13/07/2021
930
Đồng Hành Thiêng Liêng Trong Đại Dịch COVID_Chủng viện Thánh Gioan XXIII biên dịch
















 







 

ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID

JULIANNE STANZ

 

Thiên Chúa đang mở ra trước mặt Hội Thánh

những chân trời của một nhân loại

được chuẩn bị đầy đủ hơn

cho việc gieo rắc Tin Mừng.[1]

- Thánh Gioan Phaolô II

 

 

Năm 2020 là một năm rất riêng đối với nhiều người trong chúng ta. Một đại dịch toàn cầu lan ra khắp thế giới và những cụm từ như “giãn cách xã hội” và “cách li” trở thành một phần trong những cuộc đối thoại hàng ngày. Trường học trực tuyến trở nên phổ biến, đặc điểm các việc kinh doanh được định rõ là “cần thiết” hoặc “không cần thiết”, và làm việc tại gia trở thành một thói quen thường ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, cách chúng ta sống, nơi chúng ta cầu nguyện, cách chúng ta đau buồn và ăn mừng đều đã thay đổi, mà rất nhiều điều trong cuộc sống đã thay đổi một cách tinh tế hay chưa được tinh tế lắm. Với vài người, thời gian này mang lại sự nghỉ ngơi và chữa lành; với số khác, nó mang đến nỗi buồn và âu lo. Còn với chúng ta, thời gian này mở ra một mùa để thay đổi, kể cả với các giáo xứ của chúng ta.

Là những sinh vật sống theo thói quen, chúng ta vốn mong mỏi những thói quen trong cuộc sống hằng ngày, vì thế, chúng ta cố gắng lấy lại trạng thái cân bằng trong những lúc căng thẳng và áp lực. Áp lực ở đây là chúng ta vẫn đang trải qua giai đoạn tụt dốc đầy biến động trong lịch sử Hội Thánh Công Giáo khi toàn bộ ảnh hưởng từ những gì chúng ta đã và đang trải qua không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ở Ireland, nơi tôi lớn lên, chúng tôi gọi đây là “thời kì lưng chừng” - một thời gian dao động giữa “bây giờ và cái chưa đến”. Chúng ta trực cảm rằng cuộc sống đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa biết nó diễn ra quyết liệt như thế nào. Điều này cũng đúng nơi các giáo xứ Công giáo trên khắp Hoa Kỳ. Chúng ta biết rằng thời gian này đã làm thay đổi cách chúng ta tổ chức việc truyền giáo, cách chúng ta hỗ trợ mọi người trong đời sống đức tin, và cách chúng ta đồng hành với những người yếu đuối nhất giữa chúng ta. Điều chúng ta không biết là những tác động dài lâu của trận đại dịch đối với chúng ta với tư cách là một xã hội – trong đó có cả Giáo Thánh Công giáo.

Trong khi lịch sử của chúng ta như một dân Công Giáo vẫn đang được viết, thì thời gian này đã mở ra một cách hiện diện mới đối với nhiều giáo xứ. Nó mang lại cho hầu hết chúng ta cơ hội để sống chậm lại, dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn là trong xe hơi - một cơ hội để chiêm niệm và xem xét nội tâm. Với người Công giáo, chúng ta rất đau buồn khi thấy nhiều nhà thờ phải đóng cửa và đối với một ít nhà thờ lại là lần đầu tiên phải làm như vậy trong lịch sử họ. Thiếu vắng Bí tích Thánh Thể đã khiến chúng ta suy gẫm sâu sắc hơn để hiểu việc rước lễ thiêng liêng. Khi các giáo xứ bắt đầu mở cửa trở lại, chúng ta nghe được nhiều câu chuyện từ các đoàn thể giáo xứ, họ đã chứng kiến ​​những giọt nước mắt khi giáo dân được rước Mình Thánh Chúa sau nhiều tháng khát khao mong chờ. Chúng ta cũng đã chứng kiến ​​những hành động anh hùng can đảm và gan dạ diễn ra tại các giáo xứ tìm cách nuôi dưỡng thiêng liêng và truyền cảm giác hy vọng cho cộng đồng qua việc tiếp cận và sáng tạo truyền giáo. Nhiều giáo xứ đã tổ chức các lớp đào tạo đức tin, học hỏi Kinh thánh và Thánh lễ trực tuyến cùng lúc với các hoạt động cung cấp thực phẩm và các nỗ lực tiếp cận khác.

Ngoài việc cử hành Thánh lễ trực tuyến và thỉnh thoảng cập nhật những thông báo và thông tin, cũng có những câu chuyện khác về các việc làm nhỏ bé nơi những giáo xứ khác. “Một số thì làm ít; một số thì làm nhiều” là cách một thành viên ban mục vụ của một giáo xứ đã tóm tắt về thời kì này trong cuộc trò chuyện gần đây.

Nhiều năm làm việc tại các giáo xứ và hiện đang phục vụ ở cấp giáo phận, tôi đã có cái nhìn tổng quát về cách các giáo xứ đã và đang ứng phó với đại dịch. Mỗi tuần kể từ tháng 3 năm 2020, một đội công tác nhỏ gồm tám người điều phối những cuộc đối thoại với 156 giáo xứ mà chúng tôi phục vụ trong Giáo phận Green Bay, chúng tôi gọi đấy là “Kết nối đời sống giáo xứ” (Parish Life Line). “Kết nối đời sống giáo xứ” là một sự kiện trực tuyến nhằm quy tụ các người lãnh đạo giáo xứ để cầu nguyện với nhau, để kết nối và thảo luận về các chiến lược và cách thức có tính sáng tạo nhằm đào tạo các môn đệ. Trọng tâm của chúng tôi với nhiệm vụ là “Nhóm đồng hành thiêng liêng” là hỗ trợ và hướng dẫn các giáo xứ trong việc đồng hành với người giáo dân — cả về mặt thiêng liêng và thực tế. Trong bài này, tôi sẽ trình bày bản tóm tắt một số điều khôn ngoan về mặt thực tế và thiêng liêng từ các giáo xứ nhằm khuyến khích anh chị em trong nỗ lực truyền giáo của mình để loan báo Tin Mừng và đào tạo môn đệ.

Sự tạm ngưng tuyệt vời để cầu nguyện

Trong một cuộc trò chuyện gần đây với một số giáo xứ, một trong các cha sở đã gọi năm 2020 là “thời điểm tạm dừng tuyệt vời”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe cụm từ này, chắc chắn nó đã khiến tôi phải dừng lại để xem xét những điều mà thời kỳ này mang lại cho chúng ta ngoài việc tập trung hạn hẹp vào đại dịch. Thời gian này có ý nghĩa gì đối với chúng ta về mặt thiêng liêng? Thời gian này có ý nghĩa gì đối với các giáo xứ gặp khó khăn về vấn đề nguồn lực, nhân sự và việc tham dự Thánh lễ ngày càng giảm? Nó có ý nghĩa gì đối chúng ta như một xã hội về những thứ chúng ta coi trọng và cách chúng ta sống? Làm thế nào chúng ta đồng hành với giáo dân cách tốt nhất trong thời kỳ này?

Một thống kê đáng ngạc nhiên vào giai đoạn đầu đại dịch xoay quanh cách mọi người ứng phó với cơn khủng hoảng này. Vào tháng 3 năm 2020, nghiên cứu của Jeanet Sinding Bentzen, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu về Tôn giáo, Kinh tế và Văn hóa, đã nhấn mạnh rằng đại dịch đang thúc đẩy một cuộc tìm kiếm mới trong việc cầu nguyện. Sử dụng công cụ phân tích của Google về những tìm kiếm cụm từ “cầu nguyện” trên internet ở 75 quốc gia, Bentzen nhận thấy rằng cường độ tìm kiếm cụm từ “cầu nguyện” tăng gấp đôi so với mỗi 80.000 trường hợp mắc COVID-19 mới trong một khu vực. Nghiên cứu này giúp các giáo xứ xem xét lại sứ mệnh làm trung tâm cầu nguyện cho tất cả mọi người - chứ không chỉ người Công giáo - và là một phần quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng và nỗ lực hơn nữa nhằm đào tạo người môn đệ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thường lánh khỏi mọi người để dành thời gian cầu nguyện một mình. Cầu nguyện là trọng tâm của quá trình đào tạo người môn đệ. Trong thừa tác vụ, chúng ta có nguy cơ dành cả ngày nói về Chúa Giêsu nhưng không nói chuyện với Ngài. Gương Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, với người môn đệ Chúa, đưa ra mỗi quyết định làm môn đệ Chúa Cha là điều tiên quyết. Cầu nguyện phải là trung tâm và tràn ngập toàn bộ tiến trình đào tạo người môn đệ. Trong cuốn Navigating the New Evangelization (Hướng dẫn việc Tân Phúc âm hóa), Cha Cantalamessa nhắc nhở chúng ta rằng “Cầu nguyện là điều cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng vì việc rao giảng của Kitô giáo chủ yếu không phải là truyền đạt một học thuyết mà là một cách hiện hữu. Người cầu nguyện mà không nói là người loan báo Tin Mừng tốt hơn người nói mà không cầu nguyện”[2]. Giá trị của việc cầu nguyện trong yên lặng và cô tịch là những ân phúc mà các giáo xứ thường không nhấn mạnh cho giáo dân hoặc những người đang tìm kiếm một cảm giác bình an sâu xa hơn trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn, tại những giáo xứ đã có sáng kiến cử hành Chầu Thánh Thể, họ thuật lại rằng mọi người đã bày tỏ lòng cảm mến khi được ở trong sự hiện diện của Chúa, mặc dù việc Chầu Thánh Thể được thực hiện trong những hoàn cảnh bất thường. Việc mở các lớp dạy cầu nguyện cơ bản, trung cấp và nâng cao, các suy niệm vào buổi tối và gửi cho gia đình các hộp lời nguyện nên tiếp tục là một phần đều đặn trong cách tiếp cận của chúng ta.

Thời điểm để làm rõ sứ mệnh và các giá trị của chúng ta

Tỉ lệ 20/20 được coi là tiêu chuẩn vàng khi nói đến thị lực. Khi bác sĩ mắt kiểm tra thị lực 20/20, cái được đo là độ rõ và độ nét trong thị lực của bạn đối với các vật thể cách xa 3,65m. Về mặt thể lí, nhiều người trong chúng ta không có thị lực 20/20, và nói về mặt thiêng liêng, không ai trong chúng ta có thị lực hoàn hảo 20/20. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các giáo xứ coi năm 2020 là thời điểm làm rõ tầm nhìn của mình để có thể tập trung tốt hơn vào sứ vụ? Nhiều giáo xứ đã tận dụng cơ hội này để làm điều đó.

Trong các giai đoạn đầu đại dịch, trong tinh thần cầu nguyện, nhiều giáo xứ đã bắt đầu xem xét lại sứ vụ và tầm nhìn của họ trước đại dịch và xem lại sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người nhằm biến đổi thế giới. Họ bắt đầu lượng giá lý do tại sao các nỗ lực xây dựng đức tin trong khoản thời gian rộng từ tháng Chín đến tháng Năm diễn ra trong cách lớp học mỗi tuần một giờ. Họ bắt đầu nghiêm túc coi trọng trách nhiệm đào tạo các môn đệ truyền giáo ngay cả khi họ không thể hội họp về mặt thể lý, khi biết rằng việc làm môn đệ thực sự là một lối sống, chứ không hạn hẹp trong khung thời gian hay các chương trình hoặc quy trình của chúng ta.

Đây là lúc nhiều giáo xứ tự đặt ra ba vấn đề liên quan đến cách thức tốt nhất để hướng về phía trước: Chúng ta cần ngừng làm gì để đào tạo môn đệ? Chúng ta cần tiếp tục làm gì để đào tạo môn đệ? Chúng ta cần bắt đầu làm gì để đào tạo môn đệ? Việc này đã làm cho mục đích rõ ràng hơn và là một cách tập trung lại vào những người thuộc về họ. Các giáo xứ khác đã dùng thời gian này để tạo ra những cơ hội phát triển chuyên môn cho các hội đoàn thông qua việc đào tạo trực tuyến hoặc bằng việc cùng nhau đọc các sách thiêng liêng kinh điển. Nhận định của một phó tế tại một giáo xứ nội thành cho thấy việc chuyển sang hình thức kết nối trực tuyến đã mang lại nhiều ơn lành như thế nào. Phó tế Larry nhận xét: “Khi tôi làm việc tại các văn phòng giáo xứ, tôi thường họp cùng cha sở và các hội đoàn trong giáo xứ một cách khá bất thường nhưng lại khá dễ dàng. Nếu có chuyện gì xảy ra, cha sở thường gọi chúng tôi lại để cầu nguyện hoặc chia sẻ tin tức. Thỉnh thoảng toàn ban mục vụ họp lại cùng nhau trong một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển sang làm mục vụ từ xa, chúng tôi phải có chủ ý hơn nhiều nhằm giúp ban mục vụ duy trì liên lạc. Một trong những cách chúng tôi thực hiện điều này là thông qua chương trình đọc Kinh truyền tin bằng chương trình Zoom với các hội đoàn mỗi ngày”.

Con người, không phải chương trình

Các giáo xứ là một bộ phận của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhưng chúng cũng là những hệ thống phức tạp, là cộng đồng trong các cộng đồng cùng hoạt động. Nhưng, về cơ bản, các giáo xứ hình thành từ những con người. Chính những người của chúng ta sẽ đổi mới giáo xứ của chúng ta, chứ không phải các chương trình, cách quảng cáo thú vị hay những nguồn lực to lớn. Đó chỉ là những yếu tố bên ngoài so với việc cốt lỗi là đổi mới các giáo xứ bằng cách đổi mới con người, khởi đi từ sự nhận biết vai trò và chứng tá của riêng chúng ta, vì tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh.

Các hội đoàn giáo xứ phần nào đó am hiểu một số khía cạnh đời sống giáo xứ của họ; họ có liên hệ chặt chẽ với một số giáo dân — thường họ là những người hoạt động tích cực nhất trong công việc mục vụ — và họ cũng ít chú ý đến những ai mà họ không quen biết. Trong đại dịch COVID-19, nhiều giáo xứ bắt đầu lượng giá cách tiếp cận giáo dân của họ khi không thể thực hiện các chương trình thường lệ của giáo xứ. Trong thời gian đại dịch, nhiều giáo xứ đã lập những nhóm gọi điện thoại cho nhau để kết nối lại với các giáo dân nhằm hỗ trợ và cầu nguyện với mọi người, đặc biệt với những người chỉ ở trong nhà, phải cách li, hoặc cô độc. Khi các giáo xứ tự xem lại những gì họ có thể và không thể làm, đặc biệt trước những đòi hỏi tăng cường sát khuẩn và các hướng dẫn về sức khỏe đang thay đổi, thì nhiều người bắt đầu nhìn các chương trình của giáo xứ từ một góc độ khác.

Điều này bao gồm các chương trình Khai tâm Kitô giáo. Các hội đoàn giáo xứ nhận thấy rằng, với việc tạm dừng các chương trình, việc gây quỹ và những việc mục vụ khác tùy hoàn cảnh, họ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu giáo dân, đặc biệt các dự tòng, những người mới được rửa tội và những người Công giáo lâu năm. Điều này tự nhiên khiến họ lượng giá phương pháp nhiệm huấn của mình. Nhiệm huấn (mystagogy) trong tiếng Hi Lạp được tạm dịch là “học biết hay giải thích các mầu nhiệm”. Nhiệm huấn là giai đoạn thứ tư trong Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn và kéo dài suốt Mùa Phục sinh cho đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và còn kéo dài hơn nữa. Việc đào tạo trường kì này phải được thực hiện suốt đời, và ở đây nó là điểm khởi đầu bước vào việc tự mặc khải của Thiên Chúa một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Đó là một quá trình trưởng thành trong đức tin nhờ cầu nguyện, học hỏi và thực hành với các tín hữu khác. Trong tông huấn Sacramentum Caritatis - Bí tích Tình yêu có một phần mang tiêu đề “Mystagogical Catechesis - Giáo lí nhiệm huấn”, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng phương pháp nhiệm huấn tập trung “vào việc gặp gỡ sống động và đầy thuyết phục với Đức Kitô, như đã được các chứng nhân đích thực công bố. Trước hết và trên hết chính vị chứng nhân dẫn đưa người khác đến với các mầu nhiệm[3]. Không còn bận rộn với các cuộc họp, email và các sự kiện, vài hội đoàn đã tận dụng thời gian đại dịch để hướng tới một nền văn hóa nhiệm huấn tại giáo xứ của họ, họ khai thác các kĩ thuật trực tuyến để giúp họ kết nối thuận lợi hơn với mọi người, đồng thời chú ý hơn phương pháp đào tạo đức tin kéo dài cả cuộc đời.

Định hình cho óc sáng tạo và linh hoạt truyền giáo

Chúng ta không còn não trạng “sinh hoạt như bình thường” khi nói đến đời sống giáo xứ, đặc biệt khi chúng ta nhìn tới một Hội Thánh hậu đại dịch. Trong bất kỳ tổ chức nào, bảy từ này là những từ đáng sợ nhất: Chúng tôi luôn làm theo cách đó. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục mời gọi, chào đón và đào tạo con người ngày nay giống như cách chúng ta vẫn làm trong nửa thế kỷ trước, thì chúng ta còn ở trong một tình trạng nhận thức sơ khai. Với những thế hệ mới sắp trưởng thành và trưởng thành, chúng ta thấy rõ hơn cách chúng ta tiếp cận đời sống giáo xứ cần thay đổi biết bao, đặc biệt khi tốc độ suy sụp ngày càng tăng theo cấp số nhân bởi đại dịch.

Tuy nhiên, tin vui là nhiều giáo xứ đã thấy những mầm sống mới xuất hiện khi họ đồng hành với giáo dân và tất cả những người trong cánh đồng truyền giáo trong thời đại dịch. Nhiều giáo xứ đã cân bằng sự khôn ngoan với một cảm thức “mạnh dạn thánh thiện” (holy boldness) và một mong muốn đáp trả và giảm bớt đau khổ của những người trong xứ. Họ hủy bỏ các chương trình đã định trước để tập trung vào con người và sắp xếp các nguồn lực nhằm đáp ứng những người trong cộng đồng. Họ đã tạo hình cho tính sáng tạo, khả năng thích ứng, uyển chuyển, và không còn chờ đợi các quy trình kéo dài, thứ phải được quyết định bởi một ủy ban nào đó. Tóm lại, họ rất linh hoạt. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng “giáo xứ không phải là một tổ chức lỗi thời; lý do chính là nó có tính linh động cao, nó có thể tiếp thu những tình huống khác biệt tuỳ theo sự cởi mở và óc sáng tạo truyền giáo của người mục tử và của cộng đoàn”[4]. Trong suốt thời gian đại dịch, chúng tôi đã chứng kiến ​​khả năng phản ứng nhanh của các giáo xứ ngay cả khi bị áp lực lớn, và điều này là một thành công lớn.

Bay, định hướng và truyền tin

Đồng thời, nhiều giáo xứ cũng rơi vào tình trạng căng thẳng trong thời đại dịch, điều này làm tôi đưa ra điểm cuối này: Làm thế nào để chúng ta tiếp tục hướng về phía trước trong thời kỳ vô cùng căng thẳng này? Về vấn đề này, một số bài học trong lĩnh vực hàng không có thể truyền cảm hứng cho chúng ta.

Ngay từ những ngày đầu tiên của khóa huấn luyện bay, các phi công được dạy một loạt các ưu tiên quan trọng sẽ theo họ suốt sự nghiệp bay: bay, định hướng và truyền tin. Ưu tiên hàng đầu luôn luôn là bay. Điều đó có nghĩa là lái máy bay bằng cách sử dụng bộ điều khiển bay và các thiết bị bay để định tư thế, độ cao và vận tốc của máy bay. Xung quanh những ưu tiên hàng đầu đó là xác định  bạn đang ở đâu và sẽ đi đâu (định hướng) và, khi thích hợp, nói chuyện với trạm kiểm soát không lưu hoặc với ai đó bên ngoài máy bay (truyền tin). Đối với các giáo xứ, bất kể họ đang ở trong tình trạng áp lực hay căng thẳng như thế nào, họ cũng cần ghi nhớ ba nguyên tắc quan trọng này đối với sứ vụ của họ. Chúng ta cần phải bay và tiếp tục đi, đừng bao giờ đánh mất hy vọng hay rơi vào tuyệt vọng. Chúng ta phải định hướng, luôn hướng mắt vào Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh, tập trung vào sứ vụ đào tạo môn đệ. Chúng ta cũng phải truyền tin, truyền tin, và truyền tin bằng cách tiếp tục chia sẻ Tin Mừng, là việc cần thiết hơn bao giờ hết.

Kết luận

“Chỉ giỏi nói chuyện đã rồi” là câu dân gian nhắc chúng ta rằng quả là dễ hơn nhiều nếu chỉ nhìn lại quá khứ rồi nghĩ về những gì lẽ ra chúng ta đã nên làm. Những gì mãi sau này chúng ta mới thấy rõ thì không luôn rõ ràng ngay lúc ấy. Khi nhìn lại, dường như chúng ta làm thế với một góc độ khôn ngoan và trưởng thành hơn. Nhưng chính từ thời điểm hiện tại tương lai mới được xây dựng. Thật vậy, triết gia Đan Mạch Søren Kierkegaard ghi nhận rằng “cuộc sống phải được hiểu bằng cách hướng về quá khứ... [nhưng] nó phải được sống hướng tới tương lai”[5]. Chính từ hôm nay, từ thời điểm hiện tại, mà sử sách đã được viết.

Khi người ta nhìn lại thời điểm đại dịch này trong lịch sử thế giới, họ sẽ nói gì về cách chúng ta đã sống? Họ sẽ thấy gì nơi chúng ta, tức Hội Thánh Công Giáo? Liệu họ có thấy cách chúng ta chăm sóc người bệnh, người hấp hối và người dễ bị tổn thương không? Liệu họ có thấy cách chúng ta hướng tầm nhìn vào Thiên Chúa và những gì Ngài muốn cho cuộc sống của chúng ta không?

Từ “chưa từng có” có nghĩa là điều gì đó không bao giờ xảy ra hoặc được biết đến trước đây. Nhưng mặc dù nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ trải qua một thời kỳ như thế này, thì Hội Thánh Công Giáo chắc chắn đã từng vượt qua những thời điểm kỳ lạ hơn và bất thường hơn. Vâng, đây là những lúc chưa từng có, nhưng chúng ta đủ mạnh mẽ để vượt qua chúng. Trải qua hai nghìn năm lịch sử, Hội Thánh Công giáo đã tồn tại qua các thời kỳ bách hại và ôn dịch. Hội Thánh đã tồn tại sau sự sụp đổ của đế quốc La Mã, Nạn dịch hạch Bubonic, nhiều nạn đói, hai cuộc thế chiến, các cuộc nội chiến và đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Giáo hội sẽ vẫn tồn tại sau đại dịch COVID-19.

Chúng ta hãy giữ ánh mắt hướng lên Chúa Giêsu, và hãy là Hội Thánh đúng như chúng ta được kêu gọi: sống động, không ngừng thay đổi, cầu nguyện, can đảm, trung thành và mạnh dạn.

-------

Julianne Stanz là Giám đốc ban Đời sống Giáo xứ và Truyền giáo của Giáo phận Green Bay, Wisconsin, và là tư vấn cho Ủy ban Loan báo Tin Mừng và Giáo lý trực thuộc Hội đồng  Giám mục Hoa Kỳ. Bà là người khát khao sống đức tin Công giáo cách vui tươi và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc sống của bà ở Ireland cho đến lúc trưởng thành. Cuốn sách mới nhất của bà có tên Start with Jesus: How Everyday Disciples Will Renew the Church, do nhà xuất bản Loyola Press, và có thể liên hệ với bà tại  www.juliannestanz.com.

Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 92-107.

Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII


[1] John Paul II, Redemptoris Missio, 3, encyclical letter, Vatican website, December 7, 1990, https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_ enc_07121990_redemptoris-missio.html.

[2] Raniero Cantalamessa, OFM Cap., Navigating the New Evangelization (Boston: Pauline Books, 2014), 25.

[3] Đức Bênêdictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 64, Biên dịch: Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN, 2007, trang 69.

[4] Đức Phanxicô, Niềm vui của Tin Mừng, số 28, Biên dịch: Uỷ ban Loan báo Tin Mừng/ HĐGMVN, 2013, trang 30.

[5] Søren Kierkegaard, Papers and Journals: A Selection, trans. Alastair Hannay (New York: Penguin Classics, 1996), 161.