một cái cây. Điều Đức Phanxicô đã làm trong Laudato Si là đặt đời sống Kitô giáo vào trong một bối cảnh vũ trụ đúng nghĩa, và điều này cho thấy ngài rất gần với các nhân vật nổi bật trong linh đạo và thần học Kitô giáo thời tiền hiện đại. Tính hiện đại có khuynh hướng hiểu con người là “chủ thiên nhiên”, đây là câu nói nổi tiếng của Descartes, trong khi các nhà chú giải thời Kinh Thánh, giáo phụ và trung cổ coi con người là quản lí công trình sáng tạo, đúng thế, là người có quyền lợi và trách nhiệm hướng dẫn toàn bộ công trình sáng tạo bằng một việc là ca ngợi. Tôi đã chia sẻ với các linh mục Dublin một khái niệm cổ xưa này: linh mục cử hành Thánh lễ, theo một nghĩa nào đó, là đang nói nhân danh toàn thể tạo vật hữu hình. Điều này giải thích lí do tại sao các nhà thờ trước thời hiện đại, như các Nhà thờ Chánh toà lớn kiểu Gothic, được trang trí, cả trong lẫn ngoài, bằng những hình ảnh cây cối, các con vật, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và hành tinh. Lạ thay, một qui nhân thuyết quá đáng đã thật sự phá huỷ cố gắng truyền giáo của chúng ta cho nền văn hoá hiện thời.

Một lần nữa, xin cầu nguyện cho các linh mục của Tổng Giáo phận Dublin, và cho tất cả linh mục, khi chúng ta nỗ lực hoàn thành sứ vụ của mình.

Nguồn: Wordonfire.com

Biên dịch: Chủng viện thánh Gioan XXIII Mỹ Tho